Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến biển, đảo và dành nhiều tình cảm cho nhân dân vùng biển đảo, cũng như lực lượng vũ trang nhân dân bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Sự quan tâm và tình cảm đó được thể hiện qua những bức thư, bài viết, bài nói chuyện với quân dân vùng biển khi Người đến thăm. Những lời căn dặn của Bác vô cùng sâu sắc và có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với chúng ta trong công cuộc phát triển kinh tế biển và bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc hôm nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định, biển ta là “biển bạc”, nơi đây chứa nhiều tài nguyên phong phú và quý hiếm, là một trong những nguồn lực to lớn để phát triển kinh tế, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Người thường xuyên đến thăm nhân dân và chiến sĩ vùng biển, đảo để tìm hiểu, khảo sát, chỉ đạo và động viên phát triển kinh tế biển. Đến thăm Quảng Bình, Người căn dặn: “Đối với Quảng Bình, nghề biển, nghề rừng cũng quan trọng không kém nghề ruộng”[1]. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của các cảng biển, đề cao phát triển vận tải biển. Ngày 30/5/1957, đến thăm cảng Hải Phòng, Người nhắc nhở: “Cảng ta là cửa ngõ miền Bắc xã hội chủ nghĩa… Muốn xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa, phải có công nghiệp hiện đại, giao thông vận tải hiện đại, cảng hiện đại”[2].

Từ vị trí, vai trò của biển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến vấn đề bảo vệ biển, đảo. Ngày 15/3/1961, nhân dịp đến thăm Bộ đội Hải quân lần thứ hai, Người chỉ rõ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”[3]. Đồng thời, theo Người: “Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển”[4]. Hồ Chí Minh chỉ ra tính thống nhất biện chứng, mối quan quan hệ chặt chẽ, mật thiết giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo là cơ sở để ổn định sản xuất, phát triển kinh tế biển, kiến thiết đất nước và ngược lại ổn định sản xuất, phát triển kinh tế biển là cơ sở để nâng cao năng lực, khả năng tự vệ trước các âm mưu, hành động của kẻ thù hòng xâm chiếm, đánh phá biển, đảo của Tổ quốc.

Ngày 10/4/1956, khi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ phát động miền biển, Người đã căn dặn: “Lực lượng nhân dân tổ chức nhau lại là chính”. Đây là vấn đề sống còn của cách mạng Việt Nam, mang tính nguyên tắc chiến lược trong sự nghiệp phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bởi lẽ, chính nhân dân là lực lượng trực tiếp lao động sản xuất, phát triển kinh tế biển và mọi nguồn nhân lực, vật lực để bảo vệ biển, đảo cũng từ nhân dân mà ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[5]. Nhân dân là lực lượng vô tận của cách mạng và là động lực làm nên thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ  chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay

Bác Hồ nói chuyện với nhân dân đảo Cát Bà ngày 31/3/1959. Ảnh: Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh

Để phát huy tối đa vai trò của nhân trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải luôn quan tâm chăm lo đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, trong đó có nhân dân miền biển. Ngày 31/3/1959, khi nói chuyện với ngư dân làng cá Tuần Châu (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng), Bác khuyên: “Ngư dân phải khỏe mạnh hơn nữa mới đi được biển…, nghề cá ở đảo rồi đây phải đưa máy móc vào. Đảng và Chính phủ sẽ giúp đỡ bà con sắm thuyền lưới tốt hơn để phát triển sản xuất”[6]. Để bồi dưỡng và phát huy tài dân, sức dân cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của Đảng và Chính phủ. Người nói: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân”[7]. Kinh tế biển phát triển sẽ tạo ra công ăn, việc làm nâng cao đời sống vật chất tinh thần của đồng bào miền biển.

Đề xuất giải pháp

Hiện nay, nhiệm vụ phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc bên cạnh những thuận lợi cơ bản, đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Tình hình quốc tế, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, những nhân tố mới xuất hiện tác động trực tiếp đến tình hình Biển Đông. Tính cạnh tranh trong phát triển kinh tế và tranh chấp chủ quyền biển, đảo giữa các nước trong khu vực diễn ra gay gắt, quyết liệt, tiềm ẩn nguy cơ xung đột, mất ổn định. Vì vậy, để vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, thường xuyên nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Đây là giải pháp quan trọng, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong hệ thống chính chính trị và toàn xã hội đối với việc phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bởi vì chỉ khi có nhận thức đúng, trách nhiệm cao mới tạo được sự đồng thuận xã hội, khơi dậy tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước trong cả hệ thống chính trị và toàn dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Theo đó, cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; truyền thống lao động cần cù, vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của dân tộc ta; đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật, phương châm, tư tưởng chỉ đạo phát triển kinh tế biển gắn với giải quyết các vấn đề biển, đảo của Đảng và Nhà nước ta; các tập quán, điều ước quốc tế về biển mà Việt Nam là thành viên; bản chất âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề biển, đảo để chống phá nước ta; tính chất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm của nhiệm vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ  chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa, phải có công nghiệp hiện đại, giao thông vận tải hiện đại, cảng hiện đại. Ảnh: VGP

