Bước phát triển mạnh mẽ trong các KCN tỉnh Hòa Bình
Lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình đến thăm và làm việc với các doanh nghiệp trong KCN Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình |
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình (Ban Quản lý) đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các KCN trên địa bàn Tỉnh; qua đó góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, giữ vững ổn định môi trường đầu tư kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án đầu tư hạ tầng và thứ cấp trong các KCN Tỉnh.
Giữ vững ổn định môi trường đầu tư kinh doanh
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình (Ban Quản lý) đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn Tỉnh. Với nhiều hình thức xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú như: tuyên truyền trên các kênh báo chí, truyền hình, wedsite; chuẩn bị các nội dung và cùng Đoàn công tác của Tỉnh đi kiểm tra tình hình sản xuất của các doanh nghiệp tại KCN Bình Phú; tham mưu cho UBND Tỉnh báo cáo, giải trình với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các nội dung liên quan đến các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN; đề xuất UBND Tỉnh về cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN; tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Hàn Quốc vào Hà Nội và các tỉnh Phía Bắc; phối hợp chuẩn bị nội dung phục vụ hội nghị xúc tiến đầu tư của Tỉnh; xây dựng báo cáo, tham gia các cuộc họp của Ban chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tổ chức làm việc với các nhà đầu tư hạ tầng và các nhà đầu tư trong các KCN nhằm giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư…
Với những cố gắng trong công tác xúc tiến đầu tư, kết quả 9 tháng đầu năm 2022 các KCN trên địa bàn Tỉnh đã thu hút được 8 dự án đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đăng ký là 4.589,07 tỷ đồng (bằng 1,950,3 % so với cùng kỳ năm 2021).
Tính đến nay, tổng số dự án đầu tư vào các KCN của Tỉnh là 105 dự án, trong đó 25 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 518,99 triệu USD và 80 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký 15.494,21 tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả thu hút đầu tư, 9 tháng đầu năm 2022 các doanh nghiệp trong các KCN Tỉnh cũng đã tăng cường đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể:
Doanh thu đạt 16.256,26 tỷ đồng, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 82,94% so với kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu đạt 591,78 triệu USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 82,19% so với kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước đạt 159,9 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 20.100 lao động, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Công nhân làm việc trong KCN tỉnh Hòa Bình |
Triển khai đồng bộ và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước
9 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực được phân công: quy hoạch, xây dựng, đầu tư, tài nguyên và môi trường, quản lý doanh nghiệp, lao động…
Công tác quy hoạch có nhiều bước tiến lớn. Ban Quản lý tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh. Một số nhiệm vụ Ban Quản lý đã triển khai:
Tham gia ý kiến vào dự thảo Báo cáo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Báo cáo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát các Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng có liên quan đến các khu nhà ở thương mại, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tổ chức khảo sát, thống nhất vị trí, báo cáo UBND Tỉnh bổ sung phương án quy hoạch KCN Cao Sơn, huyện Đà Bắc với tổng diện tích trên 230 ha, nâng tổng số quy hoạch các KCN đến năm 2030 lên 12 KCN với tổng diện tích là 2.974,06 ha; triển khai các thủ tục điều chỉnh quy hoạch các KCN: Lạc Thịnh, Nhuận Trạch, Nam Lương Sơn, Yên Quang, Bình Phú.
Công tác quản lý xây dựng tiếp tục được theo dõi chặt chẽ, sát sao và hết sức nghiêm túc. 9 tháng đầu năm 2022, Ban đã phối hợp với thanh tra Sở Xây dựng xem xét, xử lý vi phạm quy định của pháp luật về xây dựng đối với 3 doanh nghiệp KCN Mông Hóa (nay là KCN Bình Phú); tham mưu UBND Tỉnh về việc Công ty Cổ phần Kem Hùng Linh sử dụng nút giao KCN Nam Lương Sơn; tham gia ý kiến về đường nối KCN Thanh Hà...
Đồng thời tiếp nhận, thẩm định, thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau bước thiết kế cơ sở và cấp Giấy phép xây dựng cho 2 dự án; thẩm định điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cở sở dự án 1 dự án; chấp thuận điều chỉnh tổng mặt bằng 1 doanh nghiệp; thông báo kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng cho 1 doanh nghiệp; thực hiện các báo cáo định kỳ, đột xuất thuộc lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đầu tư hạ tầng theo quy định.
Hoạt động của Ban Chỉ đạo đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã thực sự phát huy tinh thần làm việc có trách nhiệm cao, tham mưu và tổ chức các hoạt động liên quan đến thu hút đầu tư và phát triển các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn, đồng thời tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp...
Các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước được Ban Quản lý triển khai thực hiện đã cơ bản hoàn thành thủ tục đầu tư, thanh toán, hoàn ứng, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021; xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các dự án; rà soát, dự báo khả năng giải ngân, đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.
