ThS. Hoàng Văn Huệ

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên

Email: mhue08061979@gmail.com

ThS. Nguyễn Văn Thọ

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á

Email: nvtho51@gmail.com

Tóm tắt

Nghiên cứu xác định các nhân tố ảnh hưởng đến Vận dụng kế toán môi trường của các doanh nghiệp sản xuất tỉnh Hưng Yên. Kết quả nghiên cứu xác định có 5 nhân tố ảnh hưởng, bao gồm: Lĩnh vực hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; Nguồn lực tài chính; Nhận thức của chủ thể doanh nghiệp và Áp lực của các bên liên quan; Quy mô doanh nghiệp ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán môi trường. Trong đó, nhân tố Lĩnh vực hoạt động sản xuất tác động mạnh nhất đến việc Vận dụng kế toán môi trường trong các doanh nghiệp sản xuất tại tỉnh Hưng Yên.

Từ khóa: kế toán, môi trường, doanh nghiệp sản xuất

Summary

This study identifies factors affecting the application of environmental accounting in manufacturing enterprises in Hung Yen province. The research results identify 5 influencing factors, including the Field of production activities of the enterprise; Financial resources; Awareness of the enterprise leaders and Pressure of related parties; and Enterprise size affecting the application of environmental accounting. Among them, the Field of production activities of the enterprise factor creates the strongest impact on the application of environmental accounting in manufacturing enterprises in Hung Yen province.

Keywords: accounting, environment, manufacturing enterprise

ĐẶT VẤN ĐỀ

Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang là một vấn nạn đe dọa chất lượng sống của con người, cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp, quốc gia. Vấn đề môi trường từ lâu đã là chủ đề muôn thuở của nhân loại. Tăng trưởng kinh tế bền vững đòi hỏi sự phát triển của doanh nghiệp phải gắn liền với trách nhiệm môi trường của họ (Vuong và Nguyen, 2024). Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới việc bảo vệ môi trường, với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg, ngày 13/4/2022 phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, các doanh nghiệp ngoài quá trình sản xuất ra các sản phẩm để thỏa mãn nhu cầu thị trường, còn phải tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường và đảm bảo quá trình xử lý các đầu ra khác bao gồm các chất thải theo đúng quy định. Để thực hiện các quy định pháp lý về môi trường và thể hiện trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp phát sinh nhiều loại chi phí liên quan đến bảo vệ môi trường như xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm không khí... Thực tiễn này đòi hỏi các nhà quản trị doanh nghiệp phải có thông tin kế toán về hoạt động bảo vệ môi trường phát sinh tại doanh nghiệp kịp thời, đầy đủ, tin cậy và có hệ thống, nhằm quản lý hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Sự khan hiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường đã trở thành đối tượng của các cuộc tranh luận về kinh tế, xã hội và chính trị trên toàn thế giới. Các quốc gia, trong đó có Việt Nam đang từng bước xây dựng chiến lược môi trường và ưu tiên trong công tác bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu, ngăn chặn các tác động của ô nhiễm môi trường. Nhà nước đã ban hành một số quy định pháp lý hạn chế sự khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm mục tiêu phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hạn chế tối đa các hành vi vi phạm, hủy hoại môi trường, gây ô nhiễm môi trường. Để thực hiện các quy định pháp lý đó, tất yếu sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí liên quan đến môi trường, bảo vệ môi trường, xử lý các tác động đến môi trường và nâng cao chất lượng môi trường trong hợp đồng kinh doanh của các DN và trong triển khai các dự án đầu tư. Do đó, các nhà quản lý cần phải có nhiều thông tin hơn về chi phí liên quan đến môi trường phát sinh.

Hưng Yên có 17 khu công nghiệp đang đi vào hoạt động nhằm tạo việc làm, an sinh xã hội và đóng góp GDP cho Tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí ngày càng gia tăng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân. Do vậy, vấn đề môi trường tại các doanh nghiệp này cần phải được chú trọng để bảo vệ môi trường tại các địa phương.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Kế toán môi trường là lĩnh vực xác định việc sử dụng tài nguyên, đo lường và truyền đạt chi phí về tác động kinh tế quốc gia hoặc của công ty đối với môi trường. Chi phí bao gồm chi phí để làm sạch hoặc khắc phục các địa điểm bị ô nhiễm, tiền phạt, và thuế môi trường, mua công nghệ ngăn ngừa ô nhiễm và chi phí quản lý chất thải (Deegan, 2013).

