Ngô Tiến Quân

NCS. Trường Đại học Thương mại

Email: Mr.Quick.94@gmail.com

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm xây dựng mô hình thực nghiệm đánh giá các nhân tố quản lý nhà nước ảnh hưởng tới sự phát triển làng nghề. Từ tổng hợp các tài liệu, cơ sở lý thuyết, nghiên cứu đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố quản lý nhà nước ảnh hưởng tới Sự phát triển làng nghề, trong đó, biến độc lập gồm: (i) Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; (ii) Chính sách hỗ trợ đầu tư; (iii) Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và nghệ nhân; (iv) Chính sách phát triển công nghệ và cải tiến tổ chức sản xuất, kinh doanh; (v) Chính sách hỗ trợ xúc tiến thị trường và hỗ trợ thương mại; (vi) Chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh; (vii) Chính sách hỗ trợ bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.

Từ khóa: làng nghề, quản lý nhà nước, các nhân tố ảnh hưởng

Summary

The study aims to build an empirical model to evaluate state management factors affecting the development of craft villages. From the synthesis of documents and theoretical foundations, the study proposes a research model of state management factors affecting the development of craft villages, in which the independent variables include: (i) Policies and guidelines of the Party and the State; (ii) Investment support policies; (iii) Policies to support the development of human resources and artisans; (iv) Policies to develop technology and improve production and business organization; (v) Policies to support market promotion and trade support; (vi) Policies to support competitiveness improvement; and (vii) Policies to support environmental protection and social security.

Keywords: craft villages, state management, influencing factors

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Một số khái niệm

Quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội

Quản lý nhà nước đối với kinh tế - xã hội là một chủ đề quan trọng và rộng lớn, liên quan đến các hoạt động và quyết định của nhà nước nhằm điều chỉnh và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong nền kinh tế và xã hội. Sự cần thiết phải quản lý nhà nước đối với kinh tế - xã hội không chỉ giúp duy trì sự ổn định của nền kinh tế mà còn đảm bảo sự công bằng xã hội và phát triển bền vững.

Quản lý nhà nước đối với kinh tế - xã hội là việc điều chỉnh và giám sát các hoạt động để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Quá trình này bao gồm: Lập kế hoạch, chiến lược; Triển khai chính sách; Đánh giá và điều chỉnh: Theo dõi tiến độ thực hiện, đánh giá kết quả, và điều chỉnh các chính sách để phù hợp với các điều kiện thay đổi (Stiglitz, 1989).

Khái niệm làng nghề

Có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm làng nghề, nhưng năm 2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 116/2006/TT-BNN, ngày 18/12/2006 quy định nội dung và các tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

Còn theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn, thì “Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân cư tương tự tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn quy định tại Điều 4 Nghị định này.

Tóm lại, có thể hiểu, làng nghề là: (i) Một hoặc nhiều đơn vị hành chính dân cư có quy mô nhỏ hơn đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn; (ii) Ngoài ngành nông nghiệp, tồn tại một hoặc một số ngành nghề phi nông nghiệp chiếm ưu thế về số hộ, số lao động và thu nhập so với các ngành nông nghiệp; (iii) Các làng nghề truyền thống được công nhận dựa trên nhiều tiêu chí, và phải có ít nhất một nghề truyền thống).

Khái niệm phát triển làng nghề

- Phát triển làng nghề có thể được định nghĩa là quá trình cải thiện và nâng cao các yếu tố liên quan đến sản xuất, tiêu thụ và quản lý làng nghề nhằm đạt được sự tăng trưởng bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng làng nghề.

Theo Geertz (1973), phát triển làng nghề bao gồm sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Các yếu tố chính của phát triển làng nghề bao gồm: Tăng trưởng kinh tế; Cải thiện chất lượng sản phẩm; Bảo tồn văn hóa; Phát triển cộng đồng.

