Nợ công tăng nhanh

Thủ tướng đã chỉ rõ điều này trong Bản báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015 tại phiên khai mạc Quốc hội sáng 20/10.

Theo báo cáo, ngân sách nhà nước 9 tháng tăng 17,2% so với cùng kỳ. Ước thu cả năm vượt 10,6% dự toán. Bảo đảm chi theo kế hoạch và nhu cầu cấp bách phát sinh. Bội chi ngân sách 5,3% GDP.

Dù nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép tại Nghị quyết số 10 của Quốc hội, nhưng báo cáo cũng cho biết, bội chi ngân sách còn cao và nợ công tăng nhanh.

Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định của chiến lược nợ công là không quá 25%) nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì khoảng 26,2%

Dư nợ công cuối năm 2013 bằng 54,2%; dư nợ chính phủ bằng 42,3%; dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 37,3% GDP. Dự kiến đến hết năm 2014, dư nợ công bằng 60,3% (tăng 6,1%); dư nợ chính phủ 46,9%; dư nợ nước ngoài của quốc gia 39,9% GDP.

Làm rõ hơn về vấn đề này, được sự ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tại Báo cáo về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015, cho biết, trong năm tới, Việt Nam sẽ phải chi 150 ngàn tỷ đồng (gần 7,1 tỷ đô la Mỹ) để trả nợ các khoản vay ngắn hạn, cả gốc và lãi, và các khoản vay trong nước.

Ông Dũng cho biết, trong năm tài khóa 2015, Chính phủ đề nghị mức bội chi ngân sách nhà nước là 5% GDP, tương đương với 226 nghìn tỉ đồng. Khi đó, dư nợ công năm 2015 sẽ vào khoảng 64,5% GDP.

Bội chi ngân sách nhà nước năm 2014 là 224 nghìn tỷ đồng, bằng 5,3% GDP, được dùng để có thêm nguồn thanh toán nợ ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Tài chính cho biết, số tiền vượt thu ngân sách dự kiến 52 ngàn tỷ đồng cũng được kiến nghị sử dụng để chi trả nợ, chi một số nhiệm vụ cấp bách như quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội.

Đỉnh nợ rơi vào năm 2016

Còn tại phiên thảo luận tổ ngày 21/10 về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, nợ vay trong nước đang tạo ra áp lực lớn vì thời hạn vay ngắn và lãi vay cao.

Theo Phó Thủ tướng, trong cơ cấu nợ công đến hết 2010, nợ nước ngoài chiếm 60%, nợ trong nước khoảng 40%. Đến năm 2013 nợ nước ngoài 50%, nợ trong nước 49% và cộng thêm nợ được Chính phủ bảo lãnh, chủ yếu là vay trong nước.

Phó Thủ tướng cho biết, trả nợ nước ngoài không căng thẳng lắm, bình quân vay nợ nước ngoài lãi suất chỉ 1,6%/năm; số nợ còn lại tính từ thời điểm này phải đến 12-13 năm sau mới phải trả nợ gốc và mức trả giảm dần từ từ.

Vấn đề là nợ trong nước. Nợ này vay kỳ hạn ngắn (3-4 năm), thậm chí cơ cấu vay có khoản chỉ có một năm. “Có kỳ hạn vay như năm 2013 là vay 1 năm đã tới gần 22,7% rồi nên trả nợ nhanh quá. Vừa vay xong sang năm đã bố trí trả nợ”, ông Ninh cho biết.

Vay kỳ hạn ngắn đã là áp lực. Nhưng áp lực lớn hơn nữa vì vay trong nước, thì lãi suất tương đối cao. Vay theo lãi suất thị trường càng làm căng thẳng lên ngân sách trả nợ.

“Vay trong nước khiến nợ công tăng nhanh”, Phó Thủ tướng giải trình với đại biểu và nói rằng nó làm tình trạng trả nợ căng thẳng, làm cho đỉnh nợ “rơi ” vào năm 2016.

Trong khi ngân sách quá eo hẹp

Báo cáo Ngân sách 9 tháng đầu năm 2014 của Bộ Tài chính cho biết, tổng thu NSNN đạt hơn 636 nghìn tỷ đồng, trong khi tổng chi thường xuyên và trả nợ lên đến gần 640 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù từ năm 2010 chi NSNN (không gồm trái phiếu chính phủ, các khoản chi đầu tư ngoài ngân sách) cho đầu tư phát triển giảm dần và ở mức khá thấp – khoảng hơn 17,8% tổng chi NSNN cho 9 tháng đầu
năm 2014; chi thường xuyên lại tăng khá mạnh 23,2% ~ 29,2% so với năm trước. 9 tháng đầu năm 2014 chi thường xuyên gần bằng 80% chi thường xuyên cả năm 2013.
Trong khi đó, tỷ lệ chi thường xuyên/thu thường xuyên (nguồn thu có tính bền vững) ngày một tăng, đến tháng 9/2014, chi thường xuyên đang chiếm đến gần 98% số thu thường. Nếu tính cả chi trả nợ, số thu thường xuyên 9 tháng đầu năm không đủ trang trải.
Tình trạng NSNN trở nên eo hẹp hơn khi tổng thu NSNN và viện trợ 9 tháng đầu năm 2014 không đủ bù chi thường xuyên, chi trả nợ (bao gồm gốc và lãi).
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, 9 tháng đầu năm tổng chi NSNN lên đến 718,6 nghìn tỷ đồng trong đó chi trả nợ và viện trợ 101,86 nghìn tỷ, chi thường xuyên các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính hơn 538 nghìn tỷ đồng. Tổng thu NSNN chỉ đạt hơn 636 nghìn tỷ đồng, trong đó thu thường xuyên đạt gần 603 nghìn tỷ đồng.
Không loại trừ khả năng NSNN đã phải dùng đến khoản vay/bội chi để bù đắp các khoản “chi thường xuyên” trong 9 tháng đầu năm 2014. Như vậy, dư địa tài khóa vốn đã hẹp thì từ nay đến hết năm 2014 dự báo sẽ còn hẹp hơn nhiều.

