Bức tranh nợ công thực sự thế nào?

Báo cáo tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, trước năm 2010, các chỉ số về nợ ở mức thấp, phù hợp với định hướng điều hành của Chính phủ về giới hạn an toàn nợ chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Cụ thể dư nợ chính phủ năm 2001 ở mức 35% GDP, năm 2006 là 35,2% GDP, năm 2009 tăng mạnh lên 41,9% GDP do tăng vay nợ để kích cầu. Dư nợ quốc gia năm 2001 ở mức 38,1%, giảm dần vào năm 2006 xuống 31,2%, và sau đó tăng dần đến năm 2009 ở mức 38,8% GDP.

Từ năm 2010 đến nay Luật Quản lý nợ công có hiệu lực thi hành, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, công tác quản lý nợ đã có nhiều chuyển biến tích cực, tăng cường công khai,minh bạch, tăng cường trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay.

Vốn vay đã bổ sung nguồn vốn đáng kể đầu tư xã hội và đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhiều dự án lớn trọng điểm. Năm 2010 tỷ trọng chi đầu tư phát triển của chúng ta 21,6% trong dự toán.

Năm 2014 xuống 16,2% và năm nay 2015 chúng ta đang dự kiến 17,1% trong dự toán ngân sách, nên từ năm 2010 chúng ta phải huy động mức trái phiếu chính phủ cho đầu tư rất lớn.

Giai đoạn 2014 - 2016 huy động thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ ngoài 225.000 tỷ đồng của giai đoạn 2011 - 2015. Bội chi ngân sách ở mức cao cùng với việc thúc đẩy nhanh việc giải ngân vốn vay ODA, dư nợ công đã tăng nhanh cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP.

Năm 2011 nợ công của chúng ta bằng 50% GDP tăng 24,8% so với năm trước. Năm 2012 nợ công 50,8% GDP và tăng 18,4%. Năm 2013 là 54,2% GDP tăng 17,9% và ước 2014 nợ công 60,3% GDP tăng 23,3% và dự kiến 2015 là 64% GDP tăng 19,9%.

“Mặc dù vậy, trong thời gian qua các chỉ số về nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia như tỷ lệ nợ công và nợ chính phủ trên GDP, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ từ cân đối ngân sách nhà nước so với tổng thu ngân sách nhà nước vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép nhưng đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. nợ Chính phủ và nợ quốc gia quy định 50%, nợ công không quá 65%”, Bộ trưởng Dũng nói.

Thời gian qua, nước ta đã đảm bảo trả đầy đủ kịp thời nghĩa vụ nợ đến hạn và không phát sinh nợ xấu.

Cơ cấu các khoản nợ vay trong nước tăng, góp phần giảm phụ thuộc vào nguồn vốn vay nước ngoài và giảm rủi ro về tỷ giá. Tỷ trọng dư nợ trong nước của Chính phủ tăng từ 40,3% năm 2010 lên 54,5% năm 2014. Nợ nước ngoài giảm tương ứng với mức với mức từ 59,7% năm 2010 xuống 45,5% năm 2014.

Về sử dụng tiền vay, qua tổng kết, người đứng đầu ngành tài chính cho biết, số vay về để đầu tư là 98,1%; Vay hòa vào ngân sách 1,4% và vay chi sự nghiệp 0,4% số tiền vay.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cũng thừa nhận, dư nợ công tăng nhanh, đến cuối năm 2015 đã sát giới hạn Quốc hội phê duyệt.

Cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững, mặc dù các khoản vay trong nước đã tăng lên trong những năm gần đây nhưng các khoản vay trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn, trong khi kỳ hạn còn lại của các khoản vay nước ngoài của Chính phủ là 12,8 năm, thì nợ trong nước chỉ khoảng 4,3 năm, riêng trái phiếu chính phủ 2,6 năm, làm tăng áp lực bố trí chi trả nợ trong ngắn hạn.

“Thực tế, trong những năm qua, chúng ta đã phải phát hành, đảo nợ để trả nợ khi đến hạn, cụ thể năm 2012 là 20.000 tỷ, năm 2013 là 40.000 tỷ, năm 2014 trong dự toán đang dự kiến 77.000 tỷ, nếu như thu ngân sách vượt lên theo số báo cáo Quốc hội, thì bố trí tăng thêm trả nợ thì số đảo nợ sẽ giảm đi và dự kiến trong dự toán năm 2015 là 130.000 tỷ đồng”, tổng tư lệnh ngành tài chính cho biết thêm.

