Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10/2016 của nước ta ước đạt 368.000 tấn, với giá trị đạt 164 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2016 ước đạt 4,2 triệu tấn và 1,9 tỷ USD, giảm 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Bên cạnh việc giảm sút về số lượng, một vấn đề đáng lo ngại là gần đây gạo Việt đã bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng, trong đó có thị trường Mỹ. Mặc dù là thị trường gạo tiềm năng của Việt Nam, nhưng thị trường này yêu cầu chất lượng cao, có nhiều rào cản kỹ thuật. Do đó, thời gian qua đã có nhiều lô hàng gạo xuất khẩu sang Mỹ bị trả về do nhiễm các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và vi phạm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước này.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dẫn số liệu của Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cho thấy, từ năm 2013 đến cuối tháng 4/2016, có 15 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo vào Mỹ bị trả hàng về, với sản lượng hơn 4.200 tấn (234 container).

Tính tới cuối tháng 8/2016, số lượng gạo Việt Nam bị Mỹ trả về đã lên đến 412 container của 16 doanh nghiệp. Các sản phẩm bị Mỹ trả về chủ yếu là gạo thơm Jasmine, gạo trắng hạt dài đã qua chế biến, đánh bóng, đóng gói…

Tính đến cuối tháng 8/2016 số lượng gạo Việt Nam bị Mỹ trả về đã lên đến 412 container của 16 doanh nghiệp

Nguyên nhân khiến nhiều lô hàng bị trả về chủ yếu là do một số doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo các tiêu chuẩn sản xuất gạo sạch như đã cam kết (VietGAP hoặc GlobalGAP).

Hơn nữa, nhiều năm nay gạo Việt xuất khẩu chủ yếu vào các thị trường dễ về chất lượng, như: Trung Quốc, châu Phi… với số lượng lớn. Điều này khiến nông dân, doanh nghiệp chạy theo số lượng chứ không chú ý nhiều đến chất lượng gạo. Do đó, việc lạm dụng các hoạt chất bảo vệ thực vật đã quá phổ biến. Vì vậy, gạo Việt bị phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật bởi các thị trường khó tính như Mỹ là dễ hiểu.

Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật bị Mỹ cảnh báo vượt mức cho phép lại được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm bảo vệ thực vật tại Việt Nam như thuốc trị các bệnh vàng lá, bạc lá, đạo ôn, lem lép hạt, khô vằn, rầy nâu, sâu đục thân, sâu cuốn lá, sâu mọt hại kho và các sản phẩm xử lý hạt giống… (Thuận Hải, 2016).

Việc gạo Việt xuất đi rồi bị trả về, bản thân các doanh nghiệp bị thiệt hại về kinh tế. Bên cạnh đó, gạo Việt sẽ bị ảnh hưởng về uy tín, thương hiệu, và việc tìm kiếm cơ hội vào các thị trường khác sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phát cảnh báo cho các doanh nghiệp cẩn trọng hơn trong xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ, tránh tình trạng bị phía Mỹ cấm vĩnh viễn. Cảnh báo này lưu ý các doanh nghiệp trước khi xuất khẩu phải kiểm tra, giám định kỹ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các lô hàng, tránh để bị nước nhập khẩu trả về. Trường hợp doanh nghiệp tái phạm nhiều lần có thể sẽ bị cấm xuất khẩu sang thị trường này.

GS.Võ Tòng Xuân, trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, đã đến lúc Nhà nước phải thắt chặt quản lý tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và không thể để nông dân thoải mái sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay. Để quản lý hiệu quả, cần kiểm soát thông qua doanh nghiệp, bắt buộc các doanh nghiệp phải xem lại quy trình sản xuất lúa gạo có đảm bảo mới được thu mua. Quan trọng hơn, phải chuyển sang chiến lược mới: sản xuất lúa gạo chất lượng cao bằng công nghệ kỹ thuật cao như Thái Lan đang đẩy mạnh (Vĩnh Tường, 2016).

Tài liệu tham khảo

1. Thuận Hải (2016). Hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị Mỹ cảnh báo, truy cập từ http://danviet.vn/nha-nong/hang-loat-doanh-nghiep-xuat-khau-gao-bi-my-canh-bao-713494.html

2. Vĩnh Tường (2016). Bài học đắt giá về xuất khẩu gạo, truy câp từ

http://www.baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE188600/Bai_hoc_dat_gia_ve_xuat_khau_gao.aspx