BQL các KCN tỉnh Ninh Bình: Nhìn lại chặng đường 15 năm
Ngày 15/03/2019 tại tỉnh Ninh Bình, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình đã tổ chức gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập (17/03/2004-17/03/2019). Tới dự buổi gặp mặt có đại diện Vụ Quản lý các khu kinh tế, Vụ Thi đua - Khen thưởng và Truyền thông (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình cùng đại diện các sở, ngành và các huyện, thành phố có KCN trên địa bàn; nguyên lãnh đạo Ban quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình qua các thời kỳ; các ban quản lý KCN, khu kinh tế (KKT) các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và các doanh nghiệp trong các KCN Tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh tặng hoa chúc mừng Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình
Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình Hoàng Đức Long đánh giá khái quát những thành tích nổi bật trong chặng đường 15 xây dựng và phát triển các KCN tỉnh Ninh Bình
Thay mặt Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình, đồng chí Hoàng Đức Long - Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình đã đánh giá khái quát những thành tích nổi bật mà Ban Quản lý đã đạt được trong chặng đường 15 xây dựng và phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh.
Những thành tích nổi bật
Trong 15 năm qua, với nhiệm vụ được Tỉnh giao trong công tác quản lý nhà nước về KCN trên địa bàn Tỉnh, tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ban Quản lý đã đoàn kết một lòng, phấn đấu nỗ lực xây dựng và phát triển các KCN ngày một phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, đóng góp quan trọng trong sự phát triển công nghiệp Tỉnh nhà nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội Ninh Bình nói chung.
Năm 2004, KCN Khánh Phú - KCN đầu tiên của tỉnh Ninh Bình được thành lập, đến nay tỉnh Ninh Bình đã có 7 KCN, với tổng diện tích 1.472ha, chiếm 1,061% diện tích đất tự nhiên toàn Tỉnh, cụ thể: KCN Khánh Phú (351ha), KCN Phúc Sơn (142ha), KCN Tam Điệp I (64ha), KCN Tam Điệp II (386ha), KCN Gián Khẩu (162ha), KCN Khánh Cư (67ha), KCN Kim Sơn (200ha).
Đến nay, các doanh nghiệp trong KCN thu hút được 109 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt 55.757 tỷ đồng; trong đó, có 79 dự án trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 44.322 tỷ đồng và 30 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký là 540 triệu USD, tương đương 11.435 tỷ đồng.
Riêng trong năm 2018, Ban Quản lý đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 1.112,6 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 29 lượt dự án, trong đó có 8 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 3.900 tỷ đồng.
Với quan điểm "không thu hút đầu tư bằng mọi giá”, vì vậy, các dự án đầu tư vào KCN tỉnh Ninh Bình phần lớn là các dự án có quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường (trong đó có 12 dự án có vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng đến 2.600 tỷ đồng, 5 dự án có vốn đầu tư từ 500 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng)
Hiện nay, các KCN có tỷ lệ lấp đầy gần như đạt 100% diện tích đất (KCN Gián Khẩu, KCN Khánh Phú, KCN Tam Điệp I và KCN Khánh Cư đã lấp đầy 100%, KCN Phúc Sơn tỷ lệ lấp đầy là 75,59%). Nhìn chung, các chỉ số về tốc độ lấp đầy KCN, chất lượng các dự án, tính khả thi và hiệu quả của các dự án trong các KCN tỉnh Ninh Bình được đánh giá ở mức khá so với các KCN trong cả nước và khu vực.
Các doanh nghiệp KCN đã đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình. Năm 2006, 2 năm sau khi dự án đầu tiên được cấp phép đầu tư, một số dự án trong KCN đã đi vào sản xuất, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 547 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 8,5 tỷ đồng; xuất khẩu đạt 0,62 triệu USD. Năm 2013, sau 10 năm các KCN được thành lập thành lập, doanh thu của các doanh nghiệp KCN đạt 12.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 236 triệu USD; nộp ngân sách 741 tỷ đồng. Năm 2018, các doanh nghiệp trong KCN tiếp tục đà tăng trưởng, với doanh thu ước đạt 43.000 tỷ đồng, tăng 48,2% so với cùng kỳ (đạt 138,7% so với kế hoạch); giá trị xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, tăng 18,45% so với cùng kỳ ( đạt 128,7% so với kế hoạch); nộp ngân sách trên 7.000 tỷ đồng (trong đó có 21 doanh nghiệp FDI hoạt động, đạt được các chỉ tiêu: doanh thu đạt 16.707 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 982 triệu USD, nộp ngân sách 73 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 23.000 lao động). Đến nay, các doanh nghiệp trong các KCN đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 39.360 người lao động ở trong và ngoài Tỉnh.
