Cần tôn trọng quyền tự chủ của các trường đại học
Một năm của đổi mới giáo dục
Tổng kết những kết quả đạt được trong năm học 2014-2015, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định “Năm học vừa qua, chúng ta đã chuyển hướng thành công từ lối tư duy cũ, hành động cũ, theo đuổi mục tiêu cũ, sang mục tiêu mới, bằng cách thức tiếp cận mới. Mặc dù có một số trục trặc nhưng không xáo trộn, đổ vỡ, nhận được sự đồng thuận, đánh giá tích cực trong Ngành và toàn xã hội”.
Cụ thể, trong năm học 2014-2015 cả nước có 219 trường đại học và 217 trường cao đẳng (không tính các trường khối an ninh, quốc phòng, quốc tế). Trong đó có 60 trường đại học và 28 trường cao đẳng khối ngoài công lập. So với trước đó, quy mô đào tạo giữ tương đối ổn định, trong đó tăng tỷ lệ sinh viên chính quy và giảm sinh viên hệ vừa làm vừa học (tỷ lệ sinh viên hệ vừa làm vừa học trong năm học này chỉ còn khoảng hơn 20% toàn khối đại học, cao đẳng)
Các cơ sở đào tạo trên cả nước đã tập trung vào việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức, thực hiện tốt các quy định của quy chế đào tạo; tuyển dụng được nhiều giảng viên trẻ có trình độ cao nên tỷ lệ sinh viên/giảng viên bình quân cả hệ thống đã giảm dần đảm bảo ở mức quy định; nhận thức của các cơ sở đào tạo về trách nhiệm xã hội và cam kết đối với người học được nâng cao.
Về tự chủ, đổi mới quản trị đại học, trong năm 2014-2015 đã có 12 trường được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm mô hình tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017; 8 cơ sở đào tạo đã thành lập hội đồng trường, kiện toàn bộ máy tổ chức theo quy định của Điều lệ mới, nhiều cơ sở đào tạo đang trong giai đoạn kiện toàn hoặc thành lập mới hội đồng trường.
Sự chủ động còn thể hiện ở việc nhiều cơ sở đào tạo đã tích cực phối hợp với doanh nghiệp để triển khai đề tài, nhiệm vụ các cấp, ký kết hợp đồng và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp.
Đặc biệt, đánh giá kết quả tuyển sinh 2015, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “việc tạo ra cơ chế thi trước, tuyển sau trong kỳ thi tuyển sinh năm 2015 đã làm cho các thí sinh chủ động hơn trong việc chọn trường, ngành phù hợp với nguyện vọng và điểm thi. Trong đó, việc tách hai khâu thi và xét tuyển đã giảm áp lực, tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội, là bước tiến quan trọng và tạo ra những tiền đề cơ bản trong việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Ga cũng cho biết, việc điều chỉnh mạng lưới, nhất là quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, công tác kiểm định chất lượng còn chậm so với kế hoạch, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế… là những hạn chế mà ngành giáo dục phải khắc phục trong năm học mới.
Đại diện phía các cơ sở giáo dục đại học, ông Lê Quang Minh – Hiệu trưởng Trường FPT cho rằng năm vừa qua ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt kỳ thi quốc gia đã thay đổi hoàn toàn tư duy, cách thức tuyển sinh trước đây.
“Xu thế các trường tự chủ tuyển sinh là xu thế bắt buộc phải thực hiện” - ông Minh nhận định.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Tiếp tục đổi mới theo tinh thần tự chủ
Trên cơ sở các báo cáo tổng kết và ý kiến ở các đầu cầu, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam rất phấn khởi và đánh giá cao kết quả đạt được của Ngành trong năm học vừa qua, đặc biệt khối đại học và cao đẳng đã thực hiện rất nhiều việc bám sát theo tinh thần của nghị quyết Trung ương.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh năm học mới, cần tập trung quyết liệt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm trình thủ tướng ban hành khung chương trình hệ thống giáo dục quốc dân, tham khảo một số chuẩn quốc tế phù hợp với điều kiện nước ta.
Thứ hai, Phó Thủ tướng khẳng định, cơ chế tự chủ là xu thế cần phải triển khai, hiện nay đã thí điểm 12 trường và sẽ tiếp tục nhân rộng. Đề xuất cơ chế tự chủ theo lộ trình, nhưng có cơ chế đặc thù phù hợp từng trường, từng vùng miền, địa phương, vẫn duy trì đầu tư của Nhà nước theo đúng quy định. Các trường cần quyết liệt triển khai vì đây là quyền lợi. Nếu cần có hội nghị bàn sâu vấn đề này.
“Tuyển sinh đại học phải trên tinh thần tự chủ đại học. Các đại học phải nâng cao quyền tự chủ của mình. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đưa ra những quy định tối cần thiết, không nên đi quá vào chi tiết, chỉ cần làm sao đảm bảo công bằng cho học sinh, tôn trọng quyền tự chủ của các trường” Phó Thủ tướng đề nghị trong khâu tuyển sinh năm tới.
Thứ ba, hướng tới phân tầng xếp hạng các trường trong hệ thống giáo dục của Việt Nam và của quốc tế (trong khu vực). Đề nghị cần tham khảo lựa chọn và xây dựng dựa theo các tiêu chí phù hợp trong hệ thống đánh giá của thế giới.
Thứ tư, về công tác tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, Phó Thủ tướng cho rằng, cần có hội nghị cụ thể bàn sâu, dựa trên những kế thừa kết quả đạt được năm vừa qua, khắc phục những bất cập tồn tại. Tạo sự công bằng và giảm áp lực cho học sinh và phát huy cơ chế tự chủ của các trường.
“Mong rằng toàn thể chúng ta cùng quyết tâm, việc gì đúng rồi thì nên làm. Suy cho cùng, mục đích là vì chất lượng đào tạo, để kỹ sư ra kỹ sư, thạc sĩ ra thạc sĩ. Nếu chúng ta làm được như vậy, kinh tế xã hội sẽ phát triển, việc làm sẽ nhiều hơn” – Phó Thủ tướng bày tỏ.
Bình luận