Thúc đẩy kế toán môi trường hướng tới phát triển bền vững
ThS. Nguyễn Thị Kim Oanh
Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên
Email: nguyenkimoanh@tueba.edu.vn
Tóm tắt
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường ngày càng trở nên cấp bách, kế toán môi trường (KTMT) đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong việc đo lường, đánh giá và báo cáo tác động môi trường của các tổ chức. Bài viết này phân tích tầm quan trọng của KTMT trong chiến lược phát triển bền vững, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy việc áp dụng KTMT trong doanh nghiệp (DN). Bằng cách kết hợp KTMT vào hệ thống kế toán truyền thống, các tổ chức có thể nâng cao trách nhiệm xã hội, tối ưu hóa chi phí và đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan.
Từ khóa: kế toán môi trường, phát triển bền vững, doanh nghiệp, Việt Nam
Summary
In the context of climate change and increasingly urgent environmental issues, environmental accounting is gradually asserting its crucial role in measuring, evaluating, and reporting the environmental impacts of organizations. This article analyzes the importance of environmental accounting in sustainable development strategies and proposes solutions to promote the application of environmental accounting in enterprises. By integrating environmental accounting into the traditional accounting system, organizations can enhance social responsibility, optimize costs, and meet the stakeholders' requirements.
Keywords: environmental accounting, sustainable development, enterprises, Vietnam.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Phát triển bền vững đang trở thành một xu hướng tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Các tổ chức không chỉ chịu áp lực từ các quy định pháp lý về bảo vệ môi trường mà còn phải đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao từ nhà đầu tư, khách hàng và cộng đồng về trách nhiệm xã hội. Trong bối cảnh đó, KTMT xuất hiện như một công cụ quan trọng giúp DN đo lường, kiểm soát và báo cáo các tác động môi trường của mình. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, việc áp dụng KTMT vẫn còn gặp nhiều thách thức như thiếu khung pháp lý cụ thể, sự hạn chế trong nhận thức của DN và chi phí triển khai cao. Do đó, cần có các chính sách và giải pháp thúc đẩy KTMT nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
TỔNG QUAN VỀ KTMT VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Khái niệm về KTMT
Theo Ủy ban Phát triển bền vững Liên hợp quốc (UNDSD, 2002), KTMT là việc nhận diện, thu thập, phân tích và sử dụng 2 loại thông tin phục vụ ra quyết định nội bộ, bao gồm: Thông tin cơ học (phi tiền tệ) về tình hình sử dụng, luân chuyển và thải bỏ năng lượng, nước và các loại nguyên vật liệu (bao gồm cả chất thải); Thông tin tiền tệ về chi phí, thu nhập và khả năng tiết kiệm liên quan đến môi trường. Theo Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC, 2005), KTMT (EA) là một thuật ngữ rộng được sử dụng trong một số bối cảnh khác nhau; KTMT là quản lý hoạt động kinh tế và môi trường thông qua việc triển khai, thực hiện hệ thống kế toán và hoạt động thực tiễn phù hợp có liên quan đến vấn đề môi trường.
KTMT là một bộ phận của kế toán trong DN, liên quan đến các thông tin về hoạt động môi trường trong phạm vi DN nhằm thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về môi trường cho đối tượng trong và ngoài DN sử dụng để ra quyết định (Dương Thị Thanh Hiền, 2023).
Mối quan hệ giữa KTMT và phát triển bền vững
Theo Luật Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững được định nghĩa: “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường” (Quốc Hội, 2020). Như vậy, phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai. Trong mô hình phát triển bền vững, ba yếu tố cốt lõi được xem xét, bao gồm kinh tế (Đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với hiệu quả sử dụng tài nguyên), Xã hội (Đảm bảo công bằng xã hội, phúc lợi và điều kiện làm việc tốt cho cộng đồng) và Môi trường (Giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động kinh doanh đến hệ sinh thái). KTMT đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững khi giúp DN xác định rõ chi phí và lợi ích môi trường, từ đó đưa ra các quyết định kinh doanh thân thiện với môi trường, giảm rủi ro pháp lý và nâng cao uy tín thương hiệu.
