Cần có kế hoạch hành động nhất quán và đồng bộ để phát triển KCN sinh thái
Lan tỏa mô hình KCN sinh thái trên phạm vi cả nước
Mục tiêu của Dự án là cải thiện hiệu quả môi trường kinh tế, xã hội của các ngành công nghiệp Việt Nam thông qua thực hiện phương pháp tiếp cận KCN sinh thái |
Ông Lê Thành Quân- Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Dự án |
Hội thảo nhằm cung cấp khóa tập huấn nâng cao năng lực về cách tiếp cận khu công nghiệp (KCN) sinh thái cho Ban Quản lý KCN và các doanh nghiệp trong KCN và Chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh và các bên liên quan. Trong đó tập huấn chuyên sâu về phương pháp luận, cơ hội phát triển các giải pháp Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) và cộng sinh công nghiệp cho các doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và bài học thực tiễn về quy hoạch và quản lý KCN sinh thái. Ông Lê Thành Quân-Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Giám đốc Dự án chủ trì Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo (phần 1) ngày 19/11, ông Lê Thành Quân-Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Dự án đánh giá cao vai trò động lực của các KCN, khu kinh tế (KKT) trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên quá trình công nghiệp hóa với tốc độ nhanh tại Việt Nam đã dẫn đến nhiều hệ lụy đáng báo động. Điển hình trong các KCN, KKT là bộc lộ nhiều hạn chế, tác động tiêu cực đến kinh tế, sức khỏe và môi trường sống của nhân dân, đặc biệt là vấn nạn ô nhiễm môi trường trong các KCN, KKT đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho Chính phủ Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó có KCN theo hướng bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và mới đây nhất là cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các bên (COP 26) tại Glasgow (Anh) về mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Ông Quân cho biết, từ năm 2015 đến 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái với nguồn tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), nhằm phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu, và thúc đẩy sự liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực. Trên cơ sở kết quả đạt được, mô hình, định hướng và cơ chế chính sách cho KCN sinh thái đã được quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý KCN và KKT.
Vụ trưởng Lê Thành Quân nhấn mạnh, Dự án "Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu" với mục tiêu thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan; là sự kế thừa kết quả triển khai thí điểm mô hình này trong thời gian qua với các KCN đã được thí điểm tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ và tiếp tục phát triển mạnh mô hình này tại Hải Phòng, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong tương lai, gần dự kiến sẽ nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Ông Đỗ Quang Huy- Đại diện văn phòng Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tại Việt Nam |
Ông Lê Thành Quân khẳng định, Hội thảo là sự kiện quan trọng nhằm phổ biến thông tin về mô hình KCN sinh thái không chỉ trong phạm vi các KCN tham gia thí điểm, mà còn tạo hiệu ứng tích cực để phổ biến trên khắp cả nước. Thông qua các Hội thảo, các đại biểu sẽ có nhiều thông tin bổ ích để hỗ trợ cho định hướng phát triển KCN sinh thái trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến, ông Đỗ Quang Huy- Đại diện văn phòng Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tại Việt Nam cho rằng, việc chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình KCN sinh thái đòi hỏi phải có các kế hoạch hành động mang tính nhất quán và đồng bộ. Chính phủ cần ban hành những chính sách có tính khuyến khích và thực thi được, các Ban Quản lý KCN nhận thức được tầm quan trọng của mô hình KCN sinh thái trong việc thu hút đầu tư có chất lượng. Các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến môi trường, con người và phương pháp quản trị (vì đó là những tài sản vô hình quan trọng tạo nên giá trị cho doanh nghiệp).
“Chúng tôi hy vọng với sự sẵn sàng của tổ chức quốc tế UNIDO và các đối tác hỗ trợ kỹ thuật, sự cam kết của Chính phủ Việt Nam và quyết tâm của đơn vị đầu tư và quản lý KCN, quá trình chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái sẽ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả”, ông Đỗ Quang Huy lạc quan hy vọng về thành công của Dự án.
Tăng cường nâng cao nhận thức về hiệu quả chuyển đổi và phát triển KCN sinh thái
Ông Lê Xuân Thịnh (ngoài cùng bên trái)- Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) |
Tại Hội thảo, đại diện Ban Quản lý Dự án đã giới thiệu tổng quan về mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam và các chính sách có liên quan; giới thiệu về dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu KCN sinh thái toàn cầu”, thực trạng và các hoạt động tại các KCN đã thí điểm tại Việt Nam.
Theo đó, Dự án được triển khai tại các tỉnh/thành phố Hải Phòng, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ, với các KCN thí điểm bao gồm: KCN Amata (Đồng Nai), KCN Deep C (Hải Phòng), KCN Hiệp Phước (Hồ Chí Minh), KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng). Ngoài ra, Dự án tiếp tục hỗ trợ phát triển các cơ hội cộng sinh công nghiệp ở cấp độ doanh nghiệp và KCN đã được xác định từ pha trước của Dự án. Kinh nghiệm thực hiện tại các KCN này sẽ là mô hình mẫu để nhân rộng và phát triển mô hình KCN sinh thái trên cả nước.