Đoàn công tác của tỉnh Hòa Bình đến thăm và kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN tỉnh Hòa Bình |
Lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường được triển khai thực hiện nghiêm túc. Trong công tác quản lý đât đai, tài nguyên, Ban đã yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng các KCN đăng ký khung giá cho thuê đất có hạ tầng và phí sử dụng dịch vụ hạ tầng của các KCN trên địa bàn Tỉnh, tham gia góp ý sửa đổi Luật Đất đai.
Trong công tác quản lý môi trường, Ban đã ban hành và phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp KCN, có biện pháp xử phạt nghiêm minh đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường.
Trong 9 tháng qua, Ban Quản lý đã xây dựng, trình UBND Tỉnh phê duyệt Đề cương, dự toán nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá tình hình phát sinh, thu gom, quản lý và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại trong các KCN, từ đó đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ môi trường”; xây dựng nội dung "Sổ tay công tác quản lý môi trường dùng cho các doanh nghiệp đầu tư trong các KCN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình"; tham gia Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường 2 dự án; tham gia hội đồng thẩm định cấp Giấy phép môi trường cho 3 doanh nghiệp; xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường cho 2 dự án; thực hiện các báo cáo định kỳ, đột xuất thuộc lĩnh vực quản lý đất đai, bảo vệ môi trường theo quy định.
Cùng với đó, công tác quản lý lao động trong các KCN được tăng cường triển khai thực hiện. Ban Quản lý thường xuyên theo dõi và đôn đốc các doanh nghiệp tuân thủ các pháp luật về lao động, các chế độ, quyền lợi cho người lao động. Cùng với đó là triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực lao động, Nghị định của Chính phủ quy định về mức lương tối thiểu vùng đến các doanh nghiệp trong các KCN; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp trong các KCN tuyển dụng lao động, vận động doanh nghiệp sớm nộp hồ sơ chỉ trả tiền hỗ trợ cho công nhân, người lao động theo Quyết định số 80/QĐ-CP của Chính phủ; phối hợp với các cơ quan xem xét, đề xuất UBND Tỉnh cho phép người lao động nước ngoài vào làm việc tại một số doanh nghiệp trong các KCN; tham gia ý kiến vào Quy chế phối hợp trong công tác quản lý cư trú và hoạt động của người nước ngoài…
Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao trong công tác phát triển nguồn nhân lực. 9 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý đã đề xuất nội dung, xây dựng kế hoạch hợp tác giữa tỉnh Hòa Bình với Đại học Quốc gia Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp về nguồn nhân lực chất lượng cao. Thời gian qua Ban đã phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội lập hồ sơ tham gia và được Hội đồng khoa học và công nghệ Tỉnh tuyển chọn là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Tỉnh về “Nghiên cứu đề xuất giải pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại các KCN tỉnh Hòa Bình” năm 2023.
Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách các thủ tục hành chính được xác định là một trong các nhiệm vụ quan trọng cần quan tâm hàng đầu. 9 tháng đầu năm 2022, Ban đã ban hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; kiểm soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2022 theo kế hoạch; đăng ký công chức kiêm nhiệm đầu mối công tác kiểm soát thủ tục hành chính của Ban Quản lý; tham gia khảo sát, xác định Chỉ số Cải cách hành chính tỉnh Hòa Bình năm 2021; thực hiện rà soát, cập nhật bổ sung các thủ tục hành chính đã được Chủ tịch UBND công bố trên Trang thông tin điện tử của Ban Quản lý; đề xuất, trình UBND Tỉnh công bố Danh mục thủ tục hành chính bãi bỏ trong lĩnh vực Môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý; rà soát, đề xuất UBND Tỉnh công bố Danh mục dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022 (đề xuất 10/34 thủ tục hành chính mức độ 4, 24/34 thủ tục hành chính mức độ 3); thực hiện rà soát, báo cáo đánh giá thủ tục hành chính năm 2022; tổ chức hội nghị giao ban chuyên đề, ban hành Thông báo kết luận về Giải pháp nâng cao chỉ số Năng lực canh tranh của Ban Quản lý các KCN; quán triệt, triển khai, kết quả 100% công chức, viên chức trong cơ quan hưởng ứng tham gia cuộc thi trực tuyến tìm hiểu công tác cải cách hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hòa Bình năm 2022... 9 tháng đầu năm 2022, đã tiếp nhận mới 47 hồ sơ và 1 hồ sơ năm 2021 chuyển sang, trả 46 hồ sơ, 2 hồ sơ đang trong thời hạn giải quyết. 100% hồ sơ được giải quyết trước và đúng thời hạn quy định.
Để giữ vững an toàn môi trường đầu tư trong các KCN, mặc dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát, song Ban Quản lý vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới và phòng chống các dịch bệnh mới phát sinh.
Công tác phòng cháy, chữa cháy; an ninh, trật tự trong các KCN luôn được đảm bảo và giữ vững, góp phần giúp các doanh nghiệp yên tâm hoạt động đầu tư kinh doanh.