THỰC TRẠNG ÁP DỤNG KTMT TẠI VIỆT NAM
Những kết quả đạt được
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc áp dụng KTMT, thể hiện qua sự quan tâm ngày càng gia tăng của DN, những cải tiến trong khung pháp lý, cũng như sự hội nhập với các chuẩn mực quốc tế về phát triển bền vững. Những kết quả đạt được không chỉ giúp nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường mà còn tạo nền tảng để Việt Nam tiến tới một nền kinh tế xanh, giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất và kinh doanh đối với hệ sinh thái.
Một trong những kết quả đáng ghi nhận là sự gia tăng số lượng DN chủ động tích hợp KTMT vào hệ thống kế toán tài chính của mình. Trước đây, hầu hết các DN tại Việt Nam chỉ tập trung vào kế toán tài chính truyền thống, không chú trọng đến các chi phí môi trường. Tuy nhiên, với xu hướng phát triển bền vững và áp lực từ thị trường quốc tế, nhiều DN lớn đã bắt đầu thực hiện KTMT như một phần trong chiến lược quản lý rủi ro và tối ưu hóa hoạt động sản xuất. Các tập đoàn lớn như Vinamilk, Hòa Phát, Vingroup, PV Gas, Sabeco… đã triển khai KTMT dưới nhiều hình thức khác nhau, từ đo lường và báo cáo lượng phát thải khí nhà kính, hạch toán chi phí xử lý chất thải, đến việc đầu tư vào công nghệ xanh nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Ngoài các DN lớn, một số DN vừa và nhỏ cũng đã có những bước tiếp cận ban đầu với KTMT, chủ yếu thông qua việc tính toán và báo cáo các khoản chi phí liên quan đến xử lý nước thải, rác thải và sử dụng năng lượng tái tạo. Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất, một số DN bắt đầu áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn (Cleaner Production), qua đó giúp giảm chi phí nguyên liệu, năng lượng và xử lý chất thải, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh những nỗ lực từ phía DN, sự cải thiện trong khung pháp lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy KTMT tại Việt Nam. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đặt ra yêu cầu rõ ràng về trách nhiệm của DN trong việc công khai thông tin môi trường, đồng thời tạo nền tảng pháp lý cho việc tính toán, ghi nhận và báo cáo các chi phí môi trường. Một số văn bản pháp luật khác như Nghị định số s6/2022/NĐ-CP về giảm phát thải khí nhà kính, Thông tư số 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính yêu cầu các công ty niêm yết công bố thông tin về tác động môi trường cũng đã giúp định hướng DN tiếp cận KTMT một cách bài bản hơn.
Sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu cũng tạo ra động lực lớn để DN áp dụng KTMT. Việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: EVFTA, CPTPP yêu cầu DN phải tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường cao hơn, trong đó bao gồm cả việc minh bạch hóa các chi phí môi trường trong báo cáo tài chính. Nhiều DN xuất khẩu đã nhận thấy lợi ích của KTMT trong việc nâng cao uy tín thương hiệu, cải thiện quan hệ với nhà đầu tư và khách hàng quốc tế.
Một xu hướng đáng chú ý khác là sự phát triển của các báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn mực quốc tế như GRI (Global Reporting Initiative), ESG (Environmental, Social, Governance). Ngày càng nhiều DN tại Việt Nam, đặc biệt là các công ty niêm yết, đã bắt đầu công bố báo cáo phát triển bền vững, trong đó KTMT đóng vai trò quan trọng trong việc đo lường và đánh giá tác động của DN đối với môi trường (Hạ Thị Thiều Dao và cộng sự, 2024). Các báo cáo này không chỉ giúp DN tuân thủ các yêu cầu của nhà quản lý mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh trong mắt các nhà đầu tư và khách hàng.
