Việt Nam vượt qua thách thức đại dịch năm 2020, đặt ra 6 mục tiêu cho năm 2021

Hơn 500 khách mời, đến từ các bộ, ngành, các tổ chức, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp đã dến dự Diễn đàn doanh nghiệp 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới IFC đồng tổ chức. Chọn chủ đề “Thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới”, Diễn đàn được nhận rất nhiều lời chúc mừng từ các diễn giả quốc tế cho việc Việt Nam đã thành công trong đẩy lùi đại dịch, vì thế mới có thể tổ chức được một sự kiện có sức kết nối lớn, trong và ngoài nước vào thời điểm đại dịch vẫn đang bùng phát trên toàn cầu.

Diễn đàn doanh nghiệp 2020 thu hút rất đông diễn giả trong và ngoài nước cùng các doanh nghiệp tham dự

Chia sẻ tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2020 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam do phải đối mặt với sự bùng phát của dịch Covid-19. Tuy nhiên, với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực với việc duy trì được tăng trưởng GDP dự kiến đạt 2,5-3% năm 2020.

Đây cũng là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn mà Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách để đạt được những thành tựu rất quan trọng và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. "Trong các kết quả của Việt Nam có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Sự tin tưởng và chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp đã bổ sung thêm động lực để Chính phủ Việt Nam quyết tâm và điều hành linh hoạt để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam cam kết hợp tác chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực phát triển

Bước sang năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang hướng đến một số mục tiêu lớn, Thứ nhất là tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Thứ hai, thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ ba, đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số. Thứ tư, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thứ năm, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển và thứ sáu, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ Việt Nam cam kết hợp tác chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, với các hiệp hội trong nhiều lĩnh vực, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc và khơi thông nguồn lực cho phát triển.

Thúc đẩy doanh nghiệp đa quốc gia mở rộng vòng tay, hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Choi Joo ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung điện tử Việt Nam cho biết, Việt Nam đang nổi lên là nhà xuất khẩu lớn và thành công của Samsung, khi sản phẩm sản xuất tại Việt Nam hiện xuất khẩu sang 128 quốc gia trên thế giới. Điều đặc biệt là trong quá trình phát triển tại Việt Nam, Samsung luôn ý thức việc xây dựng chuỗi cung ứng với sự tham gia của các doanh nghiệp Việt. Tổng giám đốc Samsung cho biết, mới đây, Tập đoàn đã tiếp cận với trên 1.100 doanh nghiệp Việt, từ đó chọn ra 240 doanh nghiệp có tiềm năng, phù hợp với chuỗi sản xuất của Samsung. Các chuyên gia đến từ Hàn Quốc đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt trong việc giải bài toán tối ưu hiệu quả sản xuất, đồng thời mở rộng đào tạo các tư vấn viên là người Việt Nam với mong muốn kinh nghiệm, tri thức từ Samsung lan tỏa đến nhiều doanh nghiệp.

Việt Nam đang nổi lên là nhà xuất khẩu lớn và thành công của Samsung, khi sản phẩm sản xuất tại Việt Nam hiện xuất khẩu sang 128 quốc gia trên thế giới

Chính nhờ tư duy cùng phát triển và nỗ lực đào tạo, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt, số đối tác của Samsung tại Việt Nam đang tăng lên qua từng năm. Nếu như năm 2018, Samsung có 627 đối tác thì năm 2019 là 679 đối tác. Đến cuối năm 2020, Samsung có 725 đối tác là các doanh nghiệp Việt. Với việc chọn Việt Nam làm “Ngôi nhà thứ hai”, Tổng giám đốc Samsung cho biết, Tập đoàn có sự phối hợp thường xuyên với các cơ quan chức năng trong nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.

Đánh giá cao những đóng góp của Samsung cũng như nhiều tập đoàn đa quốc gia đã đến và phát triển tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, khối doanh nghiệp FDI đã ý thức tốt vai trò của mình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, cùng phát triển. Tuy nhiên, Bộ trưởng gợi ý cách tư duy mới, đó là không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp đang hoạt động, khối DN FDI hãy mở rộng vòng tay, hỗ trợ khối doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, đào tạo họ để giúp họ đủ sức tham gia vào chuỗi sản xuất của mỗi tập đoàn.

“Chẳng hạn, những nhân sự đang làm việc ở tập đoàn đa quốc gia sẽ được tạo điều kiện để khởi nghiệp, thành lập công ty mới và cung ứng sản phẩm cho chuỗi sản xuất chung”, Bộ trưởng gợi ý và cho biết, Chính phủ Việt Nam đang và sẽ dành nhiều nỗ lực xây dựng hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp để khơi thông nguồn lực cho phát triển Đất nước. “Trong 5-10 năm tới, chúng tôi đã xác định có 2 động lực cho phát triển của nền kinh tế Việt Nam chính là khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và con người”, Bộ trưởng nói và cho biết, Đảng, Nhà nước đã có những quyết sách mạnh mẽ thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo. Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sắp tới sẽ có 2 chương trình lớn, thúc đẩy công cuộc đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam.

Thứ nhất, ngày 9-10/1/2021, Lễ khởi công Trung tâm Đổi mới, sáng tạo Quốc gia sẽ chính thức diễn ra tại Hòa Lạc. Cùng với đó là sự kiện thứ hai, khai trương Triển lãm quốc tế về đổi mới, sáng tạo lần đầu tiên tại Việt Nam. Theo Bộ trưởng, Triển lãm quốc tế sẽ được tổ chức thường niên và thường xuyên, tạo động lực cho sức sáng tạo, vươn lên của các chủ thể đồng thời cũng tạo diễn đàn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, những sáng kiến trong quá trình nghiên cứu, tìm kiếm con đường phát triển hiệu quả hơn. Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang triển khai trương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp, theo đó, sẽ giúp 800.000 doanh nghiệp tiếp cận với không gian số, tạo cơ hội công bằng và động lực cho sự phát triển trong bối cảnh bình thường mới của nền kinh tế.

Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh Quốc, Australia, Ấn Độ cùng các nhóm công tác đã chia sẻ đánh giá về nền kinh tế Việt Nam, những góp ý chính sách và vướng mắc thực tiễn cần tháo gỡ theo góc nhìn của các doanh nghiệp. Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2020 khép lại với cam kết được ông Hong Sun, Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam nêu lên rằng, cộng đồng doanh nghiệp quốc tế sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm phát triển với mong muốn cùng bước đi mạnh mẽ, bền vững hơn trong thập niên mới./.