Kế toán môi trường với tư cách là một tiểu mục của kế toán đề cập đến các hoạt động, phương pháp và hệ thống cũng như ghi chép, phân tích và báo cáo các tác động tài chính và tác động sinh thái được thuyết phục về mặt môi trường của một hệ thống kinh tế xác định cũng nhấn mạnh 2 mặt của kế toán môi trường, các khía cạnh phi tiền tệ và tiền tệ (Burritt và cộng sự, 2002). Dữ liệu tiền tệ bao gồm chi phí nguyên vật liệu của sản phẩm và đầu ra phi sản phẩm, chi phí kiểm soát chất thải và khí thải, chi phí phòng ngừa và quản lý môi trường khác, chi phí nghiên cứu và phát triển và chi phí hữu hình ít hơn; ngược lại, dữ liệu vật lý hoặc môi trường bao gồm thông tin về nguyên liệu đầu vào (thưởng vật liệu phụ trợ, vật liệu đóng gói, hàng hóa, vật liệu vận hành, nước và năng lượng) và đầu ra (sản phẩm và sản phẩm phi sản xuất, như chất thải rắn, chất thải nguy hại, nước thải và khí thải) (Sumiani và cộng, 2007)

Theo Gauthier và cộng sự (1997), kế toán môi trường trong doanh nghiệp là một bộ phận của kế toán liên quan đến các vấn đề môi trường và không thể tách rời khỏi kế toán tài chính và kế toán quản trị. Đó là một hệ thống thông tin cho phép thu thập và phân tích dữ liệu, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động, ra quyết định và trách nhiệm giải trình để quản lý các chi phí và rủi ro về môi trường.

Khái niệm kế toán môi trường được các tác giả nghiên cứu xem xét trên 2 khía cạnh: công tác hạch toán kế toán và công tác quản lý môi trường, hơn nữa trong các nghiên cứu cũng đã chỉ ra được nhiều lợi ích trong việc áp dụng kế toán môi trường như: cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến doanh thu chi phí môi trường cho các đối tượng liên quan bên trong, như: chủ doanh nghiệp trong việc ra quyết định nội bộ cũng như cung cấp thông tin cho các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp như ngân hàng, tổ chức tín dụng, các cơ quan quản lý môi trường, cộng đồng, truyền thông… Ngoài ra, việc thực hiện kế toán môi trường sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện được hiệu quả hoạt động trên 2 phương diện: hiệu quả hoạt động tài chính và hiệu quả hoạt động về môi trường.

Mô hình và giả thuyết nghiên cứu

Nhận thức của chủ doanh nghiệp về kế toán môi trường (NT). Theo nghiên cứu của Chang và Deegan (2010), Nhận thức của chủ doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện kế toán môi trường. Nghiên cứu cho rằng, người quản lý, nhà điều hành có hiểu biết về kế toán môi trường, đánh giá cao tính hữu ích của việc thực hiện kế toán môi trường, chấp nhận những chi phí phát sinh liên quan đến việc thực hiện kế toán môi trường sẽ ảnh hưởng đến quyết định thực hiện kế toán môi trường tại các doanh nghiệp sản xuất. Vấn đề nhận thức về sự hữu ích phản ánh sự hiểu biết về nền tảng kế toán môi trường, vai trò và tầm quan trọng của kế toán môi trường trong việc hỗ trợ quản trị doanh nghiệp và gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích xã hội. Áp dụng kế toán môi trường giúp cải thiện hình ảnh của tổ chức mà còn tăng cường mối quan hệ với cộng đồng và các bên liên quan. Do đó, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết như sau:

H1: Nhận thức của chủ doanh nghiệp về kế toán môi trường có tác động tích cực đến việc Vận dụng kế toán môi trường tại các doanh nghiệp sản xuất tỉnh Hưng Yên.

