Các đầu mối xăng dầu vẫn chưa sử dụng hết hạn mức tín dụng, số dư khá lớn
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho hay, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu vẫn chưa sử dụng hết hạn mức tín dụng |
Hạn mức tín dụng xăng dầu hiện tại chưa hết và còn tương đối thấp
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã liên hệ với Bộ Công Thương và được Bộ cung cấp danh sách 16 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát với các tổ chức tín dụng. Qua các thông tin báo cáo, hạn mức của 15 ngân hàng thương mại cấp cho 16 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối hiện tại là chưa hết và còn tương đối thấp.
"Các hạn mức gồm cho vay đồng Việt Nam, cho vay ngoại tệ… Các số dư đó đều thấp hơn rất nhiều so với hạn mức mà các ngân hàng đã cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu", Phó Thống đốc nói thêm và khẳng định, vấn đề không hẳn ở phía ngân hàng mà ở phía doanh nghiệp.
"Có nhiều phương án tài chính chưa hiệu quả. Đây là vấn đề liên quan đến điều kiện vay vốn, chứ không hẳn là vấn đề hạn mức tín dụng", Phó Thống đốc đặt vấn đề.
Ông Hà cũng cho biết, các bộ đã bàn và Phó Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ liên quan tiến hành phân tích các vấn đề liên quan đến chính sách và các vấn đề khác, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xăng dầu.
Mặt bằng vốn năm nay rất khác mọi năm, tốc độ huy động vốn chỉ bằng 1/3 tốc độ tăng trưởng tín dụng
Phó Thống đốc tái khẳng định về định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, quan trọng nhất là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ hai là bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng cũng như của cả nền kinh tế.
Thứ ba là lĩnh vực tiền tệ có các chỉ số quan trọng như: lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng và cuối cùng là bảo đảm an toàn cho các tổ chức tín dụng; sau đó mới là kênh huy động vốn cho nền kinh tế.
Phó Thống đốc cho biết, năm nay có một đặc thù là ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, cao hơn mức của 2 năm 2020-2021. Thực tế tín dụng đã tăng ngay từ những tháng đầu năm và đây là vấn đề rất khác so với các năm trước. Đến nay, tín dụng tiếp tục ở mức cao so với cùng kỳ của các năm trước. Cụ thể, tín dụng đến ngày 25/10 tăng 11,5% so với cuối năm ngoái; so với cùng kỳ cuối tháng 10 năm ngoái, tăng trên 17%, là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước đây.
"Rõ ràng là tăng trưởng kinh tế của chúng ta trong 9 tháng có sự đóng góp tích cực của việc tăng trưởng tín dụng nhanh ngay từ đầu năm", Phó Thống đốc nêu rõ.
Tuy nhiên, ông Hà cũng cho biết, mặt bằng vốn năm nay rất khác mọi năm là huy động vốn tăng trưởng chậm.
"Hiện nay, tốc độ huy động vốn tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng, đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng rất cao, cũng gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng, vì có huy động tiền được thì mới cho vay được nền kinh tế", Phó Thống đốc lo ngại.
Quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp
Trong bối cảnh đó, với áp lực bảo đảm nguồn vốn để có thể bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, cũng như có nguồn vốn để cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành từ tháng 9, và gần đây nhất là ngày 24/10, tăng lãi suất điều hành và tăng lãi suất trần huy động của các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng.
"Điều này bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn, để bảo đảm an toàn thanh khoản và là có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế", ông Hà nói.
Phó Thống đốc cũng cho biết, việc điều chỉnh lãi suất cũng phù hợp với thế giới khi lạm phát của thế giới tăng cao và kéo dài, chưa ở mức có thể dừng lại được.
Tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất, điển hình là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng nhanh và rất mạnh lãi suất đã làm cho đồng tiền nội tệ của các nước mất giá theo.
"Rồi các nước tiếp tục tăng lãi suất lần hai, bởi hai lý do: Một là chống lạm phát trong nước, hai là chống đỡ sự giảm giá của đồng nội tệ so với USD", Phó Thống đốc nêu rõ.
Quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước, cũng như bối cảnh quốc tế khi nền kinh tế của chúng ta có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng với quốc tế.
Nguồn vốn tín dụng vẫn tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh ưu tiên
Giải thích về việc mặt bằng lãi suất tăng dẫn tới những quan ngại về khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp, Phó Thống đốc khẳng định, tăng lãi suất là phù hợp với xu hướng chung, bảo đảm an toàn thanh khoản, bảo đảm khả năng huy động vốn để cho vay nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước trong quá trình điều hành luôn luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các đối tượng ưu tiên, các tổ chức kinh doanh.
"Chúng tôi có trần lãi suất cho vay ưu tiên, bảo đảm cho 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng, trong đó Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các ngân hàng, các tổ chức tín dụng tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ưu tiên như xăng dầu hay các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế.
"Chúng tôi cũng đang tập trung chỉ đạo bảo đảm cho tăng trưởng tín dụng phù hợp với kinh tế vĩ mô, đồng thời bảo đảm cho khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp", Phó Thống đốc nêu quan điểm./.
Bình luận