Các nhân tố quản lý nhà nước ảnh hưởng tới phát triển làng nghề và giả thuyết nghiên cứu

Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ảnh hưởng tới sự phát triển làng nghề

Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước một mặt hỗ trợ, khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Một mặt, đảm bảo làng nghề phát triển theo đúng quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo môi trường. Nhà nước xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển làng nghề, ban hành các chính sách khuyến khích phát triển, như: hỗ trợ vay vốn ưu đãi, đền bù đất đai, đào tạo lao động, thuế… Mặt khác, sự tổ chức, quản lý của Nhà nước tạo điều kiện cho làng nghề phát triển bền vững, hạn chế gây ô nhiễm, tàn phá môi trường. Không có sự quản lý của Nhà nước, làng nghề tự do cạnh tranh không lành mạnh, chẳng những không phát triển, mà còn kìm hãm sự phát triển, không nâng cao được năng lực cạnh tranh của làng nghề với thị trường trong và ngoài nước…Tuy vậy, các chính sách của Nhà nước đối với làng nghề còn ít. Nhiều địa phương đã có những chính sách riêng khuyến khích phát triển làng nghề. Từ những cơ sở lý luận trên, tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu sau:

H1: Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ảnh hưởng tới Sự phát triển làng nghề.

Chính sách hỗ trợ đầu tư với phát triển làng nghề

Thu hút đầu tư là một trong những chiến lược quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt trong các ngành nghề truyền thống. Lý thuyết về thu hút đầu tư chỉ ra rằng, các yếu tố như: môi trường pháp lý, cơ sở hạ tầng và các chính sách hỗ trợ của nhà nước đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn.

Một môi trường pháp lý ổn định và minh bạch là yếu tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư. Nghiên cứu của Acemoglu và cộng sự (2001) chỉ ra rằng, các thể chế mạnh mẽ và ổn định sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân và tăng trưởng kinh tế. Đối với các làng nghề truyền thống, việc đơn giản hóa các thủ tục pháp lý, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư là cần thiết để thu hút đầu tư dài hạn. Các chính sách ưu đãi thuế, như: miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế đất đai, đã được chứng minh là công cụ hiệu quả trong việc thu hút đầu tư vào các khu vực nông thôn và các ngành nghề truyền thống. Asiedu (2002) cho rằng, các ưu đãi thuế có thể tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào các nước đang phát triển. Từ những cơ sở lý luận trên, tác giả đưa ra giả thuyết như sau:

H2: Chính sách hỗ trợ đầu tư có tác động tới Sự phát triển làng nghề.

Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và nghệ nhân làng nghề với phát triển làng nghề

Kỹ năng và tay nghề của nghệ nhân là yếu tố then chốt trong việc duy trì và phát triển các kỹ thuật truyền thống. Theo Polanyi (1967), nhiều kỹ năng và kiến thức nghề nghiệp là "tầm thường" và không thể dễ dàng truyền đạt qua các phương pháp học tập thông thường mà cần phải được truyền dạy trực tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ đó, giả thuyết nghiên cứu sau được đề xuất:

H3: Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và nghệ nhân làng nghề có tác động tới Sự phát triển làng nghề.

Chính sách phát triển công nghệ và cải tiến tổ chức sản xuất, kinh doanh với phát triển làng nghề

Các làng nghề truyền thống đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì và phát triển trong bối cảnh kinh tế hiện đại. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến và cải tiến tổ chức sản xuất, kinh doanh không chỉ giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn góp phần duy trì và phát triển các kỹ thuật truyền thống. Quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các làng nghề thông qua các chính sách hỗ trợ công nghệ và tổ chức sản xuất.

Công nghệ trong sản xuất là tổng hợp các công cụ, kỹ thuật, và quy trình được sử dụng để cải thiện quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Theo lý thuyết tăng trưởng của Solow (1956), sự tiến bộ công nghệ có thể tăng cường năng suất và tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Công nghệ mới có thể giúp giảm thiểu lãng phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất, và cải thiện chất lượng sản phẩm.

