Cảng Đà Nẵng: Mở rộng không gian để phát triển bứt phá
Từ cảng biển loại I cấp quốc gia
Tọa lạc phía Đông Bắc thành phố, có núi Hải Vân và Núi Sơn Trà che chắn, là đầu mối giao thông quan trọng, là điểm cuối của Tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây, trong suốt quá trình tồn tại đến hơn 100 tuổi của mình, Cảng Đà Nẵng đã luôn phục vụ khá âm thầm và lặng lẽ, như một người lao động cần mẫn ngày đêm, chung nhịp sống lúc bình yên khi hối hả tấp nập của người dân Đà Nẵng.
Đặc biệt, sau sự kiện TP. Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại 1 vào năm 2003 với chủ trương xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố Cảng biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là động lực cho sự phát triển đi lên của Cảng Đà Nẵng trong thời kỳ mới.
Cảng nằm trong Vịnh Đà Nẵng, có bề rộng trên 10 km2 và sâu gần 20 m, có gần 1.800 cầu bến, cùng thiết bị phục xếp dỡ hàng, hệ thống kho bãi được thiết kế trang bị hiện đại, lúc nào cũng hoạt động hết công suất qua ngày tháng.
Cảng Đà Nẵng bao gồm hai khu cảng chính là Xí nghiệp Cảng Tiên Sa và Xí nghiệp Cảng Sông Hàn, với 1.493 m cầu bến, thiết bị xếp dỡ và các kho bãi hiện đại phục vụ cho năng lực khai thác của cảng đạt 6 triệu tấn/năm.
Cảng Tiên Sa là cảng biển nước sâu tự nhiên, có độ sâu lớn nhất là 12 m nước, chiều dài cầu bến là 965 mét, bao gồm 2 cầu nhô và 1 cầu liền bờ chuyên dụng khai thác container. Cảng Tiên Sa có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 40.000 DWT, tàu container đến 2.000 teus và tàu khách đến 75.000 GRT. Cảng Tiên Sa được coi là một trong số ít các cảng tại Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi và tiềm năng để phát triển thành một cảng biển lớn.
Năm 2014, Cảng Đà Nẵng đạt sản lượng cao nhất trong các năm vừa qua. Sản lượng hàng hóa qua Cảng Đà Nẵng đạt mức kỷ lục 6.022.045 tấn, tăng 9,5% so với kế hoạch và tăng 20,19% so với năm 2013. Đối với hàng container, sản lượng hàng container năm 2014 đạt 227.340 Teus, tăng 36,5% so với năm 2013.
Bên cạnh đó, Cảng Đà Nẵng cũng đã đón 85 lượt tàu khách (trong đó có 5 tàu quân sự) với khoảng gần 110.000 lượt khách du lịch và thuyền viên, đóng góp vào thành công chung của ngành du lịch thành phố.
Năm 2014, Cảng Đà Nẵng cũng đạt mức doanh thu cao nhất với 449 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2013 (trong đó kinh doanh cơ bản theo sản lượng tăng 19,3%) và tăng 5,6% so với kế hoạch được giao.
Sau khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần vào tháng 7/2014, Cảng Đà Nẵng vẫn tiếp tục đà phát triển, đời sống của cán bộ công nhân viên được đảm bảo, thu nhập ổn định và tăng đều. Doanh thu sau khi cổ phần hóa đạt 189 tỷ đồng. Đóng góp ngân sách nhà nước của Cảng Đà Nẵng trong năm 2014 tiếp tục tăng 31% so với năm 2013.
... đến điểm du lịch lý thú
Đây không chỉ là cảng biển phục vụ tàu biển, giao thương mà còn là niềm tự hào rất riêng của người Đà Nẵng về tầm quan trọng của nó trong đời sống văn hóa qua rất nhiều năm.
Cảng biển Đà Nẵng là một trong những điểm du lịch Đà Nẵng được quan tâm một cách rất đặc biệt từ du khách. Vài năm trở lại đây, khi du lịch tàu biển phát triển mạnh lên, Việt Nam đón khá nhiều tàu biển quốc tế. Các tàu này cập không chỉ ở những cảng phù hợp về trọng tải, hải trình mà còn về yếu tố du lịch văn hóa của các vùng lân cận thật thuận tiện.
Và Cảng Đà Nẵng chính là một trong số những cảng rất vinh dự này, bởi không chỉ ở quy mô cảng, mà còn bởi đây là thành phố phát triển, có khá nhiều cảnh quan đẹp và đủ sức thỏa lòng tất cả du khách.
Ngay khi du khách đi tàu biển, cập cảng Đà Nẵng, cũng đã được tận hưởng không gian trong lành, cảnh quan núi biển kỳ vỹ ở đây. Cảnh đẹp mênh mang quanh Cảng Đà Nẵng tự nó cũng đã tạo một dấu ấn thật đậm nét nơi du khách. Và những dấu ấn ấy, cùng theo du khách suốt hành trình khám phá còn lại, dù là hành trình ngắn hay dài.
