Các KCN tỉnh Vĩnh Phúc thu hút đầu tư mạnh trong năm 2022
Toàn cảnh KCN Bá Thiện, tỉnh Vĩnh Phúc |
Thu hút đầu tư tăng mạnh về lượng và chất
Với nỗ lực đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn bằng các hình thức xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm; trong đó chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ và thông qua các đối tác, khách hàng đã và đang đầu tư trong các KCN của Tỉnh.
Kết quả, năm 2022, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc (Ban Quản lý) đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 41 dự án, cụ thể:
Cấp mới cho 15 dự án DDI và điều chỉnh tăng vốn cho 2 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.694,5 tỷ đồng (trong đó: vốn cấp mới: 4.499,7 tỷ đồng; vốn tăng thêm: 194,8 tỷ đồng), bằng 60% về số vốn đầu tư so với năm 2021, đạt 469% kế hoạch năm.
Cấp mới cho 26 dự án FDI và điều chỉnh tăng vốn cho 35 lượt dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 425,9 triệu USD (cấp mới: 250 triệu USD; tăng vốn: 175,9 triệu USD), bằng 44% về vốn đầu tư so với năm 2021 và đạt 142% so với kế hoạch đề ra.
Lũy kế đến ngày 15/12/2022, số dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong các KCN của Tỉnh còn hiệu lực là 447 dự án; bao gồm 97 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 26.707,9 tỷ đồng và 350 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5.812,9 triệu USD.
Trong 41 dự án được thu hút vào các KCN trong năm 2022 có: 1 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật KCN; 16/41 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất điện tử, linh kiện điện tử; 1 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy; 23 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác.
Cơ cấu đầu tư phân theo lĩnh vực lũy kế đến ngày 15/12/2022 như sau:
Lĩnh vực xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN: có 15 dự án, chiếm 3,4% tổng dự án đầu tư, gồm 3 dự án FDI với số vốn đăng ký đầu tư 212,5 triệu USD, chiếm 3,7% tổng vốn đầu tư FDI và 12 dự án trong nước với số vốn đầu tư 15.548 tỷ đồng, chiếm 58,21% tổng vốn đầu tư trong nước.
Lĩnh vực công nghiệp: có 429 dự án, chiếm 96% tổng số dự án đầu tư, gồm 344 dự án FDI với số vốn đầu tư 5.551,2 triệu USD, chiếm 95,5% tổng vốn đầu tư FDI và 85 dự án trong nước với số vốn đầu tư 11.159,9 tỷ đồng, chiếm 41,79% tổng vốn đầu tư trong nước. Đầu tư vào các lĩnh vực: sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy; sản xuất, lắp ráp điện, điện tử; sản xuất các sản phẩm công nghiệp khác.
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ: có 3 dự án FDI, chiếm 0,6% tổng số dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư 49,2 triệu USD, chiếm 0,8% tổng vốn đầu tư FDI.
Dự án FDI phân theo đối tác đầu tư đến ngày 15/12/2022
Năm 2022, các KCN thu hút mới 26 dự án FDI của các nhà đầu tư đến từ 6 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm: 14 dự án đến từ Hàn Quốc; 4 dự án đến từ Nhật Bản; 2 dự án đến từ Trung Quốc; 4 dự án đến từ Đài Loan; 1 dự án đến từ Singapore và 1 dự án đến từ British Virgin Islands.
Tính đến ngày 15/12/2022, trên địa bàn Tỉnh có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các KCN của Tỉnh, trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với 178 dự án, vốn đăng ký đầu tư 2.295,6 triệu USD, chiếm 39,5% tổng vốn đầu tư; đứng thứ hai là Nhật Bản có 46 dự án, vốn đầu tư 1.011,4 triệu USD, chiếm 17,4% tổng vốn đầu tư; đứng thứ 3 là Đài Loan với vốn đầu tư đăng ký 982,3 triệu USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư; Thái Lan đứng thứ 4 với 10 dự án, vốn đầu tư 734,4 triệu USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư; Trung Quốc đứng thứ 5 với 41 dự án, vốn đầu tư 347,7 triệu USD, chiếm 6% tổng vốn đầu tư; còn lại theo thứ tự lần lượt là các dự án đến từ: Singapore, Italia, Samoa, Seychelles, Hà Lan, British Virgin Islands, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Belize, Tây Ban Nha, Indonesia và Pháp với vốn đầu tư < = 2% tổng vốn đầu tư.
Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hút đầu tư
Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc cho biết, năm 2023 Ban dự kiến thu hút 20-25 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 334,18 triệu USD; thu hút 10-12 dự án đầu tư DDI với tổng vốn đầu tư là 3.000 tỷ đồng (trong đó có 2 dự án đầu tư hạ tầng KCN, với tổng vốn đầu tư dự kiến 34,18 triệu USD và 1.988 tỷ đồng).
Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, Ban Quản lý cho rằng ngay từ đầu năm 2023, Ban cần đẩy mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tham mưu cho lãnh đạo Tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, đối thoại với doanh nghiệp, sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Hai là, chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh vào các KCN.
Ba là, thu hút và khuyến khích các dự án đầu tư đa dạng trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, lao động, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp 4.0 và các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh.
Bốn là, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước theo chỉ đạo của Tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang thiết kế và sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, tạo nền tảng thu hút, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao./.
Công nhân làm việc tại doanh nghiệp FDI trong KCN tỉnh Vĩnh Phúc |
Bình luận