Vào đúng 0h00 ngày 6/7 theo giờ Washington, các biện pháp áp thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vào khối hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực.

Mỹ tuyên bố áp mức thuế lên tới 25% đối với khoảng 1.100 sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc, trong đó đợt đầu là 818 sản phẩm trị giá gần 34 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bùng nổ và là cuộc chiến thương mại lớn nhất từ trước tới nay.

Đây mới chỉ là bước đi đầu tiên của Washington trong cuộc đối đầu thương mại. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ khẩn trương áp đặt các biện pháp trừng phạt thuế suất thứ hai nhằm vào lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 16 tỷ USD của Trung Quốc.

Vài giờ sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế, Trung Quốc cũng tung biện pháp trả đũa với giá trị tương đương. Nếu như thuế của Mỹ đánh vào hàng xuất khẩu Trung Quốc thuộc các lĩnh vực như: động cơ, motor, xây dựng, máy nông nghiệp, thiết bị điện, viễn thông và giao thông, thì biện pháp trả đũa của Trung Quốc lại nhằm vào nông phẩm, ô tô và thủy sản.

Căng thẳng thương mại này không chỉ gây thiệt hại cho chính hai nền kinh tế Mỹ-Trung, mà còn tác động không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Những thời cơ mới có thể đến

Những năm gần đây, Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với độ mở lớn. Do đó, những biến động của kinh tế thế giới đều ít nhiều tác động đến kinh tế Việt Nam. Trước mắt, nếu chỉ nhìn vào các sản phẩm mà Mỹ và Trung Quốc áp thuế với nhau, tác động trực tiếp đối với hoạt động thương mại của Việt Nam không nhiều. Mỹ áp thuế với các sản phẩm công nghệ cao mà Việt Nam không xuất khẩu. Trung Quốc áp thuế với nhóm nông sản, thủy sản, phương tiện vận tải mà Việt Nam không sản xuất, hoặc không cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Mỹ. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh từ EU, Canada, Mexico với các sản phẩm tương tự sẵn sàng thế chân Mỹ tại Trung Quốc. Do vậy, cơ hội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam có chăng chỉ nằm ở nhóm sản phẩm thay thế, ví dụ như thịt lợn (dù không tương đương với thịt lợn Mỹ).

Nhưng nếu xem xét một cách dài hạn, xu hướng chuyển dịch thương mại sẽ ngày càng rõ nét. Hàng nông sản Mỹ gặp khó khăn tại Trung Quốc sẽ tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam, sức ép mở cửa thị trường với lý do giảm xuất siêu của Việt Nam sẽ ngày càng tăng.

Mặt khác, nâng thuế cao sẽ tạo ra lỗ hổng trong thị trường của cả Mỹ và Trung Quốc. Đây có thể là cơ hội cho các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam. "Trong điều kiện doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu giá rẻ để xuất khẩu thì đó là lợi thế giảm giá thành xuất khẩu để cạnh tranh", TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.

Cụ thể, xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc “leo thang” sẽ để ngỏ cho Việt Nam cơ hội gia tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Mỹ "cấm cửa" với hàng hóa máy móc, thiết bị điện tử, công nghệ cao của Trung Quốc, nhưng nhu cầu tiêu thụ của người Mỹ vẫn không hề giảm. Mấu chốt là Việt Nam phải thay thế được một phần vào sự thiếu hụt đó.

TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên Đại học Fulbright nói trên VnExpress: "Cơ hội vào Mỹ với một số lĩnh vực lâu nay chúng ta cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc như dệt may, da giày... sẽ đến nhiều hơn".

Căng thắng thương mại Mỹ - Trung sẽ tạo cơ hội cho dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định, đây là một trong những “điểm sáng” hiếm hoi cho Việt Nam từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nếu Việt Nam đáp ứng và đẩy mạnh được những mặt hàng là đối tượng chịu mức thuế trừng phạt ở Mỹ và Trung Quốc, thì đây là một lợi ích không nhỏ.

Một cơ hội khác cho Việt Nam là thúc đẩy dòng vốn FDI. "Có khả năng FDI của Trung Quốc và Mỹ vào Việt Nam sẽ gia tăng để thông qua Việt Nam giảm thiệt hại của cuộc chiến tranh thương mại", chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) nhận định trên báo Thể thao văn hóa.

