5 giải pháp trọng yếu để thu hút đầu tư ở Bình Thuận
Doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và chất lượng
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của UBND tỉnh Bình Thuận, năm 2017, Tỉnh có nhiều cố gắng, bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt khá, theo hướng tập trung hơn; công tác giải phóng mặt bằng và các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh được đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành đưa vào hoạt động để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, công tác hợp tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cũng được đẩy mạnh, như: tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 tỉnh Bình Thuận, Hội nghị “Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”, đối thoại doanh nghiệp, nhân dân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh... để thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách.
|
Một góc Bình Thuận |
Nhờ những nỗ lực này, tình hình thu hút dự án đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp năm 2017 của Tỉnh có chuyển biến tích cực, dự án được cấp chủ trương đầu tư và doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng khá cao cả về số lượng và vốn đăng ký.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 586 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 13.744 tỷ đồng (so với năm 2016 tăng 32,8% về số doanh nghiệp và tăng 171,7% về số vốn đăng ký); có thêm 142 dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư và Quyết định chủ trương đầu tư điều chỉnh, với tổng diện tích đất 2.760ha, tổng vốn đăng ký 43.872 tỷ đồng (tăng 57% so với cùng kỳ năm 2016).
Riêng đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đã thu hút được 5 dự án, tổng vốn đầu tư 10,7 triệu USD (cùng kỳ năm trước 5 dự án/1,3 triệu USD).
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Để tiếp tục thu hút đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, năm 2018, Bình Thuận đưa ra 5 giải pháp trọng yếu, như sau:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy về cải thiện tốt môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác, khuyến khích khởi nghiệp, coi phát triển doanh nghiệp là then chốt trong phát triển kinh tế.
Thứ hai, triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả các cơ chế, chính sách và giải pháp của Chính phủ và của Tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên và môi trường, xây dựng, đăng ký kinh doanh, đầu tư, công bố quy hoạch và các thủ tục hành chính liên quan tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực xã hội như vốn, tài nguyên, đất đai… và cơ hội đầu tư kinh doanh một cách minh bạch, bình đẳng theo cơ chế thị trường.
Thứ ba, triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính. Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Thứ tư, tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, kịp thời bãi bỏ, điều chỉnh, bổ sung những văn bản không còn phù hợp với quy định hiện hành của trung ương và tình hình thực tế của địa phương, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi, đúng quy định của pháp luật. Thực hiện rà soát các quy trình xử lý công việc, cách thức xử lý từng thủ tục cụ thể để bảo đảm thông suốt, không ách tắc giữa các cấp, các ngành.
Thứ năm, tiếp tục làm tốt công tác đối thoại, lắng nghe ý kiến kiến nghị, đề xuất của người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc đảm bảo hiệu quả, đúng quy trình, quy định. Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, minh bạch, công khai hóa thông tin về hoạt động doanh nghiệp nhà nước./.
Bình luận