Theo TS. Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có mặt ở hầu hết các địa phương, các ngành, các khu vực của nền kinh tế, khi chiếm 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam (trong đó số doanh nghiệp có quy mô vừa chỉ chiếm 1,6%), đóng góp tới 45% GDP, 31% vào tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Do quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp, nên khi đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, lan rộng, hoạt động của DNNVV gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Một trong những giải pháp để tháo gỡ khó khăn trên cho doanh nghiệp, theo ông Hùng là Việt Nam cần phát triển hình thức Gọi vốn cộng đồng (Crowd funding) thông qua việc phải nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó có thành lập, vận hành và cơ chế hoạt động của sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng; công bố thông tin, cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia…

Cần hoàn thiện cơ chế cho Gọi vốn cộng đồng
Theo Phó Chủ tịch VINASME Phạm Huy Hùng, Việt Nam cần phát triển hình thức Gọi vốn cộng đồng. Ảnh: VINASME
Với bối cảnh các DNNVV còn nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, theo Phó Chủ tịch VINASME Phạm Huy Hùng, ở Việt Nam, việc huy động vốn cộng đồng thông qua hình thức trực tuyến là biện pháp rất cần được phát triển.

Theo lãnh đạo Hiệp hội DNNVV Việt Nam, những năm gần đây, hình thức huy động vốn cộng đồng ở các nước rất phát triển, hình thức này đã giúp kết nối các nhà đầu tư sẵn sàng đóng góp vốn cổ phần vào công ty hoặc dự án, cho phép các nhà đầu tư được chia lợi nhuận trong tương lai của doanh nghiệp. Hiện việc truy cập internet rất phổ biến, nên các DNNVV có thể mở rộng khả năng tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng, chấp nhận rủi ro của nền tảng Gọi vốn cộng đồng. Chính việc phát triển Gọi vốn cộng đồng đã giúp lấp khoảng trống trên thị trường tín dụng, giúp DNNVV có vốn thông qua dòng tín dụng mới, với chi phí thấp hơn kênh tín dụng truyền thống.

“Gọi vốn cộng đồng là hình thức huy động vốn thông qua các giao dịch tài chính đặc thù có sự tham gia của 3 bên: bên gọi vốn (là các chủ dự án, có thể là doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân, cần sự giúp đỡ về vốn của cộng đồng); bên cấp vốn (những người có khả năng tài chính, có nhu cầu giúp đỡ đầu tư vào các dự án, họ có thể là nhà đầu tư có tổ chức; nhà đầu tư tư nhân) và bên thứ ba trung gian kết nối giữa chủ dự án Gọi vốn cộng đồng và người có nhu cầu góp vốn thông qua thiết lập nền tảng gọi vốn (website)…”, ông Hùng cho hay.

Ở Việt Nam, trong điều kiện các DNNVV còn nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, thì việc huy động vốn cộng đồng thông qua hình thức trực tuyến, theo ông Hùng là biện pháp rất cần được phát triển, bởi hình thức gọi vốn này thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ. Theo cách này, các nhà đầu tư được lựa chọn các dự án để tài trợ mang lại lợi tức cao hơn so với phương án gửi tiết kiệm truyền thống. Với nền tảng Gọi vốn cộng đồng, các DNNVV có thể tiếp cận với chi phí vốn thấp hơn, tiết kiệm được thời gian, không phân biệt không gian và khoảng cách địa lý. Khoản tài trợ trong hình thức Gọi vốn cộng đồng được sự đồng thuận từ hai phía, nhà đầu tư chủ động lựa chọn các dự án mà họ kỳ vọng có khả năng tăng trưởng trong tương lai.

Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hình thức Gọi vốn cộng đồng, ông Hùng cho rằng, bản thân các DNNVV rất cần tự nâng cao năng lực quản trị. Bởi yếu tố then chốt khi quyết định đưa vốn vào doanh nghiệp là lòng tin, mà điều này được phản ánh qua hệ thống quản trị. Nếu lòng tin không được chú trọng tạo dựng, doanh nghiệp rất khó thu hút đầu tư, kể cả hình thức vay vốn cộng đồng. Do đó, nâng cao năng lực quản trị, xây dựng và áp dụng mô hình quản trị phù hợp với đặc điểm, tính chất và quy mô hoạt động của từng DNNVV phải được coi là việc làm cấp thiết hiện nay. Cần có sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ qua Hiệp hội DNNVV Việt Nam để tổ chức nhiều khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp cho các DNNVV trong cả nước…/.