Việc áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, chẳng hạn như: máy móc tự động hóa, thiết bị chính xác và phần mềm quản lý sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả và giảm thiểu lỗi trong quy trình sản xuất. Sử dụng công nghệ thông tin để quản lý dữ liệu đơn hàng, dự đoán nhu cầu và tối ưu hóa chuỗi cung ứng giúp các làng nghề cải thiện khả năng phục vụ khách hàng và nâng cao hiệu suất làm việc.

Tổ chức sản xuất, kinh doanh liên quan đến cách thức sắp xếp và điều phối các hoạt động sản xuất và quản lý trong một doanh nghiệp. Theo lý thuyết tổ chức của Chandler (1966), cấu trúc tổ chức hiệu quả giúp tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực và cải thiện khả năng cạnh tranh. Tổ chức sản xuất và kinh doanh hợp lý giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Áp dụng các phương pháp quản lý chất lượng toàn diện (TQM) giúp cải thiện quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc tổ chức các cuộc kiểm tra chất lượng định kỳ và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế là các bước quan trọng. Tổ chức và quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả giúp giảm thiểu thời gian giao hàng, tối ưu hóa tồn kho và cải thiện khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Từ đó, giả thuyết nghiên cứu sau được đề xuất:

H4: Chính sách phát triển công nghệ và cải tiến tổ chức sản xuất, kinh doanh có tác động tích cực tới Sự phát triển làng nghề.

Chính sách hỗ trợ xúc tiến thị trường và hỗ trợ thương mại sản phẩm làng nghề với phát triển làng nghề

Các làng nghề truyền thống đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và văn hóa của nhiều quốc gia. Những sản phẩm thủ công từ các làng nghề không chỉ phản ánh di sản văn hóa, mà còn tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển các làng nghề cần một sự hỗ trợ đồng bộ từ nhiều phía, đặc biệt là trong việc mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Quản lý nhà nước đóng vai trò thiết yếu trong việc xúc tiến và hỗ trợ phát triển thị trường và thương mại sản phẩm làng nghề.

Xúc tiến thị trường là một quá trình quan trọng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, thông qua việc tìm kiếm cơ hội thị trường mới, quảng bá và tiếp thị sản phẩm. Theo Kotler và Keller (2016), việc xây dựng và phát triển thị trường không chỉ giúp mở rộng cơ hội tiêu thụ, mà còn tăng cường nhận diện và giá trị của sản phẩm trên thị trường.

Chính phủ có thể hỗ trợ các làng nghề trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua các chương trình đào tạo, hỗ trợ marketing, và phát triển chiến lược thương hiệu. Điều này giúp nâng cao nhận diện sản phẩm và tạo ra giá trị gia tăng.

Hỗ trợ thương mại bao gồm các chính sách và hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch và tiêu thụ sản phẩm, bao gồm hỗ trợ tài chính, giảm thuế và các rủi ro thương mại. Theo lý thuyết chính sách công của Stiglitz (2000), chính sách hỗ trợ thương mại giúp giảm thiểu các rủi ro và chi phí liên quan đến việc tham gia thị trường, từ đó khuyến khích hoạt động kinh doanh và thương mại. Chính sách hỗ trợ thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch và tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Theo lý thuyết về chính sách công của Musgrave và Musgrave (1980), sự hỗ trợ của nhà nước trong việc giảm chi phí và rủi ro thương mại giúp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và mở rộng thị trường. Từ đó, giả thuyết nghiên cứu sau được đề xuất:

H5: Chính sách hỗ trợ xúc tiến thị trường và hỗ trợ thương mại sản phẩm làng nghề có tác động tích cực tới Sự phát triển làng nghề.

Chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh với phát triển làng nghề

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng cạnh tranh, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và cơ sở sản xuất, kinh doanh là điều kiện tiên quyết để các làng nghề truyền thống không chỉ tồn tại mà còn phát triển bền vững. Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các chính sách hỗ trợ nhằm cải thiện hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa quy trình kinh doanh.