Áp lực của các bên liên quan (AL): Nhân tố này được đề cập trong các nghiên cứu của Al Kisher (2013), Jamil và cộng sự (2015) khi nghiên cứu các động của các áp lực từ phía cộng đồng, từ truyền thông báo chí hay áp lực từ cơ quan chính phủ về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường sẽ tạo áp lực để các doanh nghiệp áp dụng kế toán môi trường. Vấn đề môi trường đang được các cơ quan quản lý nhà nước, dân cư rất quan tâm. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XIX đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15/6/2021 về Chương trình Bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với quan điểm bảo vệ môi trường là nền tảng cho phát triển bền vững và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng toàn xã hội; thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt là trách nhiệm của toàn xã hội; mục tiêu của Nghị quyết là thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn ngừa, kiểm soát, xử lý triệt để ô nhiễm, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường tỉnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Dựa trên những lập luận trên, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết như sau:

H2: Áp lực của các bên liên quan có ảnh hưởng trực tiếp tới việc Vận dụng kế toán môi trường trong các doanh nghiệp sản xuất tại tỉnh Hưng Yên.

Quy mô của doanh nghiệp (QM): Một doanh nghiệp lớn hơn thường có tổng nguồn lực lớn hơn và thông tin nội bộ tốt hơn tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng kế toán môi trường. Nghiên cứu của Christ và Burritt (2013), Ofoegbu và Cộng sự (2016) cho thấy, sự ảnh hưởng của quy mô đến việc thực hiện kế toán môi trường cụ thể doanh thu của doanh nghiệp càng lớn sẽ làm gia tăng mức độ khả thi của việc thực hiện kế toán môi trường. Do đó, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết sau:

H3: Quy mô doanh nghiệp có tác động tích cực đến việc Vận dụng kế toán môi trường trong doanh nghiệp sản xuất tỉnh Hưng Yên.

Lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp (LV): Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có hơn 7.000 doanh nghiệp, hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như: dệt may, nhuộm, da giày, sản xuất thép, thức ăn chăn nuôi, sản xuất và tái chế nhựa nên vấn đề ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí đang diễn ra nghiêm trọng… Ferreira và cộng sự (2010) chỉ ra rằng, các công ty có lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, như: các ngành công nghiệp hóa chất, khai thác mỏ và luyện kim có nhiều khả năng áp dụng kế toán môi trường hơn tất cả các công ty khác được xem xét trong nghiên cứu. Các công ty sản xuất có lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm với môi trường có nhu cầu cao trong việc áp dụng kế toán môi trường bởi vì thường phát sinh các rủi ro ngoài dự kiến, tác động đến môi trường, khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khoản bồi thường phát sinh, làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến lợi ích doanh nghiệp. Vì vậy, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết như sau:

H4: Lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp tác động tích cực đến việc Vận dụng kế toán môi trường trong các doanh nghiệp sản xuất tỉnh Hưng Yên.

Nguồn lực tài chính của doanh nghiệp (TC): Để thực hiện vấn đề môi trường và trách nhiệm xã hội đối với môi trường đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất phải đầu tư vốn để thực hiện công việc này. Nguồn lực tài chính là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng kế toán môi trường (Wachira, 2014; Jamil và cộng sự, 2015), cũng như công bố thông tin về môi trường (Nurul Huda, 2015); mặc dù nâng cao nhận thức về môi trường, việc thiếu nguồn lực tài chính là một vấn đề trở ngại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc thực hiện hệ thống quản lý môi trường ở doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết như sau:

H5: Nguồn lực tài chính của doanh nghiệp càng lớn, thì việc Vận dụng kế toán môi trường sẽ thành công.

Dựa trên các nghiên cứu và giả thuyết đưa ra, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình.

Hình: Mô hình nghiên cứu

Các nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng kế toán môi trường của các doanh nghiệp sản xuất tại tỉnh Hưng Yên

Nguồn: Tác giả đề xuất

Phương pháp nghiên cứu

Nhóm tác giả tiến hành khảo sát 320 doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, kết quả thu về được 295 phiếu đạt yêu cầu. Tác giả tiến hành làm sạch, mã hóa dữ liệu và đưa vào phân tích dưới sự hỗ trợ của phần mềm SPSS 24. Khảo sát được thực hiện từ tháng 02/2024 đến tháng 3/2024 (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Bảng 1: Kết quả kiểm định thang đo

