Bộ trưởng cho biết, năm 2020 và 2021, Bộ Giao thông vận tải cũng xác định công tác triển khai các dự án đầu tư, trong đó có những dự án đầu tư trọng điểm là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất.

“Đến hết tháng 9/2021 bình quân giải ngân toàn quốc là 47,8%, nhưng riêng ngành giao thông vận tải giải ngân 61,2%. Điều này cũng thể hiện sự quyết tâm của Bộ Giao thông vận tải”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của 2 dự án trọng điểm quốc gia, Bộ trưởng thừa nhận, trong giai đoạn vừa qua, triển khai chậm do nhiều nguyên nhân.

Các công trình trọng điểm quốc gia còn chậm tiến độ: Vì sao?
So với yêu cầu của 2 dự án trọng điểm quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận, trong giai đoạn vừa qua, triển khai chậm do nhiều nguyên nhân

Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông: 3 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP đều vướng về vốn

Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại Nghị quyết 52 của Quốc hội cuối năm 2017 có 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

“Với 3 dự án đầu tư công, đến thời điểm này chúng tôi bám sát vào Nghị quyết của Quốc hội và cuối năm nay chúng ta sẽ hoàn thành 2 dự án là Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn. Riêng cầu Mỹ Thuận 2 là một cầu dây văng lớn, thì Quốc hội cho phép đến năm 2023. Đến nay, tiến độ của cầu Mỹ Thuận 2 cũng đã đạt được 70%. Như vậy, Nghị quyết 52 thì 3 dự án đầu tư công thì chúng tôi sẽ hoàn thành đúng tiến độ”, Bộ trưởng báo cáo với Quốc hội.

Đối với 8 dự án thành phần còn lại, theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, Bộ sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu quốc tế, nhưng gặp nhiều khó khăn nên sau đó buộc phải chuyển sang đấu thầu trong nước.

Tuy nhiên, công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong nước cũng gặp rất nhiều khó khăn do các nhà đầu tư tài chính lớn ít quan tâm đến dự án, chủ yếu là các nhà thầu tham gia đấu thầu làm nhà đầu tư để tìm kiếm nguồn việc thi công dẫn tới khó khăn về năng lực tài chính.

Đến đầu năm 2020, trong bối cảnh các dự án đầu tư theo hình hình thức PPP đang gặp khó khăn trong việc tuyển chọn nhà đầu tư, lại cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội chuyển một số dự án đang đầu tư công để kích cầu và đẩy nhanh tiến độ triển khai. Đến tháng 6/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 117 về việc chuyển hình thức đầu tư 3 dự án từ PPP sang hình thức đầu tư công, gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết Dầu Giây và cho phép hoàn thành 3 dự án thành phần này vào năm 2022.

Trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, hiện nay chỉ còn 3 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP, gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo "đều đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng.

“Ba dự án này đến thời điểm này đã đạt được tiến độ từ 20 đến 35%. Hiện nay, khó khăn lớn nhất của dự án này là vấn đề đất”, Bộ trưởng báo cáo Quốc hội.

Người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành 2 nghị quyết, Nghị quyết số 60 và Nghị quyết 133 và đến thời điểm này, thủ tục mở các mỏ đất đã đáp ứng được yêu cầu.

Đối với các dự án được chuyển đổi, Bộ trưởng cho hay, đến nay, sản lượng thi công đã đạt khoảng 20 - 35%. Sau khi được Chính phủ tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung tiến độ để hoàn thành 3 dự án này vào cuối năm 2022.

Vào tháng 2/2021, do tình hình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của 5 dự án thành phần còn lại bằng hình thức PPP gặp nhiều khó khăn, Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết 1213 chuyển đổi hình thức đầu tư của hai dự án (QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu) từ PPP sang đầu tư công và cho phép Bộ Giao thông vận tải hoàn thành hai dự án này vào cuối năm 2023.

“Đến thời điểm này, cả hai dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu đều đã triển khai thi công toàn bộ các gói thầu xây lắp, sản lượng thi công đã đạt được khoảng 2%-5%. Bộ Giao thông vận tải đang rốt ráo yêu cầu các nhà đầu tư hoàn thành 2 công trình này vào cuối năm 2023 theo đúng yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Theo người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải, trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, hiện nay chỉ còn 3 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP, gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo "đều đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng.

“Báo cáo với Quốc hội là sau giai đoạn chúng ta thu hút vốn cho các dự án BOT, tình hình tài chính của các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại cũng gặp nhiều khó khăn do huy động thì ngắn hạn mà cho vay cho vay thì dài hạn”, Bộ trưởng chia sẻ.

Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Ngân hàng nhà nước, các bộ, ngành, chúng tôi tổ chức một số buổi làm việc để tháo gỡ khó khăn về tín dụng và làm việc với các ngân hàng thương mại, với các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đến nay, các ngân hàng chỉ cam kết là cho vay 6.000 tỷ trên tổng số là 9.300 tỷ đồng phải huy động và các nhà đầu tư cũng đã đề xuất các giải pháp có thể sẽ huy động thêm nguồn lực của nhà đầu tư hoặc các loại hình khác.

“Hiện nay, chúng tôi đang rất tích cực làm việc với các nhà đầu tư, các ngân hàng để làm sao ký được hợp đồng tín dụng. Bởi vì, không ký hợp đồng tín dụng được, thì chúng ta sẽ không thể nào triển khai được dự án. Do đó, chúng tôi cũng đã báo cáo với Chính phủ và vừa qua Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo là hằng tháng Phó Thủ tướng sẽ chủ trì cuộc họp về cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong đó có tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP”, Bộ trưởng giải trình thêm về tiến độ.

