Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn chương trình liên kết tại Trường Đại học Tài chính – Marketing
Trần Thị Hồng Nương
Email: nuong.tth@ufm.edu.vn
Nguyễn Hoàng Đoan Anh
Email: doananh@ufm.edu.vn
Phạm Nguyễn Huyền Trân
Email: huyentran.pham@ufm.edu.vn
Nguyễn Ngọc Ngà
Email: nguyenngocnga@ufm.edu.vn
Trường Đại học Tài chính - Marketing
Tóm tắt
Bài viết nghiên cứu các nhân tố tác động đến quyết định chọn chương trình đào tạo liên kết tại Trường đại học Tài chính – Marketing (UFM). Kết quả nghiên cứu cho thất, có 5 nhân tố ảnh hưởng đến Quyết định chọn chương trình đào tạo liên kết tại UFM, gồm: Học phí; Danh tiếng của trường đối tác quốc tế; Kỳ vọng về nghề nghiệp; Cơ sở vật chất và Chương trình đào tạo. Những nhân tố này không chỉ đóng vai trò then chốt trong việc thu hút sinh viên mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao uy tín và giá trị của các chương trình liên kết quốc tế tại UFM.
Từ khóa: chương trình liên kết, UFM, học phí, danh tiếng, kỳ vọng về nghề nghiệp.
Summary
The article studies the factors affecting the decision to choose a joint training program at the University of Finance and Marketing (UFM). The research results show 5 factors affecting the decision to choose a joint training program at UFM, including Tuition fees; Reputation of the international partner school; Career expectations; and Facilities and Training programs. These factors not only play a crucial role in attracting students but also contribute significantly to enhancing the Reputation and value of international joint programs at UFM.
Keywords: joint program, UFM, tuition fees, reputation, career expectations.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Việc lựa chọn ngành học là một trong những quyết định quan trọng mà học sinh cần thực hiện để xác định kế hoạch tương lai. Quyết định này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển cá nhân mà còn tác động sâu sắc đến toàn bộ sự nghiệp và cuộc sống sau này. Theo Park và Hossler (2014), quyết định chọn trường đại học là một quá trình phức tạp, bao gồm nhiều giai đoạn. Trong đó, học sinh phát triển nguyện vọng học tập ở bậc đại học sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), dẫn đến các hành động cụ thể nhằm lựa chọn trường đại học trong nước, đại học quốc tế hoặc các chương trình đào tạo tiên tiến.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc chọn học các chương trình quốc tế liên kết với các trường đại học nước ngoài đang trở thành xu hướng quan trọng. Những chương trình này không chỉ cung cấp nền tảng giáo dục chất lượng cao mà còn mở ra cơ hội tiếp cận tri thức toàn cầu, rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện và tạo lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động quốc tế. Đối với sinh viên, hành vi lựa chọn trường và chương trình học có thể được ví như hành vi của khách hàng khi lựa chọn một sản phẩm dịch vụ, nơi mà giá trị, uy tín và sự phù hợp là những nhân tố then chốt.
Do đó, để hỗ trợ học sinh và sinh viên lựa chọn ngành học phù hợp, các nhà giáo dục cần hiểu rõ các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định này. Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định các nhân tố tác động đến việc chọn ngành học, đồng thời đề xuất các giải pháp thiết thực cho các bên liên quan, bao gồm trường đại học, trường THPT, phụ huynh và chính học sinh. Việc thúc đẩy các chương trình quốc tế liên kết cũng cần được xem xét như một phần chiến lược quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và khả năng hội nhập toàn cầu.
Tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều trường đại học khối kinh tế đã triển khai các chương trình đào tạo liên kết quốc tế, mang đến cho sinh viên cơ hội tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao và bằng cấp quốc tế. Dưới đây là một số chương trình tiêu biểu: Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH): (1) Chương trình Cử nhân Lincoln 1+2: Đây là chương trình liên kết giữa UEH và Đại học Lincoln, Vương quốc Anh. Sinh viên học năm đầu tại UEH và hai năm tiếp theo tại Đại học Lincoln, nhận bằng Cử nhân Kinh tế từ Đại học Lincoln. (2) Chương trình liên kết với Đại học Victoria, New Zealand: Chương trình này cho phép sinh viên học một phần tại UEH và phần còn lại tại Đại học Victoria, nhận bằng cử nhân từ đối tác nước ngoài. Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL): chương trình Cử nhân liên kết với Đại học Birmingham City (BCU), Anh Quốc: Sinh viên có thể chọn học toàn bộ chương trình tại Việt Nam hoặc chuyển tiếp sang BCU sau một hoặc hai năm học tại UEL. Chương trình đào tạo các ngành như Kinh doanh quốc tế và Tài chính quốc tế.
