Từ khóa: xuất khẩu, Việt Nam, Đông Á, mô hình trọng lực

Summary

This study uses the fixed effects method (Fixed Effect - FE) and gravity model using panel data to analyze the impact of gross domestic product (GDP), total population, geographical distance, exchange rate on Vietnam's export of goods to East Asian countries in the period 2003-2022. Empirical research results show that GDP, total population, and geographical distance increase Vietnam's export turnover of goods to East Asian countries. Meanwhile, exchange rates have a negative impact on the export turnover of goods to these countries. Based on the research results, the author proposes policy implications to increase Vietnam's export of goods to East Asian countries in the coming time.

Keywords: export, Vietnam, East Asia, gravity model

ĐẶT VẤN ĐỀ

Năm 2022 cho thấy một bức tranh kinh tế Việt Nam đầy sống động. Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua và đạt 732,5 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gấp hơn 3 lần năm 2021. Đáng chú ý, các ngành hàng chủ lực của Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ, đạt nhiều kết quả ấn tượng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Cùng với sự gia tăng về quy mô xuất khẩu, Việt Nam cũng mở rộng cơ cấu thị trường xuất khẩu. Trong đó, các nước Đông Á với quy mô kinh tế cao, dân số đông và có sự gần gũi về mặt địa lý là một thị trường tiềm năng của Việt Nam.

Những năm vừa qua, một số quốc gia Đông Á luôn trong nhóm top 5 quốc gia xuất khẩu của Việt Nam, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù có sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào những thị trường này, nhưng tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam so với nhu cầu nhập khẩu của các thị trường này còn rất khiêm tốn. Do đó, nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường các nước Đông Á là rất cần thiết.

MÔ HÌNH, PHƯƠNG PHÁP VÀ DỮ LIỆU NGHIÊN CỨU

Mô hình trọng lực trong kinh tế được Timbergen (1962) là một trong những phương pháp thực nghiệm được sử dụng nhiều nhất để mô hình hóa dòng chảy thương mại quốc tế ngày nay. Phương trình trọng lực trong thương mại quốc tế được tính toán theo công thức sau:

Các yếu tố tác động đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước Đông Á: tiếp cận từ mô hình trọng lực

Dựa vào phương trình nói trên, khối lượng thương mại giữa quốc gia i và j tỷ lệ thuận với quy mô của nước xuất khẩu (Yi) và nước nhập khẩu (Yj) và tỷ lệ nghịch với khoảng cách giữa hai quốc gia ((Dij).

Từ mô hình của Timbergen (1962), nhiều nghiên cứu đã đưa thêm các yếu tố khác vào mô hình. Công thức mô hình trọng lực của Anderson và Wincoop (2003) đã đưa thêm biến Tỷ giá hối đoái. Nghiên cứu của Hafiz và Fakhrul (2014) phát hiện rằng, tỷ giá tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Banglades với các nước liên minh EU, từ đó nghiên cứu này đi đến kết luận rằng tổng giá trị xuất khẩu của Banglades trong giai đoạn nghiên cứu có tồn tại hiệu ứng đường cong J làm cho xuất khẩu Banglades đến các quốc gia liên minh EU giảm trong ngắn hạn khi đồng tiền Banglades có dấu hiệu giảm giá.

Nguyen Xuan Bac (2010) nghiên cứu dòng chảy xuất khẩu của Việt Nam với 24 quốc gia khác giai đoạn 1986-2006, chỉ ra rằng, biến tỷ giá có tác động dương đến hoạt động xuất khẩu Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Tóm lại, trên cơ sở tổng quan các công trình nghiên cứu, để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các quốc gia Đông Á, nghiên cứu này sử dụng mô hình trọng lực mở rộng với các nhân tố: tổng sản phẩm trong nước (GDP), tổng dân số, khoảng cách địa lý, tỷ giá hối đoái. Trong đó, bàn về tỷ giá, có một thực tế là Việt Nam đồng và đồng tiền của các nền kinh tế Đông Á không được niêm yết trực tiếp, do vậy, biến tỷ giá sẽ được xác định gián tiếp thông qua đồng tiền trung gian là USD. Công thức như sau:

Các yếu tố tác động đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước Đông Á: tiếp cận từ mô hình trọng lực

Về mặt lý thuyết, tăng giá đồng nội tệ có thể gây tổn thương đến xuất khẩu, khuyến khích các hoạt động nhập khẩu bởi vì giá cả hàng hóa trong nước sẽ trở nên đắt hơn một cách tương đối so với giá hàng hóa nhập khẩu và ngược lại. Do đó, VNĐ tăng giá sẽ hạn chế tương đối các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các quốc gia Đông Á.