Ngoài ra, một số tổ chức và hiệp hội ngành nghề tại Việt Nam cũng đã tham gia vào việc hỗ trợ DN trong việc triển khai KTMT. Các tổ chức như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức nhiều hội thảo, khóa đào tạo để nâng cao nhận thức và cung cấp hướng dẫn cho DN về cách tích hợp KTMT vào hoạt động kinh doanh. Một số trường đại học và viện nghiên cứu cũng đã bắt đầu đưa KTMT vào chương trình giảng dạy, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức về lĩnh vực này.
Hạn chế và thách thức
Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, việc triển khai KTMT tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và đối mặt với không ít thách thức. Những khó khăn này xuất phát từ cả phía DN, cơ quan quản lý nhà nước và môi trường pháp lý, làm chậm quá trình phổ biến và thực hiện KTMT trên diện rộng. Cụ thể là:
Một là, thiếu khung pháp lý và chuẩn mực KTMT cụ thể
Một trong những rào cản lớn nhất đối với việc áp dụng KTMT tại Việt Nam là sự thiếu hụt các quy định pháp lý và chuẩn mực kế toán chuyên biệt. Hiện nay, Việt Nam chưa có một chuẩn mực kế toán riêng biệt nào quy định cụ thể về việc đo lường, ghi nhận và báo cáo các khoản chi phí môi trường trong hệ thống kế toán DN. Dù Luật Bảo vệ môi trường 2020 và một số nghị định, thông tư liên quan có đề cập đến việc công bố thông tin môi trường, nhưng vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết về cách DN hạch toán các chi phí môi trường vào báo cáo tài chính. Điều này khiến nhiều DN lúng túng trong việc thực hiện hoặc triển khai theo những cách khác nhau, dẫn đến sự thiếu nhất quán trong báo cáo KTMT. Do đó, chỉ có một số ít các DN liên doanh hoặc DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài, như: Unilever Việt Nam, Pepsico Việt Nam, Samsung Việt Nam, Honda Trading Việt Nam… tổ chức KTMT riêng (Nguyễn Thúy Vinh, 2024).
Hai là, nhận thức của DN còn hạn chế
Nhận thức về KTMT trong cộng đồng DN Việt Nam vẫn chưa cao, đặc biệt là đối với các DN vừa và nhỏ. Nhiều DN vẫn coi chi phí liên quan đến bảo vệ môi trường là một khoản tốn kém thay vì là một khoản đầu tư mang lại lợi ích lâu dài. Thực tế cho thấy, chỉ một số ít DN lớn và các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán quan tâm đến KTMT, trong khi phần lớn DN nhỏ và vừa vẫn chưa chủ động tiếp cận hoặc chưa hiểu rõ lợi ích của việc áp dụng KTMT vào hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, trong nội bộ DN, nhận thức của đội ngũ kế toán và quản lý cũng chưa đồng đều. Nhiều kế toán viên chưa được đào tạo bài bản về KTMT và không có đủ kỹ năng để đo lường, ghi nhận và báo cáo các chỉ tiêu liên quan đến môi trường. Các nhà quản lý DN cũng chưa thực sự coi trọng KTMT như một công cụ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý rủi ro dài hạn.
Ba là, thiếu dữ liệu và công cụ đo lường chính xác
Việc đo lường và thu thập dữ liệu môi trường là một thách thức lớn đối với DN Việt Nam. KTMT đòi hỏi DN phải có hệ thống theo dõi và ghi nhận đầy đủ các tác động môi trường như mức tiêu thụ năng lượng, lượng phát thải khí nhà kính, chất thải rắn, nước thải... Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều DN chưa có hệ thống quản lý dữ liệu môi trường bài bản, dẫn đến khó khăn trong việc định lượng và hạch toán các khoản chi phí này.
Ngoài ra, các công cụ và phần mềm hỗ trợ KTMT vẫn chưa phổ biến, khiến quá trình thu thập và phân tích dữ liệu môi trường trở nên phức tạp. Đối với nhiều DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa việc đầu tư vào hệ thống quản lý môi trường và phần mềm kế toán chuyên biệt là một chi phí không nhỏ, khiến họ ít có động lực triển khai KTMT một cách toàn diện.
