Cần chuẩn bị những gì để khởi nghiệp thành công?
Quyết định khởi sự một doanh nghiệp quả thật không dễ dàng và nó đòi hỏi người đưa ra quyết định có sự dũng cảm táo bạo và niềm đam mê.
Theo đánh giá của Báo cáo chỉ số Khởi nghiệp năm 2014 do Ban Kinh tế Trung ương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 09/06/2015, tâm lý lo sợ rủi ro của người khởi nghiệp Việt Nam vẫn khá cao và điều này thể hiện sự lo sợ về rủi ro của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, trên thực tế, để khởi sự thành công chỉ có niềm đam mê thôi thì chưa đủ. Bởi, đã có nhiều người trẻ đam mê kinh doanh, nhưng khi vấp phải khó khăn trên thương trường, đành phải ngậm ngùi lui bước và từ bỏ đam mê của mình.
Báo cáo Chỉ số Khởi nghiệp năm 2014 cũng cho thấy, tỷ lệ từ bỏ kinh doanh ở người Việt Nam vẫn rất cao. Cụ thể: có khoảng 100 người tham gia kinh doanh, thì có khoảng 23 người bỏ, trong số đó, phần đông là các doanh nhân trẻ, bởi khả trình độ, kinh nghiệm, tính kiên nhẫn của người trẻ tuổi luôn kém hơn người trung niên, nên họ dễ thất bại hơn.
Theo đó, lý do chung khiến doanh nghiệp từ bỏ kinh doanh được Báo cáo đưa ra, đó là những khó khăn về sức khỏe cá nhân, gia đình, vấn đề tài chính; một số là do vấn đề về lợi nhuận; số khác lại là do tìm thấy cơ hội kinh doanh và việc làm khác.
Đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ khi bắt đầu khởi nghiệp, tại Chương trình Giao lưu Giảng viên doanh nhân về khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp với thanh niên, sinh viên tổ chức ngày 23/04/2015, TS. Hà Tôn Vinh, Đại học Hawaii Mỹ đã chia sẻ: “Tất cả các công ty, hãng lớn trên thế giới đều khởi đầu từ con số 0, như: Sony, IBM… Họ chỉ khác chúng ta ở khoảng cách thời gian. Cái họ có và chắc chắn chúng ta cũng có đó là niềm đam mê và ý chí quyết tâm thực hiện. Vì vậy, các bạn cần tự tin nắm bắt cơ hội, tự tin khởi sự doanh nghiệp bởi bất cứ ai cũng có thể thành công từ con số 0”.
Tuy nhiên, để giảm khả năng thất bại xuống thấp nhất, tại tọa đàm “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp dựng xây đất nước với chủ đề: Đổi mới sáng tạo”, ngày 08/08, TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, muốn khởi nghiệp trước tiên phải có tài chính.
Tuy nhiên, ngoài việc có tài chính, thì các doanh nhân nên biết sử dụng đồng tiền, bởi, có tiền mà không biết sử dụng cũng sẽ hết. Thứ hai, cần có người hướng dẫn để mình có thể khởi nghiệp, sau khi có kinh nghiệm rồi lại hướng dẫn cho người khác, đây gọi là hệ sinh thái. Thứ ba, các doanh nhân cần phải có trí tuệ. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng trí tuệ của mình, thì chỉ làm giàu cho bản thân, còn biết dùng trí tuệ của người khác, thì sẽ làm giàu cho rất nhiều người.
Một lời khuyên khác được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra tại buổi Gặp gỡ đại diện cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiêp, ngày 12/08/2015 đó là, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp cần có sự kết nối và lan tỏa. Bên cạnh đó, cần tích cực gójp ý cho các chính sách của Nhà nước một cách cụ thể và thiết thực từ hoạt động kinh doanh thực tế, bởi, các chính sách này tác động trực tiếp đến lợi ích của công đồng doanh nghiệp.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng cho biết, bên cạnh đó sự nỗ lực của chính bản thân các doanh nhân, thì sự trợ lực của các cơ quan nhà nước là vô cùng cần thiết. Theo đó, các bộ, ban, ngành cần tăng cường các giải pháp hỗ trợ, nguồn vốn, cơ chế chính sách… tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo./.
Bình luận