Bạc Liêu: Tỉnh thứ 46 được Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch thời kỳ 2021-2030
Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nhấn mạnh điều này tại phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra hôm nay, ngày 28/7. Đây là phiên họp thẩm định thứ 46 của Hội đồng thẩm định, trong đó có 10 quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đây là phiên họp thẩm định thứ 46 của Hội đồng thẩm định, trong đó có 10 quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ảnh: Đức Trung |
Thuận lợi có, nhưng khó khăn còn nhiều
Là một tỉnh ven biển thuộc bán đảo Cà Mau, có chiều dài bờ biển 56 km, diện tích vùng biển hơn 40.000 km2, chiếm khoảng 4% diện tích biển của cả nước; cùng với diện tích tự nhiên vùng nội địa 2667,9 km2, Bạc Liêu có vị trí quan trọng trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bạc Liêu nằm trong vùng biển Đông Nam Bộ (từ vùng khơi Bà Rịa-Vũng Tàu đến mũi Cà Mau). Vùng biển Bạc Liêu có trữ lượng thủy sản khoảng 130 -150 ngàn tấn/năm, chiếm khoảng 4% trữ lượng thủy sản cả nước, khoảng 13,5% trữ lượng thủy sản vùng biển Đông Nam Bộ.
Vì vậy, Bạc Liêu cùng với các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long là bộ phận quan trọng không tách rời trong chiến lược phát triển kinh tế biển của cả nước; kết hợp phát triển kinh tế biển với an ninh quốc phòng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bảo vệ toàn vẹn, vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, trong bối cảnh tranh chấp trên Biển Đông vẫn ngày càng phức tạp.
Tỉnh Bạc Liêu được chia tách từ đầu năm 1997, là tỉnh có thuận lợi phát triển thủy sản và có tiềm năng lớn phát triển năng lượng tái tạo.
Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chỉ rõ, bên cạnh những thuận lợi, Bạc Liêu cũng còn nhiều khó khăn như:
(1) Việc khai thác các tiềm năng, lợi thế so sánh, đặc thù riêng của Tỉnh còn chậm, chưa bền vững, năng suất và hiệu quả chưa cao.
(2) Chất lượng tăng trưởng thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện chỉ chiếm khoảng 3,2% toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thấp nhất 13/13 tỉnh/thành trong vùng.
Đặc biệt, năng suất lao động và tăng trưởng năng suất lao động còn thấp so với vùng và cả nước. Cụ thể, theo UBND tỉnh Bạc Liêu, GRDP/người của Tỉnh tăng từ 18,4 triệu đồng (năm 2010) lên 32,6 triệu đồng (năm 2015), và đến năm 2020 đạt 54,4 triệu đồng, đứng thứ 7/13, đứng trên các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, song mới bằng gần 97% mức trung bình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (56,3 triệu đồng/người); bằng 84% cả nước (64,5 triệu đồng/người); chỉ bằng 37% vùng Đông Nam Bộ (146,3 triệu đồng/người) - đây cũng là nguyên nhân chính để lao động vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Bạc Liêu nói riêng di cư lên miền Đông Nam Bộ.
(3) Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, lực lượng lao động trẻ đã qua đào tạo vẫn đang có xu hướng đi ra các tỉnh, thành phố khác để làm việc.
(4) Hạ tầng kỹ thuật, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu du lịch... chưa được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hệ thống lưới điện truyền tải cao thế của Tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển năng lượng tái tạo, nhất là hiện tại chưa có lưới truyền tải 500 KV, lưới 220 KV còn thiếu.
(5) Việc huy động các nguồn lực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân hàng năm (giai đoạn 2011-2020) của Bạc Liêu mới chỉ chiếm 5,2% toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ 11/13 tỉnh/thành trong vùng (hơn Cà Mau và Sóc Trăng). Tổng thu ngân sách (cả thu từ cấp trên), hiện Bạc Liêu mới chỉ chiếm khoảng 3% tổng thu ngân sách toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ 12/13 tỉnh/thành trong vùng.
Cùng với khó khăn, Bạc Liêu cũng đang gặp nhiều thách thức: (1) Biến đổi khí hậu và nước biển dâng, việc gia tăng khai thác nước ngầm; (2) Hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ; (3) Có thể còn lãng phí và cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên...
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận, Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của vùng. Ảnh: Đức Trung |
Khắc phục khó khăn, giải quyết vướng mắc qua bài toán quy hoạch
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Quốc Phương tái khẳng định, Luật Quy hoạch với tinh thần đổi mới về tư duy, phương pháp và nội dung quy hoạch, mà cốt lõi là tích hợp theo hướng chiến lược phát triển gắn với tái cơ cấu không gian phát triển vào trong bản quy hoạch, để tạo ra động lực phát triển mới, không gian phát triển mới, từ đó tạo ra giá trị mới và dự án đầu tư mới cho đất nước, cho từng ngành, địa phương (trong đó có Bạc Liêu).