Bốn là, chi phí áp dụng KTMT cao
Việc triển khai KTMT đòi hỏi DN phải đầu tư vào nhiều khía cạnh như hệ thống giám sát môi trường, công nghệ xanh, đào tạo nhân viên và báo cáo phát triển bền vững. Đối với các DN có quy mô lớn, việc thực hiện KTMT có thể mang lại lợi ích lâu dài, nhưng đối với các DN nhỏ và vừa, đây có thể là một gánh nặng tài chính. Do đó, nhiều DN nhỏ vẫn chưa sẵn sàng triển khai KTMT hoặc chỉ thực hiện ở mức tối thiểu để tuân thủ các quy định pháp lý.
Ngoài ra, do chưa có cơ chế khuyến khích cụ thể như ưu đãi thuế hoặc hỗ trợ tài chính từ Nhà nước, nhiều DN không thấy được động lực rõ ràng để áp dụng KTMT. Nếu không có các chính sách hỗ trợ phù hợp, các DN, đặc biệt là SMEs, sẽ khó có đủ nguồn lực để thực hiện KTMT một cách hiệu quả.
Năm là, thiếu áp lực từ các cơ quan quản lý và nhà đầu tư
Hiện nay, hầu hết các yêu cầu về báo cáo KTMT tại Việt Nam vẫn mang tính tự nguyện, chưa có chế tài bắt buộc hoặc các biện pháp xử phạt mạnh tay đối với DN không thực hiện. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều DN chỉ thực hiện KTMT một cách hình thức hoặc bỏ qua hoàn toàn nếu không có áp lực từ cơ quan quản lý hoặc nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, thị trường tài chính Việt Nam vẫn chưa có nhiều nhà đầu tư thực sự quan tâm đến các yếu tố môi trường khi đánh giá DN. Trong khi tại các nước phát triển, các quỹ đầu tư ESG (Environmental, Social, Governance) đang trở thành xu hướng, thì tại Việt Nam, yếu tố môi trường vẫn chưa phải là tiêu chí quan trọng trong quyết định đầu tư. Điều này khiến nhiều DN không có động lực thực hiện KTMT nếu không có yêu cầu cụ thể từ đối tác hoặc thị trường xuất khẩu.
Sáu là, thiếu sự hỗ trợ từ các tổ chức chuyên môn
Mặc dù một số tổ chức như VCCI hay các viện nghiên cứu đã có những chương trình đào tạo và hỗ trợ DN trong lĩnh vực KTMT, nhưng số lượng các chương trình này vẫn còn hạn chế. Việc thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa các DN, trường đại học và tổ chức nghề nghiệp cũng khiến quá trình đào tạo và nâng cao nhận thức về KTMT diễn ra chậm hơn so với các nước trong khu vực.
GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY KTMT TẠI VIỆT NAM HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Giải pháp thúc đẩy KTMT tại Việt Nam hướng tới phát triển bền vững cần được triển khai một cách đồng bộ từ nhiều phía, bao gồm: cơ quan quản lý nhà nước, DN và các tổ chức tài chính.
