Thủ tướng phê chuẩn nhân sự 3 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn kết quả bầu bổ sung và miễn nhiệm nhân sự UBND 3 tỉnh: Kiên Giang, Bình Phước, Bình Thuận.

Cụ thể, tại Quyết định số 1409/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Phạm Vũ Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Rạch Giá.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức danh Ủy viên UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Đàm Kiến Thức, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang; ông Ngô Công Tước, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang và ông Huỳnh Vĩnh Lạc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang.

Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với bà Đặng Tuyết Em để nhận nhiệm vụ mới; và phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với: ông Nguyễn Oanh Liệt, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang và bà Lê Thị Hồng Vân, nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang để nghỉ hưu theo chế độ; ông Ngô Quang Thắm, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang để nhận nhiệm vụ mới.

Đối với tỉnh Bình Phước, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Bình Phước, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Quốc Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước và ông Trần Thắng Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước.

Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Bình Phước, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Phi Hùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước để nghỉ hưu theo chế độ và ông Hoàng Văn Huệ, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước để nhận nhiệm vụ mới.

Đối với tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn kết quả bầu chức danh Ủy viên UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Phan Công Ngôn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Đỗ Ngọc Niễn, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh Bình Thuận.

Công điện của Thủ tướng: Bảo đảm an toàn giao thông dịp Quốc khánh

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện gửi các bộ, ngành, cơ quan báo chí về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian Lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2015-2016.

Thủ tướng Chính phủ điện các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thông tấn xã Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam.

Trong dịp Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lễ khai giảng năm học mới 2015-2016, nhu cầu đi lại của nhân dân sẽ tăng cao, khả năng dẫn đến quá tải về phương tiện tham gia giao thông, tăng nguy cơ tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, nhất là trên địa bàn thành phố Hà Nội và TPHCM.

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ thẩm quyền, trách nhiệm được giao, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về trật tự, an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; cảnh báo nguy cơ mất an toàn giao thông, hậu quả của tai nạn giao thông; khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông, đặc biệt là đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, hạn chế đi lại bằng phương tiện cá nhân, đặc biệt là đối với những chuyến đi có cự ly dài, trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ trọng điểm có lưu lượng giao thông lớn. Các trường học triển khai công tác giáo dục về bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh, sinh viên ngay từ đầu năm học mới.

2. Tập trung triển khai tổ chức, điều tiết giao thông hợp lý, bố trí đầy đủ lực lượng, phương tiện, kịp thời giải quyết các sự cố, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là những vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, đi sai phần đường, làn đường, chở hành khách, hàng hoá quá tải trọng quy định, sử dụng phương tiện quá niên hạn, quá thời gian kiểm định... Lập phương án phòng chống, ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép. Tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại khu vực trường học, không để xảy ra ùn tắc giao thông trong ngày khai giảng.

3. Tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; chỉnh trang, khắc phục các vị trí mặt đường bị hư hỏng, sạt lở mái ta luy do mưa, lũ trong thời gian qua; tổ chức làm vệ sinh lòng, lề đường, hệ thống thoát nước mặt; kiểm tra, lắp đặt bổ sung biển báo, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; các đơn vị thi công và bảo trì kết cấu hạ tầng tăng cường hướng dẫn, bảo đảm giao thông, có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố.

4. Siết chặt quản lý chất lượng và an toàn giao thông đối với các phương tiện vận tải hành khách; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, bến tàu, phà... có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm thiểu tình trạng ùn tắc, chậm, huỷ chuyến; đổi mới phương thức bán vé và kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định.

5. Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông; kịp thời chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết, khắc phục các sự cố, tai nạn, vướng mắc xảy ra.

Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn hầm lò tại Quảng Ninh

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tập trung chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả vụ tai nạn tại khai trường Than Thành Công, thuộc Công ty Than Hòn Gai.

Rạng sáng 20/8/2015, tại lò dọc - 95 khai trường Than Thành Công, thuộc Công ty Than Hòn Gai - TKV xảy ra vụ tai nạn bục túi nước làm một người chết, một người còn mất tích, nhiều người bị thương, Thủ tướng Chính phủ gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân các gia đình có người bị nạn và yêu cầu:

1. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sảng Việt Nam (TKV) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tập trung chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, huy động các lực lượng khẩn trương tìm kiếm người còn đang bị mất tích; kịp thời cấp cứu những người bị thương; hỗ trợ tổ chức an táng chu đáo người bị thiệt mạng; đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên đối với thân nhân, gia đình có người bị nạn.

2. TKV rà soát kiểm tra toàn bộ các mỏ để có giải pháp kịp thời không để xảy ra các trường hợp tương tự.

3. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, Công Thương và TKV theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực xảy ra sự cố.

Phòng ngừa sự cố do vật liệu nổ công nghiệp gây ra

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tăng cường bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất độc hại, nguy hiểm.

Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất độc hại, nguy hiểm; phòng ngừa sự cố, cháy, nổ do vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất độc hại, nguy hiểm gây ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, các cơ quan liên quan và các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát các điều kiện về an ninh, an toàn phòng, chống cháy, nổ tại các cơ sở sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, kho, bãi chứa vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất độc hại; phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm an toàn trong sản xuất, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn trong quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất độc hại, nguy hiểm.

Các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tiến hành kiểm tra, rà soát và gửi kết quả về Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2015.

Trong những năm qua, việc sản xuất, kinh doanh hóa chất phát triển mạnh, cung cấp các loại phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng và vật liệu nổ đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng xã hội. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất ngày càng tăng, luôn kèm theo nguy cơ xảy ra các sự cố đe dọa đến sức khỏe, tính mạng con người, an ninh xã hội và môi trường do công tác quản lý hóa chất ở các cấp, các ngành, các địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

Để phòng ngừa, ứng phó hiệu quả, hạn chế thiệt hại xảy ra, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại.

Kiện toàn nhân sự Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc tiếp tục kiện toàn nhân sự Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia.

Cụ thể, ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Phó Chủ tịch Ủy ban, thay ông Nguyễn Hữu Vũ, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao làm Phó Chủ tịch Ủy ban, thay ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Bà Trần Thị Tâm, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao làm Ủy viên Ủy ban, thay ông Nguyễn Minh Vũ, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải làm Ủy viên Ủy ban, thay ông Khuất Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vận tải, Bộ Giao thông vận tải.

Ông Đoàn Mạnh Việt, Thiếu tướng, Cục trưởng Cục C66, Bộ Công an làm Ủy viên Ủy ban, thay ông Đỗ Văn Sơn, nguyên Cục trưởng Cục C66, Bộ Công an.

Xây dựng Trung tâm nghề cá lớn tại Hải Phòng

Thủ tướng Chính phủ đồng ý triển khai thực hiện lập quy hoạch và lập dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nghề cá lớn tại Hải Phòng gắn với ngư trường Vịnh Bắc Bộ.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hải Phòng chủ động làm việc cụ thể với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét triển khai các bước lập quy hoạch, lập dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, trên cơ sở sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư các Trung tâm nghề cá lớn trong cả nước.

Hải Phòng là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, 7 tháng đầu năm, giá trị sản xuất thủy sản của địa phương đạt 2.259 tỷ đồng, trong đó giá trị khai thác chiếm 914,4 tỷ đồng bằng 104% cùng kỳ 2014. Tổng lượng khai thác ước đạt gần 68.000 tấn. Hải Phòng hiện có 3.376 tàu thuyền khai thác thủy sản với gần 20.000 lao động. Trong đó, có 555 tàu khai thác thủy sản xa bờ công suất từ 90CV trở lên.

Hải Phòng đã đưa ra 3 phương án lựa chọn vị trí xây dựng Trung tâm nghề cá lớn gồm: Khu vực bãi bồi ngoài đê tại xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên); đảo Bạch Long Vỹ và đảo Cát Bà.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trên toàn quốc sẽ xây dựng 6 trung tâm nghề cá lớn, trong đó có 5 trung tâm gắn với ngư trường trọng điểm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, căn cứ vào chiến lược phát triển thuỷ sản, sự cần thiết và cấp bách của từng ngư trường và vùng lãnh thổ thì trong năm 2015 sẽ ưu tiên chuẩn bị đầu tư cho Trung tâm nghề cá Khánh Hoà gắn với ngư trường Nam Trung bộ và Trường Sa. Tiếp theo là Trung tâm nghề cá Đà Nẵng gắn với ngư trường trọng điểm Biển Đông và Hoàng Sa. Sau đó là Trung tâm nghề cá Hải Phòng gắn với ngư trường Vịnh Bắc Bộ, Trung tâm nghề cá Bà Rịa – Vũng Tàu gắn với ngư trường Đông Nam bộ và Trung tâm nghề cá Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam bộ sẽ được kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2016 – 2020.

Nâng cấp QL37 đoạn qua Thái Bình

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình và cầu vượt sông Hóa.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Thái Bình huy động các nguồn vốn hợp pháp của địa phương (không huy động vốn của nhà thầu) để ứng trước vốn phục vụ công tác giải phóng mặt bằng và triển khai các thủ tục khởi công Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình và cầu vượt sông Hóa trong năm 2015 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 10045/VPCP-KTN ngày 16/12/2014.

Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm bố trí vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho Dự án như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3597/VPCP-KTTH ngày 20/5/2015 để hoàn trả cho Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình số vốn đã ứng; đồng thời triển khai thực hiện Dự án đáp ứng yêu cầu tiến độ, đúng quy định./.