"Theo cách nói khác, chúng ta một mặt phải tiếp cận từ tiềm năng sẵn có của địa phương mình để phát huy mạnh mẽ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để khai thác tốt nhất những cơ hội hiện có, hoặc tận dụng các cơ hội mới xuất hiện; mặt khác, phải tiếp cận từ khát vọng phát triển, từ những xu hướng mới, tiềm năng mới đang liên tục xuất hiện trên toàn cầu, từ đó chủ động tạo cơ hội mới nhằm thu hút nguồn lực bên ngoài từ thế giới, tạo đà cho sự phát triển của địa phương", Thứ trưởng lưu ý.
Thứ trưởng chỉ rõ, đã đến lúc phải nhận diện rõ địa phương mình có phát triển nhanh và bền vững hay không, có tận dụng được hết các tiềm năng lợi thế không, có vượt qua được các thách thức không, có tranh thủ được các mô hình hay, kinh nghiệm tốt của các nước trên thế giới không? Điều này tùy thuộc vào tư duy, tầm nhìn và chất lượng của quy hoạch.
"Hay nói cách khác, quy hoạch sau khi được phê duyệt sẽ xác định được tầm nhìn, mục tiêu phát triển; sắp xếp, phân bổ không gian phát triển của địa phương mình một cách bài bản, khoa học, hiệu quả và khả thi", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trên cơ sở chỉ rõ những khó khăn, thách thức của Bạc Liêu trong thời gian tới, Thứ trưởng khẳng định, những điểm hạn chế trên cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ để khắc phục, giải quyết trong bài toán quy hoạch.
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận, Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của vùng giai đoạn 2021 - 2030; từ đó, mở ra những cơ hội phát triển mới và định hướng các giá trị mới cho tỉnh Bạc Liêu trong thời kỳ quy hoạch.
Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh.
Đồng thời, cụ thể hóa các quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của cấp trên và trên cơ sở kết nối hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị phát triển hiện đại, thông minh, kết nối với các trung tâm kinh tế trong vùng. Quy hoạch cũng xây dựng kịch bản phát triển, ý tưởng và phương án tổng thể, sắp xếp, bố trí hợp lý không gian nhằm giải quyết các vấn đề xung đột về không gian, định hướng không gian đáp ứng các nhu cầu phát triển trong thời kỳ quy hoạch.
Tại Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu, Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng động, hiệu quả, từng bước hiện đại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước trên cơ sở phát triển trung tâm sản xuất năng lượng sạch; trung tâm sản xuất tôm giống; sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm thương phẩm của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Bạc Liêu sẽ phát triển cụm ngành nông nghiệp, các đô thị động lực tập trung vào dịch vụ và công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp, thủy sản, ứng dụng công nghệ cao; phát triển mạnh ngành dịch vụ, du lịch; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, từng bước hiện đại; khoa học - công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo dần trở thành động lực chủ yếu của phát triển; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai; môi trường và cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên đa dạng sinh học được bảo vệ, khôi phục, phát triển, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm khí phát thải về “net zero” vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP26.
Tỉnh Bạc Liêu đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, gia nhập nhóm tỉnh phát triển khá của cả nước.
Định hướng đến năm 2050, Bạc Liêu trở thành Tỉnh có trình độ phát triển khá toàn diện, mạnh về kinh tế biển trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển bền vững 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường; phát triển nhanh kinh tế xanh, ngày càng dựa trên công nghệ tiên tiến, có năng suất và hiệu quả cao gắn đổi mới sáng tạo không ngừng.
Phương án phân vùng kinh tế tỉnh Bạc Liêu |
3 khâu đột phá phát triển, phân định thành 2 tiểu vùng kinh tế
Để hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng này, tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung vào 3 khâu đột phá phát triển.
Khâu đột phá 1: khai thác lợi thế sẵn có gắn với phát triển mạnh kinh tế biển, sớm đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển.
Vùng biển và khu vực ven biển là nơi còn nhiều tiềm năng lợi thế gắn với các ngành quan trọng: sản xuất năng lượng tái tạo; nuôi trồng, đánh bắt, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với chế biến, xuất khẩu. Bạc Liêu có thể trở thành trung tâm phát triển năng lượng tái tạo, trung tâm sản xuất tôm (cả tôm giống và tôm thực phẩm) lớn của cả nước và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển năng lượng tái tạo, nuôi và chế biến xuất khẩu thủy sản, trong đó trọng tâm là nuôi, chế biến tôm, sẽ thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn Bạc Liêu, phát triển kết cấu hạ tầng, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước... có những bước thay đổi đột phá trên cơ sở thu hút đầu tư, tạo việc làm, khai thác hiệu quả tài nguyên, phát huy nội lực gắn với tranh thủ cơ hội để phát triển.
Khâu đột phá 2 (Phát triển nguồn nhân lực và cải cách thể chế quản trị). Theo đó, tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách thể chế quản trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đủ năng lực, đạo đức, bản lĩnh, khát vọng phát triển, lòng yêu quê hương, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao trong thực hiện công việc được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đặc biệt là cải cách hành chính.
