TFP vượt xa mục tiêu đề ra

Trong chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa thẩm tra Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, theo Văn phòng Quốc hội.

Khi trình bày báo cáo về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016- 2020 đạt 5,79%, cao hơn mức 4,27% giai đoạn 2011-2015; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt bình quân 45,42%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 30-35%. Hiệu quả sử dụng nguồn lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện. Lạm phát được kiểm soát; tỷ lệ nợ công và áp lực trả nợ hàng năm giảm; nền tảng tài chính quốc gia được củng cố; hệ số tín nhiệm quốc gia tăng.

Cơ cấu lại nền kinh tế cần thực hiện quyết liệt hơn
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016- 2020 đạt 5,79%, cao hơn mức 4,27% giai đoạn 2011-2015. Ảnh: Quốc hội

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp và còn có thể kéo dài, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Trước bối cảnh đó, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện quyết liệt hơn nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Về quan điểm, kế hoạch mới sẽ tập trung khắc phục những hạn chế, hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm của kế hoạch giai đoạn 2016- 2020; bổ sung các nhiệm vụ nhằm tận dụng các cơ hội và giải quyết tốt các vấn đề chiến lược để phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh mới. Điểm mới của Kế hoạch là cơ cấu lại không gian kinh tế, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện quyết liệt hơn nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới...

Cơ cấu lại nền kinh tế phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện đồng bộ, giữa các ngành, lĩnh vực, giữa Trung ương với địa phương, là bước đi cần thiết để đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Kế hoạch này lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá, lấy cơ cấu lại không gian kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn làm nhiệm vụ trọng tâm. Tháo gỡ những rào cản thể chế theo hướng vướng ở cấp nào thì cấp đó khẩn trương chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện, cần thiết có thể thí điểm đối với những vấn đề mới. Đẩy mạnh chuyển đổi số, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên số, khuyến khích đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cần tái cơ cấu có trọng tâm, trọng điểm

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 với 14 nội dung lớn, nên các đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu xác định những ngành, lĩnh vực, nội dung ưu tiên trong cơ cấu lại nền kinh tế một cách có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh thời cơ và thách thức mới, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả nhằm khắc phục, giải quyết dứt điểm hạn chế của giai đoạn trước; khơi thông điểm nghẽn của nền kinh tế...

Cơ cấu lại nền kinh tế cần thực hiện quyết liệt hơn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp thẩm tra Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Quốc hội

Liên quan đến cơ cấu lại không gian kinh tế, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị, nông thôn, các ý kiến đề nghị đánh giá việc ban hành và triển khai các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại một số địa phương; thể chế điều phối phát triển kinh tế trong vùng, sự phối hợp giữa các địa phương trong ban hành và thực thi chính sách thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư, ưu tiên các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh.

Dự kiến, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Hai khai mạc vào ngày 20/10 tới.

Các đại biểu cũng đề nghị đánh giá việc xây dựng và hình thành phát triển thị trường vốn đầu tư mạo hiểm, thị trường chứng khoán phái sinh và tín dụng tiêu dùng, cơ cấu lại bộ máy quản lý thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường kinh doanh bảo hiểm đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Quan tâm bảo vệ người sử dụng các dịch vụ tài chính, việc xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển các quỹ hưu trí, bảo hiểm thiên tai nông nghiệp...

Cũng cần xác định những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về cơ cấu lại thị trường lao động gắn với chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực, của nền kinh tế. Nhìn nhận chất lượng nguồn nhân lực, bao gồm sức khỏe và kỹ năng làm việc là yếu tố rất quan trọng quyết cho giai đoạn chuyển đổi và phát triển kinh tế trong tương lai, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm một trụ cột tái cơ cấu là sức khỏe và nhân lực./.