Diễn đàn là cơ hội để trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến hợp tác công nghiệp và chuyển giao công nghệ trong khu vực công nghiệp giữa Việt Nam – Nhật Bản và những khuyến nghị đối với Chính phủ hai nước.

Chuyển giao công nghệ từ FDI là rất cần thiết

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM khẳng định, mục tiêu thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI luôn được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Nhiều năm qua, hợp tác với Nhật Bản thường xuyên được nhấn mạnh tại Việt Nam nhờ vào tính cạnh tranh và trình độ công nghệ hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Mặt khác, các nhà đầu tư của Nhật Bản vẫn dành nhiều quan tâm tới thị trường Việt Nam và các ngành công nghiệp ưu tiên tại Việt Nam.

“Do đó, xây dựng kế hoạch hành động chung của Nhật Bản và Việt Nam để giải quyết các mối quan tâm chung trong thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản sang Việt Nam là cần thiết, đặc biệt trong trong lĩnh vực sản xuất”, TS. Tuệ Anh nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp - CIEM cho rằng, việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ là một nội dung quan trọng trong hợp tác công nghiệp Việt Nam – Nhật Bản, được thể hiện thông qua phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy liên kết giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam. Ngoài ra, hợp tác công nghiệp cũng được thúc đẩy nhờ chuyển giao kiến thức (và các tài sản vô hình khác) thông qua ODA của Nhật Bản cho Việt Nam.

Đặc biệt, một số công nghệ được chuyển giao là công nghệ tiên tiến và rất phù hợp với nhu cầu sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, có thể kể đến như công nghệ CAS, vắc-xin, hệ thống vi cơ điện tử…

Đánh giá thực trạng chuyển giao công nghệ của Nhật Bản cho Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, TS. Kiyohiro Oki, Trường Đại học Tokyo cho biết, nguyên nhân khiến đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam ngày càng tăng là do tiềm năng thị trường Việt Nam, kỳ vọng về thương mại tự do trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)...

Ông Kiyohiro Oki cũng chỉ ra điểm mạnh của các công ty Nhật Bản trong ngành chế biến, chế tạo chính là năng lực tổ chức được xây dựng dựa trên sự hợp tác giữa bộ phận quản lý và người lao động ở các nhà máy.

Những đặc điểm nền tảng của một tổ chức như vậy dựa trên việc tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp, trả lương cao và làm việc trọn đời. Bên cạnh đó, tại các công ty Nhật Bản, sự khác biệt về tiền công giữa bộ phận quản lý và bộ phận sản xuất là tương đối nhỏ.

Mặt khác, người lao động trong các nhà máy thường có ý thức rằng mình thuộc về công ty và sẽ làm việc lâu dài tại công ty, bởi họ có động lực để làm việc này. Từ đó, các hoạt động cải tiến được kích hoạt và theo đó hiệu suất lao động được cải thiện. Các hoạt động cải tiến của người lao động tại các nhà máy được coi là một trong những đặc trương của các hệ thống sản xuất của Nhật Bản.

TS. Kiyohiro Oki, Trường Đại học Tokyo phát biểu tại diễn đàn

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Anh Dương, giá trị gia tăng do Nhật Bản đóng góp trong xuất khẩu sản phẩm ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn chậm được cải thiện. Điều này cho thấy, chuyển giao công nghệ từ FDI cho Việt Nam, gồm cả từ các doanh nghiệp Nhật Bản, còn rất khiêm tốn so với kỳ vọng.

Nguyên nhân được ông Nguyễn Anh Dương chỉ ra là, các chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ còn thiếu trọng tâm, trọng điểm. Mặt khác, bảo vệ sở hữu trí tuệ vẫn là một vấn đề quan ngại ở Việt Nam.

Thúc đẩy liên kết công nghiệp giữa doanh nghiệp hai nước

Nhìn nhận những thách thức, khó khăn của các doanh nghiệp Nhật Bản trong tình hình mới, ông Kiyohiro Oki cho hay, hiệu suất các nhà máy của các công ty Nhật Bản đang hoạt động ở các nước mới nổi đang giảm sút nghiêm trọng.

“Bên cạnh đó, sự thay đổi trong xã hội Nhật Bản đang tạo ra những thách thức mới. Đó là việc số người trẻ Nhật Bản ngày càng ít và thay đổi ý thức về lao động chân tay. Số lượng công nhân nhà máy sẵn sàng cống hiến cho tổ chức cũng ngày càng giảm”, ông Kiyohiro Oki nhấn mạnh.

Bối cảnh trên đã thôi thúc các doanh nghiệp Nhật Bản tìm ra một định hướng mới, đó là thúc đẩy vai trò của các nhà máy ở nước ngoài. Các nhà máy này có thể tạo ra hệ thống sản xuất mới với các nhà máy Nhật Bản.

Vì vậy, theo ông Kiyohiro Oki, Nhật Bản mong muốn một quốc gia mà có thể phát triển các nhà máy nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Từ đó, vị chuyên gia này mong muốn Việt Nam thu hẹp khoảng cách thể chế với Nhật Bản. Đồng thời, thúc đẩy phát triển các ngành chế biến, chế tạo từ quan điểm dài hạn.

Về phía Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương đề nghị, cần thúc đẩy liên kết công nghiệp giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản nhằm nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, cũng như vì lợi ích kinh tế và hình ảnh của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam.

Quan trọng không kém là, duy trì các cuộc đối thoại thường xuyên và thực chất về những vấn đề quan trọng liên quan đến ngành công nghiệp, như cải cách môi trường kinh doanh, ủng hộ thương mại đa phương…/.