Cơ chế liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký đầu tư
Cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài (sau đây gọi là cơ chế liên thông) là cơ chế phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký đầu tư nhằm giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
Cơ quan đăng ký kinh doanh là phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP; Cơ quan đăng ký đầu tư bao gồm sở kế hoạch và đầu tư, ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
Cơ chế liên thông là cơ chế phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký đầu tư
Các trường hợp thực hiện cơ chế liên thông bao gồm:
(1) Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 3 Luật Đầu tư đăng ký đầu tư và thành lập tổ chức kinh tế theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
(2) Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 3 Luật Đầu tư thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định Điều 46 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
(3) Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh đồng thời nội dung đăng ký doanh nghiệp và nội dung dự án đầu tư.
Về trình tự thực hiện cơ chế liên thông đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đăng ký thành lập doanh nghiệp, dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Luân chuyển hồ sơ bằng giấy; Phương án 2: Trao đổi thông tin qua mạng điện tử (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đề xuất thực hiện theo phương án này).
Đối với trình tự thực hiện cơ chế liên thông khi nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, dự thảo Thông tư đưa ra 6 bước theo thứ tự: Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ; Sở Kế hoạch và Đầu tư bàn giao hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho cơ quan đăng ký kinh doanh; Cơ quan đăng ký kinh doanh và Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét tính hợp lệ của hồ sơ; Ban hành Văn bản chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài; Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; Trả kết quả cho nhà đầu tư nước ngoài.
Trong trường hợp nhà đầu tư điều chỉnh đồng thời nội dung đăng ký doanh nghiệp và nội dung dự án đầu tư trình tự thực hiện như sau: Cơ quan đăng ký đầu tư tiếp nhận hồ sơ; Cơ quan đăng ký đầu tư bàn giao hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho cơ quan đăng ký kinh doanh; Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét tính hợp lệ của hồ sơ; Cơ quan đăng ký đầu tư tiếp nhận Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận từ cơ quan đăng ký kinh doanh, xử lý hồ sơ và trả kết quả cho nhà đầu tư./.
Bình luận