Kế thừa các nghiên cứu nói trên, mô hình nghiên cứu đề xuất như sau:

Các yếu tố tác động đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước Đông Á: tiếp cận từ mô hình trọng lực

Trong đó i là đại diện cho các quốc gia nghiên cứu trong dữ liệu bảng, i = 1…8; t là thời gian nghiên cứu, t = 2003…2022.

Để tìm hiểu tác động của GDP, tổng dân số, khoảng cách địa lý, tỷ giá hối đoái đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các quốc gia Đông Á, có thể áp dụng phương pháp ước lượng gộp – phương pháp POOLED, phương pháp tác động cố định (Fixed Effect - FE) và phương pháp tác động ngẫu nhiên (Random Effect – RE). Để lựa chọn ra phương pháp ước lượng tốt nhất cho mô hình trọng lực mở rộng, Hausman (1981) đã xây dựng phương pháp kiểm định Hausman-Taylor. Từ kết quả ước lượng mô hình, để đánh giá mô hình nhận được, nghiên cứu sử dụng các kiểm định sau: Kiểm định tự tương quan Wooldridge, kiểm định Wald về phương sai sai số thay đổi và sử dụng mô hình sai số chuẩn mạnh (Robust Standard errors) để khắc phục các khuyết tật của mô hình.

Dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu được tổng hợp từ cơ sở dữ liệu của: The World Bank Development Indicators Database (https://data.worldbank.org/), IMF (https://www.imf.org), Ngân hàng Trung ương Đài Loan, Timeanddate (https://www.timeanddate.com/) của 8 quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực Đông Á (Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Macao, Mông Cổ) trong giai đoạn 2003-2022.

Bảng 1: Các biến sử dụng trong mô hình nghiên cứu

Tên biến

Vai trò

Mô tả

Nguồn

LEXP

Biến phụ thuộc

Logarit của xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước Đông Á (USD)

IMF

LGDPvnLGDPea

Biến độc lập

Logarit của GDP của Việt Nam và các nước Đông Á (USD)

The World Bank Development Indicators Database

LPOPvnLPOPea

Biến độc lập

Logarit của tổng dân số của Việt Nam và các nước Đông Á (người)

The World Bank Development Indicators Database

LEXR

Biến độc lập

Logarit của tỷ giá hối đoái trung bình năm (VND/Đồng tiền của các nước Đông Á)

IMF/ Ngân hàng trung ương Đài Loan

LDIS

Biến độc lập

Logarit của khoảng cách giữa thủ đô của Việt Nam và thủ đô của các nước Đông Á (km)

Timeanddate

Nguồn: Tác giả tổng hợp (2023)

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Khái quát về xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các quốc gia Đông Á

Với dân số đông, thu nhập bình quân đầu người ngày một tăng, thị trường Đông Á được đánh giá là một trong những thị trường xuất khẩu tiềm năng cho hàng hóa của Việt Nam. Bên cạnh đó, những năm gần đây, nhiều hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước trong khu vực đã được ký kết, góp phần tháo gỡ các rào cản về thương mại, thuế quan.