Đặc biệt, UFM đã và đang cung cấp nhiều chương trình đào tạo đại học liên kết quốc tế, hợp tác với các trường đại học uy tín trên thế giới, mang đến cơ hội học tập và bằng cấp quốc tế cho sinh viên. Một số chương trình tiêu biểu có thể kể đến như chương trình liên kết với Đại học HELP (Malaysia), đào tạo các chuyên ngành Tài chính, Kế toán, Marketing, Kinh doanh quốc tế, Khởi nghiệp và Quản trị nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, UFM cũng hợp tác với Đại học UCSI (Malaysia) để triển khai chương trình Quản trị Kinh doanh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của sinh viên. Ngoài ra, chương trình liên kết với Đại học Thompson Rivers (Canada) tập trung vào các chuyên ngành Kinh doanh quốc tế và Marketing, mở ra cơ hội tiếp cận môi trường học tập hiện đại tại một trong những quốc gia phát triển. Đặc biệt, chương trình liên kết với Đại học Concord (Hoa Kỳ) đào tạo các chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính, và Kế toán, theo mô hình học tập 2+2, trong đó sinh viên học 2 năm tại UFM và 2 năm tại Đại học Concord, mang đến sự linh hoạt và trải nghiệm học tập quốc tế. Những chương trình này không chỉ giúp sinh viên trang bị kiến thức chuyên môn mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động toàn cầu.
Vì vậy, mục tiêu của bài báo là nghiên cứu các nhân tố tác động đến quyết định chọn chương trình đào tạo liên kết tại UFM. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tuyển sinh, cải thiện chất lượng chương trình và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của sinh viên trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
Các lý thuyết nền
Thuyết phân cấp nhu cầu của Maslow
Tháp nhu cầu của Maslow (Maslow và Lewis, 1987) là một lý thuyết tâm lý phổ biến về động lực của con người. Theo Maslow, con người được thúc đẩy bởi một hệ thống phân cấp nhu cầu, bao gồm 5 cấp độ từ thấp đến cao: nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu xã hội, nhu cầu tôn trọng và nhu cầu thể hiện bản thân. Nhu cầu sinh lý là những nhu cầu cơ bản nhất, như: ăn, uống, chỗ ở và quần áo để duy trì sự sống. Tiếp theo là nhu cầu an toàn, bao gồm: sự bảo đảm về an toàn cá nhân, sức khỏe, tài chính, và môi trường sống ổn định. Khi các nhu cầu cơ bản này được thỏa mãn, con người sẽ chuyển sang nhu cầu xã hội, như: kết nối tình yêu, gia đình, bạn bè, và cộng đồng. Cao hơn nữa là nhu cầu tôn trọng, tập trung vào việc được công nhận, đạt thành tựu, và xây dựng lòng tự trọng. Cuối cùng, ở mức độ cao nhất, là nhu cầu thể hiện bản thân, tức phát huy hết tiềm năng cá nhân và đạt được sự phát triển toàn diện. Maslow nhấn mạnh rằng, chỉ khi các nhu cầu ở cấp thấp được đáp ứng đầy đủ, con người mới có thể tập trung vào các nhu cầu cao hơn. Lý thuyết này không chỉ giúp hiểu rõ động lực thúc đẩy con người mà còn được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, quản lý và phát triển cá nhân, nhằm tạo điều kiện cho mỗi người phát huy tối đa tiềm năng của mình.
