Còn hình thức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
“Đến nay, Đoàn giám sát đã tổ chức các đoàn công tác tiến hành giám sát trực tiếp và làm việc với 15 bộ, ngành; 15 địa phương…”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, khi Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” làm việc với Chính phủ và các bộ ngành, diễn ra sáng nay (ngày 5/9).
Cũng theo ông Phương, Đoàn giám sát cũng làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, để làm rõ một số nội dung liên quan đến công tác điều tra, xét xử, thi hành án, các vụ án gây thất thoát nguồn lực của Nhà nước trong giai đoạn 2016-2021...
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, qua giám sát vẫn nổi lên một số tồn tại như việc tham mưu ban hành văn bản pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn (ảnh: Quốc hội) |
“Qua giám sát và báo cáo trực tiếp của các bộ ngành, các tỉnh, thành phố cho thấy, các bộ ngành, địa phương đã nghiêm túc thực hiện mục đích, yêu cầu của giám sát chuyên đề, cơ bản các báo cáo đã bám sát đề cương, phụ lục, bảng biểu theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Việc chấp hành của các bộ, ngành, địa phương cơ bản tốt…”, ông Phương cho biết.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, qua giám sát vẫn nổi lên một số tồn tại hạn chế như: việc tham mưu ban hành văn bản pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, còn thiếu văn bản dưới luật, tạo sơ hở để các tổ chức, cá nhân vi phạm; việc thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm và hàng năm theo đánh giá bước đầu của Đoàn giám sát còn hình thức, thiếu trọng tâm, trọng điểm theo hàng năm để tạo bước chuyển biến trong thực tế. |
Ông Phương cho biết thêm, việc xây dựng dự toán hàng năm ngân sách nhà nước chưa sát với thực tế; tình trạng thất thoát lãng phí lớn trong chi tiêu tại một số lĩnh vực; công tác cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 còn chậm; vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước chưa được bảo toàn; nhiều dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát, lãng phí; công tác quản lý tài sản công tại một số bộ, ngành thiếu chặt chẽ; nhiều vụ việc thanh tra, điều tra, xét xử, thi hành án kéo dài trong nhiều năm, gây ách tắc, cản trở trong việc khai thác nguồn lực; công tác thông tin, lưu trữ các dữ liệu liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thiếu thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương, nên chưa lượng hóa được số liệu tiết kiệm, đặc biệt số liệu lãng phí…
Trưởng Đoàn giám sát yêu cầu thành viên Đoàn giám sát bám sát đề cương và các Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 3 và tháng 8/2022 cho ý kiến về kết quả giám sát bước đầu. Theo đó, cần giám sát tập trung vào 3 nội dung trọng tâm: việc ban hành văn bản dưới luật, qua giám sát bước đầu cho thấy còn một số mâu thuẫn giữa Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nhưng chưa đến mức phải sửa ngay, mà chủ yếu các văn bản dưới luật, các định mức, chế độ tiêu chuẩn của các cấp, các ngành; việc thực hiện các nội dung trọng tâm của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên 7 nội dung trọng tâm và 4 nội dung trọng điểm; các kiến nghị, đề xuất sửa đổi văn bản hệ thống pháp luật nói chung và văn bản pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nói riêng.
“Trên cơ sở ý kiến các thành viên của Đoàn giám sát, đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và các bộ, ngành nêu quan điểm cụ thể về báo cáo nhận định bước đầu của Đoàn giám sát để tạo sự thống nhất…”, ông Phương đề nghị.../.
Bình luận