Khâu đột phá thứ 3 (Phát triển kết cấu hạ tầng). Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng tâm, trong đó chú trọng: hạ tầng giao thông, thủy lợi; hạ tầng truyền tải điện, cảng biển, công nghệ thông tin; hạ tầng đô thị trung tâm.
Tổ chức thực hiện các khâu đột phá trong điều kiện nguồn lực có hạn. Theo lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, cần xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, sáng tạo, tránh dàn trải, kém hiệu quả.
Về quy hoạch không gian, tỉnh Bạc Liêu dự kiến phân định thành 2 tiểu vùng kinh tế là Nam quốc lộ 1 và Bắc quốc lộ 1.
Tiểu vùng kinh tế trọng điểm Nam quốc lộ 1 (gồm cả vùng biển Bạc Liêu) gồm thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải, huyện Vĩnh Lợi, có diện tích tự nhiên khu vực nội địa 1.472,2 km2, chiếm khoảng 55,18% diện tích tự nhiên toàn Tỉnh, toàn bộ bờ biển thuộc địa bản tỉnh Bạc Liêu 56 km và ngư trường hơn 40.000 km2.
Tiểu vùng kinh tế Bắc quốc lộ 1: Gồm các huyện và thị xã còn lại là huyện Hồng Dân, Phước Long và thị xã Giá Rai, có diện tích nội địa 1.195,7 km2, chiếm 44,8% diện tích tự nhiên toàn Tỉnh.
Định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có 16 đô thị, gồm 1 đô thị loại I (thành phố Bạc Liêu), 1 đô thị loại III (thị xã Giá Rai), 5 đô thị loại IV (thị trấn Hòa Bình, Châu Hưng, Ngan Dừa, Phước Long, Gành Hào), và 9 đô thị loại V (đô thị Phó Sinh, Chủ Chí, Vĩnh Hưng, Ninh Quới A, Cái Cùng, Vĩnh Mỹ B, Hưng Thành, Ba Đình, Điền Hải). Sau năm 2030, toàn Tỉnh có 19 đô thị.
Hội đồng thẩm định thông qua Dự thảo Quy hoạch với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia tập trung trao đổi, thảo luận, cho ý kiến đối với nội dung quy hoạch và cho rằng, quy hoạch tỉnh Bạc Liêu được triển khai lập theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch; thực hiện khá nghiêm túc quy trình lập quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Nội dung quy hoạch đã thể hiện cơ bản rõ nét về sự khát vọng phát triển của Tỉnh; thể hiện được sự liên kết và đồng bộ trong định hướng phát triển kết cấu hạ tầng; việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội; về cơ bản, nội dung quy hoạch Tỉnh đã đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, ngày 07/5/2019 của Chính phủ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng góp ý cho bản Quy hoạch của tỉnh hoàn thiện hơn. Một số chuyên gia đề xuất, Tỉnh cần rà soát, bổ sung để làm rõ hơn tính liên kết giữa các ngành, lĩnh vực; phương án tổ chức không gian phát triến một số ngành, lĩnh vực chưa đảm bảo được sự thống nhất, đồng bộ, do vậy cần phân tích làm rõ hơn nội dung tính liên kết trong định hướng và bố trí không gian phát triển của các ngành, lĩnh vực.
Góp ý về việc xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế của Tỉnh trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 trong dự thảo Quy hoạch, GS, TS. Ngô Thắng Lợi (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, cần phải làm rõ cơ sở của 3 kịch bản. Tỉnh và đơn vị tư vấn phải làm rõ được vì sao lựa chọn kịch bản 2 mà không chọn kịch bản 1 và 3.
Ông Lợi cũng nhận định, cơ cấu ngành kinh tế của Tỉnh được đưa trong dự thảo Quy hoạch hơi lạc hậu so với cơ cấu ngành của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nông nghiệp quá cao trong khi dịch vụ quá thấp. Bên cạnh đó, Quy hoạch đưa ra 3 khâu đột phá, nhưng vẫn còn có đột phá mang tính chung chung, chẳng hạn như đột phá phát triển nguồn nhân lực, cụ thể là nguồn nhân lực gì?
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông báo kết quả bỏ phiếu của Hội đồng. Theo đó, 100% thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua Quy hoạch và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tỉnh Bạc Liêu với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện.
Để sớm hoàn thiện nội dung quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thứ trưởng yêu cầu UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Hồ sơ quy hoạch theo ý kiến tham gia thẩm định của các bộ, cơ quan ngang bộ, ý kiến các chuyên gia phản biện, ý kiến của các cơ quan tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và kết luận của Hội đồng thẩm định tại Báo cáo thẩm định; chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch tỉnh./.
Thời kỳ 2021-2030: Bạc Liêu lựa chọn kịch bản 2, tăng trưởng bình quân 10%-11% |
Tỉnh Bạc Liêu: Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường |
Bình luận