Biến đo lường

Trung bình thang đo nếu loại biến

Phương sai thang đo nếu loại biến

Tương quan biến tổng

Cronbach’s Alpha nếu loại biến này

Nhận thức của chủ doanh nghiệp (NT); Cronbach’s Alpha = 0.819

NT1

9.66

9.110

.630

.777

NT2

9.77

8.287

.733

.727

NT3

9.69

9.296

.611

.786

NT4

9.77

9.226

.592

.795

Áp lực (AL); Cronbach’s Alpha = 0.817

AL1

12.68

15.396

.651

.768

AL2

12.53

15.890

.629

.775

AL3

12.85

15.683

.656

.767

AL4

12.30

16.441

.579

.790

AL5

12.33

17.303

.522

.805

Quy mô doanh nghiệp (QM): Cronbach’s Alpha = 0.762

QM1

10.93

3.070

.724

.621

QM2

11.23

3.119

.519

.733

QM3

11.14

3.521

.373

.810

QM4

10.91

3.251

.693

.645

Lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp (LV); Cronbach’s Alpha = 0.834

LV1

9.63

8.364

.640

.800

LV2

9.49

7.972

.746

.751

LV3

9.45

8.391

.703

.772

LV4

9.40

9.058

.569

.830

Nguồn lực tài chính(TC); Cronbach’s Alpha = 0.834

TC1

14.11

8.224

.350

.750

TC2

14.00

7.935

.453

.718

TC3

13.94

6.486

.487

.715

TC4

14.07

6.335

.673

.631

TC5

13.72

6.963

.608

.662

Vận dụng kế toán môi trường trong doanh nghiệp sản xuất tỉnh Hưng Yên (EMA); Cronbach’s Alpha = 0.871

EMA1

10.57

4.185

.706

.851

EMA2

10.18

5.161

.685

.852

EMA3

10.34

4.518

.825

.796

EMA4

10.44

4.662

.714

.839

Nguồn: Xử lý dữ liệu của nhóm tác giả

Kết quả phân tích (Bảng 1) cho thấy, hệ số Cronbach’s Alpha của các biến độc lập và biến phụ thuộc đều > 0.7 và hệ số tương quan biến tổng của các quan sát đều > 0.3, như vậy các biến này đều đảm bảo độ tin cậy và có thể dùng để thực hiện phân tích nhân tố khám phá (EFA) (Hair và cộng sự, 1998).

Bảng 2: Hệ số KMO của biến độc lập

KMO

.665

Kiểm định Bartlett

Chi bình phương xấp xỉ

3185.856

df

231

Sig.

.000

Nguồn: Xử lý dữ liệu của nhóm tác giả

Kết quả phân tích (Bảng 2) cho thấy, chỉ số KMO = 0.665 thỏa điều kiện 0.5 < KMO < 1, chứng tỏ phân tích EFA là phù hợp với dữ liệu khảo sát thực tế. Mức ý nghĩa kiểm định Bartlett với Sig. = 0.000 (< 0.05), có thể kết luận rằng, có sự tương quan tuyến tính giữa nhân tố đại diện và các biến quan sát. Mức giá trị Eigenvalues > 1, kết quả phân tích được 5 nhân tố với 22 biến quan sát. Phương sai trích = 72.489% có nghĩa là các biến quan sát giải thích được 72.489% sự thay đổi của các nhân tố đến Vận dụng kế toán môi trường trong các doanh nghiệp sản xuất tại tỉnh Hưng Yên.

Bảng 3: Hệ số KMO của biến phụ thuộc

KMO

.809

Kiểm định Bartlett

Chi bình phương xấp xỉ

619.471

df

6

Sig.

.000

Nguồn: Xử lý dữ liệu của nhóm tác giả

Đối với biến phụ thuộc “Vận dụng kế toán môi trường trong các doanh nghiệp sản xuất”, kết quả phân tích EFA cho thấy chỉ số KMO = 0.809 thỏa điều kiện 0.5 < KMO < 1, chứng tỏ phân tích EFA là phù hợp (Bảng 3).

Bảng 4: Kết quả phân tích phương sai ANOVA

Mô hình

Tổng bình phương

df

Trung bình bình phương

F

Sig.

