Các KCN tỉnh Vĩnh Phúc tạo nhiều việc làm cho người lao động
Toàn cảnh KCN Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc |
PV: Thưa ông, thời gian vừa qua Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã tăng cường công tác quản lý lao động trong các KCN với các hoạt động thiết thực và hiệu quả, góp phần ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh trong giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Xin ông vui lòng chia sẻ đôi nét về vấn đề này?
Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Trong các nhiệm vụ quản lý nhà nước về KCN thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban, Ban Quản lý xác định công tác quản lý lao động là một trong các nhiệm vụ then chốt, hết sức quan trọng cần được quan tâm và ưu tiên hàng đầu. Với mục tiêu tăng cường và nâng cao nhận thức cho các đối tượng trong KCN về vai trò và trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về lao động và các quy định trong các KCN nên nếu không làm tốt công tác này chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCN (nhất là trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động). Do vậy, công tác quản lý lao động càng cần phải được theo dõi chặt chẽ, sát sao và đi vào chiều sâu với các hoạt động thiết thực, cụ thể.
Công tác quản lý và cấp phép lao động trong các KCN được Ban quan tâm chú trọng và thực hiện có hiệu quả. Năm 2021 Ban đã thực hiện cấp/cấp lại cho 1.064 Giấy phép lao động; Chấp thuận vị trí việc làm sử dụng lao động người nước ngoài cho 246 lượt doanh nghiệp; Xác nhận không thuộc diện cấp phép cho 09 người nước ngoài; Tiếp nhận 146 nội quy lao động; 50 thỏa ước lao động tập thể và 45 hồ sơ thẩm định làm thêm giờ.
Một số các hoạt động đã được triển khai như: Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai Bộ luật Lao động năm 2019 và các Nghị định hướng dẫn Bộ Luật Lao động; đề xuất UBND Tỉnh các biện pháp cấp bách trong công tác phòng chống dịch tại các KCN; báo cáo đề xuất UBND Tỉnh đề nghị Cục Quản lý Xuất nhập cảnh-Bộ Công an cho phép người lao động nước ngoài được phép nhập cảnh vào Vĩnh Phúc làm việc đối với nhà quản lý, chuyên gia và lao động kỹ thuật cao (335 doanh nghiệp với 1.075 người nước ngoài); phối hợp với Công an Tỉnh kiểm tra, chấn chỉnh việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài tại địa phương, đảm bảo đúng điều kiện, trình tự, thủ tục quy định; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh, lao động nước ngoài đã đăng ký vào làm việc tại các doanh nghiệp,... không để sót, để lọt người nhập cảnh trái phép làm việc trong KCN, nhất là người nước ngoài làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc nhưng không tạm trú tại tỉnh phục vụ công tác phòng chống dịch; đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc giám sát y tế, các quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Trong năm 2021, Ban kịp thời phổ biến, cung cấp đầy đủ thông tin văn bản mới ban hành, nhất là văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các hoạt động đầu tư, xây dựng, môi trường, lao động tới các doanh nghiệp KCN; tuyên truyền, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp trong KCN nhằm tăng cường nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tham gia phòng chống dịch bệnh lây lan trên địa bàn Tỉnh để kịp thời tổng hợp tình hình báo cáo theo yêu cầu của UBND Tỉnh.
Để nâng cao khả năng hiểu biết các quy định pháp luật về lao động cho các doanh nghiệp trong KCN, năm 2021 Ban đã tổ chức 6 Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người sử dụng lao động trong các KCN với hơn 300 doanh nghiệp và gần 300 cán bộ nhân sự tham gia; 17 Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật tại 17 doanh nghiệp trong KCN với 1.700 người lao động tham gia. Các nội dung phổ biến về: Hợp đồng lao động, tiền thưởng, chế độ bảo hiểm, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, thỏa ước lao động tập thể, tranh chấp lao động, an toàn, vệ sinh lao động...
