Theo đó, ngày 21/12, BOJ tuyên bố sẽ tiếp tục nhắm tới mục tiêu lãi suất và mua các tài sản tài chính để đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Quyết định về lãi suất của BOJ nhận được 8 phiếu thuận và 1 phiếu chống.

BOJ đã không thay đổi khuôn khổ chính sách của mình kể từ tháng 9/2016, thời điểm cơ quan này bất ngờ chuyển hướng chính sách sang kiểm soát đường cong lãi suất. Lần này, BOJ đã áp đặt mức lãi suất ngắn hạn -0,1% đối với một phần khoản tiền gửi dự trữ của các ngân hàng tại BOJ và đặt mục tiêu khoảng 0% đối với lợi suất trái phiếu chính phủ trong 10 năm.

Nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục phát triển với tốc độ ổn định, lạm phát thấp làm giảm áp lực lên BOJ trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã nhiều lần giảm lãi suất và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng tiến gần hơn tới việc bình thường hoá chính sách tiền tệ.

Bình luận của Thống đốc Kuroda hồi tháng trước về lý thuyết “lãi suất đảo ngược” đã làm tăng kỳ vọng BOJ có thể sớm thoát khỏi chính sách nới lỏng. Bởi về mặt lý thuyết, việc kích thích tiền tệ có thể sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng thương mại, từ đó làm giảm khả năng cho vay của các ngân hàng.

Junko Nishioka, Giám đốc của Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui và một cựu quan chức của BOJ cho biết: "Năm tới, nếu xu hướng tăng trưởng kinh tế hiện nay tiếp tục diễn ra thì cần phải đẩy mạnh chính sách nới lỏng tiền tệ".

Mặc dù nền kinh tế Nhật Bản đang trong giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong hơn hai thập niên; tổng sản phẩm trong nước tăng 2,5% trong quý III, trong khi sự tự tin của các nhà sản xuất lớn tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, lạm phát vẫn rất yếu ớt, giá không bao gồm thực phẩm tươi sống chỉ tăng 0,8% trong tháng 10, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của BOJ./.