Lý thuyết hành vi nhu cầu người tiêu dùng và tiến trình ra quyết định
Lý thuyết hành vi nhu cầu của người tiêu dùng do Kotler và Amstrong (2020) nghiên cứu đã đề xuất, tập trung vào việc nghiên cứu cách người tiêu dùng tìm kiếm, lựa chọn và tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ. Theo Kotler và Amstrong (2020), hành vi tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi cả nhân tố tâm lý và xã hội, và những nhân tố này đóng vai trò quan trọng trong việc định hình quyết định mua hàng. Dưới đây là các nội dung chính của lý thuyết:
(i) Nhu cầu và mong muốn: Kotler và Amstrong (2020) phân biệt rõ giữa nhu cầu và mong muốn. Nhu cầu là những điều cơ bản cần thiết cho sự tồn tại, chẳng hạn như thức ăn, nước uống, chỗ ở và quần áo. Trong khi đó, mong muốn thể hiện nhu cầu dưới dạng cụ thể, gắn liền với sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định mà cá nhân khao khát.
(ii) Nhân tố tâm lý: Hành vi tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi các nhân tố tâm lý, như: nhu cầu tự thể hiện, tự trọng, an toàn, và sự tự thực hiện. Những nhân tố này có thể thúc đẩy hoặc cản trở quá trình ra quyết định mua hàng, tùy thuộc vào trạng thái tâm lý và cảm nhận của người tiêu dùng.
(iii) Nhân tố xã hội: Kotler nhấn mạnh rằng, nhân tố xã hội, bao gồm áp lực từ cộng đồng, gia đình, nhóm bạn bè, cũng như tác động của quảng cáo, truyền thông và các giá trị văn hóa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi mua sắm. Những nhân tố này định hình nhận thức và thái độ của người tiêu dùng đối với sản phẩm hoặc dịch vụ.
(iv) Quá trình quyết định mua hàng: Kotler và Amstrong (2020) đề xuất một mô hình bao gồm năm giai đoạn chính: nhận biết nhu cầu, tìm kiếm thông tin, đánh giá các lựa chọn, quyết định mua hàngvà đánh giá sau mua. Ở mỗi giai đoạn, các nhân tố tâm lý và xã hội đều có thể tác động, ảnh hưởng đến cách người tiêu dùng đưa ra quyết định. Dựa trên việc đánh giá các lựa chọn, người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng. Quyết định này có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố, bao gồm cả các nhân tố tâm lý (như cảm xúc, hài lòng) và xã hội (như ý kiến của người thân, bạn bè).
(v) Tác động của môi trường marketing: cuối cùng, Kotler và Amstrong (2020) nhấn mạnh vai trò của môi trường marketing trong việc định hướng hành vi tiêu dùng. Môi trường này bao gồm các nhân tố bên ngoài, như: tình hình kinh tế, văn hóa, chính trị và công nghệ, cùng với các nhân tố thuộc doanh nghiệp, như: sản phẩm, giá cả, chiến lược quảng cáo và hệ thống phân phối.
Lý thuyết hành động hợp lý (TRA) và lý thuyết hành vi hoạch định (TPB)
Lý thuyết hành vi hợp lý (Fishbein và Ajzen, 1975) là lý thuyết trong lĩnh vực tâm lý và tâm lý xã hội học hướng tới việc dự đoán các hành vi của con người, lý thuyết này cho rằng con người thực hiện hành vi hay không thực hiện một hành vi nào đó hoàn toàn là do sự kiểm soát của lý trí. Theo lý thuyết này, hành vi của một cá nhân bị ảnh hưởng bởi thái độ và chuẩn mực chủ quan của họ, dựa trên niềm tin và nhận thức của họ về người khác.
Để khắc phục những nhược điểm của lý thuyết TRA, (Ajzen, 1991) bổ sung thêm nhân tố “Nhận thức về kiểm soát hành vi” để hình thành nên mô hình TPB. Lý thuyết hành vi hoạch định (TPB) là một lý thuyết trong lĩnh vực tâm lý học và khoa học hành vi, giải thích cách mà con người hình thành ý định và thực hiện hành vi của mình, thông qua 3 nhân tố chính: Thái độ (attitude), Quan điểm chung (subjective norms) và Kiểm soát hành vi (perceived behavioral control).
Các nghiên cứu có liên quan
Nghiên cứu của Nguyễn Thị Ánh Hoa và Nguyễn Thì Hồng Hạnh (2019) cho thấy, có 3 nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu (BVU) của học sinh THPT tại tỉnh Bà Riạ Vũng Tàu: Chương trình đào tạo; Định hướng cá nhân và Bản thân cá nhân.