Công tác phòng cháy chữa cháy và công tác an ninh, trật tự trong các KCN thường xuyên được theo dõi sát sao. Ban Quản lý phối hợp chặt chẽ với các bộ phận chức năng và các chủ đầu tư KCN để kịp thời giải quyết khi có các sự cố xảy ra; đồng thời có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn phương án giải quyết, tránh phát sinh thêm các vấn đề phức tạp trong quan hệ lao động, hỗ trợ doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, ổn định.
Phát huy những kết quả tích cực này, 06 tháng đầu năm 2022, công tác quản lý lao động trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đạt được những kết quả tốt. Công tác phòng cháy chữa cháy và công tác an ninh, trật tự trong các KCN được quan tâm theo dõi chặt chẽ. Ban đã ban hành văn bản yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng KCN hoàn thiện hồ sơ thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu và thành lập đội phòng cháy chữa cháy chuyên ngành, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy cơ giới, bố trí bến bãi cho công tác phòng cháy chữa cháy trong KCN.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tại các KCN trên địa bàn không có vụ cháy lớn nào xảy, chỉ xảy ra 01 vụ cháy quy mô nhỏ đã xử lý và khắc phục kịp thời, không gây thiệt hại về người và tài sản.
Tình hình an ninh trật tự tại các KCN trong 6 tháng đầu năm 2022 cơ bản được đảm bảo. Trong các KCN trên địa bàn Tỉnh không xảy ra tình trạng đình công, lãn công. Tuy nhiên, Ban tiếp nhận và giải quyết một số kiến nghị của người lao động tại một số doanh nghiệp. Ban đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Tỉnh đến doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, nguyên nhân; làm việc với người sử dụng lao động, để có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn phương án giải quyết, tránh phát sinh thêm các vấn đề phức tạp trong quan hệ lao động, hỗ trợ người lao động. Sau khi Ban làm việc, trao đổi với lãnh đạo và người lao động của các doanh nghiệp trên, người lao động đã được quay trở lại làm việc bình thường.
Để tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong công tác quản lý lao động, gần đây Ban đã tổ chức buổi làm việc giữa đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc và Công ty TNHH Compal (Việt Nam) để tháo gỡ khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, nhất là vấn đề tăng lương cho người lao động. Phối hợp với các cơ quan chức năng đề nghị Cục quản lý Xuất nhập cảnh-Bộ Công an cho phép người lao động nước ngoài được phép nhập cảnh vào Vĩnh Phúc làm việc đối với nhà quản lý, chuyên gia và lao động kỹ thuật cao (147 lượt doanh nghiệp trên 400 người nước ngoài nhập cảnh); Phối hợp với Sở Lao động-Thương bình và Xã hội nắm bắt và cung cấp thông tin về tình hình lao động làm việc tại doanh nghiệp trong KCN đang ở thuê, ở trọ để có biện pháp đề xuất, hỗ trợ người lao động; cung cấp thông tin, số liệu xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động giai đoạn 2022-2025; Cung cấp số liệu về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong năm 2022 và các năm tiếp theo cho Sở Lao động- Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động; Phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư giải quyết vướng mắc của Nhà đầu tư nước ngoài SJP Co., LTD (KCN Bình Xuyên); Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện 05 hợp đồng tư vấn dịch vụ về đầu tư và lao động...
Công tác tuyên truyền thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động đã phát huy tác dụng. Các doanh nghiệp trong KCN đã chấp hành đúng, đầy đủ chế độ lương, thưởng, thời gian nghỉ tết cho người lao động. Sự hiểu biết và thực hiện các quy định của pháp luật lao động của người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp ngày càng được nâng lên. Mặt khác, các hoạt động hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp ngày càng hài hòa, các vướng mắc trong quan hệ lao động đã giảm đáng kể. Không ít doanh nghiệp đã tăng lương để hỗ trợ người lao động, điển hình như: Công ty TNHH Camsys Việt Nam, Công ty Compal Việt Nam, Công ty TNHH Interflex Vina…, qua đó đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp KCN trên địa bàn Tỉnh.
