Bước tiến lớn trong thu hút đầu tư tại KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An
Toàn cảnh Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phát triển KCN, KKT năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 |
PV: Thưa ông, được biết năm 2023, công tác quản lý nhà nước trong các KCN, KKT của tỉnh Nghệ An tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đã góp phần giữ vững ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh trong các KCN, KKT trên địa bàn Tỉnh. Xin ông cho biết đôi nét tình hình tổng quan công tác phát triển KCN, KKT của Tỉnh trong năm 2023?
Trưởng ban Lê Tiến Trị: Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam (Ban Quản lý) bước vào thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023 trong điều kiện, hoàn cảnh hết sức khó khăn do những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới đã tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và kinh tế, xã hội tỉnh Nghệ An nói riêng. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả của của Tỉnh ủy, HĐND và UBND Tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương; đặc biệt là tinh thần quyết tâm, nỗ lực vượt khó của tập thể cán bộ công chức, viên chức Ban Quản lý và các doanh nghiệp/nhà đầu tư trong các KCN, KKT Đông Nam, nên trong năm 2023, công tác xây dựng và phát triển KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An tiếp tục duy trì ổn định và tăng trưởng, với những kết quả tích cực đó là:
Thu hút đầu tư vào các KCN, KKT có nhiều chuyển biến tích cực. So với cùng kỳ năm 2022, số vốn đầu tư FDI tăng 77%.
Cùng với đó, công tác quy hoạch, phát triển các KCN được tăng cường đẩy mạnh. Ban quản lý đã tham mưu cho UBND Tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ thành lập mới 2 KCN với tổng diện tích 834,79 ha (KCN Thọ Lộc giai đoạn 1 quy mô 500 ha và KCN Hoàng Mai II quy mô 334,79 ha). Ban quản lý đang triển khai thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư KCN WHA Industrial Nghệ An 2 (189 ha); KCN Thọ Lộc B (180 ha); KCN Nghĩa Đàn (200 ha); tỷ lệ lấp đầy bình quân 7 KCN là trên 53%.
Bên cạnh công tác tập trung hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư, công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực: Đất đai; bảo vệ môi trường; doanh nghiệp; lao động; cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng KKT, KCN và huy động các nguồn vốn đầu tư cũng được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực; qua đó góp phần đưa các KCN, KKT của Tỉnh tiếp tục trở thành điểm đến của các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước.
Với những kết quả đạt được trong năm 2023, tập thể và cá nhân Ban Quản lý và các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND Tỉnh và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vì có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2023 và thành tích xuất sắc trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; đồng thời được nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp ngành Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Lê Tiến Trị trình bày báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác phát triển KCN, KKT tỉnh Nghệ An năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 |
PV: Ông có thể thông tin rõ nét hơn về kết quả hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KCN, KKT Đông Nam, cũng như hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp KCN KKT trong năm 2023?
Trưởng ban Lê Tiến Trị: Năm 2023, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam tiếp tục quan tâm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư vào KKT Đông Nam và các KCN. Ban triển khai Kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2023 với nhiều hình thức xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm; đặc biệt chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ để các nhà đầu tư cảm nhận rõ nét hơn thực tế về môi trường đầu tư trong KKT, KCN của Tỉnh.
Về hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài, năm 2023, Ban Quản lý đã chủ trì tổ chức thành công 2 đoàn công tác của Tỉnh kết nối đầu tư tại Trung Quốc và Thái Lan; tham gia các đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Singapore, Nhật Bản, châu Âu (Hungari, Áo, Đức) và Hoa Kỳ; phối hợp với các nhà đầu tư hạ tầng KCN (Công ty VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt) tham mưu lãnh đạo Tỉnh làm việc với các nhà đầu tư tìm hiểu đầu tư vào tỉnh Nghệ An.
Với những cố gắng lớn trong công tác xúc tiến đầu tư của Ban Quản lý và các nhà đầu tư hạ tầng KCN, nên năm 2023 thu hút đầu tư vào KKT Đông Nam và các KCN của Tỉnh trong năm 2023 đã thu được những kết quả hết sức khả quan, vượt kế hoạch đề ra.