Sân bay quốc tế Long Thành: Giải ngân giải phóng mặt bằng còn chậm

Liên quan đến dự án sân bay quốc tế Long Thành, Bộ trưởng cho hay, sau khi Quốc hội cho chủ trương để Chính phủ phê duyệt, thì tháng 7/2019, Bộ Giao thông vận tải đã trình dự án lên Chính phủ, Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định và cho phép Bộ Kế hoạch và Đầu tư thuê một tư vấn nước ngoài để thẩm định lại toàn bộ dự án sân bay quốc tế Long Thành.

"Chính vì thế nên dự án này đã kéo dài thời gian thẩm định để cho các tư vấn nước ngoài phản biện toàn bộ dự án Sân bay quốc tế Long Thành", Bộ trưởng Thể giải trình.

Đến tháng 12/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký phê duyệt dự án đầu tư và chính thức giao cho ACV là chủ đầu tư của giai đoạn 1.

Các công trình trọng điểm quốc gia còn chậm tiến độ: Vì sao?
"Giải ngân giải phóng mặt bằng cũng còn chậm, mới đạt là 47%, tức là giải ngân được khoảng hơn 10.000 tỷ so với tổng vốn là 22.000 tỷ đồng. Việc này có liên quan đến công tác xây dựng các khu tái định cư, công tác kiểm đếm, xây dựng giá... Chúng tôi cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Đồng Nai để cố gắng bàn giao toàn bộ mặt bằng để đảm bảo tiến độ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết.

Bộ trưởng cho biết, trong 11 tháng vừa qua, tiến độ của Tổng Công ty ACV cũng tương đối tốt, cụ thể là thực hiện 3 nhiệm vụ:

Thứ nhất, xây dựng hàng rào, đến thời điểm này đã hoàn thành được 75%, toàn bộ là hàng rào khoảng gần 9 km.

Thứ hai, thuê các đơn vị rà, phá bom mìn, bởi vì khu vực này cũng rất nguy hiểm. Đến thời điểm này cũng đã đạt được diện tích là khoảng 75%. Toàn bộ sân bay Long Thành đã được rà, phá bom mìn.

Thứ ba, đã tập trung làm các hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán để có thể triển khai thi công.

Riêng về giải phóng mặt bằng và Quốc hội bố trí cho dự án này hơn 22.000 tỷ đồng, vừa qua đã giao cho tỉnh Đồng Nai triển khai từ năm 2018 tới nay.

“Đến thời điểm này, chúng tôi thấy, giải ngân giải phóng mặt bằng cũng còn chậm, mới đạt là 47%, tức là giải ngân được khoảng hơn 10.000 tỷ so với tổng vốn là 22.000 tỷ. Việc này có liên quan đến công tác xây dựng các khu tái định cư, công tác kiểm đếm, xây dựng giá và đặc biệt là trong thời gian vừa qua cũng có ảnh hưởng COVID-19. Chúng tôi cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Đồng Nai để cố gắng bàn giao toàn bộ mặt bằng để đảm bảo tiến độ”, Bộ trưởng Thể nói. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định đến thời điểm này, với 1.265 hecta đã được bàn giao, thì cũng không ảnh hưởng đến tiến độ của Tổng Công ty ACV.

Để giải ngân toàn bộ vốn mà Quốc hội đã giao cho Đồng Nai, Bộ trưởng mong lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tích cực hơn nữa.

Bộ trưởng cũng cho biết, mỗi một tháng họp trực tuyến một lần để ACV, Ủy ban Quản lý vốn, Đồng Nai cùng với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành sẽ tham mưu cho Chính phủ để làm sao thực hiện dự án này đảm bảo tiến độ.

“Mỗi một tháng chúng tôi sẽ cập nhật lại khối lượng công việc đã làm được trong tháng và so sánh với kế hoạch tổng thể để làm sao chỉ đạo kịp thời, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc”, Bộ trưởng báo cáo.

Các công trình trọng điểm quốc gia còn chậm tiến độ: Vì sao?
Về nguồn vốn xây dựng đường vành đai 3, 4 của TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, phải tính toán và cân nhắc để đảm bảo tính khả thi.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ủng hộ xây dựng đường vành đai 3 và vành đai 4 của TP. Hồ Chí Minh

Cùng nhóm câu hỏi về đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trả lời về dự án đầu tư đường vành đai 3 và vành đai 4 của TP. Hồ Chí Minh.

Khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của đường vành đai 3, 4 của TP. Hồ Chí Minh trong mở rộng không gian phát triển, giảm tắc nghẽn giao thông cho Thành phố cũng như vùng Đông Nam Bộ, Bộ trưởng chỉ rõ, phải tính toán và cân nhắc nguồn lực để cho nó đảm bảo tính khả thi.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay, Chính phủ cũng đã giao cho TP. Hồ Chí Minh là cơ quan đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xây dựng dự án này và các tỉnh trong vùng cũng đang cùng tham gia với Thành phố, để xác định xem tổng mức đầu tư là bao nhiêu, trách nhiệm của từng địa phương là bao nhiêu trong tham gia của các địa phương.

“Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi cũng hoàn toàn ủng hộ theo hướng nếu các địa phương có khó khăn thì Trung ương có thể tham gia hỗ trợ một phần, có thể bằng cách nào đó phát hành trái phiếu, cho vay lại hoặc là tham gia hỗ trợ một phần cùng với các địa phương để có thể thực hiện nhanh ngay tuyến đường này”, Bộ trưởng Dũng cho biết.

Về phương án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin phép được cùng với các bộ, ngành nghiên cứu kỹ rồi sẽ báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét quyết định./.