Theo Nguyễn Thị Phúc Hậu và Nguyễn Võ Tuyết Trinh (2022), có 4 nhân tố chính tác động đến Quyết định chọn trường đại học của học sinh THPT tại tỉnh Phú Yên, gồm: (1) Đặc điểm của nhà trường; (2) đặc điểm cá nhân của người học; (3) Công tác truyền thông của nhà trường; và (4) Ý kiến từ những cá nhân có ảnh hưởng. Đặc biệt, cả bốn nhân tố này đều có tác động cùng chiều đến quyết định chọn trường đại học của học sinh. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hơn 90% học sinh THPT tại địa bàn tỉnh mong muốn đăng ký vào các trường đại học ở ngoài tỉnh.
Mai Thị Quỳnh Như (2022) đã xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường đại học của học sinh THPT tại TP. Đà Nẵng, bao gồm: Học phí; Chất lượng đào tạo; Hoạt động quảng bá của nhà trường; Triển vọng nghề nghiệp trong tương lai và Khả năng trúng tuyển. Còn nghiên cứu của Đoàn Thị Hồng Nhung và cộng sự (2024) đã đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn ngành học của sinh viên Trường Đại học Đại Nam cho thấy, có 5 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến Quyết định lựa chọn ngành học của sinh viên Trường Đại học Đại Nam, bao gồm: Công tác tuyên truyền tuyển sinh; Người thân; Đặc điểm của Trường; Cơ hội và Kỳ vọng cá nhân.
Mô hình nghiên cứu
Dựa trên các lý thuyết và nghiên cứu có liên quan, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình.
Hình: Mô hình nghiên cứu
Các giả thuyết nghiên cứu được đưa ra như sau:
H1: Danh tiếng của trường liên kết có tác động cùng chiều đến Quyết định chọn chương trình liên kết tại UFM.
H2: Sự kỳ vọng có tác động cùng chiều đến Quyết định chọn chương trình liên kết tại UFM.
H3: Học phí có tác động cùng chiều đến Quyết định chọn chương trình liên kết tại UFM.
H4: Cơ sở vật chất có tác động cùng chiều đến Quyết định chọn chương trình liên kết tại UFM.
H5: Chương trình đào tạo có tác động cùng chiều đến Quyết định chọn chương trình liên kết tại UFM.
Phương pháp nghiên cứu
Nhóm tác giả chọn mẫu theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên. Dữ liệu khảo sát được thu thập qua biểu mẫu và cung cấp cho học sinh tại các trường THPT. Đối tượng khảo sát là sinh viên đang theo học tại trường THPT, trong giai đoạn từ tháng 3/2023 đến tháng 9/2024. Các câu hỏi trong bảng khảo sát được đo bằng thang đo Likert 5 bậc, từ 1 - Hoàn toàn không đồng ý đến 5 - Hoàn toàn đồng ý. Kết thúc đợt khảo sát, nhóm nghiên cứu đã thu được 293 phiếu khảo sát hợp lệ (Sau khi loại bỏ các phiếu khảo sát không hợp lệ). Nhóm nghiên cứu sử dụng phần mềm SPSS 26 để tiến hành phân tích thống kê mô tả; kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá (EFA), hồi quy tuyến tính bội (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha
Bảng 1: Kiểm định độ tin cậy bằng Cronbach's alpha
STT | Nhân tố | Ký hiệu | Cronbach’s Alpha tổng |
1 | Danh tiếng trường liên kết | DT | 0.926 |
2 | Sự kỳ vọng | KV | 0.955 |
3 | Học phí | HP | 0.940 |
4 | Cơ sở vật chất | CSVC | 0.971 |
5 | Chương trình đào tạo | CT | 0.966 |
6 | Quyết định chọn chương trình liên kết | QD | 0.886 |
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả
Kết quả phân tích độ tin cậy (Bảng 1) cho thấy, hệ số Cronbach's Alpha vượt qua ngưỡng chấp nhận được là 0.7. Điều này cho thấy, các thang đo đều đạt độ tin cậy cao. Xem xét hệ số tương quan biến - tổng, cho thấy rằng các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến - tổng > 0.3. Như vậy, mỗi biến quan sát đều đóng góp một phần quan trọng vào tính tổng thể của các thang đo. Các nhân tố này được đưa vào phân tích EFA.