Kết quả, Ban Quản lý cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) cho 27 dự án với tổng số vốn đăng ký là 35.069,7 tỷ đồng; điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 56 lượt dự án, trong đó 18 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm 6.578,6 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 41.648,3 tỷ đồng, vượt 108% mục tiêu đề ra (mục tiêu năm 2023 thu hút vốn đầu tư 15.000 – 20.000 tỷ đồng). So với cùng kỳ năm 2022, số vốn đầu tư đăng ký tăng 37,0%. Đặc biệt, năm 2023 thu hút vốn FDI có bước tăng trưởng vượt bậc (lần đầu tiên thu hút FDI đạt mốc 1 tỷ USD và tiếp tục nằm trong top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước) với 18 dự án cấp mới và 12 dự án tăng vốn. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là: 1.599,5 triệu USD, vượt 219% mục tiêu đề ra (mục tiêu năm 2023 thu hút vốn đầu tư FDI: 500 triệu USD). So với cùng kỳ năm 2022, số vốn đầu tư FDI tăng 77%. Các dự án FDI trên địa bàn Tỉnh chủ yếu được thu hút vào Khu kinh tế Đông Nam. Vốn đầu tư FDI thực hiện trong năm 2023 ước đạt 741,59 triệu USD (đạt 46,36% trên tổng vốn đầu tư đăng ký).
Về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tính đến tháng 12/2023, trong KKT Đông Nam và các KCN của Tỉnh hiện có 141 doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2023, các doanh nghiệp KCN, KKT đã đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu như sau: (1) Doanh thu ước đạt 58.998 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ; (2) Xuất khẩu ước đạt 1,19 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022; chiếm 38,3% trên tổng kim ngạch xuất khẩu cả Tỉnh năm 2023; (3) Nhập khẩu ước đạt 0,99 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 77,3% trên tổng kim ngạch nhập khẩu cả Tỉnh năm 2023; (4) Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 2.854 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 16% trên tổng thu ngân sách cả Tỉnh năm 2023; (5) Giải quyết việc làm cho hơn 38.000 lao động, trong đó tạo việc làm mới cho 7.904 lao động so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 17,4% việc làm mới cả Tỉnh năm 2023; (6) Thu nhập bình quân của người lao động đạt 7.727.000 đồng/người/tháng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Ban Quản lý KKT Đông Nam tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng, nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024 Ban đã hỗ trợ xây dựng 9 căn nhà cho các hộ nghèo, khó khăn tại huyện Yên Thành với tổng trị giá 450 triệu đồng |
PV: Sau những thành công mà Ban Quản lý đã đạt được trong năm 2023, với góc độ là cơ quan quản lý nhà nước về KKT và các KCN tỉnh Nghệ An, xin ông chia sẻ quan điểm của Ban Quản lý trong công tác phát triển KKT và KCN trên địa bàn Tỉnh?
Trưởng ban Lê Tiến Trị: Trong quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển các KCN, KKT, chúng tôi đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để có thể xây dựng một môi trường đầu tư thật sự lý tưởng cho các nhà đầu tư; đồng thời phát triển các KCN, KKT tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh, nhằm tạo “lực đẩy” hấp dẫn thu hút mạnh mẽ đầu tư vào các KCN, KKT của Tỉnh, cụ thể là:
Trước hết cần phải nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ công chức, viên chức Ban Quản lý về vai trò, trách nhiệm trong thực thi công vụ để đạt được hiệu lực và hiệu quả hoạt động. Xác định nhiệm vụ xây dựng và phát triển KKT, KCN là một trọng các nhiệm vụ chính trị trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nhanh và bền vững. Ban Quản lý KKT Đông Nam phải thực sự làm tốt vai trò đầu mối, chủ trì và phối hợp có hiệu quả với các sở, ngành, địa phương trong giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển KKT và các KCN.
Tiếp đó, quy hoạch, định hướng phát triển không gian phát triển KKT, KCN phải mang tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, bám sát yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của khu vực, hạn chế việc di dời dân cư, tái định cư để phục vụ công tác quản lý và triển khai dự án đầu tư.
Mặt khác, cần xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào KKT, KCN thực sự có sức hấp dẫn lớn, có tính ổn định lâu dài, đảm bảo nguyên tắc “hỗ trợ những vấn đề mà nhà đầu tư cần” và phù hợp với quy định của pháp luật.
Phát huy thành quả trong thu hút đầu tư, bước đầu hình thành những ngành công nghiệp chủ lực về công nghệ, điện tử, năng lượng, thép, sản xuất linh kiện ôtô..., từ đó tác động, lan tỏa sang các ngành, lĩnh vực khác (đô thị, dịch vụ).
