Chính phủ "đánh giá lại" bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2019
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/5/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Sau khi đánh giá lại, so với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, năm 2019, tăng thêm 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch
Thực hiện kế hoạch năm 2019: Tăng thêm 2 chỉ tiêu vượt
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội dự kiến kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao với 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Qua đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, trong số 12 chỉ tiêu đã hoàn thành, có 7 chỉ tiêu vượt và 5 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch.
Như vậy, so với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, tăng thêm 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch, gồm: (i) tốc độ tăng GDP đạt 7,02% (số đã báo cáo là khoảng 6,8%) và (ii) tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 8,4% (số đã báo cáo là khoảng 7,9%).
Ngoài ra, có thêm 4 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn, gồm: (i) tỷ lệ xuất siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 4,21% (số đã báo cáo là 0,4%); (ii) tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,9% GDP (số đã báo cáo là 33,8%); (iii) tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 2,93% (số đã báo cáo là 3,12%); (iv) tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90% (số đã báo cáo là 89%).
Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2019
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, quy mô GDP và GDP bình quân đầu người tăng lên, đạt khoảng 267 tỷ USD và gần 2.800 USD (năm 2018 đạt 245,2 tỷ USD và khoảng 2.590 USD). Tốc độ tăng GDP đạt 7,02% (tăng so với số đã báo cáo là 6,8%), vượt mục tiêu Quốc hội đề ra, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao của khu vực và quốc tế.
Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt, CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79% (số đã báo cáo là 2,7-3%), thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp nhất trong 3 năm qua.
Các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng diễn biến tích cực, phù hợp với định hướng điều hành, tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức 4,43% (giảm so với số đã báo cáo là 5,39%), tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,63%.
Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán 9,9% (tăng so với số đã báo cáo là 3,3%). Cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước chuyển biến tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng, đạt mức 82,1% (năm 2018 là 80,6%), tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt 29,2% (năm 2018 là 29,4%); bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát, bằng 3,36% GDP (giảm so với số đã báo cáo là khoảng 3,4%). Nợ công giảm còn 54,7% GDP, nợ chính phủ khoảng 47,7% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47% GDP (số đã báo cáo lần lượt là: 57%; 50%; 46%).
Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,9% GDP. Trong đó, đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước là chủ yếu, chiếm tỷ trọng 46% (số đã báo cáo là 45,3%), phù hợp với định hướng cơ cấu lại đầu tư, giảm dần sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tạo động lực thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2% (năm 2018 giảm 2%), vốn thực hiện đạt 20,4 tỷ USD (năm 2018 đạt 19,1 tỷ USD).
Hiệu quả đầu tư được cải thiện, hệ số ICOR năm 2019 khoảng 6,07, bình quân giai đoạn 2016-2019 giảm còn 6,14 (giai đoạn 2011-2015 là 6,25).
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn tăng, đạt trên 517 tỷ USD (giảm so với số đã báo cáo là 525 tỷ USD), và cán cân thương mại duy trì trạng thái tích cực, xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp với mức thặng dư trên 11 tỷ USD, chiếm 4,2% kim ngạch xuất khẩu (tăng so với số đã báo cáo là thặng dư khoảng 1 tỷ USD và chiếm 0,4% kim ngạch xuất khẩu).
Đáng chú ý, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 264,2 tỷ USD, tăng 8,4% (tăng so với số đã báo cáo là 263 tỷ USD và tăng 7,9%), vượt mục tiêu đề ra (7-8%), trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh (21,9%) và cao hơn nhiều so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (3%).
Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện
Chính phủ cũng đánh giá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng, tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong GDP ngày càng cao, chiếm khoảng 76,1% (năm 2018 là 75,4%). Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 46,1% và năng suất lao động tăng 6,2% (tăng so với số đã báo cáo là 5,9%).
Sản xuất công nghiệp tăng mạnh, tăng trưởng đạt gần 8,9%. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành theo hướng tích cực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành đầu tàu phát triển của toàn ngành, công nghiệp điện phát triển ổn định, bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng cả năm vẫn đạt mức tăng trưởng trên 2%. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, cả nước có 54% số xã và 111 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (tăng so với số đã báo cáo là 52-53% số xã và 95 huyện).
Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá cao, đạt mức 7,3%; sức mua được duy trì, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,8% (số đã báo cáo là 11-12%).
Ngành du lịch thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% (số đã báo cáo là 16,1%). Ngành vận tải phát triển ổn định, số lượt hành khách vận chuyển tăng 11,2%; số lượng hành khách luân chuyển tăng 10,9%; khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 9,7%; khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 7,8% (số đã báo cáo lần lượt là 11%; 10,5%; 10% và 7,5%). Các chỉ số của lĩnh vực thông tin và truyền thông được tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh, đạt trên 138 nghìn doanh nghiệp (số đã báo cáo là trên 134 nghìn doanh nghiệp), tỷ trọng vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp đạt 12,5 tỷ đồng (số đã báo cáo là 11,2 tỷ đồng).
Trong năm 2019, các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, thất thoát lớn cũng tiếp tục được tập trung xử lý. Trong số 06 dự án trước đây hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng thua lỗ, thì đã có 02 dự án bước đầu có lãi, 04 dự án còn lại từng bước khắc phục khó khăn, phấn đấu bù đắp chi phí biến đổi, giảm lỗ so với cùng kỳ. Đối với 03 dự án trước đây dừng sản xuất, kinh doanh thì đã có 02 dự án vận hành trở lại, 01 dự án đã sẵn sàng khởi động lại khi điều kiện thị trường thuận lợi.
Chất lượng giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp được nâng lên, đào tạo gắn kết với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 61,2% (số đã báo cáo là 61-62%); số người có việc làm tăng lên, tỷ lệ thất nghiệp giảm, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,93% (giảm so với số đã báo cáo là 3,12%). Các giải pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ được tiếp tục hoàn thiện.
Khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực; ban hành một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp hoạt động theo các mô hình kinh doanh tiên tiến. Phát huy hiệu quả các quỹ khoa học và công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, góp phần tạo ra các sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Chính phủ nhận diện những hạn chế, yếu kém
Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, yếu kém và tiếp tục gặp những khó khăn, thách thức đã được nhận diện, chỉ ra tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc. Tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm. Khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Chất lượng dịch vụ cải thiện chậm. Phát triển kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu. Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm.
Đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Khắc phục quá tải bệnh viện còn chậm; chất lượng y tế cơ sở chưa cao. Tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình… còn xảy ra ở một số địa phương.
Ô nhiễm môi trường nhiều nơi vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là ô nhiễm không khí tại một số thành phố. Thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề trong khi nguồn lực còn hạn chế.
Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật chưa có nhiều chuyển biến tích cực; thực thi pháp luật nhiều nơi chưa nghiêm. Cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực chưa thực chất. Khiếu kiện về đất đai vẫn còn bức xúc ở một số địa phương.
Tình hình trật tự an toàn xã hội, tội phạm trên một số địa bàn diễn biến phức tạp. Số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông vẫn ở mức cao. Tình trạng tin giả, xấu, độc trên mạng xã hội còn nhiều.
Việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền biển đảo gặp nhiều thách thức, khó khăn do biến chuyển phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế.
Việc tranh thủ các cơ hội, lợi ích của các FTA đã ký còn hạn chế, bất cập. Chưa khai thác tốt những cơ hội và lợi ích của các hiệp định thương mại tự do cho phát triển đất nước./.
Bình luận