Bảng 2: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các quốc gia Đông Á

Đơn vị: USD

Diễn giải

2018

2019

2020

2021

2022

Trung Quốc

64.087.360

64.116.675

78.473.072

92.315.967

87.960.626

Nhật Bản

21.144.681

22.476.790

22.042.028

23.022.781

26.617.965

Hàn Quốc

19.631.653

21.071.447

20.578.653

23.965.702

26.724.717

Hồng Kông

8.439.277

10.027.081

15.257.004

15.139.793

18.378.915

Đài Loan

3.704.366

5.285.475

5.527.711

6.164.337

6.945.585

Macao

70.802

82.145

72.419

82.289

146.672

Mông Cổ

48.951

56.969

56.052

79.717

85.018

Nguồn: IMF (2023)

Một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang các nước Đông Á trong năm 2022:

Điện thoại các loại và linh kiện: Tính cả năm 2022, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 57,99 tỷ USD, tăng 0,8% so với năm 2021. Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt 16,26 tỷ USD, tăng 7,1%; sang Hàn Quốc đạt 5,05 tỷ USD, tăng 5,3%... so với năm trước.

Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện: Trong năm 2022, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện thị trường Trung Quốc đạt 11,88 tỷ USD, tăng 7,3%; sang thị trường Hồng Kông đạt 5,88 tỷ USD, giảm 6,7%; sang thị trường Hàn Quốc đạt 3,38 tỷ USD, giảm 3,1%...

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 3,68 tỷ USD, tăng 28,3%; Nhật Bản đạt 2,76 tỷ USD, tăng 7,6%; Hàn Quốc đạt 2,73 tỷ USD, tăng 7%... so với năm 2021.

Hàng dệt may: Tính cả năm 2022, xuất khẩu hàng dệt may của cả nước đạt 37,57 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm 2021. Trong năm qua, xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Nhật Bản đạt 4,07 tỷ USD, tăng 25,8%; Hàn Quốc đạt 3,31 tỷ USD, tăng 12,1%... so với năm 2021.

Gỗ và sản phẩm gỗ: Tính cả năm 2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 16,01 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm trước. Trong năm qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Trung Quốc đạt 2,15 tỷ USD, tăng 43,8% và Nhật Bản đạt 1,89 tỷ USD, tăng 31,4%... so với năm 2021.

Hàng thủy sản: Trong năm 2022, trị giá xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt 1,71 tỷ USD, tăng 29% (tương ứng tăng 381 triệu USD); Trung Quốc đạt 1,57 tỷ USD, tăng 61% (tương ứng tăng 598 triệu USD) so với năm 2021.

Năm 2022, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ nhất của Việt Nam, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc), Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc) của Việt Nam. Năm 2022, mặc dù là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng những mặt hàng này xuất khẩu vào Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn còn khiêm tốn. Điển hình như mặt hàng dệt may (mã số 61- Các mặt hàng may mặc và phụ kiện may mặc, dệt kim hoặc móc), năm 2022, Việt Nam xuất khẩu đi khắp thế giới hơn 21 tỷ USD còn nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của Trung Quốc là 41,8 tỷ USD/năm; tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Trung Quốc mới chỉ đạt 7,8 tỷ USD, tương đương 18,6%. Tương tự, nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của Nhật Bản là 13,1 tỷ USD/năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản chỉ đạt 2,4 tỷ USD, tương đương 18,3%. Nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của Hàn Quốc là 50,4 tỷ USD/năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc chỉ đạt 13,1 tỷ USD, tương đương 25,9%.

Những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt không còn là thuế quan mà ở mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu ngày càng cao cả về chất lượng và tính bền vững đối với môi trường và xã hội. Trong những năm gần đây, một số nước ở thị trường Đông Á đang có xu hướng siết chặt các quy định và nâng cao tiêu chuẩn nhập khẩu, hướng tới các sản phẩm an toàn, chất lượng hơn. Nhật Bản là một trong những quốc gia có tiêu chuẩn chất lượng với hàng nhập khẩu khắt khe nhất thế giới. Đối với hàng nông, lâm, thủy sản phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, đòi hỏi phải được sản xuất, nuôi trồng theo các tiêu chuẩn GAP, HACCP hay JAS – Tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật; trong khi hàng công nghiệp cần phải đáp ứng điều kiện về quy cách sản phẩm, quy chuẩn kỹ thuật, quy định ghi nhãn hay các quy định ghi trong JIS – Tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản… Các lô hàng vi phạm quy định về chất lượng sẽ bị tiêu hủy hoặc trả lại, đồng thời hải quan Nhật Bản sẽ tăng cường tần suất và mức độ kiểm tra hàng hóa trong những lần sau, có thể gây ra nhiều phiền phức và làm tăng chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu. Còn thị trường Hàn Quốc, trong thời gian qua, Chính phủ có ban hành một hệ thống danh mục thuốc bảo vệ thực vật mới. Điều này cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam do doanh nghiệp thiếu thông tin và nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật hiện nay mà doanh nghiệp trong nước đang dùng lại không nằm trong danh mục được phép của Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam thiếu thông tin về thị trường, không có đầu mối giao dịch thương mại tập trung, ổn định, nên dễ gặp các rủi ro liên quan đến hàng rào kỹ thuật. Do đó, để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, cần thiết phải nâng cao kiến thức về quy định, tiêu chuẩn xuất khẩu cho các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Đông Á.

