Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do đại dịch covid 19 và hạn hán, xâm ngập mặn

Tổng cục Thống kê cho biết, diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm nay đạt 3.024,1 nghìn ha, bằng 96,8% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.097,8 nghìn ha, bằng 98,3%; các địa phương phía Nam đạt 1.926,3 nghìn ha, bằng 96%.

Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa Đông Xuân của cả nước ước tính đạt 65,8 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 62,7 tạ/ha, giảm 0,2 tạ/ha chủ yếu do ảnh hưởng của giông lốc kèm mưa đá ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc, sâu bệnh gây hại ở một số địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ; các địa phương phía Nam đạt 67,6 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha. Một số địa phương có năng suất lúa đông xuân tăng so với cùng kỳ năm trước: Vĩnh Long tăng 6,1 tạ/ha; Kiên Giang tăng 4,4 tạ/ha; Cà Mau tăng 3,9 tạ/ha; Hậu Giang tăng 3,2 tạ/ha…

Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước tính đạt 3.553,3 nghìn ha, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó nhóm cây công nghiệp đạt 2.184,6 nghìn ha, giảm 0,1%; nhóm cây ăn quả đạt 1.078,4 nghìn ha, tăng 5,1% chủ yếu ở nhóm cây có múi và nhóm cây có giá trị cao, thị trường tiêu thụ ổn định như xoài, sầu riêng, mít và thanh long; nhóm cây lấy dầu đạt 178,4 nghìn ha, tăng 1,4%; nhóm cây gia vị, dược liệu đạt 50,5 nghìn ha, tăng 2%; nhóm cây lâu năm khác đạt 61,4 nghìn ha, tăng 2,8%.

Chăn nuôi trâu, bò trong 6 tháng đầu năm 2020 nhìn chung ổn định. Đàn trâu cả nước tiếp tục xu hướng giảm do hiệu quả kinh tế không cao. Đàn bò phát triển khá do được hỗ trợ vốn, kỹ thuật chăn nuôi và có thị trường tiêu thụ tốt, người chăn nuôi có lãi. Ước tính trong tháng Sáu, đàn trâu của cả nước giảm 2% so với cùng thời điểm năm 2019; đàn bò tăng 3,4%.

Cho đến nay, dịch tả lợn châu Phi đang được kiểm soát, đàn lợn dần được khôi phục nhưng việc tái đàn còn chậm, giá lợn giống ở mức cao khiến các hộ có nguồn vốn hạn hẹp chưa thể khôi phục sản xuất, các hộ có đủ điều kiện lại thận trọng tái đàn do tâm lý lo ngại dịch quay trở lại. Ước tính tổng số lợn của cả nước tháng Sáu năm 2020 giảm 7,5% so với cùng thời điểm năm 2019; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng ước tính đạt 1.636,9 nghìn tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước (quý II đạt 816,2 nghìn tấn, tăng 3,3%).

Tổng đàn và sản lượng gia cầm tiếp tục tăng do khu vực hộ mở rộng quy mô chăn nuôi và khu vực doanh nghiệp phát triển tốt. Tuy nhiên, người chăn nuôi cần theo dõi sát diễn biến thị trường, các cơ quan chức năng cung cấp thông tin kịp thời, kiểm soát tình hình chăn nuôi tại địa phương, không nên tăng đàn ồ ạt dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung, giá bán giảm sâu gây thua lỗ. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng 6/2020 tăng 7,4% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 702,1 nghìn tấn, tăng 12,3% (quý II đạt 328,6 nghìn tấn, tăng 9,8%); sản lượng trứng gia cầm đạt 7,2 tỷ quả, tăng 11% (quý II ước đạt 3,3 tỷ quả, tăng 11,3%).

Thống kê cho thấy, tính đến ngày 25/6/2020, cả nước không còn dịch cúm gia cầm và dịch tai xanh; dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày còn ở Kon Tum và dịch tả lợn châu Phi còn ở 238 xã thuộc 60 huyện của 19 địa phương chưa qua 30 ngày (trong tháng Sáu tái phát tại 122 xã của 12 địa phương).

Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản xuất lâm nghiệp bị chững lại trong tháng Ba, tháng Tư nhưng bắt đầu hồi phục từ tháng Năm. Trong quý II/2020, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước ước tính đạt 73,7 nghìn ha, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước do nhiều nhà máy chế biến gỗ bị hủy đơn hàng xuất khẩu nên hạn chế hoặc dừng thu mua gỗ nguyên liệu; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 22,8 triệu cây, giảm 3,8%; sản lượng gỗ khai thác đạt 4.665 nghìn m3, tăng 0,7%; sản lượng củi khai thác đạt 5,2 triệu ste, giảm 1,9%. Tính chung 6 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 106,3 nghìn ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 44,5 triệu cây, giảm 2,2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 7.526 nghìn m3, tăng 2%; sản lượng củi khai thác đạt 9,85 triệu ste, giảm 0,9%.

Công tác phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng được các cấp, các ngành quan tâm nhưng do nắng nóng kéo dài nên tình trạng cháy rừng vẫn diễn ra ở một số địa phương. Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 1.304ha rừng bị thiệt hại, tăng 43,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm diện tích rừng bị cháy là 975,6 ha, tăng 71,9%; diện tích rừng bị chặt, phá là 328,4 ha, giảm 3,2%.

Sản lượng thủy sản quý II/2020 ước tính đạt 2.360,9 nghìn tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 1.768,2 nghìn tấn, tăng 0,8%; tôm đạt 280 nghìn tấn, tăng 3,8%; thủy sản khác đạt 312,7 nghìn tấn, tăng 2,2%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng quý II ước tính đạt 1.315 nghìn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 942,3 nghìn tấn, giảm 0,1%; tôm đạt 238,4 nghìn tấn, tăng 5%. Sản lượng thủy sản khai thác quý II đạt 1.045,9 nghìn tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 825,9 nghìn tấn, tăng 1,9%; tôm đạt 41,6 nghìn tấn, giảm 2,8%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 3.864 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 2.890,5 nghìn tấn, tăng 1,1%; tôm đạt 422,8 nghìn tấn, tăng 4%; thủy sản khác đạt 550,7 nghìn tấn, tăng 2,5%.

Điều đáng mừng là sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng đạt 1.977,1 nghìn tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 1.415,8 nghìn tấn, tăng 0,2%; tôm đạt 347,3 nghìn tấn, tăng 5,5%; thủy sản khác đạt 214 nghìn tấn, tăng 7,4%. Sản xuất cá tra 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn. Giá cá tra nguyên liệu từ đầu năm đến trung tuần tháng Sáu dao động ở mức 17.500-18.000 đồng/kg, người nuôi đang lỗ từ 3.000-5.000 đồng/kg. Kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 6 tháng đầu năm nay giảm tới 24,5% so với cùng kỳ năm trước do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các thị trường tiêu thụ cá tra lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, EU. Sản lượng cá tra 6 tháng ước tính đạt 644,7 nghìn tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thủy sản khai thác 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1.886,9 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 1.474,7 nghìn tấn, tăng 2%; tôm đạt 75,5 nghìn tấn, giảm 2,3%; thủy sản khác đạt 336,7 nghìn tấn, giảm 0,4%. Thời tiết những tháng đầu năm tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác biển. Khai thác thủy sản biển đang giảm dần khai thác ven bờ, ngư dân tiếp tục lắp đặt thiết bị giám sát hành trình các tàu cá, hướng tới khai thác bền vững và góp phần tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu tiêu thụ hải sản nội địa giảm và hoạt động xuất khẩu cũng khó khăn hơn. Sản lượng thủy sản khai thác biển 6 tháng đạt 1.808 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1.421,6 nghìn tấn, tăng 2,1%; tôm đạt 70,5 nghìn tấn, giảm 0,8%./.