Kết quả phân tích EFA
Bảng 2: Kiểm định KMO và Bartlett của các biến độc lập
KMO | .804 | |
Kiểm định Bartlett | Chi bình phương xấp xỉ | 7946.417 |
df | 190 | |
Sig. | .000 |
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả
Kết quả kiểm định KMO (Bảng 2) cho thấy, mức độ phù hợp của việc lấy mẫu là 0.804, một giá trị khá cao, cho thấy dữ liệu rất phù hợp cho phân tích nhân tố. Kiểm định Bartlett cung cấp giá trị p (Sig.) = 0.000. Điều này chứng tỏ rằng dữ liệu thích hợp cho việc thực hiện phân tích EFA.
Bảng 3: Phân tích nhân tố khám phá của các biến độc lập
Nhân tố | Hệ số Eigenvalue khởi tạo | Chỉ số sau khi trích | Chỉ số sau khi xoay | ||||||
Tổng | % Phương sai | % Phương sai tích lũy | Tổng | % Phương sai | % Phương sai tích lũy | Tổng | % Phương sai | % Phương sai tích lũy | |
1 | 8.759 | 43.794 | 43.794 | 8.759 | 43.794 | 43.794 | 3.977 | 19.886 | 19.886 |
2 | 3.324 | 16.619 | 60.413 | 3.324 | 16.619 | 60.413 | 3.947 | 19.737 | 39.623 |
3 | 2.129 | 10.645 | 71.058 | 2.129 | 10.645 | 71.058 | 3.567 | 17.834 | 57.457 |
4 | 1.887 | 9.436 | 80.494 | 1.887 | 9.436 | 80.494 | 2.968 | 14.839 | 72.296 |
5 | 1.247 | 6.234 | 86.729 | 1.247 | 6.234 | 86.729 | 2.887 | 14.433 | 86.729 |
6 | .427 | 2.133 | 88.861 |
|
|
|
|
|
|
7 | .379 | 1.894 | 90.755 |
|
|
|
|
|
|
8 | .321 | 1.603 | 92.359 |
|
|
|
|
|
|
9 | .282 | 1.412 | 93.771 |
|
|
|
|
|
|
10 | .255 | 1.274 | 95.044 |
|
|
|
|
|
|
11 | .222 | 1.112 | 96.156 |
|
|
|
|
|
|
12 | .188 | .940 | 97.096 |
|
|
|
|
|
|
13 | .164 | .820 | 97.916 |
|
|
|
|
|
|
14 | .133 | .663 | 98.579 |
|
|
|
|
|
|
15 | .080 | .398 | 98.977 |
|
|
|
|
|
|
16 | .069 | .347 | 99.324 |
|
|
|
|
|
|
17 | .059 | .294 | 99.619 |
|
|
|
|
|
|
18 | .057 | .283 | 99.902 |
|
|
|
|
|
|
19 | .014 | .068 | 99.970 |
|
|
|
|
|
|
20 | .006 | .030 | 100.000 |
|
|
|
|
|
|
Extraction Method: Principal Component Analysis. |
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả
Sau khi thực hiện phân tích EFA và áp dụng phương pháp xoay nhân tố Varimax cùng phương pháp nghiên cứu thành phần chủ yếu, kết quả cho thấy 20 biến quan sát được phân chia đều vào 5 nhân tố. Hệ số Eigenvalue của các nhân tố đều vượt qua ngưỡng 1, với giá trị lớn nhất là 1.247, và tổng phương sai trích của các nhân tố đạt 86.729%, vượt qua ngưỡng 50%. Điều này chứng tỏ phân chia 20 biến quan sát thành 5 nhân tố là hoàn toàn phù hợp và giúp giải thích được một lượng lớn sự biến thiên trong dữ liệu.
