Bộ Công Thương vẫn "loay hoay" trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái
Khó xử lý
Thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tồn tại từ nhiều năm nay. Trong bối cảnh Việt
Theo Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, hiện, cả nước có hơn 30 ngành hàng bị làm giả, từ hàng tiêu dùng thông thường đến hàng cao cấp, như: mỹ phẩm, rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường sữa, thuốc thú y, đồ điện tử, điện thoại, xe máy các loại… Một trong những ngành hàng bị làm giả nhiều nhất hiện nay là lĩnh vực tôn, thép.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Một trong những nguyên nhân đó xuất phát từ sự buông lỏng của cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả; thiếu kiên quyết chống lại hàng giả, sản xuất hàng giả, thậm chí còn có tình trạng tiếp tay cho các đối tượng sản xuất và tiêu thụ hàng giả nhằm kiếm lợi nhuận.
Trung bình mỗi năm lực lượng chức năng xử lý hơn 100.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Thế nhưng, kết quả này vẫn chưa phản ánh hết thực trạng hàng giả hàng nhái hiện nay. Lý do khiến vấn nạn này còn tồn tại, một phần do mức phạt của lực lượng quản lý thị trường còn quá thấp, không đủ sức răn đe. Trong khi đó, nhiều đối tượng khi bị xử phạt còn chây ì, không nộp phạt.
Vào ngày 16/11/2015, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, đề cập đến công tác quản lý thị trường vẫn còn nhiều yếu kém, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng), Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) cho rằng, biện pháp của ngành Công Thương mặc dù có được triển khai, nhưng vẫn không có nhiều tiến triển, khi vi phạm về buôn lậu hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng cũng như gian lận thương mại đang ngày một gia tăng.
Thừa nhận công tác quản lý thị trường thời gian qua đang gây ra nhiều vấn đề bức xúc, cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, những năm qua, Bộ Công Thương đã cố gắng thực hiện hàng loạt biện pháp trong phòng, chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái. Mặc dù về quy mô và giá trị của các vụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị bắt giữ và xử lý được năm sau đều tăng hơn năm trước nhưng tình hình thay đổi vẫn không đáng kể.
“Bằng rất nhiều biện pháp, Bộ Công Thương cũng đã rất cố gắng, từ lực lượng quản lý thị trường của Trung ương cũng như lực lượng quản lý thị trưởng ở các sở, các địa phương, nhưng tình hình chuyển biến chậm nên Bộ Công Thương cũng xin nhận khuyết điểm trước Quốc hội trong công tác này”, người đứng đầu ngành Công Thương thừa nhận.
Nguyên nhân của tình trạng này theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là có nhiều, bên cạnh những nguyên nhân khách quan do mặt trái kinh tế thị trường, độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, trong khi hàng giả, hàng nhái với tỷ suất lợi nhuận cao đã có điều kiện để phát triển.
Trong công tác thực thi, về mặt địa lý do chiều dài đường biên giới nước ta trải dài, nhiều nơi rất thuận lợi cho việc buôn lậu và gian lận thương mại phát triển và có diễn biến phức tạp.
Mặt khác, do một bộ phận nhỏ người tiêu dùng vẫn thích hàng ngoại dù kém chất lượng, điều này vô hình chung cũng làm cho hàng giả, hàng nhái có điều kiện phát triển. Trong khi đó, chế tài để xử lý vi phạm cho đến nay một số quy định vẫn chưa đủ sức răn đe. Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Chính phủ cho phép bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật trong vi phạm hoạt động thương mại trong đó có hàng giả và hàng nhái để tạo sức răn đe lớn hơn.
Vẫn rất cần sự chung tay của cả cộng đồng
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, trong thời gian tới, Bộ Công Thương xác định cần nâng cao trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường về năng lực và phẩm chất. Đây được xem như là nguyên nhân chủ quan dẫn đến hạn chế trong hiệu quả của công tác quản lý thị trường. Các địa phương cần nâng cao năng lực và phẩm chất của đội ngũ quản lý thị trường.
“Chi cục Quản lý thị trường tại 33 địa phương có điều kiện khó khăn đã được tạo điều kiện trang bị phương tiện để phục vụ cho công tác nghiệp vụ. Xây dựng Đề án nâng cấp Cục Quản lý thị trường thành Tổng cục Quản lý thị trường với mô hình quản lý ngành dọc để tăng thêm sự thống nhất trong chỉ đạo tư Trung ương tới địa phương”, Bộ trưởng Hoàng nói.
Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong đấu tranh chống hàng giả hàng nhái cũng được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định mặc dù đã làm nhưng làm chưa đủ.
Theo đó, công tác này cần phải được tăng cường, tạo điều kiện cho lực lượng quản lý thị trường, các doanh nghiệp và người dân hiểu rõ hơn, tham gia cùng với các lực lượng chức năng trong mặt trận đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389.
Hơn lúc nào hết, lực lượng quản lý đẩy mạnh việc tăng cường, kiểm tra kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi sai phạm liên quan đến buôn lậu hàng giả hàng nhái. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng kiến nghị các cơ quan thông tin và truyền thông, dư luận xã hội và người dân cả nước, liên tục có những phản ánh, kịp thời phát hiện và thông tin về các vi phạm trong công tác đấu tranh bài trừ tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giá hàng nhái cũng như những vi phạm của lực lượng quản lý thị trường trong cả nước.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp là người hiểu rõ nhất về hàng hóa do mình sản xuất, phân phối trên thị trường. Do đó, nếu doanh nghiệp nào chủ động, tích cực trong việc xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu của mình và phối hợp với các cơ quan thực thi thì nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ giảm đi đáng kể.
Ngoài sự phối hợp của Nhà nước, doanh nghiệp thì đấu tranh chống hàng giả còn phụ thuộc rất lớn vào lực lượng thực thi pháp luật và ý thức của cộng đồng, người tiêu dùng.
Trong bối cảnh nước ta tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và quốc tế, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đòi hỏi cấp thiết, cần phải ngăn chặn kịp thời. Trong cuộc chiến này, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, nhất là trong việc tăng cường hợp tác với lực lượng thực thi mới đảm bảo được sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp./.
Bình luận