Tác động của GDP, tổng dân số, khoảng cách địa lý, tỷ giá đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các quốc gia Đông Á

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ số tương quan Pearson(r) giữa các cặp biến độc lập cho thấy, chúng có mối tương quan thấp và đều có ý nghĩa thống kê. Trong đó, tất cả các biến đều có tương quan thuận chiều với LEXP.

Để lựa chọn mô hình FE hay RE, nghiên cứu thực hiện ước lượng mô hình FE, RE và kiểm định Hausman Test. Kết quả được tổng hợp trong Bảng 2 cho thấy, mô hình REM là phù hợp hơn.

Bảng 2: Kết quả hồi quy bằng phương pháp FEM và REM

Tên biến

FEM

REM

Hệ số β

P-value

Hệ số β

P-Value

LGDPvnLGDPea

0 ,6371031

0,008

1,00356

0,000

LPOPvnPOPea

4,585499

0,031

0,6828627

0,010

LDIS

0

0

-4,25223

0,003

LEXR

-0,2483739

0,550

-0,4807839

0,014

_cons

-77,87541

0,006

-11,86067

0,005

Hausman Test

0,2206

Nguồn: Kết quả phân tích từ phần mềm STATA 15

Mô hình RE kiểm tra các khuyết tật bằng các kiểm định như: hiện tượng phương sai thay đổi, tự tương quan và đa cộng tuyến. Kết quả cho thấy, mô hình có hiện tượng phương sai sai số thay đổi và có hiện tượng tự tương quan (Bảng 3).

Bảng 3: Kết quả kiểm tra khuyết tật của mô hình

Kiểm định

Giá trị

Kết quả

Kiểm định cộng tuyến

VIF= 9,62 <10

Không có hiện tượng đa cộng tuyến

Kiểm định Breusch and Pagan về phương sai sai số thay đổi

Prob>chi2 = 0,0000

Có hiện tượng phương sai sai số thay đổi

Kiểm định tự tương quan Wooldridge

Prob > F = 0,0000

Có xảy ra hiện tượng tự tương quan

Nguồn: Kết quả phân tích từ phần mềm STATA 15

Để khắc phục hiện tượng phương sai sai số thay đổi, nghiên cứu sử dụng mô hình sai số chuẩn mạnh (Robust Standard errors) thu được kết quả hồi quy như Bảng 4.

Bảng 4: Kết quả ước lượng theo mô hình FE, RE và ROBUST

(1)

(2)

(3)

LEXP

LEXP

LEXP

LGDPvnLG~a

0,637***

[2,69]

1,004***

[11,49]

1,004***

[10,90]

LPOPvnLP~a

4,585**

[2,18]

0,683***

[2,58]

0,683***

[4,10]

LEXR

-0,248

[-0,60]

-0,481***

[-2,45]

-0,481***

[-6,03]

LDIS

0

[.]