Nhìn vào cơ cấu thu – chi hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính của Quốc hội Phùng Quốc Hiển lo lắng khi chi cho phát triển con người, khoa học, công nghệ giảm dần. Chi đầu tư phát triển giảm quá nhanh không đảm bảo nguyên tắc cân đối chi đầu tư phát triển phải lớn hơn bội chi ngân sách nhà nước. Cải cách tiền lương không thực hiện được theo lộ trình và mục tiêu đề ra.

Dự kiến mức nợ công năm 2015 mà Bộ trưởng Bộ Tài chính đã báo cáo trước Quốc hội là 64,5% GDP, gần mức chạm trần 65% theo quy định của Quốc hội.

Cần tăng cường quản lý ngân sách nhà nước

Trước tình hình nợ công tăng cao, Thủ tướng đã chỉ rõ, cần tăng cường quản lý ngân sách nhà nước; tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá; triệt để tiết kiệm chi ngân sách, không tăng chi thường xuyên ngoài lương; bảo đảm bội chi theo kế hoạch (5% GDP).

Kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo đảm nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn.

Giải pháp này tưởng chừng như chỉ hô hào, nhưng thực tế lại là biện pháp cực kỳ quan trọng trong bối cảnh nợ công tăng cao hiện nay.

Thực tế, qua gần 30 năm đổi mới kinh tế, không năm nào Việt Nam có thặng dư ngân sách để có thể tích lũy trả nợ. Thâm hụt ngân sách cơ bản cao và kéo dài là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ công tích tụ ngày càng lớn.

Trong Chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 cũng cho thấy thâm hụt ngân sách sẽ vẫn còn tiếp tục kéo dài. Theo kế hoạch dự toán ngân sách 2014, Việt Nam sẽ phải dành ra 120.000 tỷ đồng, tương đương 15,3% thu ngân sách để trả nợ vay. Khoản ngân sách dành cho trả nợ này đã xấp xỉ 73,6% tổng chi đầu tư phát triển dự toán 2014. Tuy nhiên ngay cả phải dành một phần ngân sách lớn như vậy để trả nợ, thì vẫn không đủ. Chính phủ buộc phải trích thêm 70.000 tỷ đồng (gần 20%) trong tổng số nợ dự tính sẽ vay thêm trong năm nay lên đến 367.000 tỷ đồng.

Thế nhưng, các ràng buộc ngân sách của Việt Nam quá lỏng lẻo. Ràng buộc ngân sách lỏng lẻo cũng là biểu hiện của tình trạng kỷ cương, kỷ luật tài khóa kém. Chính điều này đã làm cho các quyết định chi tiêu hay vay nợ trở nên dễ bị tùy tiện và lạm dụng. Điều này trước hết biểu hiện ở con số quyết toán chi ngân sách hàng năm luôn cao hơn nhiều so với dự toán đề ra, và tình trạng này kéo dài trong rất nhiều năm. Thậm chí, số chi trả nợ thực tế còn lớn hơn nhiều so với số dự toán và điều này không những không có dấu hiệu cải thiện, mà còn nặng nề hơn trong những năm gần đây.

Điều này cũng cho thấy, công tác quản lý nợ đến hạn của Việt Nam đang có vấn đề. Thông thường, các khoản nợ phải trả trong kỳ tới đều phải có thể tổng hợp được trên cơ sở lịch trình trả nợ hợp nhất dự kiến của các khoản vay.

“Việc quản lý nợ như vậy là hết sức rủi ro, vì nó khó có thể cân đối được nhu cầu nắm giữ tài sản thanh khoản với khả năng thanh toán nợ tức thời một khi có yêu cầu. Khó khăn thanh khoản chỉ đến khi két tiền bắt đầu cạn trong khi vẫn còn nhiều khoản nợ đang chờ xếp hàng thanh toán”, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn – Chương trình Fulbirght đã chỉ rõ trong nghiên cứu của mình.

Vì vậy, việc cần làm ngay, mà lại ít tốn chi phí nhất chính là xốc lại kỷ cương ngân sách, kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách.

Còn Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thì cho rằng, với mức nợ công tăng nhanh như vậy: “Chúng ta phải bình tĩnh xử lý. Khẩn trương cũng mất vài năm để lành mạnh nợ công”./.