Chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ ngày 24/08/2015
Công nhận 2 xã đảo thuộc tỉnh Quảng Nam
Thủ tướng Chính phủ vừa công nhận xã Tân Hiệp thuộc thành phố Hội An và xã Tam Hải thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam là xã đảo.
Xã Tân Hiệp và xã Tam Hải được thực hiện chính sách ưu đãi đối với xã đảo theo các quy định hiện hành.
Căn cứ theo Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 22/04/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí, điều kiện, thủ tục công nhận xã đảo thì hiện xã Tân Hiệp (thành phố Hội An) có hơn 1.549 ha diện tích tự nhiên là đảo (chiếm tỷ lệ 100%); trên địa bàn xã Tân Hiệp có 594 hộ gia đình với 2.284 nhân khẩu sinh sống ổn định.
Đồng thời, trên đảo có 2 đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân là Tiểu đoàn 70 và Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm. Đối chiếu với các điều kiện thì xã Tân Hiệp đáp ứng điều kiện “có toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã ở trên đảo”.
Xã Tam Hải (huyện Núi Thành) có 1.330/1.560,7 ha diện tích tự nhiên là đảo (chiếm tỷ lệ 85,26%). Dân số xã Tam Hải có 2.260 hộ với 7.385 nhân khẩu định cư sinh sống trên địa bàn 7 thôn, đồng thời hiện có 2 đơn vị đóng quân trên đảo là Trạm kiểm soát An Hòa và Trạm kiểm soát Cửa Lỡ. So sánh với các điều kiện thì xã Tam Hải đáp ứng điều kiện “Có một phần diện tích tự nhiên là đảo ở trên biển và trên đảo có người dân định cư, lực lượng vũ trang đóng quân”.
Căn cứ theo quy định của Chính phủ về việc xét, công nhận xã đảo thì xã Tân Hiệp và Tam Hải đáp ứng các điều kiện trở thành xã đảo.
Thêm 3 hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng mẫu
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2012/QĐ-TTg ngày 13/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Trong đó, bổ sung 3 hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung gồm: Dịch vụ thông tin di động mặt đất (hình thức thanh toán trả trước); phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng); bảo hiểm nhân thọ.
Quyết định cũng sửa đổi tên một số hàng hóa, dịch vụ trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung ban hành kèm theo Quyết định 02/2012/QĐ-TTg.
Cụ thể, sửa "Cung cấp nước sạch sinh hoạt" thành "Cung cấp nước sinh hoạt"; sửa "Thuê bao điện thoại cố định" thành "Dịch vụ điện thoại cố định mặt đất"; sửa "Thuê bao di động trả sau" thành "Dịch vụ thông tin di động mặt đất" (hình thức thanh toán trả sau).
Quyết định có hiệu lực từ 15/10/2015.
Tách dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thành 2 hợp phần
Thủ tướng Chính phủ đồng ý tách Dự án đầu tư đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết thành hai hợp phần.
Hợp phần 1 dài 36 km từ Dầu Giây đến Xuân Lộc do ngân sách nhà nước đầu tư bằng vốn vay Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB). Sau khi hoàn thành đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải lựa chọn nhà đầu tư phù hợp để nhượng quyền quản lý, vận hành, khai thác.
Hợp phần 2 dài 62 km từ Xuân Lộc đến Phan Thiết, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với WB và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế đầu tư theo hình thức PPP, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan, có trách nhiệm thống nhất với WB về phương án đầu tư, cấu trúc Dự án, bố trí Khoản vay IDA cho Hợp phần 1 trong năm tài chính 2016 để kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế khu vực.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết về nguồn vốn vay IDA của WB, bố trí nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam để kịp thời triển khai Hợp phần 1.
Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được triển khai theo hình thức Thiết kế - Xây dựng - Tài trợ - Vận hành - Bảo dưỡng và Chuyển giao sau 30 năm.
Đây là dự án hạ tầng giao thông thí điểm theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đầu tiên Việt Nam sử dụng nguồn lực từ khu vực tư nhân, có sự tham gia vốn của Nhà nước để đảm bảo tính khả thi về tài chính của dự án (VGF) nhằm đảm bảo sự hấp dẫn của dự án đối với các nhà đầu tư tư nhân. Nguồn tài chính của dự án bao gồm vốn VGF, vốn vay và vốn chủ sở hữu.
Tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết có chiều dài 98,7 km, quy mô 4 làn xe, theo tiêu chuẩn quốc tế, sẽ kết nối Đồng Nai với thành phố du lịch ven biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Dự kiến, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ có lưu lượng giao thông cao với tuyến dự án đi qua các khu công nghiệp và các công trình cảng biển và sân bay quốc tế sắp được xây dựng. /.
Bình luận