Cần hợp sức định hình nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam
Nhận diện nền kinh tế chia sẻ và nguy cơ nếu thiếu chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp nội
Nhiều chuyên gia cùng đại diện một số bộ, ngành như Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Giao thông - Vận tải, Ngân hàng Nhà nước… đã tham gia Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Báo cáo tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế, do CIEM tổ chức sáng 8/12/2020. Hình thái kinh tế chia sẻ, như ông Hoa Cương nêu vấn đề, đã hiện diện ở hầu khắp mọi nơi trong nền kinh tế, với những biểu hiện dễ thấy nhất là sự bận rộn của những quán ăn trong ngõ ngách, thay vì bán trực tiếp, nay nhận đơn qua Internet và chuyển hàng cho các lái xe công nghệ, mang đến cho người tiêu dùng. Kinh tế chia sẻ phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 buộc con người với con người phải hạn chế tiếp xúc và không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia cũng đang chứng kiến sự bùng phát của loại hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, chưa có quốc gia nào có tư duy nhất quán về cách quản lý để Việt Nam có thể học tập, mà quá trình tìm đường vẫn phải làm theo cách vừa quan sát, vừa lắng nghe thị trường, để nghiên cứu, xây dựng.
Đại diện Bộ Tư pháp góp ý kiến cho báo cáo của CIEM
Trong phạm vi xã hội, kinh tế chia sẻ có rất nhiều biểu hiện, nhưng thể hiện rõ nét nhất trong 3 ngành. Thứ nhất là ngành vận tải, với sự xuất hiện của các loại xe công nghệ Uber, Grab, Gojek… Thứ hai là ngành dịch vụ lưu trú, với sự xuất hiện của Airbnb - một công ty đa quốc gia không sở hữu bất kỳ bất động sản nào, nhưng kết nối và cung cấp dịch vụ lưu trú tại hàng chục nghìn nhà nghỉ, nhà ở. Thứ ba là ngành tài chính, với sự xuất hiện của hoạt động Fintech trong các lĩnh vực như thanh toán và ví điện tử (Momo, Moca, VNpay, Zalopay…), tài chính cá nhân (Kiu, Toss…), Insuretech (Papaya, Inso, Opes, Wicare…) và hàng loạt hình thái khác. Trong đánh giá của ông Lưu Đức Khải, Phó trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, CIEM thì kinh tế chia sẻ là một phương thức mới trong huy động, phân bổ, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế, có ảnh hưởng trực tiếp đến loại hình kinh tế truyền thống, nhưng đồng thời bản thân kinh tế chia sẻ có sự sáng tạo thêm các dịch vụ mới, nhằm phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, mặt tiêu cực của hình thái này là nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm và lũng đoạn, nhất là khi họ có ưu thế cả về vốn và công nghệ. Họ sẵn sàng chấp nhận thua lỗ trong thời gian đầu để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Thực tế, Grabcar, Uber, Fastgo… đang chi phối thị trường vận tải trực tuyến, còn Airbnb, Expedia… đang chi phối thị trường dịch vụ chia sẻ phòng tại Việt Nam. Trong lĩnh vực ngân hàng, thị trường dịch vụ P2P lending đang chủ yếu do các nhà đầu tư có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Indonesia, Singapore… chi phối. “Vì vậy, nếu không khẩn trương ban hành và triển khai chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thì có thể dẫn đến hiện tượng bị nước ngoài chi phối hoàn toàn thị phần kinh tế chia sẻ trong nước”. Dự thảo Báo cáo của CIEM đánh giá như vậy và cho rằng, những chủ thể không cập nhật được thông tin, công nghệ sẽ trở thành đối tượng yếu thế, mất việc làm, vì không theo kịp hoặc bị các hình thức kinh doanh mới chiếm lĩnh, thậm chí thống lĩnh thị trường.
Quyết định 999/QĐ-TTg năm 2019 và Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2020 đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế Việt Nam. Do sự phát triển của loại hình kinh tế chia sẻ rất đa dạng và mới mẻ, nên theo Phó viện trưởng CIEM, ông Nguyễn Hoa Cương, để có một báo cáo chất lượng nhất trình Chính phủ, các bộ, ngành cần chung tay nghiên cứu, xây dựng báo cáo, nhằm tạo nên bức tranh tổng thể về mô hình kinh doanh mới. Từ đó, mới có căn cứ định hình chính sách và xây dựng chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp nội.
Thực tế, như lãnh đạo CIEM chia sẻ, trong quá trình xây dựng dự thảo báo cáo để trình Chính phủ, CIEM đã có công văn gửi đi lấy ý kiến các bộ, ngành, nhưng mức độ phản hồi còn chậm. Có bộ, ngành lấy chính một phần nội dung trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cách đây 2-3 năm về chủ đề này để đưa vào công văn gửi cho CIEM. Trong khi đó, làm việc với các doanh nghiệp đang tham gia hệ sinh thái kinh tế chia sẻ thì thái độ chung là họ còn ngại ngần cung cấp thông tin cũng như những đóng góp ý kiến. “Đây là một trong những thách thức trong quá trình tìm kiếm thông tin, ý tưởng, xây dựng báo cáo đầy đủ, đánh giá về kinh tế chia sẻ”, ông Cương nói.