Chính phủ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và cơ sở sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ. Các chính sách này có thể bao gồm: hỗ trợ tài chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, cung cấp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, và khuyến khích đổi mới công nghệ (Musgrave và Musgrave, 1980). Từ đó, giả thuyết nghiên cứu sau được đề xuất:

H6: Chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh có tác động tích cực với Sự phát triển làng nghề.

Chính sách hỗ trợ bảo vệ môi trường và phát triển an sinh xã hội với phát triển làng nghề

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng, các làng nghề truyền thống đang đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì bản sắc văn hóa và cung cấp việc làm cho hàng triệu người. Tuy nhiên, sự phát triển này thường đi kèm với những thách thức về môi trường và an sinh xã hội. Chính vì vậy, quản lý nhà nước có vai trò quyết định trong việc xây dựng các chính sách và chương trình hỗ trợ bảo vệ môi trường, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững cho các làng nghề.

An sinh xã hội là hệ thống các dịch vụ và chính sách nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn lao động, và các quyền lợi xã hội của người lao động. Theo lý thuyết của Titmuss (1975), hệ thống an sinh xã hội giúp đảm bảo sự công bằng xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Trong các làng nghề, an sinh xã hội bao gồm việc cung cấp các dịch vụ cơ bản và bảo vệ quyền lợi của người lao động, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và điều kiện làm việc. Từ đó, giả thuyết nghiên cứu sau được đề xuất:

H7: Chính sách hỗ trợ bảo vệ môi trường và an sinh xã hội có tác động tích cực tới Sự phát triển làng nghề.

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Từ các giả thuyết nghiên cứu nói trên, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình.

Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Mô hình nghiên cứu các nhân tố quản lý nhà nước ảnh hưởng tới sự phát triển làng nghề
Nguồn: Tác giả đề xuất

KẾT LUẬN VÀ HƯỚNG NGHIÊN CỨU TIẾP THEO

Dựa vào tổng quan nghiên cứu trong và ngoài nước, bài viết đã xây dựng được mô hình nghiên cứu đề xuất các nhân tố quản lý nhà nước ảnh hưởng tới sự phát triển làng nghề. Trong đó: Biến phụ thuộc là Sự phát triển làng nghề. Biến độc lập bao gồm: (i) Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; (ii) Chính sách hỗ trợ đầu tư; (iii) Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và nghệ nhân; (iv) Chính sách phát triển công nghệ và cải tiến tổ chức sản xuất, kinh doanh; (v) Chính sách hỗ trợ xúc tiến thị trường và hỗ trợ thương mại; (vi) Chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh; (vii) Chính sách hỗ trợ bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.

Với việc nghiên cứu tổng hợp các cơ sở lý luận về các nhận tố ảnh hưởng đến phát triển làng nghề ở một địa phương và đưa ra được mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đã góp phần có giúp tác giả có những cơ sở lý thuyết vững chắc để tiến hành phân tích thực trạng quản lý nhà nước đối với phát triển làng nghề ở một địa phương, mà cụ thể là Hà Nội./.

Tài liệu tham khảo

1. Acemoglu, D., S. Johnson, and J.A. Robinson (2001), The Colonial Origins of Comparative Development: An Empirical Investigation, American Economic Review, 91, 1369–1401.

2. Asiedu Elizabeth (2002), On the Determinants of Foreign Direct Investment to Developing Countries: Is Africa Different?, World Development, 30(1), 107-119.

3. Barro, R. J. (1997), Macroeconomics, MIT Press.

4. Becker, G. S. (2009), Human capital: A theoretical and empirical analysis, with special reference to education, University of Chicago press.

5. Bourdieu, P. (2018), Distinction a social critique of the judgement of taste, In Inequality (pp. 287-318), Routledge.

6. Brundtland, G. H., Mansour, K. (2010), World Commission on Environment and Development (WCED), 198, Our common future.