Các tour Đà Nẵng ngày nay, ít nhiều đều có những giới thiệu sơ lược về Cảng Đà Nẵng, để du khách có thể hình dung dễ hơn về điểm đến này. Cũng từ đây, mọi du khách sẽ có cơ hội để thưởng ngoạn được cái đẹp của Cảng Đà Nẵng mỗi khi có dịp đến Đà Nẵng. Tham quan điểm đến này, du khách sẽ được biết thêm những góc đẹp khác của Đà Nẵng, cũng như hiểu thêm về năng lực phát triển một cách toàn diện của thành phố trẻ này qua thời gian.
Riêng trong 2 tháng đầu năm 2015, Cảng Đà Nẵng đón 18 tàu khách, với khoảng 14.100 khách và thuyền viên. Dự kiến trong năm 2015 có khoảng 80 tàu khách đến Cảng Đà Nẵng với khoảng 90.000 khách và thuyền viên. Đây thực sự là con số khả quan cho ngành du lịch Thành phố.
Dự kiến năm 2015, Cảng Đà Nẵng phân đấu đạt mục tiêu 6,5 triệu tấn hàng hóa thông qua, trong đó container đạt 252.000 Teus; kế hoạch doanh thu đạt 450 tỷ đồng, phấn đấu đưa Cảng Đà Nẵng vào tốp 10 của các cảng container tại Việt Nam.
Cơ hội phát triển bị giới hạn bởi không gian
Có được kết quả nói trên là nhờ vào việc Cảng Đà Nẵng đã có sự đầu tư đón đầu về cơ sở vật chất hạ tầng và thiết bị theo hướng thu hút hàng container. Bên cạnh đó, Cảng cũng đã xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, cán bộ điều hành chuyên nghiệp đảm bảo năng suất và chất lượng dịch vụ cao. Giá trị thương hiệu cũng như uy tín tạo dựng được của Cảng Đà Nẵng đã và đang góp phần thu hút khách hàng.
Bên cạnh đó, quy định về yêu cầu chở hàng đúng giới hạn trọng tải trong vận tải đường bộ thời gian qua đã phần nào tác động gia tăng sản lượng hàng nội địa qua Cảng.
Tuy nhiên, Cảng Đà Nẵng cũng đang phải đối mặt với những khó khăn là áp lực cao về kho bãi và cầu bến. Hiện tại, container có hàng trên bãi chiếm trên 125% công suất.
Thực tế, diện tích kho bãi cảng chỉ có hơn 17 ha, không đáp ứng đủ hoạt động sản xuất đang quá tải trầm trọng. Mặc dù Cảng Đà Nẵng đã có những giải pháp như khuyến khích khách hàng lưu container rỗng trả về từ ô tô tại bãi Danalog (cách cảng Tiên Sa khoảng 3 km) nhưng áp lực kho bãi vẫn còn rất cao. Vì thế, Cảng Đà Nẵng đang mong muốn có điều kiện mở rộng kho bãi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước đang ngày càng cao.
Đặc biệt, từ ngày 1/1/2015, Cảng Sông Hàn sẽ được di dời ra Cảng Tiên Sa, tình trạng thiếu kho bãi lại càng trở nên trầm trọng.
Hiện số lượng hàng hóa container và khách du lịch thông qua Cảng Tiên Sa tăng trưởng liên tục khoảng 20%/năm, dự kiến công suất đạt 170.000 TEU/năm. Đặc biệt, số tàu du lịch hạng trung và lớn cập cảng Tiên Sa ngày càng nhiều.
Nhưng do chiều dài cầu cảng và diện tích kho bãi đã hết công suất nên công tác tiếp nhận đang gặp nhiều khó khăn. Trước đó, TP. Đà Nẵng đã có quyết định số 838/QĐ-UBND phê duyệt phương án mở rộng cảng Tiên Sa với quy mô trên 18 ha về phía Nam nhưng còn vướng đất quốc phòng.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng vào ngày 3/7/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã chỉ đạo việc mở rộng Cảng Đà Nẵng là ý tưởng tốt, quan trọng đã có thị trường, có hàng hóa và có lãi. Chủ tịch nước cũng đánh giá cao sự làm ăn hiệu quả của cảng Đà Nẵng, đồng thời lưu ý doanh nghiệp cần chủ động tìm nguồn vốn, không nên phụ thuộc vào vốn ODA.
Trả lời báo giới, ông Nguyễn Thu, Chủ tịch HĐQT Cảng Đà Nẵng cho biết, kế hoạch nâng cấp cảng Tiên Sa giai đoạn 2, mở rộng kho bãi để đáp ứng năng lực sản xuất; đồng thời phục vụ công tác an ninh quốc phòng là rất cấp thiết trong thời điểm hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của DN, đặc biệt là khi chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp nhà nước sang cổ phần hóa.
Như vậy, với mong muốn được tạo điều kiện mở rộng kho bãi Cảng Tiên Sa trong thời gian nhanh nhất, hy vọng sẽ sớm thành hiện thực để Cảng Đà Nẵng đáp ứng tốt hơn nữa năng lực sản xuất, đón đầu cơ hội, xứng đáng với vị thế cảng biển loại I cấp quốc gia, đồng thời, đảm bảo phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc phòng trong thời kỳ mới./.
Bình luận