Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hoá đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng KCN, KKT
Cầu cảng xi măng Nghi Sơn trong KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa |
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn và các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thanh Hoá (Ban Quản lý) đã tập trung đẩy mạnh đồng bộ và hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được phân cấp; góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, phát triển hạ tầng và hoạt động đầu tư kinh doanh trong các KCN, KKT của Tỉnh.
Tăng cường xúc tiến và thu hút đầu tư vào KCN, KKT
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư vào KKT Nghi Sơn và các KCN của Tỉnh, với các hoạt động xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ như: tổ chức đón tiếp, làm việc và trao đổi thông tin, cung cấp tài liệu cho các đoàn nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến làm việc và nghiên cứu đầu tư tại KKT Nghi Sơn và các KCN Tỉnh. Từ đầu năm đến nay Ban Quản lý đã đón tiếp 5 đoàn nhà đầu tư nước ngoài (FDI) và có 15 đoàn nhà đầu tư trong nước (DDI).
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2024, tại KKT Nghi Sơn và các KCN đã cấp mới 7 dự án đầu tư, gồm 6 dự án DDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 410 tỷ đồng; 1 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 5 triệu USD; 48 lượt dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư. Cụ thể:
Tại KKT Nghi Sơn: Trong 6 tháng đầu năm 2024, tại KKT Nghi Sơn đã cấp mới 4 dự án đầu tư DDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 399 tỷ đồng; 15 dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư.
Tại các KCN: Trong 6 tháng đầu năm 2024 tại các KCN đã cấp mới 1 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 5 triệu USD và 2 dự án DDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 11 tỷ đồng; 33 dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa |
Lũy kế đến nay, tại KKT Nghi Sơn và các KCN đã thu hút được 729 dự án, trong đó: 655 dự án DDI với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 181.296 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 85.618 tỷ đồng; 74 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 13.699 triệu USD, vốn thực hiện đạt 13.275 triệu USD. Trong đó:
Tại KKT Nghi Sơn đã thu hút được 336 dự án (trong đó: 311 dự án DDI với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 161.619 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 76.744 tỷ đồng; 25 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 12.827 triệu USD, vốn thực hiện đạt 12.702 triệu USD).
Tại các KCN trên địa bàn Tỉnh đã thu hút được 393 dự án, trong đó: 344 dự án DDI với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 19.688 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 8.874 tỷ đồng; 50 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 871 triệu USD, vốn thực hiện đạt 573 triệu USD.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng lãnh đạo Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa và các nhà đầu tư chúc mừng thành công Lễ khánh thành Nhà máy công nghiệp SAB Việt Nam tại KCN Bỉm Sơn |
“Đòn bẩy” cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được Ban đảy mạnh thực hiện quyết liệt, hiện Ban có 60 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó: 58/60 TTHC tiếp nhận và giải quyết dịch vụ công trực tuyến; 39/60 TTHC cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định. Từ đầu năm đến nay, Ban đã tổ chức tiếp nhận 263 hồ sơ giải quyết TTHC, trong đó: giải quyết sớm, đúng hạn 236 hồ sơ, đang giải quyết 27 hồ sơ; tiếp nhận và xử lý 5.625 văn bản đến, ban hành 2.250 văn bản đi đúng quy định của pháp luật.
Công tác quản lý, vận hành hệ thống mạng và ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được quan tâm thực hiện, đáp ứng kịp thời nhu cầu tra cứu thông tin và hoạt động chỉ đạo, điều hành của Ban. Việc khai thác các phần mềm ứng dụng đạt hiệu quả tốt, đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính gắn với tổ chức thực hiện chuyển đổi số.
Các nhiệm vụ do Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh giao và công tác phối hợp với các sở, ngành, đơn vị; giải quyết các ý kiến, kiến nghị của nhà đầu tư và doanh nghiệp KCN, KKT được Ban triển khai thực hiện thường xuyên, quyết liệt và hiệu quả. Tổng số nhiệm vụ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao từ đầu năm 2024 đến nay là 158 nhiệm vụ, đã giải quyết đúng hạn 110 nhiệm vụ, đang giải quyết 48 nhiệm vụ.
Đại diện Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa |
Công tác tư vấn, hỗ trợ nhà đầu tư luôn đạt chất lượng, tiến độ. Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý đã hoàn thành tư vấn 2 dự án, thực hiện tư vấn cho 1 dự án và đàm phán tư vấn đối với 2 dự án. Mặt khác, công tác phối hợp với các đơn vị liên quan (các hoạt động hỗ trợ quản lý nhà nước song hành cùng các hoạt động xã hội từ thiện) nhằm hỗ trợ nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong KCN, KKT và nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thông qua hàng loạt các hoạt động thiết thực trong thời gian qua đã góp phần quan trọng tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong các KCN, KKT và nâng cao ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của các KCN, KKT trên địa bàn Tỉnh.