Bên cạnh đó, áp lực huy động vốn hàng năm rất lớn, chi phí huy động vốn cao, mặc dù đã có xu hướng giảm trong 2 năm gần đây. Lãi suất trái phiếu chính phủ bình quân năm 2010 là 10,85%/năm, năm 2011 là 11,9%/năm, năm 2012 là 10,03%/năm, 2013 là 7,96%/năm và 10 tháng đầu năm 2014 là 6,81%/năm, đang có xu hướng giảm.

Việc sử dụng các khoản vốn vay ngắn hạn cho đầu tư dài hạn phát sinh rủi ro làm cho nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, tạo áp lực bố trí nguồn trả nợ 2012, 2013, các khoản trái phiếu chính phủ chủ yếu là ngắn hạn, kỳ hạn dưới 5 năm chiếm khoảng 77-78% trong tổng số phát hành và 10 tháng đầu năm 2014, chúng ta có một bước cơ cấu lại ban đầu, tức là số phát hành 5 năm, 10 năm, 15 năm từ 22% của năm 2013 tăng lên 46-47%.

Nghĩa vụ trả nợ của ngân sách nhà nước có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt trong vài năm tới, những năm 2012, 2013 chúng ta phát hành trái phiếu rất thấp, ngắn hạn. Một số dự án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, dự án được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài không hiệu quả, không trả được nợ, làm phát sinh nghĩa vụ nợ dự phòng hoặc phải tái cơ cấu lại tài chính, chuyển sang cơ chế nhà nước đầu tư vốn, làm tăng nghĩa vụ chi trả nợ trực tiếp của Chính phủ, số này cũng có nhưng ít.

Đâu là nguyên nhân?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã thẳng thắn chỉ ra Nguyên nhân của tồn tại và hạn chế như sau:

- Do áp lực tăng vay nợ cho đầu tư phát triển dẫn đến tăng nợ công, như phân tích ở trên trong điều kiện cân đối ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2011-2015, khó khăn đã phải duy trì ngân sách nhà nước ở mức cao và tăng phát hành trái phiếu chính phủ cho đầu tư phát triển. Đồng thời do cân đối khó khăn phải bố trí chi trả nợ thấp hơn nhu cầu phải thực hiện phát hành đảo nợ, phần nợ gốc.

- Thị trường vốn chưa phát triển, phát hành trái phiếu Chính phủ chỉ mới đáp ứng 50-70% yêu cầu nhiệm vụ huy động vốn hàng năm. Năm 2011 được 49,5%, năm 2012 được 69,5%, năm 2013 bằng 59,3% và năm 2014 khoảng 65%, nên phải tăng vay từ các nguồn vốn ngắn hạn, tạm thời khác.

Chi phí huy động cao, cơ cấu phát hành trái phiếu chính phủ hàng năm, kỳ hạn ngắn từ 1 đến 3 năm là cao, năm 2011 chiếm 62,7%, năm 2012 chiếm 75,8%, năm 2013 chiếm 77,5%, 10 tháng đầu năm 2014 là 54,4% đã có bước tiến bộ, làm tăng áp lực trả nợ trong ngắn hạn, đồng thời nhiều khoản vay ngoài nước đến hạn trả nợ gốc vào năm 2015, 2016, áp lực trả nợ vào 2015, 2016 là lớn.

- Huy động, phân bổ sử dụng vốn vay chủ yếu mới căn cứ vào đề xuất của các bộ, ngành, địa phương. Chưa đặt trong mối quan hệ chặt chẽ và cân đối với các nguồn vốn đầu tư khác, chưa bám sát vào các hạn mức nợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và xác định mức vay cho phù hợp với khả năng trả nợ, chưa gắn trách nhiệm với người quyết định vay và người sử dụng có hiệu quả vốn vay.

- Một số chủ dự án chưa thực hiện tốt các khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện, làm giảm hiệu quả đầu tư. Nhiều dự án điều chỉnh tăng quy mô dẫn đến phải tăng vay nợ, tạo áp lực gia tăng nợ công.