7. Chandler, A. D. (1966), Strategy and Structure: Chapters in the History of the Industrial Enterpise, Doubleday.

8. Daft, R. L. (2001), Management, South-Western College Publishing.

9. Drucker, P. (2012), Management challenges for the 21st century, Routledge.

10. Ekins, P. (2011), Environmental sustainability: From environmental valuation to the sustainability gap, Progress in Physical Geography, 35(5), 629-651.

11. Elkington, J., Rowlands, I. H. (1999), Cannibals with forks: The triple bottom line of 21st century business, Alternatives Journal, 25(4).

12. Friedman, M. (2016), Capitalism and freedom. In Democracy: a reader (pp. 344-349), Columbia University Press.

13. Geertz, C. (1973), The interpretation of cultures, Selected Essayes/Hutchinson.

12. Kaplan, R. (1992), The Balanced Scorecard: Measures that Drive Performance, Harvard business review, 25(3).

14. Kaplan, R. S., Norton, D. P. (2010), The balanced scorecard: measures that drive performance, Harvard Business Review Press.

15. Kotler, P., Keller, K. L., Ancarani, F., Costabile, M. (2014), Marketing management 14/e, Pearson.

16. Kotler, P., Keller, K. L., Brady, M., Goodman, M., Hansen, T. (2016), Marketing Management 3rd edn PDF eBook, Pearson Higher Ed.

17. Maslow, A. (1943), A theory of human motivation, Psychological Review google schola, 2, 21-28.

18. Miller, D. (1986), Market Share, Market Leadership, and the Marketing of Products, International Journal of Research in Marketing, 34(3).

19. Mintzberg, H. (1979), The structure of organizations: A synthesis of the research, Prentice-Hall.

20. Mintzberg, H. (1994), The rise and fall of strategic planning, The Free Press.

21. Musgrave, R. A., Musgrave, P. B. (1980), Public finance in theory and practice. (No Title).

22. Nelson, R. R. (1985), An evolutionary theory of economic change, Harvard university press, ISBN, 0674041437, 9780674041431.

23. Neustadt, R. E. (2011), Thinking in time: The uses of history for decision makers, Simon and Schuster.

24. Polanyi, M. (1967), The growth of science in society, In M. Grene (Ed.), Knowing and being: Essays by Michael Polanyi (pp. 73-86). Chicago, Illinois: The University of Chicago Press.

25. Porter, M. E. (1996), Operational effectiveness is not strategy, Harvard business review, 74(6), 61-78.

26. Putnam, R. D. (1994), Making democracy work: Civic traditions in modern Italy, ISBN 9780691037387.

27. Rawls, J. (2001), Justice as fairness: A restatement, Harvard University Press.

28. Rodrik, D. (2004), Industrial Policy for the Twenty-First Century, CEPR Discussion Papers 4767, C.E.P.R. Discussion Papers.

29. Sách, T. C. (2003), Tiếp tục đổi mới chính sách và giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của làng nghề truyền thống ở Bắc Bộ đến năm 2010, Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Bộ Thương mại.

30. Schumpeter, J. A., Swedberg, R. (2021), The theory of economic development, Routledge.

31. Sen, A. (2014), Development as freedom (1999), The globalization and development reader: Perspectives on development and global change, 525.

32. Smith, A. (1776), An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, Methuen and Co. Ltd., London.

33. Smith, J. (2000), A critical survey of empirical methods for evaluating active labor market policies, Research Report, No. 2000-6, The University of Western Ontario, Department of Economics, London (Ontario).

34. Solow, R. M. (1956), A contribution to the theory of economic growth, The quarterly journal of economics, 70(1), 65-94.

35. Stiglitz, J. E. (1989), Markets, market failures, and development, The American economic review, 79(2), 197-203.

36. Titmuss, R. M. (1974), Social policy: An introduction, edited by Brian Abel-Smith and Kay Titmuss, Allen and Unwin, London.

377. UNESCO (2003), The Importance of Intangible Cultural Heritage, United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization.

Ngày nhận bài: 16/10/2024; Ngày phản biện: 20/10/2024; Ngày duyệt đăng: 06/12/2024