Phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình Tổ chức Định cư Con người Liên hợp quốc tại Việt Nam, nhằm tìm giải pháp cốt lõi hạn chế ô nhiễm môi trường tại Việt Nam.

PV: Thưa ông, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia năm 2016 với chủ đề Môi trường đô thị, ông có đánh giá vì về báo cáo này?

TS. Nguyễn Quang: Tổ chức Định cư con người Liên Hợp Quốc đánh giá cao Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia năm 2016 mà Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố.

Thực tế, Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hóa rất nhanh, tăng tỷ lệ từ 800.000 đến 1 triệu người tham gia đô thị hàng năm, tỷ lệ tăng đô thị từ 3-3,5%. Khi quá trình phát triển đô thị chưa song hành với cung cấp điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng, chưa song hành với vấn đề tổ chức và quản lý đô thị thực sự bền vững, nó dẫn đến những hệ lụy nhất định, như: ô nhiễm môi trường không khí, nước, môi trường chất thải rắn…

TS. Nguyễn Quang: "Người gây ra ô nhiễm thì phải trả chi phí để xử lý ô nhiễm môi trường".

Chúng tôi nhận thấy, vấn đề đô thị trở nên nóng bỏng đòi hỏi các bên liên quan, đặc biệt là Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các địa phương cần nhìn nhận thực trạng môi trường đô thị để đưa vào quản lý.

PV: Theo ông, vấn đề nổi cộm trong ô nhiễm môi trường đô thị hiện nay là gì?

TS. Nguyễn Quang: Chúng ta đều biết, đô thị thì cần có hạ tầng, có những hạ tầng liên quan đến nước sạch, xử lý rác, nước thải, cung cấp điện và những hệ thống hạ tầng liên quan đến giáo dục, y tế. Quá trình công nghiệp hóa, cùng với hoạt động sản xuất, tăng dân số, tăng năng lực tiêu dùng của người dân… nhưng quản lý không tốt thì dẫn đến nhiều hệ lụy môi trường, trong đó đơn cử như nước thải ra sông, hồ chưa qua xử lý; rác thải không được thu gom; xây dựng gây ô nhiễm không khí, nước, đất… tất cả đều ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Do vậy, cần đặc biệt chú ý đến công tác quản lý môi trường đô thị.

Riêng về rác thải, hiện nay mặc dù tại các đô thị đã thu gom, nhưng chưa xử lý triệt để. Đặc biệt nếu rác thải y tế không được xử lý an toàn, chôn lấp cẩn thận, thì để lại những tác động đến hàng trăm năm và cũng có thể là những ổ dịch chờ bùng phát.

Còn về đất đai, có những hoạt động sản xuất gây ô nhiễm (ví dụ như việc đốt rơm rạ cũng tạo ra những tác động nhất định). Chính vì vậy, cần có hệ thống xử lý, đánh giá và qua trắc môi trường tốt hơn.

PV: Ông đánh giá như thế nào về ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn hiện nay?

TS. Nguyễn Quang: Gần đây, Mỹ đưa ra kết quả quan trắc về môi trường tại TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy mức độ ô nhiễm rất cao, có những lúc nằm trong tốp 10 thành phố bị tác động ô nhiễm cao trên thế giới. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, các trạm quan trắc đó phải được đặt tại các khu vực trong đô thị để nhìn nhận một cách chính xác.

Thứ hai, cần nhìn nhận rằng, ô nhiễm môi trường không chỉ đơn lẻ của 2 thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cần xây dựng nhiều trạm quan trắc tại nhiều thành phố trong cả nước, cả những đô thị nhỏ và vừa. Trong công tác quản lý đô thị, những vấn đề môi trường đô thị rất quan trọng, do đó cần có số liệu thống kê mang tính chất thời gian để nhìn nhận công tác quản lý chưa tốt, hay đã tốt lên, tốt ở những lĩnh vực, điểm nào.

PV: Bàn về các giải pháp mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra trong Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia năm 2016, ông có bình luận gì thưa ông?

TS. Nguyễn Quang: Trong báo cáo đã đề xuất những định hướng, thí dụ là tăng cường công tác quản lý, xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích cộng đồng tham gia là những đề xuất tốt, giải pháp tích cực, quan trọng.

Tuy nhiên, chúng ta đang xây dựng trong cơ chế thị trường, vì vậy việc áp dụng cơ chế thị trường vào công tác quản lý, áp dụng công cụ thị trường để quản lý công tác đô thị rất quan trọng, nghĩa là người gây ra ô nhiễm phải trả tiền. Những cơ sở gây ra tác động tiêu cực đến môi trường thì áp dụng các chế tài xử phạt, thậm chí có những công cụ như các nước phát triển đã áp dụng là buộc đơn vị mà sử dụng công nghệ đang gây ô nhiễm thì phải thay công nghệ khác để đảm bảo đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

Ô nhiễm môi trường tại các đô thị Việt Nam đang là vấn đề "nóng hổi", cấp bách cần phải khắc phục sớm

Nếu chúng ta áp dụng nhiều hơn những công cụ quản lý thị trường vào bảo vệ môi trường thì sẽ điều tiết được hành vi của người dân trong bảo vệ môi trường. Thí dụ, người dân đi xe ô tô mà có lượng phát thải cao hơn, gây ô nhiễm môi trường cao hơn người đi xe đạp thì buộc họ phải trả tiền bảo vệ môi trường cao hơn người đi xe đạp. Tức là phải đảm bảo rằng, người gây ra ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý ô nhiễm.

PV: Thưa ông, về việc thu gom chất thải rắn tại Việt Nam dù đã có nhiều công nghệ nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường chưa cải thiện. Thí dụ như vẫn xảy ra tình trạng các bãi rác rỉ nước khiến người dân sống ở quanh khu vực phải khiếu kiện. Vậy theo ông, đâu là giải pháp triệt để cho những vấn đề này?

TS. Nguyễn Quang: Việc quản lý chất thải rắn ở Việt Nam là vấn đề quan trọng, cấp thiết cần sớm được xử lý dứt điểm. Hiện thế giới có nhiều công nghệ xử lý chất thải rắn khác nhau. Có những công nghệ về chôn lấp, xử lý rác thành phân hoặc thành năng lượng... nhưng chưa có công nghệ nào hoàn thiện vì còn phụ thuộc vào khả năng chi trả.

Tại Việt Nam, việc thu gom rác để chôn lấp, cũng có những nhà máy sử dụng công nghệ để biến rác thành phân, nhưng để bán được phân đó ra thị trường sử dụng cho cây trồng thì cần phân loại rác đầu vào nghiêm ngặt.

Hiện tại, nhiều khu vực kinh tế tư nhân đang nghiên cứu những công nghệ mới. Chẳng hạn họ sử dụng công nghệ phân hủy rác bằng cách nâng cao nhiệt độ gắn với hơi nước để tạo thành các hợp chất khác nhau. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề quan trọng cần nghiên cứu cẩn trọng trước khi có thể ứng dụng vào thực tiễn.

Bởi lẽ, khi đốt rác, không dễ xử lý được các vấn đề về khí thải từ đốt vì nó sinh ra hợp chất đioxin ảnh hưởng đến môi trường nước, môi trường đất và không khí. Nhưng nếu làm được việc này thì khi dùng nhiệt độ cao phân hủy rác sẽ không cần làm công đoạn phân loại rác thải, vì ở Việt Nam việc phân loại rác thải không dễ, nó đòi hỏi phải tốn nhiều công sức, chưa kể cấu trúc của rác rất khó để có thể phân loại cụ thể./.