Khối ngoại kiến nghị nới room, nới định danh nhà đầu tư nước ngoài

Diễn đàn doanh nghiệp 2020 tổ chức ngày 22/12/2020 thu hút rất nhiều nhà đầu tư quốc tế tham dự. Đại diện Nhóm công tác thị trường vốn, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital kiến nghị, trong bối cảnh bình thường mới, Việt Nam cần xử lý tốt các vướng mắc chính sách, tư duy phát triển để khơi thông dòng vốn chuyên nghiệp chảy vào doanh nghiệp.

Nhóm công tác nêu lên 20 loại kiến nghị đối với Chính phủ Việt Nam nhằm mở rộng không gian cho vốn ngoại chảy vào doanh nghiệp

Nhóm công tác nêu lên 20 loại kiến nghị đối với Chính phủ Việt Nam, trong đó có kiến nghị nới định danh nhà đầu tư nước ngoài. Theo Nhóm công tác, điều kiện để một tổ chức kinh tế được coi là nhà đầu tư nước ngoài cần được làm rõ theo hướng, khi tổ chức có trên 50% vốn nước ngoài trong ít nhất 180 ngày trong 1 năm và có 35% vốn điều lệ thuộc sở hữu của 1 nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan.

Kiến nghị Nhóm này nêu lên nhiều năm là về ngành nghề quy định hạn chế sở hữu nước ngoài. Theo đó, đối với ngành nghề mà điều ước quốc tế/pháp luật không hạn chế sở hữu nước ngoài, Nhóm đề xuất áp dụng tỷ lệ sở hữu 100% so với tỷ lệ hiện tại là 49%. Cùng với đó, nên cho phép các công ty được quyết định/giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong vốn điều lệ.

Nhóm công tác cũng nêu kiến nghị rằng, các công ty chứng khoán khi cung cấp dịch vụ chứng khoán và công ty quản lý quỹ khi quản lý danh mục đầu tư không bị xem là “nhà đầu tư nước ngoài”, bất kể công ty đó có tỷ lệ sở hữu vốn ngoại lớn hơn hay nhỏ hơn 50%. Theo quy định hiện hành, khối công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán là loại hình doanh nghiệp nhà đầu tư ngoại được đầu tư không hạn chế. Theo đó, ở Việt Nam hiện có khoảng 10 công ty chứng khoán có vốn 100% nước ngoài.

Về tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong ngành ngân hàng, Nhóm một lần nữa nêu kiến nghị nên nới lên mức mới, chẳng hạn 40-49%, thay vì 30% như hiện nay. Kiến nghị thứ 20 là việc cần có hướng dẫn cụ thể cho khối doanh nghiệp FDI lên niêm yết trên TTCK khi đây là khối doanh nghiệp mạnh, có nhiều hàng hóa tiềm năng tốt xứng đáng lên sàn.

Tổ chức có vốn ngoại trên 50% khi đầu tư phải tính vào room ngoại

Nghị định số 155/2020/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành nêu rõ khái niệm: “Tỷ lệ sở hữu nước ngoài là tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp tính trên vốn điều lệ của tất cả nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ trong một công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán”. Quy định này cho thấy, Chính phủ không nới định danh nhà đầu tư nước ngoài và cách tính sở hữu khối ngoại trong hoạt động đầu tư mua cổ phần, góp vốn tại Việt Nam.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp 2020, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… cần làm rõ chính sách và gỡ vướng chính sách mà Nhóm công tác thị trường vốn nêu lên trong quá trình xây dựng nền tảng pháp lý mới. Theo Chủ tịch Dragon Capital, TTCK Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ với hơn 200 tỷ USD vốn hóa, gần 3 triệu tài khoản, giá trị giao dịch trên các thị trường mới đạt khoảng 1 tỷ USD/ngày.

Trên TTCK Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 30.893 tài khoản trong tổng số 2.771.000 tài khoản được mở, tính đến cuối năm 2020. Giá trị danh mục đầu tư gián tiếp của khối ngoại vào khoảng 30 tỷ USD. Nếu khơi thông dòng vốn chuyên nghiệp chảy vào doanh nghiệp sẽ giúp TTCK lớn lên về quy mô và thực hiện tốt hơn vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo trong nền kinh tế.

TTCK Việt Nam tăng trưởng vượt trội năm 2020, nhưng lượng vốn huy động qua TTCK trong năm mới đạt 37% GDP

Tại sự kiện khai trương phiên giao dịch đầu năm 2021 tổ chức ngày 4/1/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2020, thị trường trái phiếu chính phủ đã huy động được 333.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước; trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các doanh nghiệp huy động được khoảng 400.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu, đạt khoảng 14,7% GDP. Trên thị trường cổ phiếu, tổng mức huy động vốn qua TTCK đạt 384.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng lượng vốn huy động qua TTCK năm 2020 qua cả 3 kênh trên đạt trên 1.017.000 tỷ đồng.

So với quy mô GDP Việt Nam năm 2020, tổng lượng vốn huy động qua TTCK năm 2020 đạt trên 37%. Trong khi đó, kênh dẫn vốn ngắn hạn qua hệ thống ngân hàng có quy mô đạt khoảng 130% GDP./.