Tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện giới thiệu dự án Pneuma - Hơi thở cuộc sống lần đầu tiên diễn ra trên phạm vi cả nước nhằm xúc tiến thương mại, nghệ thuật, đào tạo thúc đẩy chuyển đổi số.

CEO Lê Viết Hải:
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và nghệ sĩ Nguyệt Thu tại Tọa đàm xúc tiến thương mại và hòa bình toàn cầu

Tại Tọa đàm, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chia sẻ mục tiêu xây dựng một môi trường các doanh nghiệp cùng chung một xã hội vì hòa bình. Ở đó, hòa bình đối xử giữa con người với con người, hòa bình trong môi trường kinh doanh và quan trọng hơn cả là hòa bình cho Tổ quốc, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới tích cực và hội nhập.

Theo ông Lê Viết Hải, giải pháp cho mọi vấn đề xung đột hiện nay cần giải quyết bằng hòa bình. Để hòa hợp giữa hoạt động kinh doanh mà vẫn giữ được ứng xử hòa bình, ông Hải cho rằng: “Ai thực sự mang đến những giá trị tốt nhất cho xã hội, người tiêu dùng và khách hàng, thì họ sẽ chiếm được thị trường. Bằng việc làm ra những sản phẩm thực sự có giá trị và chất lượng cao, chi phí hợp lý, không tiêu tốn quá nhiều tài nguyên của trái đất, không tiêu tốn quá nhiều năng lượng, không sinh ra quá nhiều tác hại đối với môi trường, họ đóng góp cho nhu cầu của xã hội tốt, thì họ sẽ được khách hàng đón nhận. Điều đó là cách mà một doanh nghiệp tồn tại và phát triển mà không cần phải theo cách “chiến trường”.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình đúc rút ra quy luật là “doanh nghiệp làm ra sản phẩm giá trị tốt, thì sẽ phát triển. Đó cũng là quy luật chung, chứ không nhất thiết phải giành giật nhau”.

Ông Hải lưu ý, vai trò của doanh nghiệp là phải tự mình nghiên cứu, tìm hiểu để biết thị trường đang thiếu thứ gì mà chúng ta đang có. Ví dụ thị trường trong nước hiện nay đang thừa, nhưng thị trường nước ngoài lai đang thiếu, thì chúng ta sẽ tìm khách hàng để phát triển.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Lê Viết Hải, muốn xây dựng hòa bình lâu dài, ổn định cần hướng tới xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam bằng Chương trình giáo dục hòa bình.

“Chương trình này cần đầu tiên là triết lý giáo dục; những triết lý nhân sinh; thông điệp sống; mục tiêu hướng tới hòa bình; triết lý hướng thiện; phát triển lòng nhân ái, vị tha để có thể sống hòa bình với nhau, không sinh ra những mâu thuẫn, xung đột. Chương trình giáo dục hòa bình cần có một nghệ thuật và phương pháp; cách thức vừa có khoa học, vừa có nghệ thuật trong giáo dục”, ông Hải đề xuất.

Đồng tình với quan điểm của ông Lê Viết Hải, nghệ sĩ Nguyệt Thu, Trưởng ban tổ chức đồng thời là MC chương trình đã kết nối những câu chuyện hòa bình và kinh doanh theo hướng mở, xâu chuỗi thú vị bằng nghệ thuật. “Nguyệt Thu là một nghệ sĩ, và Nguyệt Thu nghĩ rằng khả năng của mình là làm nghệ thuật, sử dụng nghệ thuật giống như một cầu nối, nối tiếp giao thương, kết nối mọi người với nhau”, bà Thu chia sẻ.

“Khi chúng ta không còn sự cạnh tranh, không có đất nước nào mà có cái đó tốt nhất hay giỏi nhất, cái gì tốt thì chúng ta mang ra toàn cầu. Đó cũng chính là mong muốn của Nguyệt Thu là hòa bình. Cũng giống như giữa các doanh nghiệp không còn sự cạnh tranh, hay giữa các nước không còn sự cạnh tranh, thì cứ cái nào tốt chúng ta mang ra chia sẻ, cùng nhau hưởng”, nghệ sĩ Nguyệt Thu nhấn mạnh./.