Công tác cải cách tư pháp vẫn còn không ít hạn chế
Nhận diện hạn chế
“Trong năm 2021, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các cơ quan, tổ chức có liên quan rất tích cực triển khai việc xây dựng Đề án ‘Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045’ để trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trong tháng 10/2022. Trong đó, xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp là một trong những nội dung trọng tâm của Đề án...”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội thảo quốc gia với chủ đề “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045'', diễn ra hôm nay (ngày 17/1), theo Văn phòng Quốc hội.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng chủ trì Hội thảo. Ảnh: Quốc hội |
Theo ông Vương Đình Huệ, kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 cho thấy, công tác cải cách tư pháp đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng; nền tư pháp nước ta đã có một bước tiến dài trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, công tác cải cách tư pháp thời gian qua vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập. Vẫn còn tồn tại cách hiểu chưa thống nhất về nội hàm tư pháp; quyền tư pháp; cơ quan tư pháp; độc lập tư pháp; kiểm soát quyền lực tư pháp…
5 điểm thống nhất về cải cách tư pháp
GS.TS Phan Trung Lý, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất 8 giải pháp để hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước trong thực hiện quyền tư pháp gồm: (1) Cần mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử các loại vi phạm, tranh chấp; (2) Tòa án chỉ nên thực hiện chức năng xét xử, không nên thực hiện những thẩm quyền thuộc chức năng buộc tội, chứng minh tội phạm; tăng cường tranh tụng trong hoạt động xét xử, phải lấy kết quả tranh tụng tại phiên tòa làm căn cứ quan trọng để phán quyết bản án; (3) Sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền của từng cơ quan tiến hành tố tụng, các quy định nhằm mở rộng tối đa tính tranh tụng của phiên tòa sơ thẩm, lấy kết quả tranh tụng tại tòa làm căn cứ quan trọng để phán quyết bản án; (4) Hoàn thiện quy định của pháp luật để vừa bảo đảm yêu cầu kiểm soát, vừa bảo đảm tính độc lập xét xử của tòa án; (5) Hoàn thiện quy định về vai trò của Chủ tịch nước trong kiểm soát quyền tư pháp; (6) Xây dựng mô hình Hội đồng Tư pháp quốc gia; (7) Thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực hoặc Tòa án ở cụm huyện để giải quyết nhiều vấn đề chung trong tổ chức và hoạt động của Tòa án ở huyện hiện nay; (8) Cần xác định rõ vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân; cần có quy định xác định rõ phạm vi, nội dung và phương thức thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát trong hoạt động xét xử vụ án.
Theo nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cải cách tư pháp phải đồng bộ với cải cách lập pháp và cải cách hành chính… Ảnh: Quốc hội |
“Tầm nhìn đến 2045 đối với cải cách tư pháp là rất đúng đắn, tuy nhiên cần bổ sung thêm một số nội dung, đó là nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, liêm chính, trung thành, phụng sự tổ quốc và nhân dân. Trong xây dựng chiến lược cải cách tư pháp phải đảm bảo hai thành tố là dân chủ và pháp quyền…”, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất…
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, chặt chẽ của Đảng. Ảnh: Quốc hội |
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, nhấn mạnh qua thảo luận, cơ bản chúng ta thống nhất một số quan điểm cải cách tư pháp trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, chặt chẽ của Đảng, giữ vững bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; phải có quyết tâm chính trị cao để vượt qua thách thức, loại bỏ định kiến, rào cản nhận thức và tư tưởng cục bộ, kiên quyết, kiên trì cải cách vì một nền tư pháp công bằng, công lý, phục vụ nhân dân.
Thứ hai, cải cách tư pháp phải được tiến hành đồng bộ với đổi mới lập pháp và cải cách hành chính để bảo đảm nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Thứ ba, cải cách tư pháp hướng tới bảo đảm độc lập của tư pháp để bảo vệ, bảo đảm tốt hơn dân chủ, công bằng, công lý, quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân, thượng tôn pháp luật.
Thứ tư, cải cách tư pháp phải kế thừa những thành tựu đã đạt được của nền tư pháp Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ, những kinh nghiệm quý của các quốc gia phù hợp với điều kiện Việt Nam và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.
Thứ năm, cải cách tư pháp phải được tiến hành khẩn trương, đồng bộ, toàn diện; xác định rõ những nội dung trọng tâm, trọng điểm; có chương trình kế hoạch, lộ trình cải cách phù hợp; xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện cải cách tư pháp.
Chủ tịch nước yêu cầu Tổ Biên tập xây dựng Đề án tổng hợp đầy đủ các ý kiến của các đại biểu, tiếp thu tối đa các đề xuất, kiến nghị về mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp cải cách tư pháp mà các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra để hoàn thiện dự thảo Đề án…/.
Bình luận