Công tác triển khai dự án trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục được Ban Quản lý quan tâm đẩy mạnh. Ban đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, đề xuất dự án đầu tư; hỗ trợ giải quyết một số vướng mắc liên quan đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; đã Ban hành Quyết định số 92/QĐ-BQLKKTNS&KCN ngày 11/3/2024 về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn tại KKT Nghi Sơn có công suất 1.500MW, diện tích thực hiện dự án khoảng 68,2ha với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 58.026 tỷ đồng (tương đương khoảng 2.453 triệu USD). Đến nay, tiếp tục triển khai công tác lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư của dự án; hoàn thiện hồ sơ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp WHA Smart Technology (thuộc KCN Phú Quý) trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định; tổ chức nhiều hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện các lớn, trọng điểm như: Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn; Dự án hạ tầng KCN số 3, số 19, số 17, số 20 (KCN dược phẩm công nghệ cao Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 1), KCN Đồng Vàng, KCN Luyện Kim thuộc KKT Nghi Sơn; KCN phía Nam KCN Lam Sơn – Sao Vàng; KCN Phú Quý, huyện Hoằng Hóa; KCN phía Tây thành phố Thanh Hóa; KCN Giang Quang Thịnh, huyện Thiệu Hóa; Cảng Container Long Sơn; Cảng tổng hợp Long Sơn; Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2; Nhà máy sản xuất vật liệu bảo ôn và tấm thạch cao Long Sơn; Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương; Nhà máy sản xuất vải Billion Union Việt Nam...
Song song với đó, công tác quản lý quy hoạch có nhiều bước tiến đáng kể. Ban đã tổ chức lập 19 quy hoạch; thẩm định, phê duyệt 5 đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 cho các dự án đầu tư trong KKT Nghi Sơn.
Cùng với đó, công tác quản lý doanh nghiệp, lao động trên địa bàn KKT, KCN được triển khai hiệu quả, đảm bảo giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư; các doanh nghiệp chấp hành đầy đủ các chế độ, chính sách theo đúng pháp luật của nhà nước đối với người lao động.
Hoạt động quản lý đầu tư, xây dựng, tài nguyên, môi trường, an ninh trật tự trong KCN, KKT tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư ngày càng nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm và phạm vi hoạt động, từ đó tuân thủ đúng các chính sách pháp luật về đầu tư, kinh doanh trong các KCN, KKT.
Với những cố gắng lớn trong hoạt động quản lý nhà nước, 6 tháng đầu năm 2024 hoạt động sản xuất kinh doanh tại KKT Nghi Sơn và các KCN đã có nhiều khởi sắc tích cực, các doanh nghiệp trong KCN, KKT của Tỉnh đạt được nhiều kết quả khích lệ cụ thể như sau: Giá trị sản xuất sản xuất ước đạt: 127.344 tỷ đồng, bằng 131% so với cùng kỳ năm 2023; nộp ngân sách ước đạt 15.158 tỷ đồng, bằng 149% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.427 triệu USD, bằng 118% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu ước đạt 4.141 triệu USD, bằng 112% so với cùng kỳ năm 2023.
Các doanh nghiệp trong KCN, KKT của Tỉnh giải quyết việc làm cho 98.125 lao động với thu nhập bình quân người lao động đạt 6,7 triệu đồng/người/tháng.
Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn trong KKT Nghi Sơn |
Phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024
Theo lãnh đạo Ban Quản lý khu KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa, 6 tháng cuối năm 2024, Ban Quản lý quyết tâm thực hiện toàn diện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tổ chức triển khai hiệu quả nhiệm vụ theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND Tỉnh, UBND Tỉnh/Chủ tịch UBND Tỉnh; tăng cường thực hiện văn hóa công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; rà soát bãi bỏ các thủ tục hành chính không thực sự cần thiết, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Hai là, tập trung triển khai hoàn thành đồ án quy hoạch phân khu xây dựng KCN Quy hoạch phân khu (QHPK) KCN số 15; điều chỉnh QHPK KCN số 4, KKT Nghi Sơn; đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN phía Tây thành phố Thanh Hóa và đồ án QHCT Khu kho tàng – dịch vụ KT-01, KKT Nghi Sơn; điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Phê duyệt nhiệm vụ dự toán lập quy hoạch 4 dự án: QHPK sinh thái ST-01, KKT Nghi Sơn; KCN luyện Kim, KKT Nghi Sơn; QHPK xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN Đa Lộc, huyện Hậu Lộc và KCN Nga Tân, huyện Nga Sơn. Trình thẩm định 3 đồ án quy hoạch để báo cáo UBND Tỉnh: QHPK sinh thái hồ Khe Lau (ST-05); Khu du lịch sinh thái hồ Yên Mỹ (ST-08); QHPK xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN Hà Long, huyện Hà Trung và thẩm định phương án QHPK 3 đồ án: QHPK sinh thái công viên chuyên đề ST-01, KKT Nghi Sơn; QHPK xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN Bắc Hoằng Hoá, huyện Hoằng Hoá; QHCT tỷ lệ 1/500 KCN Đình Hương-Tây Bắc Ga.