Xây dựng và phát triển các KCN, CCN hướng tới sự phát triển bền vững
Tới dự và phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình, bà Nguyễn Thị Thanh khẳng định, tỉnh Ninh Bình ghi nhận và đánh giá cao những hiệu ứng lan tỏa tích cực của các KCN trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn (góp phần tạo sức cạnh tranh cao, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghiệp của Tỉnh nhà, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, đẩy lùi các tện nạn xã hội…), trong đó Ban Quản lý , với vai trò “Người gác cổng KCN”, đã luôn nêu cao tinh thần thần trách nhiệm và hoàn thành xuất sắc trọng trách được phân công.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại buổi gặp mặt
Mặc dù đến nay các KCN của Tỉnh đã cơ bản lấp đầy, song Bí thư Nguyễn Thị Thanh cũng chỉ rõ, thực tế hạ tầng của một số KCN chưa được đầu tư hoàn chỉnh và cơ chế vận hành chưa thực sự trở thành một KCN kiểu mẫu. Mặt khác, vấn đề môi trường, đóng góp thu ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp KCN chưa cao và nhìn chung chưa được các nhà đầu tư quan tâm. Bí thư Nguyễn Thị Thanh lưu ý Ban Quản lý cần phải vào cuộc quyết liệt hơn để lấp đầy các KCN với hạ tầng đồng bộ và cơ chế quản lý, vận hành KCN khoa học, hiệu quả.
“Vấn đề môi trường liên quan đến cơ chế chính sách trong KCN, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa phải đảm bảo các qui định pháp luật của nhà nước với hệ số an toàn cao, cả về con người, chính sách lao động…Tỉnh luôn trăn trở và suy nghĩ về vấn đề này, Ban Quản lý cần phải bàn bạc và tính toán kỹ lưỡng vấn đề mở rộng các KCN, cụm công nghiệp như thế nào để Tỉnh vừa phát triển ngành công nghiệp không khói (du lịch) mà vẫn cân đối với phát triển công nghiệp trên địa bàn”- Bí thư Nguyễn Thị Thanh chia sẻ.
Để các KCN tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững, Bí thư Nguyễn Thị Thanh đề nghị Ban Quản lý cần nêu cao vai trò “Người gác cổng KCN”, phấn đấu nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển bền vững các KCN, CCN; quan tâm đến đời sống, việc làm cho người lao động; kiên quyết không vì tỷ lệ lấp đầy KCN mà đánh đổi môi trường. Đồng thời, quan tâm chú trọng đến công tác phát triển cơ sở Đảng và các tổ chức chính trị, xã hội trong các doanh nghiệp KCN.
“Lãnh đạo Tỉnh kỳ vọng Ban Quản lý sẽ có nhiều khát vọng để thực hiện chủ trương, mong muốn của lãnh đạo Tỉnh, chung sức đồng lòng cùng các cấp, các ngành trong Tỉnh xây dựng và phát triển các KCN, cụm công nghiệp Tỉnh nhà thực sự trở thành ngành công nghiệp trọng điểm và phát triển bền vững” – Bí thư Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Quản lý các KCN Hoàng Đức Long bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Tỉnh đã luôn quan tâm, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để Ban hoàn thành toàn diện nhiệm vụ được giao, đồng thời cam kết, tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ban Quản lý sẽ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc các yêu cầu, nhiệm vụ được lãnh đạo Tỉnh giao.
Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, nhiều năm qua Ban đã vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý, đó là: Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Ninh Bình trao tặng cho tập thể và các cá nhân Ban Quản lý.
Một số hình ảnh Ban Quản lý chụp hình lưu niệm tập thể cơ quan và cùng các khách mời tại Hội nghị:
Bình luận