Công tác chăm lo đời sống vật chất cho người lao động được triển khai khá hiệu quả. Ban đã phối hợp chặt chẽ với Công đoàn các KCN Tỉnh quan tâm chăm lo thường xuyên đến đời sống tinh thần và việc làm của người lao động, góp phần tạo động lực để người lao động yên tâm làm việc hiệu quả và gắn bó dài lâu với các doanh nghiệp.
Hoạt động của đơn vị sự nghiệp được triển khai hiệu quả trên các mặt công tác chuyên môn. Công tác tổ chức bộ máy, tổ chức cán bộ, kế hoạch- tổng hợp, thi đua khen thưởng, phòng chống tham nhũng… tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, phát huy được hiệu quả công tác trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
Quyết tâm hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quản lý và phát triển KCN năm 2022
Công nhân nhà máy may làm việc trong KCN tỉnh Hòa Bình |
Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình cho biết, trên cơ sở các kết quả đã đạt được trong năm 2022, Ban Quản lý dự báo khả năng thực hiện một số chỉ tiêu chính trong kế hoạch năm 2022 như sau:
Số dự án mới thu hút đầu tư vào KCN: 10 dự án, đạt 100% so với kế hoạch; doanh thu của các doanh nghiệp KCN đạt 21.356 tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch; giá trị xuất khẩu đạt 801,78 triệu USD, tăng 11,4% so với kế hoạch; tỷ lệ các KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 66,6%, đạt 100% so với kế hoạch.
Căn cứ kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch 9 tháng đầu năm, các yếu tố tác động đến tình hình phát triển các KCN trong 3 tháng cuối năm 2022, Ban Quản lý dự kiến sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra trong năm 2022.
Công nhân làm việc trong KCN tỉnh Hòa Bình |
Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2022, trong 3 tháng cuối năm 2022, được biết Ban Quản lý đặt quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm cơ bản hoàn thành kế hoạch năm 2022 của cơ quan, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 của Tỉnh. Theo đó Ban Quản lý sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện tốt 4 đột phá chiến lược của Tỉnh thuộc lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ được giao (công tác quy hoạch, kế hoạch; cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động); kịp thời đề xuất khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Hai là, bám sát các nhiệm vụ, giải pháp tại các kế hoạch về phát triển các KCN năm 2022, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh giao, cụ thể:
Rà soát, hoàn thiện, trình UBND Tỉnh phê duyệt Chiến lược phát triển các khu, cụm công nghiệp tỉnh Hòa Bình; tham mưu ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó giao cụ thể nhiệm vụ, thời gian thực hiện cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện.
Tiếp tục đôn đốc, phối hợp với các cơ quan có liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo chủ đầu tư hạ tầng KCN Bình Phú, Nhuận Trạch để sớm triển khai đầu tư hạ tầng KCN, đặc biệt là trạm xử lý nước thải tập trung; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 66,6% và chỉ tiêu giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư 100 ha tại các KCN; đề xuất UBND Tỉnh điều chỉnh giao chỉ tiêu tỷ lệ các KCN có trạm xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường của KCN cho các huyện, thành phố.
Chỉ đạo các phòng chuyên môn và đơn vị trực thuộc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra theo từng lĩnh vực chuyên môn được giao, thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên và các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
Ba là, đối với các dự án đầu tư công do Ban Quản lý làm chủ đầu tư: Tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan tập trung giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục đấu nối vào các quốc lộ; đồng thời đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; rà soát, đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; tổ chức thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực; báo cáo, đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ hợp đồng. Phấn đấu thực hiện đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND Tỉnh (trước ngày 30/9 đạt 70%; trước ngày 31/12 đạt 100%).
Bốn là, phối hợp với các cơ quan có liên quan giải trình hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN Lạc Thịnh; triển khai hoàn thành kế hoạch thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2022, kế hoạch Bảo vệ môi trường năm 2022; kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật về xây dựng, môi trường năm 2022; đôn đốc, nhắc nhở, giám sát các doanh nghiệp thực hiện việc nộp báo cáo giám sát đầu tư, quan trắc môi trường định kỳ theo quy định.
Năm là, xây dựng và trình UBND Tỉnh xem xét, phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của Ban Quản lý các KCN Tỉnh; ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy của Ban Quản lý các KCN theo quy định tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ.
Sáu là, triển khai hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng phần mềm quản lý doanh nghiệp hoạt động trong các KCN và nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN; ứng dụng công nghệ thông tin số hóa giải quyết thủ tục hành chính; mua sắm trang thiết bị, sửa chữa trụ sở cơ quan đúng theo quy định.
Bảy là, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp trong các KCN nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Tám là, tiếp tục thực hiện công tác kế hoạch, tổng hợp, cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính; phòng chống tham nhũng; quy chế dân chủ, dân vận, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật... theo kế hoạch đã đề ra, thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Triển khai các nội dung, tổng kết, đánh giá, đề nghị khen thưởng... theo kế hoạch đã ban hành./.
Công nhân làm việc trong KCN Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình |
Bình luận