Liên quan đến tham khảo kinh nghiệm từ nước ngoài, thực tế, nhiều quốc gia cũng đang chứng kiến sự bùng phát của kinh tế chia sẻ, nhưng chưa có quốc gia nào có khung pháp lý ổn định để quản lý. Trong khi Việt Nam tạo điều kiện cho taxi công nghệ hoạt động, thì tại Mỹ, sau một thời gian cho phép hoạt động, nay một số bang lại thay đổi chính sách, không cho phép coi lái xe là đối tác mà phải coi là người lao động. Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, tư duy quản lý loại hình này cũng có khác biệt, nước có, nước không. Với Việt Nam, thực tế đa dạng của thị trường đòi hỏi nhiều góc nhìn, nhiều đánh giá từ các bộ, ngành, các tổ chức nghiên cứu, chuyên gia, để định hình con đường cho kinh tế chia sẻ.
Dù nhận được nhiều ý kiến góp ý của chuyên gia, nhà quản lý về kinh tế chia sẻ, nhưng thực tế chưa có một thống kê định lượng chính thức nào về quy mô, tác động của kinh tế chia sẻ đến nền kinh tế thực tại Việt Nam
Ông Vũ Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông - vận tải cho biết, khi nói đến nền kinh tế chia sẻ, hầu hết mọi người nghĩ ngay đến… Bộ Giao thông. Tuy nhiên, ông Thủy khẳng định rằng, quá trình đề xuất thí điểm, Bộ Giao thông chỉ đề xuất ứng dụng trên các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, chứ không phải là chia sẻ hoàn toàn, cho phép người có phương tiện nhàn rỗi tham gia kinh doanh kiếm tiền, vì đây là mảng kinh doanh có điều kiện. Dù Bộ đã có một số văn bản quản lý việc này, nhưng thực tế phát sinh vượt ra ngoài phạm vi cho phép ban đầu, nên vấn đề quản lý hình kinh tế chia sẻ trong ngành giao thông đang là một câu hỏi ngỏ.
Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Xuân Hòe thì cho rằng, trong lĩnh vực tài chính, mô hình kinh tế chia sẻ phát triển rất da dạng và sáng tạo với đủ loại sản phẩm. “Dù lợi ích là rõ ràng, nhưng rủi ro cũng rất lớn, nhất là khi xã hội xuất hiện những hình thái cho vay dựa vào công nghệ. Sẽ có nhiều biên giới mềm bị phá vỡ, nhiều ngành, kể cả ngân hàng, bảo hiểm, sẽ mất dần vị thế trong kinh doanh, nếu không chuyển đổi kịp thời, nhiều hình thái huy động, đầu tư chứng khoán mới xuất hiện…, đòi hỏi phải có những đánh giá sâu sắc về đóng góp, tác động của các hình thái mới đến nền kinh tế Việt Nam, cơ hội và rủi ro khi cho phép kinh tế chia sẻ phát triển”, ông Hòe nói. Thực tế, sự biến thể của kinh tế chia sẻ có thể mang đến hệ lụy rất lớn cho đời sống người dân, như câu chuyện vỡ nợ hàng loạt Fintech tại Trung Quốc là một ví dụ.
Điểm thách thức nhất cho doanh nghiệp nội được các chuyên gia đồng thuận là việc doanh nghiệp nội chưa làm chủ được công nghệ lõi, mà vẫn phải phụ thuộc vào nước ngoài. Trong khi đó, kinh tế chia sẻ là loại hình kinh doanh không biên giới, nếu người Việt không nắm được cái lõi, sẽ chịu nhiều loại rủi ro, không chỉ về công nghệ mà còn về việc đánh giá, quản lý, thu thuế… đối với các loại hình kinh doanh này.
Dù khó, nhưng trong quan điểm của lãnh đạo CIEM, không thể không tìm ra con đường cho hình thái kinh doanh mới. Hàng loạt công việc các bộ, ngành cần chung tay thực hiện đã được CIEM dự kiến đưa vào đề xuất báo cáo Chính phủ. Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước cần chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực Fintech; xây dựng cơ chế thử nghiệm cho hoạt động của Fintech, P2P lending, tiến tới xây dựng hành lang pháp lý cho lĩnh vực này. Bộ Tài chính cần rà soát các hiệp định đa phương, song phương về hỗ trợ hoạt động thu thuế, thu thập thông tin để điều tiết thuế đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, xây dựng hướng dẫn thực hiện Luật quản lý thuế đối với nội dung liên quan đến kinh tế chia sẻ… Bộ Công thương cần rà soát, bổ sung các quy định về tổ chức phát triển, quản lý thị trường và cạnh tranh phù hợp với hình thái kinh tế chia sẻ… Theo ông Hoa Cương, CIEM sẽ tiếp tục nhận ý kiến đóng góp của các bộ, ngành đến ngày 15/12 để chính thức tổng hợp, xây dựng báo cáo đánh giá trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình Chính phủ.
Với một hình thái kinh tế mới và chưa có bất cứ một thống kê chính thức nào đủ sức định lượng tổng thể bức tranh kinh tế chia sẻ, lãnh đạo CIEM cho rằng, rất cần sự vào cuộc, hợp sức của các bộ, ngành để nhận diện hình thái mới này tại Việt Nam và định hình con đường phát triển có ích cho người lao động, người dân, cho Đất nước./.
Bình luận