- Công tác tổ chức và quản lý nợ công còn phân tán, nhiều đầu mối ở các bộ, ngành, địa phương. Năng lực giám sát nợ công còn hạn chế, hệ thống số liệu về nợ công còn chưa được chuẩn hóa, chưa thực hiện tốt các quy định và phối hợp chặt chẽ trong việc tổng hợp, báo cáo và công khai thông tin về nợ công theo quy định.

Qua 5 năm thực hiện Luật Quản lý nợ công cũng bộc lộ một số tồn tại cần rà soát, đánh giá toàn diện để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bảy giải pháp của Chính phủ

Về giải pháp, trong các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội đã đề xuất các giải pháp nhằm điều chỉnh cơ cấu ngân sách nhà nước vững chắc, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm là:

Thứ nhất, trình Quốc hội thông qua dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật quản lý nợ công (sửa đổi) để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước và nợ công, tạo động lực phát triển.

Thứ hai, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, quyết liệt chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế. Thúc đẩy cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực thuế và hải quan để thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, tạo nguồn thu ngân sách nhà nước ổn định và bền vững.

Thứ ba, triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng trong cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Rà soát quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước, bảo đảm đúng dự toán được giao, từng bước tinh giảm biên chế bộ máy, tiết kiệm các khoản chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công, chi mua sắm phương tiện, trang, thiết bị đắt tiền, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài và kết hợp với cơ cấu lại cân đối ngân sách nhà nước để dành tiền cho đầu tư, cho trả nợ và cải thiện đời sống của cán bộ công chức.

Thứ tư, rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án đã triển khai trong giai đoạn 2011 - 2015 để cắt giảm, lồng ghép các chính sách, xây dựng lộ trình, quy mô phù hợp đối với từng nhóm chính sách để thực hiện trong giai 2016 -2020. Chỉ ban hành các chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và phải đảm bảo được nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Thứ năm, đối với chi đầu tư phát triển. Phân bổ tập trung, sử dụng có hiệu quả, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm của đất nước, thúc đẩy mạnh mẽ, kêu gọi hợp tác theo hình thức công tư và các hình thức đầu tư. Không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để tăng nguồn lực đầu tư toàn xã hội.

Thứ sáu, tiếp tục các giải pháp phát triển thị trường tài chính, thị trường trái phiếu trong nước và từng bước cơ cấu lại các khoản nợ công. Tăng nhanh các khoản vay trung hạn, dài hạn, hạn chế tối đa việc huy động với thời gian ngắn hạn, lãi suất cao. Ưu tiên bố trí chi trả nợ, nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay của Chính phủ, rà soát, loại bỏ các dự án không hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh của Chính phủ, các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ xây dựng cơ bản của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay về cho vay lại để giảm thiểu phát sinh các nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, tăng cường công tác quản lý nợ và giám sát nợ.

Thứ bảy, xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn của giai đoạn 2016 - 2020. Thực hiện tính đúng, tính đủ mức bội chi và lộ trình giảm dần bội chi ngân sách nhà nước, giữ mức khống chế trần nợ công không quá 65%, nợ Chính phủ không quá 55%, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

"Đúng là thực sự chúng ta hiện nay đang nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội, trong chiến lược nợ công của Chính phủ, nhưng chúng ta đang gặp khó khăn. Chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ của cử tri, đại biểu Quốc hội cùng với Chính phủ quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội, từ đó giảm dần nợ công, nợ xấu, gắn với sử dụng vốn có hiệu quả, tăng cường kiểm tra, giám sát sử dụng vốn có hiệu quả, thực hành tiết kiệm", người đứng đầu ngành tài chính chia sẻ.

Quốc hội không đứng ngoài phê phán nợ công

Mặc dù nợ công đang trong ngưỡng an toàn, nhưng Đại biểu Nguyễn Anh Sơn - Nam Định lại cho rằng: “Thật khó và không yên tâm khi dễ dàng nhận thấy dư nợ công trong năm qua tăng nhanh về số tuyệt đối, tiến nhanh đến ngưỡng Quốc hội cho phép và chưa có dấu hiệu giảm đi. Không thể yên tâm khi nghĩa vụ trả nợ hàng năm tăng lên trong bối cảnh thu ngân sách hết sức khó khăn nên chúng ta chỉ có thể bố trí trên dưới 25% để trả nợ, thấp hơn nghĩa vụ phải trả và thực tế nguồn thực trả từ ngân sách cũng chỉ chiếm có 14% trong tổng 25%, phần còn lại là do động tác thực hiện đảo nợ. Tích lũy nợ công ngày càng tăng, chưa biết khi nào chúng ta mới chút hết được gánh nợ nợ công này”.

