Bộ trưởng Bộ Y tế đăng đàn: “hâm nóng” Nghị trường" từ 4 nhóm vấn đề
Có 58 đại biểu sẽ chất vấn Bộ trưởng Y tế về 4 nhóm vấn đề: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh; Vấn đề giá thuốc và quản lý nhà nước về giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; Thực trạng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn….
Năm 2021 sẽ thông tuyến tỉnh khám, chữa bệnh
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (TP. Hà Nội) và đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đã cùng đặt câu hỏi thuộc nhóm vấn đề khám, chữa bệnh. Theo Bộ trưởng Bộ y tế, vấn đề người dân muốn tiếp cận các dịch vụ cao và muốn đến thẳng tuyến trung ương để khám chữa bệnh là nguyện vọng chính đáng. Hiện nay, Luật bảo hiểm y tế đã có thông tuyến giữa xã và huyện, người dân có thể không cần khám ở nơi đăng ký ban đầu mà có thể đến tất cả các huyện trong toàn tỉnh. Trong lộ trình đến năm 2021 cố gắng thông toàn quốc. Chúng ta có một hệ thống y tế từ xã đến huyện, tỉnh và y tế cơ sở với tuyến xã, tuyến huyện luôn là người giữ cổng để chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc những bệnh thông thường và cấp cứu gần dân nhất, cho nên người dân cũng có thể đi qua các tuyến ban đầu.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Tuy nhiên, với những bệnh nặng và mãn tính như ung thư, tim mạch hoặc các bệnh phổi, Bộ Y tế đã có chương trình mục tiêu về y tế phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và có một hệ thống theo dõi, giám sát và được điều trị theo phác đồ.
Nhiều bệnh nhân ở bệnh viện xã, huyện, nhưng được lên tỉnh để nhận thuốc bảo hiểm hàng tháng. Tuy nhiên, chính những bệnh nhân trong lúc đi thăm gặp tôi đề nghị cho chúng tôi nhận thuốc này và chữa bệnh ngay tại huyện, tại xã mà không cần phải đi xa, thực chất bệnh mãn tính điều trị theo phác đồ và đến lấy thuốc. Chúng tôi đang xây dựng chương trình này và thực hiện thí điểm ở Hà Nội và một số tỉnh, tức là bệnh nhân có thể đến nhận các thuốc đó mà không cần lên cao. Còn giai đoạn đầu khi chuẩn đoán phát hiện cần những các kỹ thuật tiên tiến, theo hệ thống chuyển tuyến bệnh nhân sẽ được tiếp cận ở tuyến cao nhất, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Kỷ luật 7000 nhân viên y tế với nhiều cấp độ khác nhau
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, vấn đề thái độ, đạo đức của cán bộ y tế mà một số như đại biểu phản ánh chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh" và ở đâu đó vẫn còn hiện tượng cán bộ y tế có thái độ không tốt.
Tuy nhiên thời gian qua ngành y tế đã đưa ra một chương trình đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Bằng nhiều giải pháp tổng thể từ tuyên truyền, vận động gắn với "Học tập làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh" trong toàn ngành gắn với công đoàn.
"Chúng tôi cũng có những giải pháp dùng đường dây nóng, bằng các thùng thư góp ý, quay camera, tăng cường giám sát chuyên môn và có một thông tư xử phạt nghiêm minh. Trên thực tế đã có hơn 7 nghìn cán bộ y tế trong toàn ngành đã bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo, khiển trách, cảnh cáo toàn bệnh viện cho đến đuổi khỏi ngành. Chúng tôi cũng kèm theo đổi mới cơ chế tài chính để nâng mức thu nhập của cán bộ nhân viên thông qua điều chỉnh giá dịch vụ trên lộ trình tính đúng, tính đủ, cho nên thu nhập của những đơn vị sự nghiệp mà đã được tính giá như vừa rồi đưa lương vào giá và các chi phí trực tiếp thì thu nhập tăng lên. Những giải pháp trên đã rồi đã tạo nên một diện mạo mới và toàn diện", Bộ trưởng nói.
Theo đánh giá độc lập của các tổ chức quốc tế - UNDP cho thấy, chỉ số PAPI đã cải thiện rất rõ về thái độ, đặc biệt là ở tuyến tỉnh và tuyến xã.
Giá thuốc Việt Nam không cao so với các nước trong khu vực
Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (tỉnh Tây Ninh) đề cập đến việc, thời gian qua ngành y tế đã có nhiều giải pháp tăng cường quản lý giá thuốc. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến cho rằng giá thuốc Việt Nam cao hơn so với mặt bằng giá các nước trong khu vực và ngay cả Việt Nam chúng ta vẫn có sự chênh lệch giữa các địa phương như vừa qua các kênh thông tin đại chúng đã đưa tin.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tiến khẳng định, thị trường thuốc của Việt Nam ổn định và không tăng cao so với các nước trong khu vực.
