Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công Thương vừa đưa ra thông tin cảnh báo về việc xuất khẩu lợn sống sang Trung Quốc. Theo đó, cơ quan này cho biết, gần đây, giá thịt lợn tại thị trường Trung Quốc liên tục tăng cao và đã vượt mức giá cao nhất của tháng 06/2011 do hạn chế về nguồn cung.

Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan trung ương và địa phương Trung Quốc đã tăng cường nguồn cung thịt lợn đông lạnh từ kho dự trữ quốc gia cho thị trường nội địa. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu lợn sống từ Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đất liền (thương nhân Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu theo hình thức mua bán cư dân biên giới nhằm tận dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc đối với hình thức này) giữa 2 nước cũng tăng mạnh.

Tuy nhiên, Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương cho biết, theo Danh sách các quốc gia, khu vực đáp ứng yêu cầu và được cấp phép xuất khẩu sản phẩm thịt (bao gồm thịt lợn) sang Trung Quốc do quốc gia này vừa công bố thì hiện chưa có tên Việt Nam.

Do đó, Bộ Công Thương cho rằng, hoạt động xuất khẩu lợn sống từ Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ, đường mòn lối mở biên giới đất liền có thể sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới.

Hiện nay, Việt Nam chưa có tên trong danh sách các quốc gia được cấp phép xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc

Trước đó, theo Cục Chăn nuôi, Trung Quốc rất thiếu thịt lợn cho nhu cầu tiêu dùng, nên nước này phải nhập khẩu nhiều. Trong năm 2014, Trung Quốc đã nhập tới 564 ngàn tấn thịt lợn xẻ và 816 ngàn tấn phụ phẩm của lợn. Trong năm 2015, cả nước xuất khẩu gần 30 ngàn tấn lợn sữa đông lạnh, kim ngạch đạt 56,38 triệu USD, tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước. Nhưng xuất khẩu lợn qua đường chính ngạch chỉ là một phần rất nhỏ trong tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi lợn được xuất khẩu, vì xuất khẩu lợn thịt sống qua đường tiểu ngạch lớn hơn gấp nhiều lần.

Lợn thịt được xuất sang Trung Quốc chủ yếu qua các cửa khẩu Chi Ma, Thất Khê của tỉnh Lạng Sơn, Bắc Phong Sinh - Móng Cái (Quảng Ninh) và nhiều đường mòn, lối mở dọc biên giới.

Tuy vậy, ngay từ giữa năm 2015, dẫn lời ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi trên Báo điện tử Vneconomy cũng cảnh báo: thị trường Trung Quốc rất thất thường, có lúc họ nhập ồ ạt rồi lại dừng. Thương lái Việt Nam làm ăn với thương lái Trung Quốc thường không có hợp đồng rõ ràng, nên dễ bị động. Việc thu mua này dễ khiến cung - cầu không ổn định, có thể lặp lại tình trạng giống như các năm 2010, 2011, 2013.

Khi đó, lợn thịt được thu gom ồ ạt để xuất khẩu sang Trung Quốc vào dịp cuối năm, gây nên cơn sốt giá thực phẩm trong nước khi nguồn cung sụt giảm. Sau đó, khi họ ngừng thu gom, thì giá lợn hơi giảm đột ngột, người chăn nuôi thua lỗ.

Vì vậy, chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đề nghị các tỉnh điều tiết việc xuất khẩu ồ ạt thịt lợn, đồng thời, đẩy mạnh chăn nuôi lợn và các sản phẩm gia cầm bổ sung để đảm bảo bình ổn thị trường cuối năm.
Theo Cục Chăn nuôi, nhu cầu tiêu thụ lợn mỡ trong nước không cao, do đó, nếu phía Trung Quốc ngừng nhập thì người chăn nuôi sẽ chịu thiệt thòi lớn. Họ có thể mua lợn mỡ ào ào với giá cao rồi không mua nữa thì người nông dân phải bán những con lợn hàng trăm kg như vậy với giá bèo bọt./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://vtv.vn/kinh-te/bo-cong-thuong-canh-bao-viec-xuat-khau-lon-song-sang-trung-quoc-20160518085727298.htm

http://vneconomy.vn/thi-truong/canh-bao-rui-ro-xuat-lon-thit-sang-trung-quoc-20150810093250442.htm