Hiện nay, Dự án đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ các KCN trong khuôn khổ Dự án và thực hiện các giải pháp chuyển đổi KCN sinh thái thông qua đào tạo tập huấn, thực hiện giải pháp về hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) và cộng sinh công nghiệp; hỗ trợ tiếp cận các nguồn pháp tài chính cho việc chuyển đổi.
Mục tiêu của Dự án là cải thiện hiệu quả môi trường kinh tế, xã hội của các ngành công nghiệp Việt Nam thông qua thực hiện phương pháp tiếp cận KCN sinh thái tại các KCN thí điểm được lựa chọn và nâng cao vai trò của các KCN sinh thái trong các chính sách về môi trường, công nghiệp và các ngành khác ở cấp quốc gia.
Về lợi ích KCN sinh thái có liên quan đến 04 đối tượng chính là các doanh nghiệp trong các KCN sinh thái; cộng đồng địa phương; môi trường xung quanh KCN sinh thái; cấp các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các Ban Quản lý KCN sinh thái.
Khung pháp lý hỗ trợ chuyển đổi KCN sinh thái theo hướng kinh tế tuần hoàn được quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP và sắp tới sẽ được tiếp tục sửa đổi, thay thế một số nội dung của Nghị định 82 về KCN sinh thái cũng như các tiêu chí chuyển đổi...
Về kết quả thí điểm chuyển đổi một số KCN truyền thống sang KCN sinh thái từ pha trước của Dự án cho thấy, ở cấp độ KCN đã góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động của các nhà máy xử lý nước thải tại; cải thiện công tác quản lý và xử lý rác thải rắn; đề xuất giải pháp tái sinh, tái sử dụng hoặc cộng sinh năng lượng dư thừa hoặc tái sử dụng rác thải; đề xuất giải pháp cộng sinh công nghiệp. Ở cấp độ doanh nghiệp, mang lại lợi ích kinh tế (tiết kiệm nguyên vật liệu, nhiên liệu, điện năng, nước, hóa chất) và lợi ích môi trường (giảm chất thải rắn, khí, hóa chất độc hại…).
Ông Ankit Kapasi-Chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái, Sofies phát biểu tại Hội thảo trực tuyến |
Tại Hội thảo, các chuyên gia UNIDO và chuyên gia KCN sinh thái đã chia sẻ nhiều kiến thức và kinh nghiệm để đánh giá KCN sinh thái theo Khung khổ quốc tế về KCN sinh thái. Theo đó, mô hình KCN sinh thái được xác định dựa trên các tiêu chí, cụ thể theo khung khổ quốc tế; Quản lý KCN sinh thái và các dịch vụ cho các doanh nghiệp trong KCN sinh thái; khái niệm, phương pháp và công cụ chính trong việc nhận diện và thực hiện các giải pháp RECP; khái niệm, phương pháp và công cụ chính liên quan đến phát hiện và thực hiện cộng sinh công nghiệp. Về mục đích của cộng sinh công nghiệp là tối đa hóa việc bảo tồn tài nguyên và giảm phát thải thông qua quản lý bền vững chất thải và các sản phẩm phụ giữa các ngành/công ty; cộng sinh giữa các công ty giúp hình thành các chuỗi cung ứng khả thi về mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Đồng thời các chuyên gia đã chứng minh một số KCN sinh thái điển hình trên thế giới đã làm tốt vai trò cộng sinh công nghiệp như KCN: Kwinana (Úc); KCN Map Ta Phut (Thái Lan); cộng sinh công nghiệp- đô thị ở Kalundborg (Đan Mạch)...
Cũng tại Hội thảo, đại diện Ban Quản lý các KCN và Chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ về định hướng triển khai KCN sinh thái tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các đại biểu đã đánh giá cao cơ hội và lợi thế của Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn và năng động nhất Việt Nam, do đó việc xây dựng và phát triển KCN sinh thái tại đây sẽ là động lực cho tăng trưởng xanh tại các tỉnh thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Được biết tiếp nối Hội thào trực tuyến "Nâng cao năng lực hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp" phần 1, ngày 24/11 tới sẽ diễn ra Hội thảo này (phần 2) với các nội dung chính tập trung truyền tải về phương pháp tiếp cận RECP trong công nghiệp, các ví dụ điển hình tại Việt Nam đã được triển khai và áp dụng. Đồng thời được nghe chia sẻ của Công ty Phát triển hạ tầng KCN Hiệp Phước trình bày về định hướng phát triển của KCN Hiệp Phước- Thành phố Hồ Chí Minh./.
Bình luận