Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước

Tính chung cả năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%) nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%).

Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.858,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%). Trong đó, nhóm hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 14,4%; lương thực, thực phẩm tăng 11,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,5%; may mặc tăng 7,1%; riêng phương tiện đi lại (trừ ô tô) giảm 1,4%.

Một số địa phương tăng có doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao so với năm trước như: Quảng Ninh tăng 12,2%; Bình Dương tăng 11,4%; Hải Phòng tăng 10,4%; Đồng Nai tăng 9,1%; Cần Thơ tăng 8,4%; TP. Hồ Chí Minh tăng 7,8%; Hà Nội tăng 7,1%; Đà Nẵng tăng 5,9%...

Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2023 vẫn tăng trưởng chưa bằng trước dịch Covid-19
Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước

Nhìn chung, hoạt động thương mại trong nước tiếp tục khai thác hiệu quả sức mua của thị trường, phục hồi tích cực, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tăng trưởng tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8-9%).

Nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giúp ổn định thị trường, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương, nhu cầu mua sắm tăng. Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ; củng cố liên kết giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại trong nước tiếp tục phát triển, cơ chế, chính sách về phát triển chợ tiếp tục được hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn (Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý chợ thay thế Nghị định 02/2003/NĐ-CP và Nghị định 114/2009/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ).

Bên cạnh kết quả đạt được, có thể thấy rằng, mặc dù hoạt động thương mại, lưu chuyển hàng hóa trong nước đã cơ bản phục hồi so với các năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng nhìn chung chưa đạt mức tăng trưởng trước đại dịch (tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của các năm trước khi xảy ra dịch Covid -19 đều đạt trên 10%, cao hơn mức tăng của năm 2023).

Trong những tháng cuối năm 2023, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có xu hướng giảm đáng kể so với đầu năm (6 tháng đầu năm tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2023; cả năm 2023 ước tăng 9,6%).

Hạ tầng thương mại phát triển không đồng đều, nhất là tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Chưa thu hút được đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là các hạ tầng lớn có tính lan tỏa. Các loại hình truyền thống như chợ chưa được quan tâm đúng mức, gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các loại hình hiện đại khác (như mua bán online, siêu thị, cửa hàng tiện lợi).

Còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người tiêu dùng), nhất là đối với hàng thực phẩm tươi sống, thiết yếu, nên thị trường dễ bị biến động do tác động của tâm lý người tiêu dùng. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, găm hàng chờ tăng giá trên thị trường nội địa, vi phạm cạnh tranh… còn diễn biến phức tạp.

Đẩy mạnh công tác theo dõi, dự báo điều tiết cung - cầu hàng hóa

Trong thời gian tới, để phát triển mạnh thương mại nội địa, nhằm khai thác có hiệu quả thị trường trong nước, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác theo dõi, dự báo điều tiết cung - cầu hàng hóa. Đồng thời, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thực phẩm thông qua bám sát, theo dõi hỗ trực tiếp và gián tiếp hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản của các địa phương, đảm bảo nông sản được lưu thông, tiêu thụ thông suốt không bị ùn ứ. Phối hợp, hỗ trợ các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực được phân công; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ khi được ban hành.

Phối hợp triển khai các tiêu chí, tiêu chuẩn về hạ tầng thương mại (tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong giai đoạn 2021-2025; mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 11856) về chợ kinh doanh thực phẩm…).

Ngoài ra, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, Đề án về phát triển thị trường trong nước như: Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2023; tiếp tục triển khai việc hỗ trợ xây dựng điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại một số địa phương theo Chương trình OCOP…/.