-4,252***

[-2,79]

-4,252***

[-6,93]

_cons

-77,88***

[-2,79]

-11,86***

[-3,65]

-11,86***

[-12,16]

N

140

140

140

* p < 0,1, ** p1< 0,05, *** p1< 0,01

Nguồn: Kết quả phân tích từ phần mềm STATA 15

Kết quả hồi quy cho thấy:

Thứ nhất, Tăng trưởng kinh tế gộp của Việt Nam và các nước Đông Á có ý nghĩa thống kê ở mức 1% và có mối tương quan dương với Kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và và các nước Đông Á. Kết quả này phù hợp với giả thuyết và nghiên cứu của Do Tri Thai (2006), Từ Thúy Anh và cộng sự (2008). Cụ thể, cứ 1% tăng lên của GDP Việt Nam và các nước Đông Á sẽ làm cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 1,004% sang các nước Đông Á. Kết quả này tương đối hợp lý, bởi vì GDP đại diện cho cả năng lực sản xuất và quy mô của nền kinh tế. Dưới khía cạnh đại diện cho năng lực sản xuất, kết quả này cho thấy, nếu khả năng sản xuất của nền kinh tế nước ta được cải thiện, thì kim ngạch xuất khẩu cũng gia tăng. Với ý nghĩa đại diện cho quy mô nền kinh tế, kết quả này phản ánh khi Việt Nam xuất khẩu sang các nước có GDP lớn, thì kim ngạch xuất khẩu cũng gia tăng.

Thứ hai, biến Dân số gộp cũng có ý nghĩa thống kê ở mức 1% và có mối tương quan thuận chiều với Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Đông Á, cho thấy quy mô dân số của Việt Nam và các nước Đông Á tăng 1% sẽ làm cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Đông Á tăng 0,682%.

Thứ ba, yếu tố Khoảng cách địa lý. Đối với khoảng cách địa lý, các nghiên cứu của Tinbergen (1962); Anderson và van Wincoop (2003) chỉ ra khoảng cách có quan hệ tỷ lệ nghịch với dòng thương mại giữa 2 quốc gia. Tuy nhiên, hệ số của biến Khoảng cách phụ thuộc vào quốc gia hoặc một nhóm quốc gia là trọng tâm của các nghiên cứu cụ thể. Trong nghiên cứu này, hệ số của biến khoảng cách là –4,252 và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, cho thấy Khoảng cách có mối quan hệ tỷ lệ nghịch và có tác động tiêu cực đến Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tới các nước Đông Á

Thứ tư, yếu tố Tỷ giá hối đoái. Biến Tỷ giá hối đoái có hệ số mang dấu âm và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, khi Tỷ giá hối đoái tăng 1% sẽ làm cho xuất khẩu của Việt Nam giảm 0,481% sang các nước Đông Á, điều này hoàn toàn phù hợp với lý thuyết, tăng giá đồng nội tệ (VNĐ) có thể gây tổn thương đến xuất khẩu của Việt Nam sang các quốc gia Đông Á.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Các nước Đông Á đang là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, từ số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước này chưa đạt như kỳ vọng. Nghiên cứu thực nghiệm các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường các nước Đông Á cho thấy, các yếu tố GDP, Quy mô dân số, Khoảng cách địa lý có quan hệ tỷ lệ thuận với Kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, yếu tố Tỷ giá hối đoái giữa VNĐ và đồng tiền các nước Đông Á có quan hệ tỷ lệ nghịch với Kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, hạn chế của nghiên cứu là mới chỉ dừng lại ở một số yếu tố cơ bản là: GDP, Quy mô dân số, Khoảng cách địa lý, Tỷ giá hối đoái. Hướng nghiên cứu tiếp theo đó là bổ sung thêm các yếu tố khác vào mô hình nghiên cứu, như: các hiệp định thương mại tự do, khoảng cách kinh tế…

Từ kết quả nghiên cứu, một số hàm ý chính sách được đưa ra như sau, nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước Đông Á:

Một là, cải thiện năng lực sản xuất của nền kinh tế. Chính phủ cần đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại các ngành kinh tế dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chính phủ cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chú trọng giải pháp khơi thông các rào cản về vốn, tín dụng, thủ tục hành chính... Đặc biệt, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư cho các viện, trung tâm nghiên cứu để có đủ năng lực nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống; đặc biệt là quan tâm đến việc chuyển giao các loại giống tốt, sạch bệnh đã qua khảo nghiệm vào sản xuất đại trà. Từ đó, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao của các nước đối tác.