Công nhân làm việc trong KCN tỉnh Vĩnh Phúc |
PV: Được biết song hành cùng hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, các doanh nghiệp KCN đã giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều người lao động ở trong và ngoài Tỉnh. Xin ông cho biết rõ hơn về hoạt động này?
Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hết sức khó khăn của cả năm 2021 và quý I năm 2022, các doanh nghiệp KCN cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước do quy mô sản xuất nhỏ, vốn đầu tư tương đối thấp, lao động thiếu hụt... thì khó khăn càng tăng lên gấp bội. Song với sự chỉ đạo, điều hành sát sao và linh hoạt của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và Ban Quản lý các KCN nói riêng nên công tác phòng chống dịch Covid-19 và triển khai tiêm chủng vacxin COVID-19 được thực hiện nghiêm túc và nhanh chóng được phủ kín các mũi vaccine trong các KCN, hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCN đi vào ổn định và phát triển (đặc biệt là các doanh nghiệp FDI). Cùng với đó, các doanh nghiệp KCN đã tạo được nhiều công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho người lao động ở trong và ngoài Tỉnh.
Năm 2021, các doanh nghiệp DDI thu hút thêm 4.402 lao động mới; luỹ kế đến ngày 15/12/2021, tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp DDI là 8.304 người, trong đó, lao động người Vĩnh Phúc có 5.835 người (chiếm 70% tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ). Cùng với đó, các doanh nghiệp FDI thu hút thêm 13.433 lao động mới; lũy kế đến ngày 15/12/2021, tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp FDI là 103.147 người, trong đó, lao động người Vĩnh Phúc có 74.200 người (chiếm 72% lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp).
Tính đến hết tháng 12/2021, các doanh nghiệp trong các KCN Tỉnh đã thu hút trên 110 nghìn người lao động ở trong và ngoài Tỉnh.
6 tháng đầu năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN tiếp tục ổn định và phát triển, các doanh nghiệp FDI đã thu hút và tạo việc làm cho 116.122 lao động (trong đó lao động là người Vĩnh Phúc 76.199 người, chiếm 66% tổng số lao động), tăng 12.975 người so với thời điểm ngày 15/12/2021; Các doanh nghiệp DDI thu hút và tạo việc làm cho 9.103 lao động (trong đó lao động là người Vĩnh Phúc 5.303 người, chiếm 58% tổng số lao động), tăng 799 người so với thời điểm 15/12/2021.
Đến nay, các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 359 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh (308 dự án FDI và 51 dự án DDI). Các doanh nghiệp trong KCN đã giải quyết việc làm cho 125.225 người lao động, trong đó lao động là người địa phương có 81.502 người, chiếm 65% tổng số lao động đang làm việc tại các KCN.
PV: Với đà phát triển như hiện nay, dự báo đến hết năm 2022 các doanh nghiệp KCN tiếp tục có nhu cầu thu hút thêm lực lượng lao động lớn làm việc trong các KCN. Theo ông, Ban Quản lý sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết “bài toán khó” này như thế nào, nhất là các doanh nghiệp KCN Tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động chất lượng cao?
Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Nhiều doanh nghiệp trong các KCN Tỉnh sản xuất kinh doanh phát triển nên có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất; mặt khác, có nhiều dự án công nghệ cao đã hoàn thành công tác đầu tư và bắt đầu đi vào hoạt động nên nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao của các doanh nghiệp là hết sức lớn, nhất là lao động đã qua đào tạo để có thể bắt kịp ngay với nhịp điệu sản xuất.
Trước tình hình khó khăn này, Ban Quản lý đã phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động Thương binh và Xã hội Tỉnh triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghệp trong KCN làm cơ sở tham mưu, đề xuất với Tỉnh xây dựng cơ chế chính sách đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, có hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; đồng thời tăng cường các hoạt động gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho các doanh nghiệp, qua đó đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn lao động của các doanh nghiệp KCN.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông!
Công nhân làm việc trong nhà máy FDI tại KCN tỉnh Vĩnh Phúc |
Bình luận