Liên quan tới vụ nước uống C2 và Rồng đỏ nhiễm độc chì, ngày 31/05/2016, Thanh tra Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty URC Hà Nội số tiền 5,8 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn bộ hai lô sản phẩm có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép phải thu hồi, tiêu hủy.

Chiều cùng ngày, Thanh tra Bộ Y tế đã giám sát việc tiêu huỷ gần 1.200 thùng C2, Rồng đỏ nói trên (tổng khối lượng hơn 10 tấn).

Tuy nhiên, dẫn lời ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh thanh tra (Bộ Y tế) trên Báo Tiền phong Onlien cho biết, tổng 2 lô C2 và Rồng đỏ nhiễm chì vượt ngưỡng là hơn 40.000 thùng, nhưng số bị tiêu hủy chỉ chưa đến 1.200 thùng vì doanh nghiệp đã bán hết. Như vậy, có rất nhiều người đã uống loại nước chứa chì vượt ngưỡng, trong đó một lượng khách hàng không nhỏ là trẻ em.

Về phía người tiêu dùng, nhiều người chưa rõ quyền lợi của mình tới đâu, thậm chí còn không biết có “lỡ" uống phải chai nước bị nhiễm độc chì này không.

Dưới góc độ một tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho biết trên Báo điện tử Dân trí: về phía cơ quan nhà nước đã xử lý nghiêm và kịp thời. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể là những người đã mua, sử dụng sản phẩm không bảo đảm chất lượng này sẽ được giải quyết ra sao là vấn đề hội đang quan tâm.

Quyền lợi người tiêu dùng mua sản phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ được giải quyết ra sao?

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền được bồi thường theo khoản 6, điều 8. Theo Luật An toàn thực phẩm, người tiêu dùng có quyền được bồi thường thiệt hại theo quy định do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra. Pháp luật hiện hành cũng đã đưa ra bốn phương thức để người tiêu dùng giải quyết tranh chấp với tổ chức, cá nhân kinh doanh, đó là: Thương lượng; Hòa giải; Trọng tài; Tòa án để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Trong đó, giải quyết theo đường tòa án, phán quyết của tòa mang tính bắt buộc thực hiện, được coi có tính pháp lý cao nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong vụ việc tương tự như thế này, rất khó khăn để xác định từng cá nhân sử dụng phải sản phẩm này do người tiêu dùng mua nhỏ lẻ, đã uống hết, vứt bỏ vỏ, chai lọ thì không thể nhớ được mình đã từng uống sản phẩm thuộc lô này hay không.

Về vấn đề này, dẫn lời Luật sư Nguyễn An – Công ty Luật Cộng đồng trên Báo điện tử VOV cho biết: Người tiêu dùng đơn lẻ khó có thể kiện được URC bởi thực tế, rất ít người còn lưu giữ chứng cứ (sản phẩm kém chất lượng) và họ cũng khó chứng minh được đã bỏ ra số tiền bao nhiêu và mua số lượng hàng hóa như thế nào và gây thiệt hại (cụ thể là ngộ độc chì) ra sao.

Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn An, người tiêu dùng có thể thông qua Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi của mình. Theo đó, người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.

Để bảo vệ người tiêu dùng, về lâu dài, cần thành lập một đội ngũ đứng làm công tác hoà giải, đòi hỏi quyền lợi cho người tiêu dùng.

Về nguồn tài chính để duy trì đội ngũ này, ông Hùng kiến nghị sử dụng những khoản bồi thường cho người tiêu dùng nhưng không thể chi trả vì nhiều lý do, chẳng hạn từng người tiêu dùng không đủ chứng cứ, không chứng minh được thiệt hại, nhưng thiệt hại cho người tiêu dùng nói chung lại rõ.

Bên cạnh đó, nguồn tài chính cho đội ngũ này sẽ được quản lý, hạch toán, theo dõi để chi vào các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách công khai, minh bạch, có giám sát từ phía Nhà nước và người tiêu dùng. Cơ quan nào quản lý, chi theo nguyên tắc nào sẽ do cơ quan có thẩm quyền của nhà nước quyết định trên cơ sở đề án cụ thể.

Thiết nghĩ, ngoài việc chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, Công ty URC hoặc trong tương lai, nếu có những doanh nghiệp như URC cần có lời xin lỗi công khai đối với người tiêu dùng để lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng với không chỉ các sản phẩm khác của Công ty, mà còn với cả niềm tin đối với tất cả các loại hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://vov.vn/xa-hoi/nuoc-c2-rong-do-nhiem-chi-urc-can-xin-loi-nguoi-tieu-dung-516275.vov

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/gan-40000-thung-c2-rong-do-nhiem-chi-da-ban-het-1011269.tpo

http://dantri.com.vn/kinh-doanh/vu-nuoc-c2-rong-do-nhiem-doc-chi-co-quan-bao-ve-nguoi-tieu-dung-noi-gi-2016060120521761.htm