1

Hồi quy

19.448

5

3.890

8.744

.000b

110.764

249

.445

Tổng

130.212

254

Nguồn: Xử lý dữ liệu của nhóm tác giả

Kết quả phân tích phương sai ANOVA (Bảng 4) cho thấy, giá trị F = 8.744, với Sig.= 0.000 (< 5%), chứng tỏ R2 của tổng thể khác 0. Đồng nghĩa với việc mô hình hồi quy tuyến tính xây dựng được là phù hợp với tổng thể.

Bảng 5: Kết quả phân tích hồi quy

Mô hình

Hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa

Hệ số hồi quy chuẩn hóa

t

Sig.

B

Sai số chuẩn

Beta

1

(Hằng số)

1.691

.526

3.215

.001

NT

.095

.073

.091

1.303

.024

AL

.019

.094

.015

.206

.037

QM

-.259

.125

-.200

-2.078

.039

LV

.367

.147

.249

2.490

.013

TC

.272

.074

.251

3.684

.000

Nguồn: Xử lý dữ liệu của nhóm tác giả

Theo bảng phân tích hồi quy (Bảng 5), tất cả các giá trị Sig đều < 0.05. Như vậy, 5 biến độc lập, gồm: NT - Nhận thức của chủ DN về kế toán môi trường; AL - Áp lực của các bên liên quan; QM - Quy mô doanh nghiệp; LV - Lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp; TC – Nguồn lực tài chính của doanh nghiệp có mối tương quan với biến phụ thuộc Vận dụng kế toán môi trường trong các doanh nghiệp sản xuất tỉnh Hưng Yên (EMA). Phương trình hồi quy được viết như sau:

EMA = .095*NT + 0.019*AL – 0.259*QM + .367*LV + .272*TC + 1.691

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhân tố Nguồn lực tài chính của doanh nghiệp có ảnh hưởng mạnh nhất đến việc Vận dụng kế toán môi trường của doanh nghiệp. Tiếp đến là các nhân tố: Lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp, Nhận thức của chủ doanh nghiệp, Áp lực các bên liên quan. Tuy nhiên, Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, dù ở quy mô nào, thì doanh nghiệp đều phải quan tâm bảo vệ môi trường và thực hiện trách nhiệm đối với môi trường. Do đó, các giả thuyết H1, H2, H4, H5 được chấp nhận; giả thuyết H3 bị bác bỏ.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP

Qua kết quả nghiên cứu cho thấy, vấn đề môi trường được các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đang rất quan tâm. Mức độ tác động của các nhân tố đến việc áp dụng kế toán môi trường được sắp xếp lần lượt là Lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh; Tài chính doanh nghiệp; Nhận thức của chủ doanh nghiệp; Áp lực của các bên liên quan và Quy mô doanh nghiệp. Từ kết quả nghiên cứu trên, nhóm tác giả đưa ra một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, Lĩnh vực hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Cần phân loại các doanh nghiệp theo lĩnh vực hoạt động để bố trí vào các khu công nghiệp cho phù hợp, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải đồng bộ giảm thiểu chi phí cho các doanh nghiệp. Tỉnh phải tăng cường các quản lý nhà nước tại các Khu cụm công nghiệp và các dự án sản xuất riêng lẻ, đặc biệt việc tăng cường công tác thanh tra kiểm tra giám sát, hậu kiểm để các doanh nghiệp, các nhà chủ đầu tư, đặc biệt là các chủ đầu tư hạ tầng tập trung hơn nữa trong việc đảm bảo môi trường, đảm bảo chất lượng sống của người dân.

Thứ hai, Tài chính của doanh nghiệp. Hàng năm, các doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của UBND tỉnh Hưng Yên, do đó lãnh đạo doanh nghiệp cần xem xét, cân nhắc phân bổ số tiền phù hợp để xử lý vấn đề môi trường, áp dụng kế toán môi trường tại doanh nghiệp của mình.

Thứ ba, Nhận thức của chủ doanh nghiệp. Kết quả của nghiên cứu cho rằng, người quản lý/nhà điều hành có hiểu biết về kế toán môi trường, đánh giá cao tính hữu ích của việc thực hiện kế toán môi trường, chấp nhận những chi phí phát sinh liên quan đến việc thực hiện kế toán môi trường sẽ ảnh hưởng đến quyết định thực hiện kế toán môi trường tại doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh. Do đó, lãnh đạo cần thường xuyên quan tâm và cập nhật những yêu cầu thực hiện kế toán môi trường trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn có tính đến chi phí môi trường và tác động của các chính sách, cơ chế quản lý của Nhà nước, của tỉnh Hưng Yên về vấn đề môi trường.

