Thông tin này được ông Ngô Văn Tuấn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cung cấp tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững: Những thách thức và động lực mới, diễn ra ngày 11/1/2018.

Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% năng suất lao động của Singapore

Năng suất thấp, tăng trưởng khó cao và bền vững

Tại Diễn đàn các chuyên gia cùng chung nhận định, mô hình tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua về cơ bản vẫn theo mô hình cũ, chậm được đổi mới, việc tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và số lượng lao động. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chậm lại, phương thức phân bổ nguồn lực xã hội chưa có sự thay đổi rõ rệt, năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp còn thấp.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Ngô Văn Tuấn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, việc thúc đẩy tăng năng suất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nền tảng của nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, thực tế đáng buồn là năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% năng suất lao động của Singapore, 17,6% của Malaysia và đặc biệt chỉ tương đương với 87,4% của Lào. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp thiết thực để tăng năng suất lao động có tác dụng quyết định đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng chất lượng tăng trưởng Việt Nam còn chậm, năng suất lao động chưa cao.

Trích câu nói nổi tiếng của ông Krugman, người đạt giải Nobel kinh tế, ông Bình nói: “Năng suất không phải là tất cả nhưng về lâu về dài thì nó gần như là tất cả”.

Dẫn lời ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, trong bài phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2016 rằng: “Trong vài năm gần đây, sau thời kỳ suy thoái toàn cầu Việt Nam đã phục hồi đà tăng trưởng ngoạn mục. Nhưng xu thế giảm mức tăng năng suất lao động vẫn tồn tại và gây quan ngại”, GS, TS. Nguyễn Quang Thuấn Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam quan ngại, bởi thách thức về năng suất lao động của Việt Nam trong bài phát biểu của ông Ousmane Dione được đặt lên trên các thách thức khác như môi trường, giảm nghèo và phúc lợi xã hội, và huy động vốn cho phát triển.

Phải biến tư duy về năng suất trở thành một phần của triết học quốc gia

Trong bài bài phát biểu của mình tại diễn đàn, GS. Trần Văn Thọ, đến từ Đại học Waseda, Tokyo, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã kể câu chuyện “6.000 ngày thần kỳ của Nhật Bản”.

Câu chuyện được GS. Trần Văn Thọ dẫn ra như một bài học mà Việt Nam cần hướng tới. Theo đó, Nhật Bản đã có khoảng gần 20 năm, khoảng 6.000 ngày (1955-1973) có tốc độ phát triển GDP bình quân hàng năm khoảng 10%.

Điều đặc biệt, theo GS. Thọ, trước khi bắt đầu “6.000 ngày thần kỳ”, vị thế của Nhật Bản khá tương đồng với Việt Nam hiện tại. Vào thời điểm đó, dân số, cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân cư, cơ cấu lao động của Nhật Bản khá tương đồng với Việt Nam, nông nghiệp vẫn chiếm phần lớn số lao động, năng suất lao động thấp.

Trên cơ sở kinh nghiệm của Nhật Bản, GS. Trần Văn Thọ cho rằng, đối với nước thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, công nghiệp hóa có ý nghĩa chiến lược. Đây là khu vực có năng suất cao, trở thành đầu tầu cho nền kinh tế.

“Nếu công nghiệp hóa không được thúc đẩy, lao động dư thừa sẽ vẫn tồn tại trong nông nghiệp hoặc chuyển sang các ngành dịch vụ giá trị gia tăng thấp, năng suất thấp”, vị chuyên gia đến từ Nhật Bản nhấn mạnh.

GS. Trần Văn Thọ cũng chỉ rõ, tại Việt Nam, doanh nghiệp vốn nước ngoài (FDI) chiếm vị trí lớn nhưng chất lượng FDI còn thấp, ít tác động đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế lên cao. Vì thế, nếu thay đổi chiến lược FDI sẽ góp phần tăng năng suất.

Đã vậy, liên kết hàng dọc giữa FDI và doanh nghiệp trong nước còn quá yếu nên tác động lan tỏa công nghệ, tri thức kinh doanh đến nền kinh tế còn yếu. Do đó, cần có chiến lược tăng liên kết hàng dọc sẽ tăng năng suất khu vực doanh nghiệp trong nước.