Bảng 4: Ma trận xoay nhân tố của các biến độc lập
| Nhân tố | ||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | |
DT4 | .874 |
|
|
|
|
DT3 | .824 |
|
|
|
|
DT2 | .823 |
|
|
|
|
DT5 | .823 |
|
|
|
|
DT1 | .777 |
|
|
|
|
HP3 |
| .847 |
|
|
|
HP2 |
| .833 |
|
|
|
HP4 |
| .827 |
|
|
|
HP1 |
| .774 |
|
|
|
HP5 |
| .751 |
|
|
|
KV4 |
|
| .879 |
|
|
KV1 |
|
| .866 |
|
|
KV3 |
|
| .851 |
|
|
KV2 |
|
| .830 |
|
|
CT1 |
|
|
| .989 |
|
CT2 |
|
|
| .983 |
|
CT3 |
|
|
| .982 |
|
CSVC3 |
|
|
|
| .944 |
CSVC1 |
|
|
|
| .940 |
CSVC2 |
|
|
|
| .933 |
Extraction Method: Principal Component Analysis. Rotation Method: Varimax with Kaiser Normalization. | |||||
a. Rotation converged in 5 iterations. |
Kết quả (Bảng 4) cho thấy, 5 nhân tố không có sự thay đổi nào so với kỳ vọng ban đầu, nên các nhân tố này được dùng để đánh giá sự ảnh hưởng của chúng đến quyết định chọn chương trình liên kết tại UFM.
Thực hiện kiểm định tương tự cho nhân tố phụ thuộc. Kết quả kiểm định KMO cho thấy, mức độ phù hợp của việc lấy mẫu là 0.794, một giá trị khá cao, cho thấy dữ liệu rất phù hợp cho phân tích nhân tố. Kiểm định Bartlett cung cấp giá trị p (Sig.) = 0.000. Điều này chứng tỏ rằng, dữ liệu thích hợp cho việc thực hiện EFA. Sau khi thực hiện EFA và áp dụng phương pháp xoay nhân tố Varimax cùng phương pháp nghiên cứu thành phần chủ yếu, kết quả cho thấy 4 biến quan sát được phân chia đều vào 1 nhân tố. Hệ số Eigenvalue của nhân tố = 3.192 (vượt ngưỡng 1), và tổng phương sai trích của các nhân tố đạt 79.806%, vượt qua ngưỡng 50%. Điều này chứng tỏ phân chia 4 biến quan sát thành 1 nhân tố là hoàn toàn phù hợp và giúp giải thích được một lượng lớn sự biến thiên trong dữ liệu.
Kết quả phân tích tương quan
Bảng 5: Phân tích tương quan Pearson
| DT | KV | HP | CSVC | CT | QD | |
DT | Pearson Correlation | 1 |
|
|
|
|
|
Sig. (2-tailed) |
|
|
|
|
|
| |
N | 293 |
|
|
|
|
| |
KV | Pearson Correlation | .475** | 1 |
|
|
|
|
Sig. (2-tailed) | .000 |
|
|
|
|
| |
N | 293 | 293 |
|
|
|
| |
HP | Pearson Correlation | .554** | .666** | 1 |
|
|
|
Sig. (2-tailed) | .000 | .000 |
|
|
|
| |
N | 293 | 293 | 293 |
|
|
| |
CSVC | Pearson Correlation | .357** | .309** | .297** | 1 |
|
|
Sig. (2-tailed) | .000 | .000 | .000 |
|
|
| |
N | 293 | 293 | 293 | 293 |
|
| |
CT | Pearson Correlation | .059 | .051 | -.014 | .225** | 1 |
|
Sig. (2-tailed) | .314 | .387 | .806 | .000 |
|
| |
N | 293 | 293 | 293 | 293 | 293 |
| |
QD | Pearson Correlation | .411** | .543** | .604** | .313** | .080 | 1 |
Sig. (2-tailed) | .000 | .000 | .000 | .000 | .175 |
| |
N | 293 | 293 | 293 | 293 | 293 | 293 | |
**. Correlation is significant at the 0.01 level (2-tailed). |
Kết quả phân tích tương quan (Bảng 5) cho thấy, Học phí (HP) và Kỳ vọng (KV) là những biến có mức độ tương quan mạnh nhất với Quyết định (QD), cho thấy chúng có vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến quyết định. Cơ sở vật chất (CSVC) và Danh tiếng (DT) có mối tương quan trung bình với quyết định, nhưng vẫn có ý nghĩa. Chương trình đào tạo (CT) có tương quan thấp và không ý nghĩa với phần lớn các biến, cho thấy tác động hạn chế đến các nhân tố còn lại.