Hai là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, “bất di, bất dịch”. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, do đó, phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, từ khi Đảng ta ra đời đến nay, càng trong những lúc khó khăn, ác liệt, trước những biến cố của thời cuộc, sự lãnh đạo của Đảng đã góp phần đưa đất nước ta vượt qua những chông gai, thử thách, mọi hiểm nguy, đồng thời, phát huy được cao nhất bản lĩnh, trí tuệ, khí phách con người Việt Nam để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, khi mà nhiệm vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo đặt ra yêu cầu ngày càng cao, với nhiều tình huống phức tạp, khó lường, thì vai trò lãnh đạo của Đảng cần phải được nhận thức đầy đủ và khẳng định trong thực tiễn. Đảng lãnh đạo thông qua đường lối, chủ trương, phương châm, đối sách chiến lược để giải quyết những vấn đề nảy sinh đối với vấn đề liên quan đến biển, đảo của Tổ quốc. Trên cơ sở sự lãnh đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước thực hiện việc quản lý chủ quyền biển, đảo theo đúng Hiến pháp, pháp luật và và quản lý việc tuân thủ, thực thi luật pháp quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ba là, thực hiện hiệu quả việc phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh trên biển

Xác lập và thực thi chiến lược phát triển đất nước thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh; phát huy các nguồn lực bên trong, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài để phát triển các khu vực ven biển. Nhận thức sâu sắc việc phát triển kinh tế biển là cơ sở quan trọng để củng cố quốc phòng - an ninh trên biển, đồng thời củng cố quốc phòng - an ninh trên biển là điều kiện, tiền đề để phát triển kinh tế biển một cách bền vững. Bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế biển phải tạo cơ sở cho việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo và ngược lại. Tiếp tục xây dựng lực lượng, tổ chức điều chỉnh, bố trí và triển khai thế trận quốc phòng, an ninh, kết hợp phát triển kinh tế biển một cách hợp lý. Kết hợp chặt chẽ giữa thúc đẩy nhanh quá trình dân sự hóa trên biển với xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh, thế trận lòng dân trên biển vững mạnh, đủ khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Dân sự hóa các vùng biển, đảo vừa là cơ sở để khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên trên biển, vừa là tiền đề để xây dựng, củng cố và phát huy lực lượng tại chỗ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trên biển.

Bốn là, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, góp phần phát triển kinh tế biển

Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Do vậy, lực lượng này phải được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức mới đủ sức hoàn thành trọng trách bảo vệ chủ quyền biển, đảo mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó. Chú trọng xây dựng các lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo, dự bị động viên, dân quân tự vệ biển mạnh, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, trong đó lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt. Theo đó, các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ biển thường xuyên chăm lo xây dựng các tổ chức trong sạch vững mạnh, lấy nhân tố con người là quyết định, vũ khí trang bị là quan trọng; song song với việc duy trì sẵn sàng chiến đấu cao, cần nắm chắc tình hình trên các vùng biển, nhất là vùng biển trọng điểm, nhạy cảm, không để bị động, bất ngờ; thường xuyên diễn tập, huấn luyện phòng thủ, cứu hộ, cứu nạn trên biển; hỗ trợ, duy trì các hoạt động giao thương, vận tải, phát triển kinh tế biển theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Năm là, không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân miền biển

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân miền biển được nâng cao sẽ là động lực cho phát triển kinh tế và nâng cao năng lực, khả năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Dó đó, để tạo công ăn, việc làm cho nhân dân miền biển, cần phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh, đa dạng các ngành, nghề biển theo hướng chuyên sâu và hiện đại. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương miền biển trong phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm tốt an sinh xã hội; đáp ứng đầy đủ và kịp thời các nhu cầu thiết yếu của nhân dân về ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, chăm sóc sức khỏe... Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước ở các địa phương miền biển thực sự tiêu biểu về đức và tài, là người “đày tớ”, “công bộc” trung thành, tận tụy, là tấm gương sáng để nhân dân học tập, noi theo, từ đó, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương miền biển, tạo ra “thế trận lòng dân” vững chắc trên biển, tạo cơ sở, tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới./.

Giảng viên, Thiếu tá Chu Xuân Đại Thắng

Trường Sĩ quan Lục quân 2, Bộ Quốc phòng

Tài liệu tham khảo


[1] Ban Nghiên cứu lịch sử - Ty Văn hóa Quảng Bình (1975), Quảng Bình ơn Bác, Nxb Ty Văn hóa Quảng Bình, 22.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Nxb CTQG, 10, 561.

[3] Truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam (1955 - 2005), Nxb Quân đội nhân dân, 80.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Nxb CTQG, 10, 331.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Nxb CTQG, 10, 453.

[6] Bài nói chuyện khi Bác Hồ về thăm làng cá Tuần Châu (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng) ngày 31/3/1959.

[7] Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Nxb CTQG, 4, 187.