Ba là, đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hiện hữu đầu tư mở rộng quy mô, công suất, đặc biệt là các dự án lớn, dự án trọng điểm của Tỉnh. Đôn đốc, hỗ trợ các dự án triển khai xây dựng đảm bảo tiến độ, đặc biệt hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc các dự án: Dự án hạ tầng KCN Đồng Vàng (KCN số 15); hạ tầng KCN Lam Sơn - Sao Vàng, số 3; Dự án số 1, Tổ hợp hóa chất Đức Giang - Nghi Sơn; dự án đầu tư của Tập đoàn VAS; Các dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn Công Thanh…
Bốn là, tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện công tác lựa chọn nhà đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành; hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ đề xuất dự án 2 dự án đầu tư hạ tầng KCN phía Tây thành phố Thanh Hóa và KCN Giang Quang Thịnh. Dự kiến sau khi Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được duyệt, nhà đầu tư sẽ hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án, nộp về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quý III/2024 để thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét Quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Năm là, tập trung triển khai hoàn thiện hồ sơ, thủ tục lựa chọn nhà thầu xây lắp đối với các dự án sử dụng nguồn vốn theo chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội; đôn đốc nhà thầu khẩn trương lập kế hoạch và triển khai thi công tại các dự án chuyển tiếp, đảm bảo hoàn thành trong năm 2024; thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đảm bảo thời gian theo chỉ đạo của UBND Tỉnh.
Sáu là, tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về doanh nghiệp, lao động và thực hiện giám sát việc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp; triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Bảy là, tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện của các dự án đã được giao đất, cho thuê đất; đối với các dự án sử dụng đất chậm tiến độ kéo dài, vi phạm quy định của Nhà nước, cương quyết tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét, thu hồi đất để giao cho các nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án; tăng cường công tác hỗ trợ, hướng dẫn hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục môi trường, đôn đốc, giám sát và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hay Giấy phép môi trường (GPMT) của dự án được duyệt; kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các chủ đầu tư hạ tầng các KCN; lấy mẫu đối chứng đối với các dự án đã đi vào hoạt động và các dự án vận hành thử nghiệm công trình bảo vệ môi trường theo hồ sơ cấp giấy phép môi trường; phối hợp triển khai giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, dự án của các nhà đầu tư trên địa bàn KKT Nghi Sơn và các KCN.
Tám là, tăng cường đôn đốc doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật để đáp ứng công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC) để đưa hoạt động sản xuất kinh doanh vào vận hành; xây dựng các nội quy, quy chế liên quan đến Đội PCCC chuyên ngành tại KCN Đình Hương Tây Bắc Ga (sau khi được UBND Tỉnh phê duyệt phương án thành lập); đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng KCN Tây Bắc Ga tập trung rà soát, đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng KCN, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp tục bám sát, nắm bắt, hỗ trợ dự án Nhà máy sản xuất lốp Radial khánh thành trong tháng 7/2024; đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư sớm khởi công, xây dựng dự án khai thác hạ tầng KCN Lam Sơn - Sao Vàng.
Chín là, thực hiện tốt công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ các tuyến đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật; quản lý, vận hành, duy trì bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng công cộng tại các tuyến giao thông trục chính, các khu tái định cư trong KKT Nghi Sơn và tuyến số 4 KCN Lam Sơn - Sao Vàng; bảo dưỡng thường xuyên các tuyến giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật trong KKT Nghi Sơn và tại KCN Lam Sơn - Sao Vàng; trồng và chăm sóc cây xanh trên các tuyến giao thông công trình hạ tầng kỹ thuật trong KKT Nghi Sơn.
Mười là, phối hợp chặt chẽ với UBND thị xã Nghi Sơn tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng đúng thời gian cam kết để nhà thầu thi công dự án (đặc biệt, là các vướng mắc kéo dài, các vị trí ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các công việc của dự án). Khẩn trương phê duyệt dự toán bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng để tổ chức chi trả giải ngân kế hoạch vốn theo quy định.
Tiếp tục yêu cầu nhà thầu xây dựng kế hoạch và triển khai thi công chi tiết đối với các đoạn tuyến đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo công địa thi công; bố trí đầy đủ máy móc thiết bị, nhân lực đảm bảo thi công hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch đã xây dựng; đôn đốc nhà thầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng, lên phiếu giá thanh toán đối với phần khối lượng đã thi công hoàn thành./.
Đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa làm việc với Ban quản lý Cảng quốc tế Laem Chabang và các KCN tại Khu vực Hành lang Kinh tế phía Đông, Thái Lan |
Bình luận