Bệnh nhân cho rằng, thuốc BHYT ít có tác dụng
Chiều 27/03 tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Sáng kiến Việt Nam tổ chức lễ công bố Báo cáo Thí điểm đánh giá chỉ số hài lòng người bệnh về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện ở Việt Nam từ góc nhìn người bệnh.
Người bệnh kém hài lòng nhất về cơ sở vật chất bệnh viện
PGS,TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, từ tháng 09/2016 đến tháng 11/2017, Cục Quản lý khám chữa bệnh là đầu mối chủ trì hợp tác với các chuyên gia của Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam, Đại học Indiana (Hoa Kỳ) xây dựng và khảo sát thí điểm Chỉ số hài lòng người bệnh Việt Nam thông qua phỏng vấn qua điện thoại những người bệnh nội trú đã xuất viện.
Quang cảnh hội thảo
Cụ thể, phương pháp Chỉ số hài lòng người bệnh (PSI) đã được Cục Quản lý Khám chữa bệnh tiến hành thí điểm thông qua khảo sát độc lập với sự tham gia của gần 3.000 người bệnh nội trú sau khi xuất viện ở 29 bệnh viện tuyến tỉnh và huyện thuộc 21 tỉnh, thành trên cả nước. Tại Hà Nội, có 2 bệnh viện tham gia khảo sát là Bệnh viện Đa khoa Đống Đa và Bệnh viện Đa khoa Vân Đình.
Khảo sát thí điểm chỉ số hài lòng người bệnh dựa trên các tiêu chí: Khả năng tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh, minh bạch thông tin về khám chữa bệnh, cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh; chi phí khám chữa bệnh và kết quả dịch vụ.
Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ số hài lòng người bệnh trung bình đạt 3,98/5, tương ứng với mức độ hài lòng của người bệnh nội trú với chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh đạt gần 80% so với kỳ vọng.
Trong số 29 bệnh viện khảo sát, thì có 5 bệnh viện được phản hồi tốt nhất từ người bệnh là: Bệnh viện Bà Rịa (tỉnh bà Rịa Vũng Tàu), Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh), Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP. Hồ Chí Minh), Bệnh viện Phụ Sản (TP Cần Thơ), Bệnh viện Lao và bệnh Phổi (tỉnh Thái Bình), thuộc nhóm xếp hạng Rất tốt, 16 bệnh viện được xếp hạng tốt và 8 bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng Khá, 2 Bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng trung bình.
Nhóm bệnh viện được xếp hạng cao nhất và thấp nhất theo phản hồi của người bệnh đều là các bệnh viện thuộc tuyến tỉnh.
Cũng theo Báo cáo này, về khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh được người bệnh hài lòng nhất (4,15/5), còn cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh có chỉ số hài lòng người bệnh thấp nhất (3,74/5). Đáng chú ý là người bệnh thấy hài lòng nhất về tiêu chí cấp phát và hướng dẫn sử dụng thuốc (4,25/5). Nhà vệ sinh bệnh viện nhận được sự phản hồi đánh giá với chỉ số hài lòng của người bệnh thấp nhất (3,58/5). Đồng thời, chi phí khám, chữa bệnh đạt 3,99/5 và chất lượng giường, chăn, ga, gối, đệm đạt 3,95.
Một kết quả đáng chú ý nữa là nhóm người bệnh có bảo hiểm y tế (BHYT) lại tỏ ra hài lòng về dịch vụ khám chữa bệnh hơn người bệnh không có BHYT. Tuy nhiên, người bệnh có BHYT cũng chia sẻ thông tin cho thấy họ vẫn thiếu tin tưởng vào thuốc BHYT được cấp phát, nên thường phải chi thêm tiền để mua thuốc bên ngoài (vì người bệnh cho rằng thuốc BHYT ít có tác dụng)...
Kết quả chưa phản ánh toàn diện
Phân tích kết quả khảo sát của Báo cáo, TS. Nguyễn Lan Hương (Tổ chức sáng kiến Việt Nam) cho hay, người bệnh ở tuyến trên và bệnh viện hạng trên có mức độ hài lòng cao hơn. Ở tuyến huyện, người bệnh kém hài lòng nhất về các tiêu chí thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế và kết quả điều trị khám, chữa bệnh.
“Điều này cho thấy, các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới cần nâng cao hơn nữa năng lực khám chữa bệnh để thu hút bệnh nhân”- TS. Hương nhấn mạnh.
Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, các Tổ chức quốc tế thảo luận tại hội thảo
Theo quan điểm của TS. Hương, kết quả khảo sát thí điểm lần này chưa phản ánh toàn diện, đầy đủ thực trạng chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ở Việt Nam, vì mới chỉ có 29 bệnh viện tham gia so với con số 1.400 bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên toàn quốc. Hơn nữa, các bệnh viện tuyến Trung ương mặc dù có trong danh sách mời tham gia chương trình thí điểm nhưng chưa chia sẻ cơ sở dữ liệu người bệnh có số điện thoại di động với Bộ Y tế, vì thế trong mẫu khảo sát lần này chưa có các bệnh viện tuyến Trung ương.
Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, sự hài lòng của người bệnh là thước đo chính xác nhất của hệ thống y tế. Kết quả khảo sát này rất có ý nghĩa, giúp ngành y tế biết người bệnh cần gì để chấn chỉnh, sửa chữa. Từ đó nâng cao chất lượng điều trị, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Báo cáo này cũng sẽ giúp tăng cường trách nhiệm giải trình của các bệnh viện công thông qua tăng cường minh bạch về chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện, tăng cường công tác giám sát của người dân và cơ quan quản lý nhà nước đối với dịch vụ y tế công, nhất là khi Chính phủ đang chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ công, gia tăng quyền tự chủ cho các bệnh viện, tăng giá các dịch vụ y tế theo lộ trình hướng đến "tính đúng, tính đủ" theo giá trị vào năm 2020.
Từ kết quả đánh giá lần này, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh rằng, Bộ Y tế rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các chuyên gia, các tổ chức trong và ngoài nước về kỹ thuật và kinh phí trong việc triển khai các hoạt động nhằm đánh giá chính xác, khách quan nhu cầu, mong muốn và sự hài lòng của người bệnh để ngành y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh có những điều chỉnh phù hợp và kịp thời phục vụ tốt nhất người bệnh.
Được biết, từ năm 2013, Bộ Y tế đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, trong đó nhóm tiêu chí bảo đảm hài lòng người bệnh là một trong năm nhóm tiêu chí phục vụ đánh giá chất lượng bệnh viện. Năm năm qua, Bộ Y tế đã triển khai đo lường sự hài lòng của người bệnh đối với chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh ở các cơ sở khám, chữa bệnh công lập bằng cách bệnh viện tự đánh giá và đánh giá thông qua các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, Sở Y tế. Phiếu khảo sát của Bộ Y tế được xây dựng gồm năm bộ chỉ số (34 câu hỏi), bao phủ các nội dung tổng hợp về các vấn đề mà người bệnh nội trú quan tâm, cũng như các vấn đề có khả năng ảnh hưởng tới trải nghiệm của bệnh nhân trong cơ sở y tế./.
Bình luận