Xung đột thương mại Mỹ - Trung có thể lúc nóng, lúc dịu, nhưng mâu thuẫn ẩn sau luôn tồn tại. Cho dù không xảy ra xung đột trực diện như hiện nay, Trung Quốc vẫn là nước bị Mỹ điều tra và áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp nhiều nhất. Các hạn chế đầu tư, các lệnh trừng phạt như với công ty ZTE của Trung Quốc vừa qua có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài có thể sẽ tìm địa điểm đầu tư thuận lợi hơn, trong đó có Việt Nam. Nếu tận dụng được cơ hội này để thu hút đầu tư, công nghệ để phát triển sản xuất sẽ hỗ trợ hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam. Điều quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành công trong lúc này đang nằm trong tay của chính các nhà quản lý Việt Nam, thu hút đầu tư như thế nào cho hiệu quả!

Thách thức cũng không hề nhỏ

Báo Thể thao Văn hóa dẫn lời PGS. TS. Phạm Tất Thắng thuộc Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương: “Khi Trung Quốc đã ứ hàng, khả năng thanh toán bị giảm đi, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc sẽ giảm. Điều này tác động tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc theo chiều hướng giảm. Trung Quốc sẽ gia tăng các biện pháp, rào cản kỹ thuật trong thương mại. Việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng không tốt”.

Nhiều dự án Trung Quốc đáng lẽ đầu tư vào Mỹ sẽ tìm cách đầu tư sang thị trường khác hoặc đầu tư trong nước. Có thể, họ thải các đời công nghệ cũ, dự án cũ sang các nước, trong đó có Việt Nam một cách mạnh mẽ hơn và chúng ta phải cảnh giác, thận trọng với vấn đề này.

Đồng tình với quan điểm trên, theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, khi hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ bị áp thuế cao, để giảm phụ thuộc vào Mỹ, duy trì năng suất, Trung Quốc có thể có những chính sách phá giá, đẩy hàng hóa sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam. Điều này tạo ra sức ép cho doanh nghiệp nội địa.

Ngoài ra, quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc bất ổn sẽ gây tác động mạnh tới tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ và đồng USD. Tiền Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tỷ giá của hai đồng tiền này nên cũng sẽ bị tác động.

TS. Trần Toàn Thắng cũng lưu ý, nếu xung đột thương mại gia tăng có thể sẽ kéo theo chính sách bảo hộ của các thị trường khác cũng gia tăng. Đó là vấn đề đáng lo ngại bởi bảo hộ thương mại thường có tính lan tỏa.

Nhắc lại chuyện Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng thép do cáo buộc xuất xứ từ Trung Quốc, TS. Huỳnh Thế Du cảnh báo: "Chúng ta đã từng bị nghi ngờ và có mặt hàng đã bị áp thuế cao do cáo buộc xuất xứ. Nếu Trung Quốc 'mượn' thị trường Việt Nam làm nguồn xuất xứ cho hàng hoá của nước này xuất sang Mỹ, sẽ là lợi bất cập hại". Bấy lâu nay tình trạng xuất khẩu hộ các nước khác cũng đã khá nặng nề! Cũng phải kể đến cả tình trạng gia công toàn diện vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, những biện pháp bảo hộ, trả đũa qua lại nhau giữa các nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư của Việt Nam theo những chiều hướng rất khác nhau, nhất là về lâu dài.

Chủ tịch VCCI lo lắng nguy cơ Việt Nam sẽ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc sau cuộc chiến thương mại này, khi hàng hoá nước này khó vào Mỹ và chuyển hướng sang các thị trường khác. Rủi ro này được Chủ tịch VCCI đặc biệt quan ngại, khi kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc của Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng 30% so với cùng kỳ 2017.

Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì?

Hiện chưa ai có thể đoán chắc cuộc chiến thương mại sẽ kéo dài bao lâu, nhưng có một điều chắc chắn rằng, đây chính là cuộc chơi của các cường quốc, cuộc mặc cả lớn để tranh giành ảnh hưởng, đồng thời không thể để ra ngoài sự phân tích tham số Mỹ - Nga, Nga – Trung và cả EU nữa! Song theo các chuyên gia, doanh nghiệp và nền kinh tế trong nước cần tỉnh táo để tận dụng được các thời cơ mà nó đem lại, đồng thời né tránh những thách thức có thể xảy đến.