Quy mô doanh nghiệp nhỏ nên không có năng lực du nhập công nghệ, không đổi mới thiết bị, không đầu tư lớn để cách tân công nghệ.

Điều đáng quan ngại, theo GS. Trần Văn Thọ là hiện tại, rất ít thông tin về du nhập công nghệ của doanh nghiệp, không có data về ngoại tệ cho công nghệ du nhập. Vì thế, cần thu thập, chỉnh lý data để có chính sách định hướng.

Vị giáo sư này cho rằng, trong thời gian tới, việc đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại sẽ thu hút lao động dư thừa trong nông nghiệp, sẽ “phá hoại một cách sáng tạo” khu vực kinh tế cá thể làm cho năng suất lao động tăng nhanh.

“Nếu công nghiệp hóa không tiến triển, lao động sẽ chuyển sang các ngành dịch vụ giá trị thấp”, GS. Trần Văn Thọ cảnh báo.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này còn cảnh báo nguy cơ Việt Nam cũng bắt đầu cho thấy có khuynh hướng có hiện tượng giải công nghiệp hóa quá sớm.

“Với lực lượng lao động của một quốc gia sắp đạt 100 triệu dân, cần đẩy mạnh công nghiệp hóa trong một diện vừa rộng vừa sâu mới tránh hiện tượng giải (hậu) công nghiệp qúa sớm”, GS. Thọ đề xuất.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này còn cho rằng, Việt Nam không phải chỉ khuyến khích khởi nghiệp mà còn có chính sách nuôi dưỡng doanh nghiệp để mỗi doanh nghiệp sớm đạt quy mô. Nhất là cần phát huy lợi thế của nước đi sau, cần khuyến khích doanh nghiệp tích cực du nhập công nghệ, ưu tiên ngoại tệ cho du nhập công nghệ. Thay đổi chiến lược thu hút FDI theo hướng ưu tiên những dự án thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, liên doanh với doanh nghiệp trong nước, hoặc kết nối doanh nghiệp trong nước với mạng lưới cung ứng toàn cầu. Cần thúc đẩy phát triển một số ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, xuất khẩu được như sản phẩm phần mềm IT, dịch vụ tài chính.

Về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, theo GS. Trần Văn Thọ trước mắt đáp ứng nhu cầu trong trào lưu công nghệ mới, và về lâu dài có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường, của công nghệ.

“Chất lượng cao của nguồn nhân lực không nhất thiết tương ứng với các bậc học trên cao. Việt Nam trọng bằng cấp và nhìn chung ít chú trọng chất lượng của mỗi bậc học. Để lao động nông nghiệp và cá thể di chuyển vào công nghiệp, vào khu vực có tổ chức, chỉ cần làm tốt bậc trung học, cao đẳng…”, GS. Trần Văn Thọ chỉ rõ.

Thẳng thắn rằng, các giải pháp phát triển của Việt Nam còn chung chung, chưa cụ thể, không có tính khả thi cao, ông Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản đánh giá, chất lượng chính sách của Việt Nam vẫn thấp so với các nền kinh tế có năng suất cao ở Đông Á.

Vì thế, theo ông Ohno, chất lượng chính sách cần phải được cải thiện cả về tư duy và khả năng nhằm vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Ông Ohno chỉ rõ, tăng trưởng chậm lại do năng suất lao động giảm đi. Năng suất lao động của Việt Nam phản ảnh sự thâm dụng vốn (phạm vi đầu tư) trong khi năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) ở mức 0.

Vì thế, Việt Nam cần có tầm nhìn, mục tiêu, chia sẻ thông tin, khuyến khích và môi trường kinh doanh phù hợp để đưa nền kinh tế Việt Nam từ lắp ráp đơn giản đến tạo ra giá trị.

Đặc biệt, cần huy động nhiều phương tiện truyền thông để làm sáng tỏ quan điểm hiệu quả công nghiệp cao. Chiến dịch nhận thức phải tiếp tục được thực hiện trong nhiều năm cho đến khi năng suất trở thành một phần của triết học quốc gia./.