Xác định các nhà đầu tư hạ tầng là nhà đầu tư chiến lược cần ưu tiên tập trung hỗ trợ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc; nhất là công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho nhà đầu tư triển khai dự án theo đúng tiến độ, đáp ứng quỹ đất sạch phục vụ thu hút đầu tư dự án thứ cấp vào đầu tư, sản xuất kinh doanh trong các KCN.
Công nhân đang làm việc trong KCN VSIP Nghệ An |
PV: Ban Quản lý sẽ đặt nhiệm vụ trọng tâm gì trong công tác quản lý nhà nước và phát triển các KCN, KKT năm 2024, thưa ông?
Trưởng ban Lê Tiến Trị: Năm 2024, trong xu hướng chuyển dịch dòng vốn FDI toàn cầu, Việt Nam tiếp tục được các nhà đầu tư đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn để lập “cứ điểm” đổ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Sự dịch chuyển đầu tư FDI vào Việt Nam tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các địa phương trong khu vực về thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường hơn, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu chính thức có hiệu lực tiếp tục tác động đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư...
Trước những cơ hội và thách thức đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam xác định mục tiêu chung xây dựng và phát triển KKT, KCN tỉnh Nghệ An đó là: (1) Tiếp tục xây dựng và phát triển KKT Đông Nam thành khu vực phát triển kinh tế năng động, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao trong khu vực Bắc Trung Bộ, trọng tâm phát triển kết cấu hạ tầng các KCN đồng bộ, hiện đại gắn liền với xây dựng và nâng cấp, mở rộng và nâng cao năng lực khai thác các cảng biển bằng hình thức đầu tư phù hợp, khuyến khích hình thức hợp tác đối tác công tư, nhất là cảng Bắc Cửa Lò; (2) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất, tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết nhiều việc làm và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; (3) Đến năm 2030, KKT Đông Nam mở rộng là một trong hai khu vực động lực tăng trưởng của Tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Một góc KCN WHA, tỉnh Nghệ An |
Về mục tiêu cụ thể: (1) Hoàn thành phê duyệt Đề án mở rộng KKT Đông Nam và đổi tên thành KKT Nghệ An; (2) Hoàn thành phê duyệt 5-7 đồ án quy hoạch phân khu các KCN, khu chức năng theo điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam đến năm 2040; (3) Thu hút đầu tư khoảng 20 - 25 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư FDI khoảng 700 triệu USD. Thành lập mới 2 – 3 KCN với quy mô khoảng 600 ha; (4) Thực hiện giao đất, cho thuê đất khoảng 250 – 300 ha để xây dựng LLT, các KCN; (5) Tỷ lệ KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; (6) Hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2024, tỷ lệ giải ngân đạt 100%. Hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 7 dự án; khởi công mới 4 dự án; thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư 2 dự án hạ tầng kỹ thuật trong KKT, KCN; (7) Phấn đấu thu ngân sách trong KKT, KCN đạt 3.000 – 3.500 tỷ đồng; giải quyết việc làm mới cho khoảng 10.000 – 15.000 lao động.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Lê Tiến Trị tại hội nghị tổng kết công tác phát triển KKT, các KCN năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 |
Để có thể đạt được những mục tiêu cụ thể nêu trên, Ban Quản lý đã xây dựng nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Tiếp tục chỉ đạo triển khai các chương trình hành động, các chương trình, đề án thưc hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp
Tập trung triển khai Kế hoạch của UBND Tỉnh triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, Chương trình hành động của Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trọng tâm hoàn thành phê duyệt Đề mở rộng KKT Đông Nam và đổi tên thành KKT Nghệ An; hoàn thành các thủ tục để triển khai các dự án cảng nước sâu Cửa Lò, Nhà máy nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập.
Tiếp tục triển khai Đề án phát triển KKT Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND Tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4514/QĐ-UBND, ngày 25/11/2021, trong đó hoàn thành xây dựng tiêu chí đầu tư vào KCN (suất vốn đầu tư trên một diện tích, số lượng lao động sử dụng).
Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo lao động ban hành kèm theo Nghị quyết quy định hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Lê Tiến Trị trao tặng danh hiệu cho các tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc |
Tập trung công tác lập quy hoạch phân khu các KCN, khu chức năng trong KKT
Triển khai có hiệu quả Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 93/QĐ-TTg ngày 15/02/2023, tổ chức triển khai lập các quy hoạch phân khu xây dựng, các quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng làm cơ sở quản lý quy hoạch và triển khai dự án đầu tư.
Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan đảm bảo phù hợp, thống nhất đồng bộ với Quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam đến năm 2040; phương án phát triển KKT, KCN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và khả thi; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt; quan tâm giám sát triển khai, xử lý kịp thời các vi phạm trật tự xây dựng trong KKT, KCN.
Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Lê Tiến Trị trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho các cá nhân Ban Quản lý đạt thành tích xuất sắc năm 2023 tại Hội nghị tổng kết công tác phát triển KKT, các KCN tỉnh Nghệ An năm 2023 |
Huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng KKT, KCN
Thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Năm 2024, hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 7 dự án (Đường N2, đường N5-1, đường cứu nạn TĐC ven biển Đông Hồi, Cầu vượt đường sắt tại đường N2, Kênh thoát nước dọc đường N5, Đường N3 nối QL1A vào KCN Hoàng Mai I và Kênh thoát nước quanh KCN WHA-2).
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của HĐND Tỉnh về chính hỗ trợ đầu tư đối với kết cấu hạ tầng kỹ thuật các dự án có quy mô lớn, dự án trọng điểm của Tỉnh.
Tập trung huy động nguồn lực triển khai Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng (đường, điện, nước thải, nhà ở xã hội...) đảm bảo tiến độ, chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao và bảo vệ môi trường; tránh đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong KKT, KCN.
Đại diện nhà đầu tư KCN VSIP Nghệ An báo cáo với Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thành Quân về tiến độ đầu tư dự án KCN VSIP Nghệ An |
Cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và hỗ trợ các dự án trọng điểm
Tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư đa dạng bằng nhiều phương thức, có trọng tâm, trọng điểm; tận dụng, phát huy hệ sinh thái chuỗi các ngành công nghiệp điện tử hiện có để thúc đẩy thu hút ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện, xe máy điện, sản xuất pin, ắc quy lưu trữ, sản xuất vật liệu mới, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ.
Đẩy mạnh hoạt động kết nối đầu tư với các nhà đầu tư từ thị trường truyền thống như: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan; đồng thời coi trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, tập trung hỗ trợ thủ tục để các Tập đoàn Luxshare ICT, Goertek, Foxconn, Suny, Everwin, JuTeng, Runergy... triển khai, sớm đưa dự án đi vào hoạt động.
Hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng hạ tầng các KCN: KCN Thọ Lộc giai đoạn 1 (500 ha), KCN Hoàng Mai II (334,79 ha); thành lập mới các KCN WHA Industrial Zone 2, KCN Thọ Lộc B, KCN Nghĩa Đàn để sẵn sàng quỹ đất sạch phục vụ thu hút đầu tư.
Thực hiện dự báo nhu cầu lao động, chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, trung tâm giới thiệu việc làm và các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn Tỉnh để kết nối đào tạo, tuyển dụng lao động, đảm bảo việc làm, nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong KKT, KCN.
Ban Quản lý KKT Đông Nam tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng, nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024 Ban đã hỗ trợ xây dựng 18 căn nhà cho các hộ nghèo, khó khăn tại huyện Diễn Châu với tổng trị giá 900 triệu đồng |
Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, bảo vệ môi trường trong KKT, KCN
Tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đảm bảo điều kiện triển khai dự án đầu tư trong KKT, KCN.
Phối hợp các sở, ngành, địa phương thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ và chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp.
Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm để bàn giao mặt bằng cho các dự án triển khai xây dựng.
Tăng cường công tác quản lý môi trường; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện các quy định bảo vệ môi trường, quan trắc môi trường, đầu tư các công trình hạ tầng bảo vệ môi trường, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN.
Một góc KCN, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An |
Tăng cường công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính, chuyển đổi số
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc quản lý dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết của HĐND Tỉnh về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trong KKT, KCN.
Rà soát, báo cáo UBND Tỉnh chỉ đạo giải quyết các khó khăn, tồn động trong phát triển KKT, KCN trên địa bàn Tỉnh, các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguy cơ về mất an toàn lao động, vệ sinh lao động, vi phạm quy hoạch và trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy để tổ chức kiếm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm (nếu có).
Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các Nghị quyết, Quyết định của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh và UBND Tỉnh về giải pháp về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2021-2030 và Chương trình của cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý KKT Đông Nam phù hợp quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và KKT; xây dựng đề án vị trí việc làm gắn với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ tại Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam.
Tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch của UBND Tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý tại Ban quản lý KKT Đông Nam phục vụ người dân, doanh nghiệp./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Một góc KCN Nam Cấm nằm trong KKT Đông Nam, tỉnh Nghệ An |
Bình luận