Trong bối cảnh tranh chấp thương mại, Mỹ chắc chắn sẽ “để mắt kỹ hơn” đến luồng hàng hóa Trung Quốc thông qua một nước thứ ba như Việt Nam để vào Mỹ, nên đây không phải là một lối thoát dễ dàng cho hàng hóa Trung Quốc. Và nếu không cẩn trọng, hàng Việt Nam có thể bị "vạ lây" trong chiến lược xuất khẩu của mình.

Với vị trí tương đối bị động của Việt Nam, Chủ tịch VCCI đưa ra quan điểm cẩn trọng hơn, khuyến cáo doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình, chủ động ứng phó.

Ông Lộc cho rằng, đây là cách duy nhất để kịp thời phát hiện các dòng chuyển hướng thương mại, đầu tư, từ đó có biện pháp thích hợp nhằm tận dụng cơ hội hoặc ngăn chặn các nguy cơ. Từ các thông tin của Chính phủ, doanh nghiệp sẽ chủ động điều chỉnh sản xuất, tìm kiếm thị trường, đối tác hay cân nhắc sử dụng hoặc đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong, ngoài nước.

Quan trọng hơn, các chính sách của Chính phủ cần hỗ trợ đắc lực và doanh nghiệp tích cực cùng hướng tới phương thức sản xuất, kinh doanh bài bản, tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn kỹ thuật, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu khắt khe của Mỹ như về khai báo lý lịch khai thác thủy sản, các thủ tục xác minh doanh nghiệp, chứng minh xuất xứ sản phẩm gỗ hay kiên trì đấu tranh trong các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp. Vượt qua những thử thách này chính là giúp chúng ta vượt lên tầm cao mới về năng lực cạnh tranh cả về thể chế và sản xuất, kinh doanh để hội nhập thành công và phát triển bền vững.

Một gợi ý khác từ chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, phương án phòng vệ tốt nhất là phải tự đặt mình trong tư thế cực kỳ linh động và cố gắng tạo lập ra nhóm các đối tác chủ yếu để tăng cường giao thương với nhau, tạo thêm năng lực thị trường.

Nhóm này cũng đồng thời giảm thiểu nguy cơ gây chảy máu vốn và bất ổn tài chính, thay thế một phần cho thị trường Mỹ và Trung Quốc. Trong bối cảnh này, Việt Nam cần hướng nguồn lực vào phát triển thị trường nội địa và khu vực, để duy trì động lực tăng trưởng, hơn là kỳ vọng vào dư địa chính sách để ứng phó với tác động tiêu cực.

Mặt khác, Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu nhập khẩu. Ví dụ, các công ty thép nhập khẩu thép của Trung Quốc rồi xuất sang Việt Nam để tận dụng các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Qua đó, Mỹ cũng có thể đánh thuế rất cao, tới 50% vào thép của Việt Nam xuất sang Mỹ mà có xuất xứ từ Trung Quốc.

“Các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành. Để làm việc này, các bộ, ngành cần thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là phải giảm ít nhất 50% các điều kiện kinh doanh, giấy phép con, thủ tục hành chính cũng như giảm các khoản chi phí ngoài pháp luật mà các doanh nghiệp vẫn đang báo cáo rằng họ đang phải chi. Đó là cơ hội để Việt Nam có thể tiếp tục cải cách trở thành một quốc gia, một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao như Thủ tướng yêu cầu là tương đương với Asean 4, gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ./.

Tham khảo từ các nguồn:

https://vov.vn/kinh-te/chien-tranh-thuong-mai-mytrung-co-anh-huong-toi-kinh-te-viet-nam-786184.vov

https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/chien-tranh-thuong-mai-my-trung-anh-huong-ra-sao-toi-kinh-te-viet-nam-3774035.html

https://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/chien-tranh-thuong-mai-my-trung-viet-nam-chiu-tac-dong-2-chieu-ra-sao-n20180707073433769.htm

https://thethaovanhoa.vn/the-gioi/tac-dong-cua-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-toi-viet-nam-the-nao-n20180712121707313.htm

http://www.thesaigontimes.vn/274709/tranh-chap-thuong-mai-my-trung-va-tac-dong-toi-viet-nam-.html