Về tình hình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các bộ, cơ quan và địa phương đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, khẩn trương triển khai công việc được giao, đáp ứng thời hạn trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chậm ban hành một số văn bản pháp luật để thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội
Ảnh minh họa

Các bộ, cơ quan đã ban hành hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản pháp luật để triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp thuộc Chương trình như: Nghị định về miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội; Nghị định về giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước; Nghị định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, tín dụng đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính học tập trực tuyến, cho vay cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập, phê duyệt hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu và giao bổ sung kế hoạch tín dụng năm 2022 cho Ngân hàng Chính sách xã hội; văn bản hướng dẫn cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ Dự án xây dựng Công trình đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông…

Ngay sau khi ban hành văn bản pháp luật, các bộ, cơ quan và địa phương đã khẩn trương tổ chức thực hiện chính sách thuộc Chương trình. 63/63 địa phương đã triển khai rà soát phạm vi, đối tượng được hỗ trợ tiền thuê nhà trên địa bàn, 15/63 địa phương đã ban hành kế hoạch hành động để thực hiện. Ngân hàng Chính sách xã hội khẩn trương cho vay các đối tượng ưu tiên thuộc Chương trình.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương hoàn thiện, từ khi Nghị quyết 11/NQ-CP được ban hành đến nay, đã có 04 văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời báo cáo Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 26/4/2022 về danh mục, mức vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình; trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ, một số văn bản pháp luật để thực hiện Chương trình vẫn chậm được ban hành như: dự thảo Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; các Thông tư sửa đổi quy định hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; Thông tư hướng dẫn triển khai việc trang bị máy tính bảng theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em”…

Việc chậm triển khai các nhiệm vụ trên có thể tác động đến hiệu quả thực hiện các chính sách thuộc Chương trình. Yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương cần tập trung hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ nêu trên, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của bộ, cơ quan và địa phương trong năm 2022./.