Kết quả phân tích hồi quy
Bảng 6: Mô hình hồi quy
Mô hình | Hệ số hồi quy chuẩn hóa | t | Sig. | Kiểm tra đa cộng tuyến | ||
Beta | Độ chấp nhận | VIF | ||||
1 | (Hằng số) |
| 2.079 | .039 |
|
|
DT | .169 | 3.420 | .001 | .798 | 1.253 | |
KV | .189 | 3.067 | .002 | .509 | 1.966 | |
HP | .359 | 5.824 | .000 | .510 | 1.961 | |
CSVC | .115 | 2.315 | .021 | .791 | 1.264 | |
CT | .096 | 2.126 | .034 | .946 | 1.057 | |
a. Dependent Variable: QD |
Kết quả phân tích đa cộng tuyến (Bảng 6) cho thấy, các giá trị của Tolerance đều lớn hơn 0.5 và VIF đều < 10, điều này chỉ ra rằng không có hiện tượng đa cộng tuyến đáng kể giữa các biến độc lập. Điều này cung cấp bằng chứng cho tính chính xác và độ tin cậy của mô hình hồi quy tuyến tính, đồng thời tăng cường sự tin tưởng vào các kết quả phân tích hồi quy.
KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH
Kết quả hồi quy cho thấy, mô hình có 5 nhân tố có ý nghĩa thống kê và tác động cùng chiều đến Quyết định chọn chương trình liên kết tại UFM, bao gồm: Danh tiếng trường liên kết; Sự kỳ vọng; Học phí; Cơ sở vật chất; Chương trình đào tạo. Trong đó, nhân tố Học phí có tác động mạnh nhất đến Quyết định chọn chương trình liên kết tại UFM, do hệ số hồi quy của nhân tố này cao nhất (0.359). Các nhân tố Kỳ vọng (KV) và Danh tiếng (DT) cũng có ảnh hưởng đáng kể với hệ số Beta lần lượt là 0.189 và 0.169. Tiếp theo là các nhân tố Cơ sở vật chất (CSVC) và Chương trình đào tạo (CT) có ảnh hưởng yếu hơn, nhưng vẫn mang ý nghĩa thống kê ở mức 5%.
Đồng thời, mô hình có R2 = 0.496, nghĩa là, độ thích hợp của mô hình là 49.6% hay nói cách khác 49.6% là độ biến thiên của mức độ ảnh hưởng đến quyết định chọn chương trình liên kết tại UFM được giải thích bởi 5 nhân tố ảnh hưởng gồm: Danh tiếng trường liên kết; Sự kỳ vọng; Học phí; Cơ sở vật chất; Chương trình đào tạo.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả khuyến nghị một số giải pháp sau:
Một là, đối với nhân tố học phí, UFM cần rà soát và cập nhật, xây dựng chính sách học phí hợp lý, minh bạch và hỗ trợ học bổng cho các đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc thành tích cao. Ngoài ra, cần phát triển các chương trình trả góp học phí hoặc các khoản vay ưu đãi để giảm áp lực tài chính, giúp học sinh và gia đình dễ dàng tiếp cận với giáo dục chất lượng.
Hai là, đối với nhân tố danh tiếng, UFM cũng như các trường cần xây dựng và củng cố danh tiếng thông qua việc nâng cao chất lượng đào tạo, tạo dựng hình ảnh tích cực trong cộng đồng. Các chương trình giới thiệu thông tin minh bạch về thành tựu, tỷ lệ việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, và các hoạt động hợp tác quốc tế nên được đẩy mạnh để đáp ứng kỳ vọng của người học và phụ huynh. Đồng thời, tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp và tham quan trường để tăng sự tin tưởng và kỳ vọng từ học sinh ở các trường THPT.
Ba là, đối với cơ sở vật chất, UFM cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng hiện đại, như: thư viện, phòng thí nghiệm và khu tự học, đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên. Ngoài ra, cần thiết kế các chương trình đào tạo mang tính thực tiễn, cập nhật các xu hướng nghề nghiệp, và tích hợp kỹ năng mềm để nâng cao giá trị cho sinh viên. Đặc biệt, việc triển khai các chương trình liên kết quốc tế và đào tạo song ngữ có thể tăng tính cạnh tranh của trường.