Với trăn trở đó, đại biểu Sơn chỉ rõ, Quốc hội không những đồng cảm, chia sẻ mà còn cùng chịu trách nhiệm với Chính phủ, với các ngành trong việc giải quyết bài toán nợ công, chứ chúng ta không đứng ngoài phê phán.

Đại biểu Đỗ Thị Hoàng - Quảng Ninh cho rằng, nợ công không phải là vấn đề riêng của Việt Nam, cũng không chỉ là vấn đề riêng của các nước đang phát triển.

Vị đại biểu này nhìn nhận, nợ công không phải lúc nào cũng dẫn đến kết quả xấu. Nợ công ở nước ta là chính sách tài chính công tích cực trong điều kiện tích lũy của nền kinh tế thấp, tiết kiệm nội địa chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển và đảm bảo quốc phòng, an ninh trong giai đoạn mới.

Song nợ công của chúng ta đã vượt quá con số 84 tỷ USD, khoảng 1.700.000 tỷ đồng và nếu tính trên bình quân đầu người, thì khoảng trên 900 USD và xấp xỉ 20.000.000 đồng/1người. Trong đó nợ phải trả năm 2014 là 208.000 tỷ đồng, nhưng phần cân đối ngân sách chỉ có 118.000 tỷ, còn thiếu khoảng 90 nghìn tỷ đồng

Dư nợ tăng nhanh sát với ngưỡng an toàn trong năm 2015, trong khi nguồn thu ngân sách chủ yếu dựa trên tài nguyên khoáng sản và hoạt động xuất, nhập khẩu. Tỷ lệ thuế trực thu tăng chậm do hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế thấp.

Cơ bản đồng tình với các giải pháp về kiểm soát nợ công đảm bảo an ninh tài chính quốc gia mà Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nữ đại biểu này đề nghị; (1) Tiếp tục các giải pháp hiệu quả hơn trong kích thích tăng trưởng, mở rộng thị trường, chủ động kết nối sản phẩm giữa các doanh nghiệp quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh; (2) Quản lý chặt chẽ hơn việc chi tiêu công cả trong đầu tư phát triển và chi thường xuyên; (3) Minh bạch hóa các hoạt động của bộ máy nhà nước, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong khâu cấp phát, sử dụng ngân sách nhà nước; (4) Tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng các thể chế về quản lý ngân sách nhà nước, khuyến khích thu hút các nguồn lực đầu tư ừ xã hội; (5) Tăng cường giám sát của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và của toàn xã hội đối với quản lý và sử dụng các nguồn lực của nhà nước và của xã hội, chống tiêu cực và tham nhũng.; (6) Xác định trách nhiệm không chỉ của riêng ai đối với các giải pháp nhằm thắt chặt nợ công.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng - Bình Dương đánh giá, kỷ luật tài khóa của ta chưa nghiêm.

Phụ lục số 4, Báo cáo của Chính phủ về thực hiện chi ngân sách nhà nước năm nay cho thấy hầu hết các ngành đều vượt chi.

Tiêu biểu như chi sự nghiệp kinh tế vượt chi hơn 4.400 tỷ đồng, chi giáo dục đào tạo, dạy nghề vượt chi hơn 1.500 tỷ đồng, ngành nào, lĩnh vực nào cũng vượt chi. Chỉ có ngành dân số, kế hoạch hóa gia đình cà chi sự nghiệp khoa học, công nghệ không có chi vượt, kỷ luật tài khóa như vậy là kém.

“Trong tình hình khó khăn về ngân sách như hiện nay, nơi nào, ngành nào vượt chi cần phải biết xấu hổ, người dễ dãi cho phép vượt chi cũng nên phải biết xấu hổ”, ông Đáng thẳng thắn./.