90 năm mùa Xuân của Đảng cầm quyền vì nhân dân
Lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam
Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã ra đi tìm con đường mới cho sự nghiệp cứu nước, đấu tranh giành độc lập dân tộc. Mang trong mình khát vọng lớn lao, cháy bỏng, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở học thuyết cách mạng này con đường cứu nước đúng đắn - con đường cách mạng vô sản.
Ngày 03/02/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản họp ở bán đảo Cửu Long, thuộc Hồng Kông (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đã quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản ở nước ta thành một Đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đây là một bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về tổ chức và đường lối của cách mạng Việt Nam. Việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là thành quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
Từ khi ra đời năm 1930 cho đến nay, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945); bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám; tiến hành 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975) và tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên cả nước, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1975 đến nay.
Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua đã chứng tỏ sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam.
Thực tiễn đó khẳng định một chân lý: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đặt lợi ích của quốc gia dân tộc và của nhân dân là mục tiêu tối thượng
Kể từ khi có Đảng, nhân dân ta luôn dành cho Đảng một lòng tin yêu son sắt. Chính sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân, mà nhân dân thường gọi Đảng với cái tên trìu mến và thiêng liêng "Đảng ta".
Sức sống mãnh liệt của Đảng trong lòng dân tộc và nhân dân trong suốt chặng đường 90 năm qua là vì Đảng luôn đặt lợi ích của quốc gia dân tộc và của nhân dân là mục tiêu tối thượng .
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, cách đây 60 năm. Người còn cho rằng: "Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ". Đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên hết chính là mục tiêu tối thượng của Đảng.
Sức sống của Đảng mạnh mẽ trong lòng dân tộc và nhân dân xuyên suốt 90 năm qua cũng vì mọi chủ trương, chính sách và hành động của Đảng đều hướng đến mục tiêu cao nhất là lợi ích của dân tộc và nhân dân. Đây cũng chính là nguyên tắc căn bản của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần khẳng định, "hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả". Tư tưởng nhất quán này được biến thành hành động trong thực tế của Đảng.
90 mùa Xuân đồng hành cùng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đảm đương sứ mệnh lịch sử: dẫn dắt, lãnh đạo dân tộc và nhân dân. Ở mỗi giai đoạn cách mạng đều có những thử thách, chông gai. Nhưng nguyên tắc bất di, bất dịch của Đảng là: "Không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân". Đặt lợi ích của dân tộc và nhân dân là tối thượng cho mọi chủ trương và hành động. Làm được điều ấy, tất yếu Đảng sẽ trường tồn.
Đảng mạnh là có nhân dân bên cạnh
Tuổi 90 của một đảng cộng sản có số lượng đảng viên sau 12 kỳ Đại hội tăng gấp 9.000 lần (Đại hội I năm 1935 có 500 đảng viên, Đại hội XII năm 2016 có 4,5 triệu đảng viên), cầm quyền ở một quốc gia có dân số tăng gấp 5 lần (đầu thế kỷ XX là 20 triệu dân, đầu thế kỷ XXI là gần 100 triệu dân); lại là quốc gia đa văn hóa dân tộc (54 dân tộc) đa tôn giáo (16 tôn giáo được công nhận) - điều không phải phổ biến, thậm chí rất khó thấy trong khu vực và thế giới ngày nay.
Vì vậy, để tiếp tục giữ vững được niềm tin yêu của nhân dân, trong hành trình tới, từng đảng viên, từng tổ chức Đảng phải không ngừng phấn đấu, tự hoàn thiện chính mình để đáp ứng với từng giai đoạn lịch sử, khẳng định và kiên định với con đường đã chọn trên nền tảng Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được nhưng vẫn còn những người hủ hóa. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho các đồng chí đó”.
Ôn lại truyền thống vẻ vang của Đảng ta, mỗi Đảng viên càng cần ý thức không ngừng chăm lo tạo dựng niềm tin của nhân dân, hết lòng, hết sức chăm lo đời sống nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Mọi đường lối, chủ trương, chính sách, phong trào cách mạng phải có sự tham gia trực tiếp của phong trào quần chúng nhân dân. Cùng với đó, tiếp tục kiên trì tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp đến tận chi bộ và từng đảng viên.
90 năm nhìn lại một hành trình, Đảng mạnh là có nhân dân bên cạnh, được nhân dân coi Đảng Cộng sản là Đảng “của mình”.
Tiếp nối truyền thống, tiếp tục vững vàng ngọn cờ vì đất nước, vì nhân dân chúng ta đủ niềm tin có những thành tựu lớn hơn trong tương lai./.
Bình luận