Bốn là, đối với chương trình đào tạo. Nhà trường cần xây dựng chương trình đào tạo liên kết quốc tế tại UFM cần gắn chặt với nhu cầu của thị trường lao động toàn cầu, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn tuyển dụng từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chương trình đào tạo không chỉ cần chú trọng vào thực hành và thực nghiệm mà còn phải trang bị cho sinh viên các kỹ năng làm việc hiệu quả trong môi trường quốc tế, như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm đa văn hóa, và sử dụng công nghệ hiện đại. Đồng thời, cần tích hợp các môn học mang tính dự báo xu hướng tương lai, như quản trị kinh doanh quốc tế, phân tích dữ liệu, và đổi mới sáng tạo, nhằm giúp sinh viên không chỉ thích nghi mà còn dẫn đầu trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Việc triển khai các chương trình như vậy sẽ không chỉ tăng tính hấp dẫn mà còn thúc đẩy sự tập trung và hiệu quả trong quá trình học tập của sinh viên, tạo lợi thế cạnh tranh nổi bật trên thị trường lao động quốc tế (Vuong và Nguyen, 2024).
Năm là, nhân tố sự kỳ vọng về nghề nghiệp. Sự kỳ vọng về nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quyết định chọn chương trình liên kết đào tạo quốc tế tại UFM, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Sinh viên và phụ huynh thường kỳ vọng rằng chương trình liên kết sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế, mở ra cơ hội làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia hoặc các môi trường chuyên nghiệp có tiêu chuẩn cao. Những kỳ vọng này thường gắn liền với chất lượng đào tạo quốc tế, giá trị bằng cấp được công nhận toàn cầu và khả năng tiếp cận các nguồn tri thức hiện đại. Việc chương trình đào tạo được thiết kế theo chuẩn quốc tế, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, cùng các môn học mang tính xu hướng, như: quản trị kinh doanh toàn cầu hay phân tích dữ liệu, càng củng cố niềm tin rằng, sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình liên kết tại UFM sẽ đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe từ thị trường lao động, tạo dựng sự nghiệp vững chắc và phát triển lâu dài giữa UFM và một số trường đại học tại Anh, Pháp, Mỹ, Malaysia./.
Tài liệu tham khảo
1. Ajzen, I. (1991), The theory of planned behavior, Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50(2), 179–211.
2. Đoàn Thị Hồng Nhung, Đào Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Mai Phương, Ngô Văn Thiện, Đào Phương Thảo và Nguyễn Thị Minh Giang (2024), Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn ngành học của sinh viên Trường Đại học Đại Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số tháng 5.
3. Fishbein, M., and Ajzen, I. (1975), Belief, attitude, intention and behaviour: An introduction to theory and research (Vol. 27), Reading, MA: Addison-Wesley.
4. Kotler, P., and Amstrong, G. (2020), Principles of Marketing (18th Global Edition), UK: Pearson.
5. Mai Thị Quỳnh Như (2022), Các nhân tố ảnh hưởng đếnquyết định chọn trường đại học của học sinh trung học phổ thông tại TP. Đà Nẵng, Tạp chí Công Thương, số 6, 1–5.
6. Maslow, A., and Lewis, K. J. (1987), Maslow’s hierarchy of needs, Salenger Incorporated, 14(17), 987-990.
7. Nguyễn Thị Ánh Hoa và Nguyễn Thì Hồng Hạnh (2019), Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường đại học của học sinh trung học phổ thông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Tạp chí Khoa học Yersin, số 6, 67–76.
8. Nguyễn Thị Phúc Hậu và Nguyễn Võ Tuyết Trinh (2022), Nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường đại học của học sinh trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên, Tạp chí Khoa học và Đào tạo ngân hàng, số 246, 26-38.
9. Park, E., and Hossler, D. (2014), Understanding student college choice, Handbook of Strategic Enrollment Management.
10. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024). Better Economics for the Earth: A Lesson from Quantum and Information Theories. AISDL.
Ngày nhận bài: 16/11/2024; Ngày phản biện: 02/12/2024; Ngày duyệt đăng: 11/12/2024 |
Bình luận