Thứ tư, vấn đề Áp lực của các bên liên quan. Các doanh nghiệp sản xuất chịu sức ép chính thức hoặc phi chính thức của các bên liên quan, như: Chính phủ, UBND Tỉnh, từ phía cộng đồng sẽ có tác động tích cực thúc đẩy và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện kế toán môi trường. Tỉnh Hưng Yên cần huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; giao Sở Tài nguyên và Môi trường và Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp làm nòng cốt tổ chức thực hiện vấn đề môi trường của địa phương./.

Tài liệu tham khảo

1. Alkisher, A. (2013), Factor influencing environmental management accounting adoption in oil and manufacturing firm in Libya, Thesis of doctor Utara Malaysia University.

2. Burritt, R. L., Hahn, T., and Schaltegger, S. (2002), Towards a comprehensive framework for environmental management accounting e links between business actors and environmental management accounting tools, Aust. Accounting Rev, 12(27).

3. Chang, H., and Deegan, C. (2010), Exploring factors influencing environmental Management Accounting adoption at RMIT University, Sixth Asia Pacific Interdisciplinary Research in Accounting (APIRA) conference, Sydney, Australia.

4. Christ, K. L., and Burritt, R. L. (2013), Environmental management accounting: the significance of contingent variables for adoption, Journal of Cleaner Production, 41(0), 163-173.

5. Deegan, C. (2013), The accountant will have a central role in saving the planet really? A reflection on ‘green accounting and green eyeshades twenty years later’, Critical Perspectives on Accounting, 24(6), 448-458. doi: http://dx.doi.org/10.1016/j.cpa.2013.04.004.

6. Jamil, C. Z. M., Mohamed, R., Muhammad, F., and Ali, A. (2015), Environmental management accounting practices in small medium manufacturing firms, Procedia-Social and Behavioral Sciences, 172, 619-626.

7. Ferreira, A, Moulang, C., and Hendro, B. (2010), Environmental management accounting and innovation: an exploratory analysis, Accounting, Auditing & Accountability Journal, 23(7), 920-948.

8. Gadenne, D. L., Kennedy, J., and McKeiver, C. (2009), An Empirical Study of Environmental Awareness and Practices in SMEs, Journal of Business Ethics, 84(1), 45-63.

9. Gauthier, Y., Leblanc, M., Farley, L., and Martel, L. (1997), Introductory Guide to Environmental Accounting, KPMG, Montreal.

10. Hair, J. F., Anderson, R. E., Tatham, R. L., and Black, W. C. (1998), Multivariate data analysis (5th ed.), Englewood Cliffs, NJ: Pren-tice-Hall International, Inc.

11. Nurul Huda, Y. (2015), Determinants of environmental reporting in Malaysia for industrial product sector, Doctoral dissertation, Universiti Utara Malaysia.

12. Ofoegbu, G. N., and Megbuluba, A. (2016), Corporate environmental accounting information disclosure in the Nigeria manufacturing firms, International journal of management sciences and business research, 5(12), 208-220.

13. Sumiani, Y., Haslinda, Y., and Lehman, G. (2007), Environmental reporting in a developing country: a case study on status and implementation in Malaysia, Journal of Cleaner Production, 15(10), 895-901. doi: http://dx.doi.org/10.1016/j.jclepro.2006.01.012.

14. UBND tỉnh Hưng Yên (2017), Quyết định s 28/2017/QĐ-UBND, ngày 05/12/2017 ban hành quy định bảo vệ môi trường tỉnh Hưng Yên.

15. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024). Better Economics for the Earth: A Lesson from Quantum and Information Theories. AISDL.

16. Wachira, M. M. (2014), Factors influencing the adoption of environmental management accounting practices among firms in Nairobi, Kenya, Masters Thesis, University of Nairobi, retrieved from https://su plus.strathmore.edu/handle/11071/4270.

Ngày nhận bài: 15/7/2024; Ngày phản biện: 22/7/2024; Ngày duyệt đăng: 30/7/2024