"Với việc ban hành một loạt thông tư đồng bộ thực hiện Luật Đấu thầu, Nghị định đấu thầu thì phải nói rằng thị trường thuốc của Việt Nam ổn định và không tăng cao. Trong CPI của những mặt hàng thiết yếu thì thuốc vẫn là đứng thứ 9, thứ 10 có nghĩa là không tăng đột biến”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Theo đánh giá độc lập của tổ chức quốc tế, gần đây của AMF thì giá của thuốc biệt dược và thuốc gốc, generic của những bệnh ung thư, tim mạch, tiểu đường thì thuốc Việt Nam của chúng ta đối với các loại biệt dược gốc thì so với 6 nước trung bình ASEAN thì chúng ta thấp hơn 10%. Trong khi của các nước khác, như: Philippines, Thái Lan cao hơn 37% và 19%, đây là đánh giá của tổ chức quốc tế về vấn đề giá thuốc.
Đối với thuốc generic trong ASEAN thì Việt Nam thấp hơn 33%, trong khi Philippines và Indonesia cao hơn 72% và 20%. Cho nên nói giá thuốc của chúng ta cao hơn thế giới có lẽ phải có số liệu và đánh giá độc lập của các tổ chức quốc tế.
Cũng trong phiên chất vấn, đại biểu quốc hội đề cập đến thực trạng loạn giá ở các quầy thuốc. Về vấn đề này, Bộ trưởng Tiến cho biết, có thể đúng và cũng có thể không đúng. Bởi lẽ, để quản lý giá thuốc, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 9, số 10, số 11 có 3 loại mức khác nhau, loại thứ nhất là quản lý giá đối với các bệnh viện công lập và ngoài công lập, đặc biệt là sử dụng ngân sách, quỹ bảo hiểm.
Loại thứ hai là các quầy thuốc trong bệnh viện công lập. Loại thứ ba là đối với các quầy thuốc ngoài đường tức là bán lẻ. Đối với nhà thuốc bệnh viện chúng tôi đã thực hiện nghị định đấu thầu và theo quyết định của Chính phủ đã thành lập trung tâm mua sắm tập trung và lên danh mục đấu thầu thuốc tập trung để đấu thầu ra giá tham chiếu cao nhất và thấp nhất trong toàn quốc với một số thuốc, đồng thời đấu thầu danh mục thuốc cho tuyến tỉnh và những thuốc để bệnh viện tự mua”, Bộ trưởng Tiến cho biết.
Bên cạnh đó, giá thuốc bệnh viện sẽ điều chỉnh Thông tư 11, bắt buộc giá thuốc của nhà thuốc bệnh viện bằng với giá thuốc bệnh viện đã mua. Đối với quầy thuốc bán lẻ, theo bà Tiến, phải tôn trọng quy luật thị trường, có nghĩa phải tuân theo kê khai giá và công khai, minh bạch. Chắc chắn các quầy thuốc khác nhau bán cùng một tên thuốc giá sẽ khác nhau, nếu bán rẻ thì nhiều người mua, bán đắt thì ít người mua, theo quy luật thị trường.
Tuy nhiên, có ban thanh tra, kiểm tra liên ngành của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đi kiểm tra nếu vượt quá, hoặc không kê khai thì phạt theo Luật xử phạt vi phạm hành chính, nhưng lực lượng này còn rất mỏng và mảng này còn khó khăn.
"Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp thu ý này và phối hợp với địa bàn là phòng y tế ở đó, trung tâm y tế huyện và UBND phường giải quyết, vì không đủ lực lượng để giải quyết hết được”, Bộ trưởng Tiến cho hay.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin thêm rằng, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thông tư 11 sẽ được điều chỉnh nhằm đưa danh mục những thuốc biệt dược đã hết bản quyền giá đang cao thì chúng tôi đưa vào đấu thầu rộng rãi như đối với các thuốc nhóm, nhóm 1 là nhóm cao nhất, đương nhiên hãng dược không đồng tình và bác sĩ điều trị cũng không đồng tình. Vì họ vẫn muốn có những cái riêng và dứt khoát Bộ Y tế sẽ đưa vào đấu thầu rộng rãi”, Bộ trưởng Tiến thông tin.
Còn tình trạng bán thuốc không cần kê đơn, lạm dụng thuốc
Theo Đại biểu Dương Minh Ánh (TP. Hà Nội), tình trạng bán thuốc không cần kê đơn của bác sĩ và tình trạng lạm dụng thuốc nói chung và thuốc kháng sinh nói riêng trong suốt thời gian qua khiến nhiều bệnh nhân bị kháng thuốc, dị ứng thuốc, nặng hơn thì bị sốc thuốc phải nhập viện và đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng trước thực trạng này?
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tôi thấy ý kiến của đại biểu rất xác đáng. Lỗi bán thuốc mà người dân đến hiệu thuốc nào cũng mua được, không cần kê toa thì trong nhiệm kỳ này, chúng tôi cố gắng xử lý.