Trước hết, cần hoàn thiện khung pháp lý và hệ thống chuẩn mực KTMT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN áp dụng. Bộ Tài chính cần nghiên cứu, tham khảo các mô hình quốc tế như Chuẩn mực Báo cáo Bền vững IFRS hoặc Bộ tiêu chuẩn GRI để xây dựng hướng dẫn chi tiết về cách ghi nhận, đo lường và báo cáo các khoản chi phí, trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan đến môi trường. Đồng thời, cần có các quy định bắt buộc đối với một số nhóm DN nhất định, chẳng hạn như DN niêm yết hoặc DN có mức độ tác động lớn đến môi trường, để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Thứ hai, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực KTMT là một giải pháp quan trọng. Hiện nay, nhiều DN còn chưa hiểu rõ về vai trò và lợi ích của KTMT, dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai. Do đó, các tổ chức chuyên môn, hiệp hội kế toán và trường đại học cần tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu, hội thảo và chương trình tập huấn để trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành cho đội ngũ kế toán. Đồng thời, cần đưa KTMT vào chương trình giảng dạy tại các trường đào tạo chuyên ngành kế toán, tài chính và quản trị kinh doanh nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thứ ba, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi nhằm khuyến khích DN áp dụng KTMT. Các biện pháp như miễn, giảm thuế cho các khoản đầu tư vào công nghệ xanh, hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho các dự án bảo vệ môi trường hoặc xây dựng hệ thống chứng nhận DN xanh có thể tạo động lực cho DN chủ động tham gia vào KTMT. Ngoài ra, cần phát triển cơ chế thưởng phạt rõ ràng, trong đó những DN có thành tích tốt sẽ được khen thưởng, quảng bá, trong khi những DN vi phạm có thể bị xử phạt hoặc hạn chế trong tiếp cận vốn vay.
Thứ tư, ứng dụng công nghệ và phát triển hệ thống báo cáo điện tử sẽ giúp nâng cao hiệu quả của KTMT. DN cần được khuyến khích sử dụng các phần mềm chuyên dụng để thu thập, phân tích và báo cáo thông tin môi trường một cách chính xác và kịp thời. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước có thể xây dựng hệ thống dữ liệu môi trường quốc gia, cho phép DN và nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin, từ đó nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong công tác quản lý môi trường.
Thứ năm, tăng cường giám sát và áp lực từ thị trường sẽ thúc đẩy DN thực hiện KTMT một cách nghiêm túc hơn. Các tổ chức tài chính có thể đưa yếu tố môi trường vào tiêu chí đánh giá tín dụng, chỉ cấp vốn hoặc ưu đãi lãi suất cho những DN thực hiện tốt KTMT. Bên cạnh đó, các sàn giao dịch chứng khoán cũng có thể yêu cầu DN niêm yết công bố báo cáo phát triển bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế, tạo cơ sở để nhà đầu tư đánh giá mức độ cam kết của DN đối với môi trường.
Cuối cùng, hợp tác quốc tế và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển sẽ giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống KTMT phù hợp với xu hướng toàn cầu. Thông qua việc hợp tác với các tổ chức như UNEP, GRI hoặc IFRS Foundation, Việt Nam có thể tiếp cận các mô hình tiên tiến, áp dụng công nghệ hiện đại và học hỏi những chính sách hiệu quả. Khi các giải pháp trên được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả, KTMT không chỉ giúp DN kiểm soát chi phí, giảm thiểu rủi ro mà còn góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
IFAC (International Federation of Accountants) (2005), International Guidance Document: Environmental Management Accounting, International Federation of Accountants.
-
UNCTAD (2002), Unctad Annual Report 2002, United Nations, New York and Geneva.
-
Dương Thị Thanh Hiền (2023), Thực trạng KTMT trong các DN thủy sản tại Việt Nam, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/thuc-trang-ke-toan-moi-truong-trong-cac-doanh-nghiep-thuy-san-tai-viet-nam.html.
-
Quốc hội (2020), Luật Bảo vệ môi trường, số 72/2020/QH14, ngày 17/11/2020.
-
Nguyễn Thúy Vinh (2024), Kế toán tài chính môi trường: Thực trạng tại Việt Nam, Tạp chí Nguồn nhân lực và An sinh xã hội, số 29, 46-51.
-
Hạ Thị Thiều Dao và cộng sự (2024), Thực tiễn báo cáo ESG của hệ thống ngân hàng Việt Nam, truy cập từ https://tapchinganhang.gov.vn/thuc-tien-bao-cao-esg-cua-he-thong-ngan-hang-viet-nam-10499.htm
Ngày nhận bài: 15/01/2025; Ngày phản biện: 04/02/2025; Ngày duyệt đăng: 27/02/2025 |
Bình luận