Hai là, nâng cao quy mô và chất lượng lao động đầu vào. Nguồn nhân lực phải được chuẩn bị sớm hơn, nhanh hơn, cập nhật hơn và theo cách tiếp cận thực tế hơn. Nhân lực chất lượng cao đã và đang là yếu tố “sống còn”, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, cần coi phát triển nguồn nhân lực là nhu cầu tất yếu của thị trường lao động trên toàn thế giới. Nhà nước cần phải tạo ra những cơ chế tốt để giúp các doanh nghiệp với nhà trường có quan hệ để đào tạo đúng và phù hợp, gần sát nhất với nhu cầu của thị trường.

Ba là, tháo gỡ khó khăn về chi phí vận chuyển trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang các nước Đông Á. Khoảng cách địa lý càng xa sẽ khiến cho chi phí hàng hóa của Việt Nam tăng theo và làm mất lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ cạnh tranh. Do đó, việc tìm giải pháp cắt giảm chi phí này là yêu cầu cấp thiết để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam sang thị trường các nước Đông Á. Việt Nam cần tiếp tục giảm các chi phí liên quan đến logistics bằng việc tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cứng, như: hệ thống đường cao tốc, cảng biển, cảng sân bay đồng bộ và hạ tầng mềm như cải cách thủ tục hành chính liên quan tới thuế, hải quan... thông qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4.

Bốn là, cần phải định hướng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp nhằm ổn định thị trường ngoại tệ và góp phần có lợi cho xuất khẩu gạo.

Bên cạnh các giải pháp nói trên, nhằm tăng cường xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Á, Chính phủ cần đẩy mạnh, tuyên truyền về ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do để doanh nghiệp nhận thức, nắm bắt những cơ hội và thách thức để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục phát triển các kênh hỗ trợ của Việt Nam và các nước đối tác mà doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng, như: Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, các Thương vụ Việt Nam, các sở công thương (Bộ Công Thương); các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại của nước ngoài… Đồng thời, cần thiết phát triển kênh thông tin về các hội chợ, triển lãm là website: vietnamexport.com hoặc qua email, mạng xã hội; tổ chức các buổi hội thảo – giao thương trực tuyến nhằm tìm được bạn hàng nước ngoài./.

TS. Ngô Ngân Hà

Khoa Kinh tế, Trường Đại học Thương mại

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)


Tài liệu tham khảo

1. Anderson, J.E., and Van Wincoop. E. (2003), Gravity with gravitas: A solution to the border puzzle, American Economic Review, 93(1), 170 - 192

2. Chan-Hyun Sohn (2010), Does the Gravity Model Explain South Korea's Trade Flows, The Japanese Economic Review, 56(4).

3. Do Tri Thai (2006), A gravity model for trade between Vietnam and twenty-three European countries, Dalarma University, School of Technology and Business Studies, Economics.

4. Do Thi Hoa Nha (2019), Analysis of factors affecting Vietnam's agricultural exports to the EU market, Journal of Science and Technology - Thai Nguyen University, 196(3), 123–129.

5. Md. Hafiz Iqbal and ATM Fakhrul Islam (2014), Determinants of bilateral trade between Bangladesh and the European Union: Approach of gravity model under the panel data, Issues in Business Management and Economics, 2(5), 87-93.

6. Nguyen Xuan Bac (2010), The Determinants of Vietnamese Export Flows: Static and Dynamic Panel Gravity Approaches, International Journal of Economics & Finance, 2(4).

7. Ranajoy Bhattacharyya, Banerjee Tathagata (2006), Does the Gravity Model Explain India Direction of Trade? A Panel Data Approach, Indian Institute of Management Ahmedabad, W.P. No.2006-09-01 September 2006

8. Tran Nhuan Kien, Ngo Thi My (2015), Factors affecting export turnover of Vietnamese agricultural products: Analysis by gravity model, Journal of World Economic & Political Affairs, 3(277), 47-50.

9. Timbergen (1962), Shaping the World Economy: Suggestions for an International Economics Policy, New York: Twentieth Century Fund.

10. Tu Thuy Anh, Dao Nguyen Thang (2008), Factors affecting the level of trade concentration of Vietnam with Asean+3, Research paper NC-05/2008, Center for Economic and Policy Research, University of Economics, Hanoi National University, Hanoi.