Bộ Công an cần khắc phục hạn chế để nâng cao hiệu quả chống lãng phí
Có địa phương thực hiện chưa đúng định mức chi tiêu, sử dụng tài sản
“Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công an nhân dân những năm qua đã đi vào nền nếp và đạt được những kết quả nhất định. Kiểm soát chi chặt chẽ hơn trong thực hiện các đề án, dự án đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật…”, Cục trưởng Cục Kế hoạch Tài chính, Bộ Công an Trịnh Ngọc Bảo Duy báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, khi Đoàn giám sát làm việc với Bộ Công an, theo Văn phòng Quốc hội.
Cục trưởng Cục Kế hoạch Tài chính, Bộ Công an Trịnh Ngọc Bảo Duy báo cáo với Đoàn giám sát (ảnh: Quốc hội) |
Tuy nhiên, đại diện Bộ Công an cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: một số đơn vị, địa phương sử dụng ngân sách, tài sản chưa thực sự tiết kiệm; các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu, sử dụng tài sản có đơn vị, địa phương thực hiện chưa đúng. Trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn một số công trình thi công vượt số tổng mức đầu tư, một số dự án đầu tư triển khai chậm so với kế hoạch...
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại một số đơn vị, địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức. Còn một bộ phận cán bộ, chiến sĩ làm công tác tài chính, hậu cần, kỹ thuật tại công an các đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nên công tác tham mưu triển khai thực hiện còn lúng túng…
Chưa tổng hợp đầy đủ tồn tại, hạn chế
Báo cáo kết quả rà soát các Báo cáo của Bộ Công an do Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, Tổ trưởng tổ công tác, Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Công Long trình bày cho biết, Tổ công tác ghi nhận kết quả đạt được của Bộ Công an trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021, đặc biệt là việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống tổ chức lực lượng công an nhân dân…
Tuy nhiên, Tổ công tác của Đoàn giám sát cho rằng, cần có giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Công an; hoàn thiện khung pháp luật nhằm quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên “kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải”, tránh thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước và phòng ngừa tiêu cực…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện báo cáo chung thật đầy đủ, chính xác (ảnh: Quốc hội) |
Thảo luận tại cuộc làm việc, một số đại biểu cho rằng, Bộ Công an chưa đề xuất, kiến nghị cụ thể về cơ chế, chính sách pháp luật nhằm thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ; chưa tổng hợp đầy đủ tồn tại, vướng mắc, hạn chế, những nội dung chưa triển khai theo quy định. Việc lập, ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 và hàng năm của Bộ còn chậm; việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, điều hành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo thẩm quyền trong lĩnh vực tài chính, đầu tư cũng còn chậm; việc cấp căn cước công dân gắn chip cho công dân vẫn còn chậm; trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn một số công trình thi công vượt tổng mức đầu tư…
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Công an tiếp thu tối đa ý kiến các thành viên của Đoàn giám sát, tiếp tục hoàn thiện báo cáo chung thật đầy đủ, chính xác, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, để nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ…/.
Bình luận