“Mặc dù đã ban hành các thông tư về kê đơn và quản lý những chuỗi, quầy thuốc đạt GPP - tức là đạt chuẩn nhưng họ không tuân theo thì đang giao cho Cục Quản lý Dược làm thí điểm và nhân lên mô hình này. Đây là yếu kém trong quản lý của ngành và chúng tôi nhận trách nhiệm, sắp tới sẽ đổi mới toàn diện điều này nhưng cũng phải tăng cường lực lượng thanh tra, giám sát vì đội ngũ này và y tế rất yếu. Cả nước chỉ có chưa đến 300 thanh tra ngành y tế, kể cả tuyến Trung ương và tuyến tỉnh. Nó cũng khó như an toàn thực phẩm nhưng còn khó hơn vì y tế là ngành cần chuyên sâu”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Nói về vấn đề lạm dụng kháng sinh, Bộ trưởng Tiến khẳng định, đại biểu Ánh cũng nói điều này là rất đúng. Bộ Y tế đã trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược về phòng, chống kháng sinh và Việt Nam chúng tôi cũng xung phong là một trong các nước thí điểm chương trình của y tế thế giới và sự phối hợp của các tổ chức quốc tế, thì cũng đã làm các hoạt động này. Sắp tới Bộ cũng hạn chế bằng những thông tư kê đơn, đơn điện tử và bệnh án điện tử thì sẽ kiểm soát được vấn đề này nhưng cũng không phải dễ. Trong lộ trình kế hoạch tương lai ngành y tế sẽ cố gắng giảm bớt sử dụng thuốc không hợp lý.
Tiếp tục xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở
Liên quan đến hoạt động của y tế cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng bên cạnh thế mạnh là công tác dự phòng của trạm y tế cấp xã, huyện thì y tế cơ sở còn có nhiều vấn đề như cơ sở vật chất lạc hậu không tạo được sự tin tưởng cho người dân, trình độ đội ngũ y, bác sĩ thấp, vắng bóng bệnh nhân đến khám và chữa bệnh. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm ý kiến của Bộ cũng như giải pháp gì nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở này.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến nội dung y tế cơ sở, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản đầu mối và giảm biên chế thì ngành y tế đã ban hành Thông tư 51, 37, 33 và Nghị định 117 quy định cho trạm y tế xã. Nếu cả nước thực hiện thông tư này thì giảm khoảng gần 700 đầu mối ở tuyến huyện và tăng hiệu quả quản lý.
Cụ thể, tuyến huyện là đơn vị chỉ đạo chuyên môn sẽ gồm 2 chức năng là bệnh viện huyện và trung tâm y tế dự phòng sẽ nằm trong một trung tâm và chỉ đạo trực tiếp trạm y tế xã. Điều này có lợi thế như giảm đầu mối, giảm biên chế ở những phòng hành chính, kế toán để đầu tư vào chuyên môn, cơ sở vật chất có thể tận dụng, bớt chi phí về văn phòng, đi lại. Trung tâm y tế cả 2 chức năng thì sẽ chỉ đạo trực tiếp trạm y tế xã về chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và điều trị trực tiếp.
Đồng thời, do nguồn nhân lực của trạm y tế xã rất khó khăn và chưa đầy đủ thì mô hình các nước là bác sĩ của bệnh viện huyện và trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện vẫn phải luân phiên hàng tuần xuống trạm y tế xã. Như vậy, lúc nào trạm y tế xã cũng có bác sĩ tuyến trên xuống và ngược lại nhân viên, bác sĩ của trạm y tế xã phải lên bệnh viện huyện để nâng cao thực hành và nắm được kỹ thuật cao. Mặt khác, ngành y tế là ngành đặc biệt và có chuyên môn thì chỉ đạo từ trên sở y tế xuống trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã sẽ thông suốt.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cung cấp thêm thông tin rằng, Chính phủ đã phê duyệt Nghị quyết 2348 về đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Đây là đề án mà Bộ rất tâm huyết và chuẩn bị rất công phu để thực hiện việc đầu tư và phát triển hệ thống này.
Trong gian đoạn hiện nay nhân lực về trạm y tế yếu về số lượng và chất lượng. Vì thế, Bộ Y tế tâm huyết để xây dựng một đề án vừa bảo đảm hội nhập với quốc tế vừa giải quyết những bất cập hiện nay như phân bổ không phù hợp. Khắc phục tình trạng một huyện rất nhiều trạm y tế gần nhau nên mỗi ngày chỉ có 03-05 người khám; ngược lại ở những vùng sâu, vùng xa thì một trạm y tế người dân phải đi nửa ngày mới đến và không có đầy đủ trang thiết bị cơ bản để chăm sóc sức khỏe ban đầu, hoạt động không phù hợp, phải cân đối giữa dự phòng chăm sóc sức khỏe và điều trị./.
Bình luận